ClockThứ Năm, 16/12/2010 14:49

Người trẻ ăn trầu

TTH - Ký ức trẻ thơ, tôi ghi nhớ rất sâu rằng trầu cau chỉ gắn với người già. Ấy là hình ảnh bà nội vẫn ngồi ở bậc thềm, tay thoăn thoắt nhặt ngô lựa đậu, miệng lại nhỏm nhẻm miếng trầu; là tiếng í ới của mệ cố hàng xóm gọi nhờ chú út xoáy giúp miếng trầu khi con cháu chưa kịp về… Nhưng với người làng Phù Bài (xã Thủy Phù, thị xã Hương Thuỷ), chuyện trầu cau lại không phải của riêng người già.

Người già ăn trầu. Ấy đã là nét văn hoá truyền thống. Với người làng Phù Bài, cái tình ấy không chỉ nồng đượm, chứa chan trong mỗi miếng trầu được bà con mời nhau mà còn là sự thân thiện giữa chủ và khách, cũng là cái tình để kết nối các mối quan hệ làng xóm láng giềng.

Nhà tôi có một giàn trầu. Gần giếng khơi nên quanh năm xanh tốt. Thường, mẹ chẳng hái bán bao giờ. Chỉ khi o hàng trầu ở chợ nhắn lên, mẹ mới hái vài nắm gửi về. Mẹ bảo, ấy là cái lộc của nhà. Mua bán chẳng bao tiền, nhưng luôn sẵn trong vườn để khi mấy nhà quanh xóm ới một tiếng là có ngay thì lại quý. Cái hay, vì trầu cau đã là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người làng, nên việc hàng xóm láng giềng san sẻ, biếu nhau chùm cau, nắm trầu đã là điều thường. Đôi khi, đó còn là thông điệp không lời để hàn gắn những va chạm nho nhỏ giữa các gia đình.

Têm trầu cho chồng
Ở Phù Bài, chuyện người trẻ ăn trầu cũng chưa bao giờ là điều mới. Đến nỗi, nếu ai lỡ ngạc nhiên về điều đó khi đến chơi làng, sẽ bị coi là người… cũ. Năm nay, ba mẹ tôi ngoài 50, nhưng tuổi bắt đầu ăn trầu thì đã lâu lắm rồi. “Khoảng 16-17 chi đó”, ba tôi bảo. Còn mẹ thì “từ hồi theo ba mi”. Nhà tôi, chỉ trừ 2 o em gái vừa qua ngưỡng 20 là chưa ăn cau trầu vì sợ đen răng, còn nữa, từ mệ cố, ba mẹ, anh chị... đều lấy trầu làm vui trong mỗi câu chuyện gia đình. Anh rể vừa qua ngưỡng tuổi băm, mỗi lần ghé nhà, sau tiếng thưa ba mẹ là lục tục vô tìm miếng trầu. Hỏi chuyện, anh còn khoe: “Anh mà đã ăn thua chi. Bạn anh dưới xóm, có mấy người trẻ hơn mà miệng nhai trầu dẻo... thôi rồi”. Chị tôi, thủa con gái không màng đến miếng trầu vì sợ răng úa mất duyên, nhưng từ dạo theo chồng đến nay, chỉ cần nhìn cái cách chị ăn trầu cũng biết trình độ ngoai đã thôi rồi không kém bạn chồng. Chị bảo: “Ngày ngày đi chợ nhớ quả cau miếng trầu cho mệ, lúc đầu chỉ tập ăn vài miếng với mệ vui nhưng riết thành quen. Mùa nắng đôi khi còn ngó lơ được, chớ mùa đông thì không thể”.
Thực tế, người trẻ ở Phù Bài ăn trầu không thường xuyên như người già, nhưng đó là “đầu câu chuyện” để mọi người gần gũi nhau hơn. Tuần rồi, nhà tôi có lễ tạ lăng cho người cô bà chết trẻ. Trời đông lành lạnh. Trong khi người lớn bàn chuyện đại sự nhà trên, thì anh chị em người trẻ chúng tôi lại lau hau nhà dưới với hàng tá chuyện trên trời dưới đất. Đón dĩa trầu mẹ đưa, chồng tôi vừa lấy một miếng cho vào miệng vừa xua tay chú em con o: “Mi đừng ăn, thêm công chúa nữa thì chết”. Chú em tếu táo thưa: “Dạ, anh ăn thế mà còn có thằng cu đầu lòng thì cho em xin một miếng thôi cũng được”. Cả bọn lại cười nghiêng ngả cho cái sự lém lỉnh. Cảm giác gần gũi chi lạ.
Khi tôi đang kể chuyện “Người trẻ ăn trầu” ở làng mình, một đồng nghiệp 7X ngạc nhiên: “Người trẻ mà cũng ăn trầu à? Mình tưởng chỉ có người già”. Chưa kịp san sẻ, thì một đồng nghiệp nam 8X từng trải: “Em ăn hoài ấy chứ gì, chẳng qua không chuyên nghiệp thôi”... Thế là, những người trẻ chúng tôi lại sôi nổi chuyện trầu cau, từ phong tục của người Đài Loan, tập quán người miền Bắc, nét văn hóa của người miền Trung đến 18 thôn Vườn Trầu của miền Đông Nam bộ. Toàn chuyện tận đẩu tận đâu, nhưng vẫn rất lạ, vẻ như không khí đang nồng vị ấm của vôi, cái chát ngọt của cau và chút the the của trầu.
Đồng Văn
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mênh mang những mùa vàng

Nắng chiều những ngày tháng Năm hình như cũng vừa đủ để vương vấn trong sắc màu của mùa hoa vàng rải đều trên bầu trời giữa hai bờ nam – bắc, dọc những công viên nối dài các cung đường hai bên sông Hương. Tranh thủ một chút mỗi ngày trên những góc đường đi bộ, sắc màu của Huế vời vợi trong mắt, khiến lòng người tất bật thường ngày đó, cũng thành thênh thang như kẻ bị lạc vào cõi riêng của mình. Ngước mắt nhìn cây hoàng hậu vàng, tự bao giờ lẳng lặng thả từng chùm rực rỡ thanh mảnh mà thao thức, xao xuyến như ngày tuổi trẻ mơ mộng ở những cung đường, tuyến phố như Nguyễn Lương Bằng, Kim Long, và Đinh Công Tráng chẳng hạn.

Mênh mang những mùa vàng
Tự lập sớm nhờ làm mẫu ảnh

Với lợi thế về hình thể, nhiều bạn học sinh, sinh viên bén duyên với nghề mẫu ảnh như một công việc làm thêm. Công việc này tuy vất vả, thăng trầm nhưng nếu đặt đúng chỗ vẫn mang lại nhiều giá trị tốt đẹp, giúp người trẻ trưởng thành, hoàn thiện bản thân.

Tự lập sớm nhờ làm mẫu ảnh
“Hũ gạo tình thương” lan tỏa những điều tốt đẹp

Mang lời dạy “sẻ cơm nhường áo” của Bác Hồ với phong trào “Hũ gạo tình thương” năm xưa, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Giang Hải, huyện Phú Lộc đã vận dụng thiết thực và hiệu quả vào đời sống ngày nay, góp phần tiếp sức, nâng bước những học sinh nghèo đến trường.

“Hũ gạo tình thương” lan tỏa những điều tốt đẹp
Hai cao niên hiến đất tiền tỷ xây trường, mở đường

Ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, ông Trần Đình Tín (85 tuổi), thôn Nhất Tây, xã Điền Lộc và Nguyễn Bá Hùng (75 tuổi), thôn Hiền An 2, xã Phong Xuân, huyện Phong Điền đã hiến nhiều diện tích đất ở để xây trường, mở đường.

Hai cao niên hiến đất tiền tỷ xây trường, mở đường
Báo động tình trạng hút thuốc lá điện tử ở nữ giới

Mặc dù tác hại của thuốc lá điện tử (TLĐT) đã được cảnh báo, tuyên truyền rộng rãi, song ngày càng nhiều phụ nữ, đặc biệt là nữ giới trong độ tuổi từ 15 đến 27 vẫn thản nhiên cho rằng, hút TLĐT là một cách thể hiện sự thời thượng, đẳng cấp của giới trẻ hiện đại(!)...

Báo động tình trạng hút thuốc lá điện tử ở nữ giới
Return to top