ClockChủ Nhật, 21/07/2019 06:39

Ăn nhưng phải đẹp

TTH - Nắng. Mấy vạt nắng to, nhỏ cứ thay nhau tạt vào mặt, hay xuyên qua khe hở trên vải vóc rồi òa vào người. Với thời tiết ương dở, dành nhiều thời gian lựa chọn món này, món kia không phải là điều thường thấy nữa.

Thiên nga trên tách cà phê

Chè là món ăn yêu thích của nhiều người trong thời tiết nắng nóng. Ảnh: HẠ AN

Nói là vậy, bởi bé em ở nhà, bởi tôi và rất nhiều người nữa vẫn thường xuyên order, hoặc tranh thủ, hay cố tình “lội nắng” tìm mua thứ gì mát lạnh giải khát cho hợp thời, hợp vị. Những lựa chọn lúc này không thấy thịt nướng, hay mì cay nằm đâu, nhìn ngang, ngó dọc cũng chỉ thấy trà tắc, trà sữa, trà sen hay chè các loại.

Vẫn cứ là tuổi trẻ ham của lạ, nhưng ở cái lứa của tôi ngày trước, cái gì ngon, mà rẻ, hoặc chỉ hơi ngon, nhưng đặc biệt phải rẻ là đều được nhắc tới, nhắc lui và nhiều người ưa chuộng. Rồi đến sau này, có vẻ hầu bao nhiều bạn đã đôi phần dày dặn, nên thú vui ăn uống lúc này cũng được chọn lọc và nâng cấp hơn nhiều chút. Những món quá rẻ, nhưng đậm mùi hóa chất lúc này thôi không thịnh hành như thời hoàng kim nữa. Điển hình là nhiều quán trà sữa nhà làm mở ra, dù chưa biết thành phần là thế nào, nhưng không gia giảm được lượng đường như yêu cầu của khách, tức nhiều khả năng đồ uống đã pha sẵn với đường hóa học, thế là thưa người. Thành ra dù có cố triển khai khuyến mãi, tặng kèm cũng khó mà vớt vát.

Giới trẻ thích thú với các món chè ngon nhưng phải ít ngọt. Ảnh: PIANO NGUYỄN

Ngày trà sữa bắt đầu giảm nhiệt, các món chè giải khát nhờ đó mà đạp đà tiến lên. Ngoài mấy quán nổi tiếng và đông nghịt như chè hẻm Hùng Vương, chè cầm Đập Đá... nhiều người vẫn sẵn sàng đi một đoạn rất xa, và rẽ nhiều khúc rất sâu gần Cồn Hến để thưởng cho được ly chè đậu ít ngọt của hàng chè ông Lạc, bất chấp việc dự trù có thể sẽ phải lui tới nhiều lần do lắm hôm mới 6h chiều nồi chè đã cạn đáy. Cao cấp hơn, với mạng lưới bán hàng Online phủ sóng mọi lúc mọi nơi, giờ nhiều bạn chỉ cần ở nhà, hăng hái book sản phẩm là chè dưỡng nhan được ship đến tận cửa. Khi mới cầm chè trên tay, dù chưa biết có tác dụng làm đẹp thật hay không, nhưng chỉ cần không phải hành mình dưới nắng, mà vẫn được ăn ngon là tâm trạng đã đủ vui mừng, da dẻ nhờ đó cũng tự khắc thăng hạng. Hai chữ “dưỡng nhan” bởi vậy mà phát huy đôi phần công dụng.

Oằn mình trong thế giới mà nhắm mắt bên trái thấy chân gà vài chục năm, nheo mắt bên phải là bột trà sữa vài chục nghìn pha được cả hàng chục lít, cộng thêm kinh nghiệm “mấy chục nồi bánh chưng” nếm chè hết quán này đến quán khác, kỳ thực là nếu không phải là chè của gia đình tự nấu, tôi khó lòng mà tin được về cụm chữ “chè chỗ ni ngọt vừa đó” của bé em và mấy nhỏ bạn vẫn thường xuyên rủ rỉ và mời mọc. Nhưng sau vài lần tới lui vô ích, tôi cũng nếm được ly chè ngọt vừa rồi gục gặc đồng ý chắc chè này không đường hóa học thật. Với giá thành chỉ khoảng 8.000 đồng/ly và chỉ gói gọn trong 2 lựa chọn hoặc chè đậu đỏ, hoặc chè trái cây, tìm đâu ra món ngon ngày hè như thế này nữa.

Đến cái tuổi chú ý nhan sắc nhiều hơn, lại vừa hay loại hình ăn uống để đẹp lên cũng bắt đầu nổi trội, chè dưỡng nhan là một trong những món ăn vặt, giải khát được nhiều người lựa chọn nhất. Cũng là chè, nhưng nhiều người kháo nhau ăn để đẹp nên giá cũng phân tầng ngang ngửa. Trong lúc một ly chè chỉ tầm 10.000 đồng đổ lui, 100ml chè dưỡng nhan, đong ra chắc cũng được một tô đầy cũng phải lọt túi 30.000 đồng/phần, và phía bán cũng chỉ nhận ship từ 2 chai đổ tới. Giải thích về mức giá này, chị Lê Khanh, chủ buôn chè cho biết: “Chè giá cao bởi mọi nguyên liệu đều là hàng cao cấp. Tuyết yến, kỷ tử, táo đỏ tân cương, hạt chia... đều có giá khá chát. Trong đó tuyết yến, bồ mễ, nhựa đào là mắc nhất, tầm cả vài triệu/cân. Với mức giá này, bán để vừa tạo uy tín và lấy lời là rất khó. Món này cũng khá mới ở Huế, nên dù mỗi ngày có thể bán ra tầm 60 – 70 chai, chị cũng chỉ làm và bán để chia sẻ cùng mọi người”.  Tôi nghe kỹ lắm, nhưng không rõ những thành phần này là gì, chỉ ngom tên gọi có vẻ quen quen như nhiều loại hoa, lá, cây cỏ sấy khô trong mấy gói thuốc ngày xưa ngoại thường hầm trong om đất rồi uống dần cho bổ. Vì thành phần có vẻ xịn, nên dù có thực sự hiểu tuyết yến là gì hay không, thì tôi và rất nhiều chị, em, cô dì vẫn sẵn sàng mỗi 2-3 ngày lại rút hầu bao để trải nghiệm. Hồi chỉ đủ tiêu, những combo biết đến chỉ là “ngon, rẻ, không bổ”, “bổ, rẻ không ngon”. Giờ đầy đủ hơn chút nên “ngon, bổ không rẻ” không còn là chuyện mai tính xa vời nữa.

Dù nằm hai phân khúc khác nhau, nhưng điểm chung của các loại chè ưa thích bây giờ đều là không ngọt. Những thứ có thẻ gia giảm lượng đường ngày trước chỉ thấy trong các tiệm trà sữa to, với giá mỗi ly khoảng 40.000 đồng – 50.000 đồng hoặc cao hơn, giờ được nhân ra thành nhiều món khác. Thực khách nghe gia giảm vị được là sướng mê và an tâm liền, thành ra trào lưu ăn ngon và bổ ra đời lúc nào không biết.

Hôm nay trời lại trở, nửa nóng, nửa lạnh. Cái tuổi chập cheng cũng lại nửa thèm ngọt, nửa ưa lạt. Thế là quay quắt một hồi, chuông điện thoại lại ting ting báo: “Dạ, 2 chai, “lại” ít ngọt em đã nhớ rồi”...

HẠ AN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trứng lộn um bầu

Có một món ăn tôi biết đến đã lâu nhưng chưa có dịp thưởng thức, một phần cũng bởi vì tên gọi không quá hấp dẫn “trứng lộn um bầu”, “trứng lộn xào me” hay “gỏi trứng lộn” có vẻ không kích thích được vị giác của tôi. Vậy nhưng, đến khi biết đây là một món ăn gốc Huế, tôi không ngần ngại mà phải thử ngay.

Trứng lộn um bầu
Lan tỏa giá trị sống bằng tình yêu ẩm thực

Đứng lớp dạy nấu ăn cho những người yếu thế trong xã hội, hay khi hướng dẫn cho các chuyên gia tìm hiểu về ẩm thực Huế, chị Lê Thị Thanh Hương (TP. Huế) luôn làm việc bằng một tình yêu say mê với ẩm thực. Không chỉ tận tâm giúp những người có hoàn cảnh thay đổi chất lượng cuộc sống, chị Hương còn tích cực lan tỏa văn hóa ẩm thực của quê hương đến với bạn bè quốc tế.

Lan tỏa giá trị sống bằng tình yêu ẩm thực
Lưu truyền văn hóa ẩm thực qua bữa cơm gia đình người Huế

Có nhiều cách để có thể góp phần kế thừa và phát huy văn hóa ẩm thực Huế, trong đó, việc mỗi gia đình giáo dục cho các thế hệ sau những giá trị truyền thống nói chung, nét đẹp trong văn hóa ẩm thực Huế nói riêng là cách cần được quan tâm.

Lưu truyền văn hóa ẩm thực qua bữa cơm gia đình người Huế
Cơ hội quảng bá ẩm thực Huế

Là điểm nhấn ý nghĩa thu hút du khách và người dân dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, không gian trải nghiệm ẩm thực, thơ, áo dài trong khuôn khổ Tuần lễ ẩm thực truyền thống Huế 2024 tại Công viên Thương Bạc diễn ra từ ngày 27/4- 1/5 đã mang đến một địa điểm vui chơi, trải nghiệm và thưởng thức ẩm thực các vùng miền trong cả nước, tạo nên không khí sôi động, nhộn nhịp cho kỳ nghỉ lễ dài.

Cơ hội quảng bá ẩm thực Huế
Return to top