Sớm. Nghe như có tiếng gọi mùa xuân vọng về từ cõi cao xanh. Nơi ấy, có màu cỏ non xanh trải rộng trên thênh thang núi đồi hiền hòa hệt như trong câu chuyện cụ Nguyễn Tiên Điền hằng kể. Miền cỏ thơm ngoại ô thành phố Huế đang ngào ngạt thức đợi người.
...Tôi lên đến cầu Hữu Trạch khi sông Hương vừa thức dậy trong làn sương mỏng manh, đủ để trông thấy những chiếc thuyền nhỏ như lá tre của người dân đang ẩn hiện xa xa. Núi đồi khi ấy mơ màng yên ả trôi trong bầu trời lam nhạt thân thuộc. Thật tốt lành khi được thả mình giữa trong xanh của buổi sớm mùa xuân miền trung du hiền hoà, thơ mộng. Con trai tôi mở hết cỡ cửa sổ. Xe đi mà như trôi qua những làng xóm xanh mát, thơm ngát hương thanh trà, đang mùa rộ hoa. Những cánh hoa trắng nhuỵ vàng sau những rộn rã huy hoàng, rải đầy mặt đất, đậu trên vầng cỏ non xanh tạo nên những chiếc thảm hoa thơm náo nức. Tiếng rù rì của những cánh ong bay. Tiếng chim chuyền gọi bạn. Nắng thơm. Hương mùa xuân quá đỗi dịu dàng.
Tôi có chút ngỡ ngàng khi bắt gặp nhiều cụ già chống gậy vui vẻ ngắm trời, trò chuyện rôm rả bên những triền hoa thanh trà nở trắng lối đi. Niềm vui tự nhiên trên gương mặt họ khiến tôi nhận ra cuộc sống phố thị của những người già trong thành phố khép kín, nhàm chán đến không ngờ.
Chợ mỏng tang, họp ngay bên đường, những cá tôm từ sông Hương vừa được người kẻ chài đánh lên, nhảy long tong trong rổ. Những mớ rau xanh, mớ khoai môn cũng như còn thơm đất vườn đồi. Có cảm giác một loáng thôi chợ sẽ tan hết. Đường vắng, không nhìn thấy người, chỉ ẩn hiện những nếp nhà xưa nho nhỏ dưới tầng cây xanh. Con đường mòn vắt qua những mảnh ruộng lúa xanh ngời trong thung lũng, men theo những triền đồi thoai thoải, quanh quanh rồi mất hút trong yên lặng xanh. Không khí trong veo. Tôi hít thở, lồng ngực chỉ muốn thu hết những thênh thang trong lành.
Và, khi tất cả vừa lùi lại phía sau, con đường phía trước dẫn lên lăng Gia Long mở ra, đẹp hút hồn. Bắt đầu là những đồi thông thoai thoải, mênh mang trong ánh thiều quang. Những rừng thông xanh trầm tĩnh, an nhiên soi bóng xuống những mặt hồ tĩnh lặng như những chiếc gương u huyền, thăm thẳm.
Tôi rón rén nhẹ bước, sợ làm kinh động những loài chim núi.
Lá mùa trước rụng rơi đầy dưới chân cổ thụ ven đường nhưng trên cao lộc biếc chen hoa nở đầy. Hình như là hoa nhãn, trông cứ như những núi hoa. Vun đầy.
Giá có thể vẽ được những tiếng chim giữa ban mai này. Tôi đứng ngây người, quên cả việc mở máy ghi âm.
“Đất là nơi chim về...”, nơi đất thiêng vẫn hằng như thế.
Khi tôi vừa bước lên những bậc thềm, nơi lưng rồng đá lượn như sóng, bỗng thảng thốt vì thêm những tiếng chim kêu rất lạ, làm tan loãng cả không gian cô tịch. Ngẩng lên, thấy bầy chim én đã lượn quanh vòng quanh mái đền, đẹp như một bài cổ thi.
Lăng Gia Long, sau một năm phục chế, đã hiển hiện trước mắt tôi: gần gũi mà cao vợi, thiêng liêng. Tôi yêu quý chốn này, vì từ thiên nhiên đến kiến trúc, có thể nhận được rất nhiều lời gửi sâu sắc của tiền nhân.
Người dạy ta về lòng thủy chung, son sắt, nghĩa vợ tình chồng tát cạn được Biển Đông. Người dạy ta cách thương yêu gia đình, yêu thiên nhiên, làng cảnh quê hương, yêu giang sơn hùng vĩ. Và sống thế nào là sống một cuộc đời Hiếu Trung.
Con cháu của Người phải mất công, trăn trở mãi để chọn loài hoa nào là Quốc hoa. Chắc chắn, nếu đến chốn đây sớm hơn, nhìn những lá sen xanh bật lên những lá đầu tiên trên mặt hồ yên tĩnh sau suốt cả mùa đông dài mưa gió, lạnh giá của xứ sở, thấm bằng hết cái sức sống mãnh liệt, khả năng tiềm ẩn của loài hoa bất tử này, chắc chắn sẽ tìm ra đáp án sớm nhất, đúng nhất. Cũng không phải chỉ là niềm kiêu hãnh “Gần bùn mà chẳng hôi tạnh mùi bùn”, mà còn học được cách đi qua gian khó, vượt lên gian khổ. Cách vươn về ánh sáng từ những tàn tro nghiệt ngã của đời sống. Cách trao tặng, dâng hiến và sinh sôi...
Cũng sớm nay, như một cơ duyên, tôi gặp được hậu duệ của người anh hùng Nguyễn Tri Phương. Họ là chắt nội của người anh hùng. Họ nói với tôi về làng Chí Long, về nhà thờ mang tên Trung Hiếu. Người đàn ông râu tóc đã bạc trắng tâm sự với tôi bằng giọng chân tình sâu lắng:
- Tháng giêng nào tôi cũng đến đây. Năm trước bị ốm không đến được, tôi thấy lòng chộn rộn không yên. Năm nay, tôi đến được rồi. Tôi kính trọng đại nghiệp của Ngài. Yêu quý niên hiệu Gia Long, tên nước Việt Nam!
- Dạ, có thấu hiểu mới càng thêm biết ơn, thêm yêu quý, gắn bó.
Sau chúng tôi, từng đoàn xe vừa vào đến. Họ là những người trẻ, sang trọng, lịch lãm mà tôi vẫn gặp ở đây, trong mùa chim én bay...
Hẳn rằng, những người trẻ hôm nay đã về cõi Gia Long nhanh hơn, sớm hơn, không vòng vèo như thế hệ chúng tôi.
Đó cũng là phúc ấm.
Triền Thảo