ClockThứ Hai, 05/02/2024 08:57

Tết sum vầy nơi đầu sóng

TTH - Những món quà tết đã vượt sóng đến quần đảo Trường Sa, lá chắn tiền tiêu của Tổ quốc, nối tình cảm ấm nồng của đất liền, để mùa xuân giữa trùng khơi nối với mùa xuân đất nước.

10 năm “Tết sum vầy” cùng người lao độngMang tết vui, tết ấm đến với những gia đình chính sách và yếu thếĐể người lao động ai cũng có tếtChia sẻ với lao động khó khăn dịp Tết đến, xuân vềHỗ trợ xây nhà, tặng 600 suất qùa tết cho lao động có hoàn cảnh khó khăn

Quân dân đảo Trường Sa vui gói bánh chưng 

Vượt sóng mang tết đến Trường Sa

Mờ sáng, tiếng loa vang lên thông báo sắp cập cảng đảo Trường Sa. Giây phút trước còn nằm bẹp bởi những cơn say sóng vật vã, ai nấy bật dậy, tập trung lên mạn tàu hướng về hòn đảo mà tên gọi lúc nào cũng thiêng liêng trong trái tim người Việt, dần hiện ra xanh tươi, sừng sững bên chân sóng. Con tàu 561, Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân vừa thực hiện hải trình 250 hải lý (tương đương 500km) suốt 2 ngày 1 đêm trong sóng to gió lớn, đưa đoàn công tác do Đại tá Lê Đình Hải, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146, làm trưởng đoàn cùng phóng viên báo, đài trên mọi miền đất nước, mang quà tết ra trao tặng, thăm và chúc tết cán bộ, chiến sĩ (CBCS), Nhân dân đang thực hiện nhiệm vụ, sinh sống tại quần đảo Trường Sa.

Lời dặn dò của Đại tá Nguyễn Hữu Minh, Phó Chính ủy Vùng 4 Hải quân, cũng là tâm huyết của mỗi người lính, mỗi thành viên đoàn công tác, cuộc hành quân này vô cùng đặc biệt - chở mùa xuân ấm áp, tấm lòng, tình cảm của đất liền ra Trường Sa, điểm tiền tiêu bảo vệ Tổ quốc, đồng thời mang theo về và tỏa lan niềm tin vững chãi từ đảo xa. Dù sóng gió cấp 9-10, liên tục chao đảo mạnh, nhưng con tàu vẫn lựa sóng, lựa gió, vững vàng tiến về phía đồng đội và Nhân dân đang ngày đêm kiên cường làm cột mốc sống giữa trùng khơi. Những chậu cây quất lúc lỉu trái vàng, những thùng quà tết gói bọc kỹ lưỡng, được CBCS nâng niu suốt hải trình vượt sóng gió.

Ai cũng bảo, ra Trường Sa mùa này vất vả. Đến các đảo Đá Đông, Đá Tây, An Bang…, càng thấm thía sự gian nan lúc di chuyển người và hàng hóa xuống ca nô hoặc xuồng nhỏ để vào đảo. Đại úy Phạm Văn An, thuyền trưởng và Đại úy Hồng Long, Chính trị viên tàu 561, đích thân cùng CBCS làm “hàng rào” bảo vệ, hỗ trợ công tác di chuyển thật an toàn. Những người lính hải quân thà chịu ướt, cũng dùng thân mình che chắn sóng, để quà tết từ đất liền được vẹn nguyên.

 Nâng niu những chậu quất tết trong hải trình vượt sóng

An Bang nổi tiếng quanh năm bốn bề sóng dữ, công tác ra vào đảo khó khăn, nguy hiểm vô cùng. Ngay cả ca nô cũng không thể trực tiếp cập đảo, chỉ có thể dùng dây thừng kéo theo xuồng, gian nan luồn lách qua sóng lớn. Đến gần bờ, dây thừng được tháo ra, ném cho đội xung kích - CBCS An Bang đang dầm mình đợi đón bắt, kéo xuồng lên bãi cát. Sóng xô tứ bề, chiếc xuồng mong manh chao đảo khiến không ít phóng viên lo lắng, sợ hãi. Chị Trần Thị Mỹ Hoa, phóng viên báo Quảng Ngãi trải lòng: “Giây phút mọi người cùng quà tết bình an ở An Bang, mắt Thượng tá Dương Chí Nguyện, Phó Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 146, Phó trưởng đoàn công tác rưng rưng. Cùng trên chiếc xuồng nhỏ đi qua sóng gió hiểm nguy, tôi xúc động hiểu rằng đó là niềm hạnh phúc to lớn, khi các anh hoàn thành tốt sứ mệnh, mang những món quà tết đến Trường Sa, nối tình cảm ấm nồng của hậu phương, đất liền, để mùa xuân giữa trùng khơi nối với mùa xuân đất nước”.

Nhớ, dọc theo hải trình sóng gió, Đại tá Lê Đình Hải và Thượng tá Dương Chí Nguyện nhắc đi nhắc lại những lời tự ruột gan, rằng sự có mặt, động viên của các thành viên đoàn công tác, các phóng viên, chính là “món quà” tết ý nghĩa đối với CBCS, Nhân dân trên đảo. Khi những cái nắm tay thật chặt bên những hàng cây bàng vuông, cây phong ba đang mùa nảy chồi xanh, dường như ngân trong lòng người: “Không xa đâu Trường Sa ơi…”

 Chúc tết, tặng bao lì xì cho chiến sĩ đảo Đá Đông

Xuân yên vui của những “ngôi nhà chung” nơi đầu sóng

Ai một lần vượt muôn trùng sóng, được đến với Trường Sa trong những ngày tết đến xuân về, sẽ có biết bao điều khắc sâu vào ký ức. Mỗi hòn đảo là những ngôi nhà lớn của CBCS hải quân và các lực lượng, cùng Nhân dân đang thực hiện nhiệm vụ giữ chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Mỗi người gác lại nỗi nhớ cha mẹ, gia đình, người thân, để cùng nhau “vun trồng” xuân yên vui của những “ngôi nhà chung” nơi đầu sóng.

Hương xuân trong trẻo, bình yên khi gia đình các hộ dân trên đảo, người lớn, trẻ nhỏ xúng xính áo mới, cùng CBCS vui vẻ đi lễ chùa. Có đầy đủ hoa mai vàng, mứt bánh ngọt ngào…, được trang trí, chuẩn bị công phu tại hội trường lớn của đảo, nơi vị trí trang trọng nhất, dưới ảnh Bác Hồ, người Cha già kính yêu đang nở nụ cười hiền hậu. Trung tá Trần Quang Phú, Chỉ huy trưởng và Trung tá Phạm Tiến Điệp, Chính trị viên đảo Trường Sa luôn bên cạnh khi CBCS và người dân quây quần gói bánh chưng xanh. Ban Chỉ huy đảo Đá Tây còn tổ chức hội thi gói bánh chưng, mà mỗi đội thi ngoài CBCS, người dân, còn có những thành viên “nhí”, là những cháu bé - “mầm xanh” trên đảo.

Điều đặc biệt nơi đây, có những chiếc bánh chưng được gói bằng lá bàng vuông, loài cây có sức sống mãnh liệt, hiên ngang trước muôn ngàn sóng gió, như những “cột mốc xanh” ở Trường Sa. Tiếng vỗ tay rộn ràng cùng những tiếng cười giòn giã trong hội thi gói bánh, trong đêm liên hoan văn nghệ, hái hoa dân chủ, hay xúc động sâu lắng khi nghe Chính trị viên đảo đọc thư chúc tết của Đảng ủy Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân, trước thềm năm mới. Đặc biệt, khi đêm cuối năm đã khuya muộn, Ban Chỉ huy đảo đến với CBCS đang tuần tra, canh gác bên chân sóng, cùng với những lời chúc ấm áp, là những cung bậc cảm xúc đẹp đẽ mà mỗi CBCS mãi mang theo trong hành trang người lính. Để khi có những CBCS rời đảo trở lại đất liền, đều mang theo về tiếng sóng, tiếng gió và tình cảm lưu luyến nặng sâu với Trường Sa.

 “Bản thân tôi và những đồng đội đã hoàn thành nhiệm vụ ở đảo, chuẩn bị vào bờ. Sau 2 năm xa nhà, nay sắp quây quần đón tết cùng gia đình, người thân, tôi rất vui, nhưng cũng bâng khuâng, luyến tiếc. Bởi Trường Sa đã trở thành ngôi nhà thứ hai, nơi tôi cùng đồng chí, đồng đội chia ngọt, sẻ bùi, cống hiến sức trẻ. Chúng tôi vẫn sẽ luôn hướng về biển đảo, hướng về Trường Sa, nơi đồng đội của mình vẫn ngày đêm vững tay súng, bảo vệ bình yên cho Tổ quốc” - Ngô Triều Tiến Quốc, chiến sĩ đảo Trường Sa bày tỏ.

Khi tôi “gõ” những dòng này, là lúc tết đang về trên mọi ngõ phố phường. Chợt nghe trong hương tết, có “hơi thở” của những tán lá bàng vuông, phong ba, mãnh liệt sức sống, “biểu tượng” của Trường Sa, biển đảo tiền tiêu của Tổ quốc, hiên ngang. Có nhắn gửi của những người lính hải quân, các anh luôn vững vàng nơi đầu sóng, để những mùa xuân đất nước mãi yên vui.

Quỳnh Anh
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thận trọng nơi công cộng

Đã có nhiều vụ cướp giật tài sản, trộm cắp ở công viên, nơi công cộng được lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ, xử lý theo quy định của pháp luật. Song, để tình trạng này không tiếp diễn, bản thân mỗi người dân cần chủ động tự bảo vệ tài sản của mình.

Thận trọng nơi công cộng
Thiêng liêng tiếng gọi Trường Sa - Kỳ 2: Điểm tựa nơi đầu sóng

Đồng hành, hỗ trợ ngư dân đi qua những tai ương, hiểm nguy, xây dựng niềm tin yêu, cán bộ chiến sĩ (CBCS) hải quân là điểm tựa vững chắc, để ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển, phát triển kinh tế; chung tay làm “cột mốc sống” giữ gìn biển đảo Trường Sa, giữ gìn chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Thiêng liêng tiếng gọi Trường Sa - Kỳ 2 Điểm tựa nơi đầu sóng
10 năm “Tết sum vầy” cùng người lao động

Vì lý do công việc, điều kiện khác nhau, một số công nhân, lao động (CNLĐ) phải tạm gác lại niềm vui sum vầy ngày tết để mưu sinh, để lo chu toàn nhiệm vụ. Công đoàn với vai trò là người đại diện, là người luôn đồng hành với cuộc sống của người lao động (NLĐ) đã triển khai chương trình “Tết sum vầy”. 10 năm qua, “Tết sum vầy” đã trở thành “thương hiệu” của tổ chức Công đoàn với ý nghĩa nhân văn sâu sắc, nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các cấp công đoàn, đoàn viên, NLĐ và các tổ chức, cá nhân trong xã hội.

10 năm “Tết sum vầy” cùng người lao động
Nơi nghĩa tình đọng lại

Thành phố Huế đang quản lý hơn 3.100 định suất hưởng trợ cấp ưu đãi người có công, với kinh phí chi trả hơn 4,9 tỷ đồng/tháng và hơn 2.000 gia đình liệt sĩ được hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sĩ nên công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo đời sống cho các gia đình chính sách luôn được quan tâm và đặt lên hàng đầu.

Nơi nghĩa tình đọng lại
Niềm vui nơi biên cương

Đứng chân thực hiện nhiệm vụ xây dựng Khu kinh tế quốc phòng A So, A Lưới, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng (KT-QP) 92, Quân khu 4 chủ động phối hợp với địa phương giúp dân từng bước phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, mang niềm vui cho bà con nơi biên giới.

Niềm vui nơi biên cương

TIN MỚI

Danh mục hộp quà tết 2025 sang trọng, ấn tượng
Return to top