ClockThứ Sáu, 23/06/2017 14:01

Nỗi nhớ

TTH - Vắng tiếng ve là thiếu âm thanh thúc giục của ngày hè. Những cổng trường kép lại, mùa chia tay của cô cậu học trò cuối cấp như thiếu đi một điệu nhạc cổ điển.

Mùa hè, mùa phượng nở và tiếng ve râm ran đã đi vào ký ức bao thế hệ học trò và thơ văn học đường. Vậy mà hè đến năm nay, giàn đồng ca ve sầu sao biến đâu mất, không còn làm thổn thức bao trái tim non. Lạ, không biết nơi đâu nhưng kể từ  ngày lên TP. Huế “gác trọ” hơn 15 năm nay chưa bao giờ thấy vắng tiếng ve như năm này. Tiếng ve vắng trên nhiều con phố mà bao lữ khách từng đến Huế không thể quên, như Lê Lợi, Lê Duẩn, Trần Hưng Đạo, Đoàn Thị Điểm...Mật độ cây xanh đường phố ngày càng nhiều hơn mà sao ve đi đâu? Có người nói nhộng ve làm món ngon nên không sống nổi với những kẻ săn lùng. Vậy nhưng với triệu triệu con ve chẳng lẽ bị bắt hết cả?

Vắng tiếng ve là thiếu âm thanh thúc giục của ngày hè. Những cổng trường kép lại, mùa chia tay của cô cậu học trò cuối cấp như thiếu đi một điệu nhạc cổ điển. Tôi có những buổi chiều lang thang trên các con phố ở đôi bờ sông Hương. Cũng ngồi vào ghế đá công viên rồi nghiệm, mà suy đoán vắng tiếng ve nguyên do là thời tiết bất thường, nắng nóng kéo dài suốt mấy tháng, cũng ít thấy sương mù, ve chắc không sống nổi. Thời tiết, khí hậu và môi trường sống biến đổi không chỉ khiến ve sầu mà còn nhiều giống loài khác nữa dần vắng bóng.

Về thăm quê khi mùa gặt vừa xong, ngồi nghe mấy bác, mấy chú cạnh nhà kể vui về chuyện tát đìa bắt cá. Những con rô đồng, thìa bài, thia mốt bây giờ hiếm lắm. Xưa, ở ao hồ, đồng ruộng có loại cá rô lớn bằng đầu ngón tay trỏ gọi là rô hạt bí, kho với gừng, béo bùi "chết" cơm. Ngoài ra có loại rô to bằng ba ngón tay, đen trùi trũi chúi sát đáy bùn mà bà con quê tôi thường gọi là rô cộ, nướng lửa rơm và dằm nước mắm thơm điếc mũi. Giờ thì các loại cá rô ấy thi thoảng mới gặp, chỉ còn rô phi do sổng từ ao, hồ nuôi ra ruộng, ra đìa rất nhiều.

Một thứ ngon nữa của đồng ruộng hiện có nguy cơ tuyệt tích là ốc bươu đen. Hơn 15 năm trước, giữa đồng quê mùa nào cũng có thể tìm bắt được loại ốc ấy. Chúng bò theo con nước mương, miệng nước ruộng. Chúng bu vào cây năng, cây lát và sống dưới chân cỏ lồng và có mặt hầu khắp đầm, ao. Có con rêu còn bám trên lưng. Vì ốc nhiều nên chỉ một chiều rảo qua mấy cái bàu, ao, hồ cạnh chân ruộng là có thể bắt được một giỏ nặng. Loại này mang về ngâm nước vo gạo chừng một buổi, sau đó chà sạch và hấp sả. Khi chín tới đập ra cuốn vào bánh tráng kèm rau sống chấm nước mắm gừng ớt là khỏi chê. Hoặc, luộc xong lấy ruột xào lăn, hay um với khế, chuối hay làm chả ốc ăn với bún là món khoái khẩu. Ốc bươu đen ăn ngon và bổ, mát không kém gì trứng vịt lộn, lợi cho những người nào hay đau xương khớp...

Bẵng một thời gian dài, giờ tìm ốc bươu đen cực kỳ khó khăn. Còn giống ốc bươu vàng thì không thiếu ở ruộng. Bà con quê tôi ghét loài ốc bươu vàng vì thứ này ăn thì nhớt nhợt và nó sinh sôi rất nhanh. Một con ốc bươu vàng trong mấy tháng đã đẻ ra cả ổ, cứ thế mà cắn phá hết lúa non, làm hại đồng ruộng của nhà nông.

Từ con ve đến con rô, con ốc...những loài gắn với thiên nhiên, hương đồng cỏ nội, ngày mỗi vắng dần để lại cả khoảng trống trong nhịp sống vô thường...

Khánh Quan

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nỗi nhớ giữa ngày đông

Hồi còn thơ bé, tôi thích những ngày đông rét mướt, cơn mưa đôi khi lê thê mấy ngày liền khiến bầu trời ướt sũng.

Nỗi nhớ giữa ngày đông
Nỗi nhớ làng quê trong “Bên sông Ô Lâu”

Tập tản văn “Bên sông Ô Lâu” của nhà báo Phi Tân (công tác tại Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh) vừa được Công ty TNHH Văn hóa & truyền thông Lệ Chi (Chibooks) và NXB Lao Động ấn hành là tác phẩm được Chibooks lựa chọn đưa vào “Tủ sách Văn hóa Việt ra thế giới”, được dịch ra tiếng Trung và tiếng Anh.

Nỗi nhớ làng quê trong “Bên sông Ô Lâu”
Nao nao nỗi nhớ đường làng

Rong ruổi trên những cung đường tấp nập, chiều nay, ngang miền đất lạ, gặp bóng râm cổ thụ ngoại ô thành phố có con đường nhỏ quanh co, bất chợt hình ảnh con đường làng quê tôi thuở ấu thơ lại hiện về.

Nao nao nỗi nhớ đường làng
Họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi & nỗi nhớ quê nhà

Từ Boston, Hoa Kỳ, họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi mang nỗi nhớ quê nhà về Huế tổ chức triển lãm tranh với chủ đề “Ký ức quê nhà” tại Trung tâm Nghệ thuật Điềm Phùng Thị, sau đó là ở phố cổ Hội An.

Họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi  nỗi nhớ quê nhà
Bỗng dưng nhớ Huế

Chỉ là bất chợt đọc thấy câu bình luận trên mạng xã hội của một người chị đồng nghiệp ở đất thần kinh thôi, bỗng dưng nỗi nhớ Huế mộng mơ trỗi dậy. Nhớ lạ lùng, bâng quơ, mà sao thao thiết thế...

Bỗng dưng nhớ Huế
Return to top