ClockThứ Năm, 13/02/2020 13:00

Phú Vang: Nỗ lực trong công tác giải quyết việc làm

TTH - Với 2.800/2.500 lao động được đào tạo nghề, đạt 112% kế hoạch, hơn 80% lao động có việc làm sau đào tạo nghề (năm 2019), Phú Vang là địa phương luôn nỗ lực và thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm, để người dân ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế.

Nhiều việc làm chờ người lao động

Lao động huyện Phú Vang tìm hiểu thông tin tại phiên giao dịch việc làm trên địa bàn

Đào tạo nghề phù hợp

Theo ông Trần Nhơn Mâng, Trưởng phòng Lao động Thương binh & Xã hội huyện Phú Vang: Để làm tốt công tác giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn, các cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở rất chú trọng công tác đào tạo nghề, xem đây là một trong những giải pháp quan trọng để tạo cơ hội cho người lao động tìm kiếm việc làm, có thu nhập ổn định. UBND huyện thường xuyên chỉ đạo các cơ quan, ban ngành liên quan phối hợp UBND các xã, thị trấn trong công tác vận động, tuyên truyền về các chế độ chính sách hỗ trợ của Nhà nước; rà soát nhu cầu học nghề, nhu cầu việc làm của người lao động để phối hợp với các đơn vị dạy nghề, các doanh nghiệp tuyển dụng lao động tổ chức đào tạo các ngành nghề phù hợp, tạo hiệu quả, thiết thực trong công tác giải quyết việc làm sau đào tạo.

“Địa phương có lợi thế về đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, dịch vụ du lịch biển, đầm phá, cho nên chúng tôi chú trọng đào tạo các ngành nghề phù hợp như: cơ khí máy nổ, đào tạo thuyền trưởng, chế biến món ăn..., để các ngành nghề nêu trên phát triển bền vững, có hiệu quả hơn. Như các chị Lê Thị Tuyết, Nguyễn Thị Phượng (thị trấn Thuận An) sau được đào tạo nghề chế biến món ăn, đã mở nhà hàng ăn uống trên địa bàn, phục vụ khách du lịch, kinh tế ngày càng phát triển”, ông Trần Nhơn Mâng nói.

Ngoài ra, Phú Vang có khu công nghiệp Phú Đa đóng trên địa bàn thị trấn Phú Đa, là một thuận lợi lớn trong giải quyết việc việc làm cho người lao động địa phương. Hàng trăm lao động của thị trấn Phú Đa và các xã lân cận được tuyển dụng, có công ăn việc làm, thu nhập ổn định. Người lao động ở các xã xa khu công nghiệp như Vinh An, Vinh Thanh, Phú Diên sau khi học nghề đan lát ghế nhựa xuất khẩu, đã thành lập tổ, đến nhận hàng về gia công tại nhà, vừa thuận tiện đỡ “khâu” đi lại, đồng thời tận dụng được lao động nhàn rỗi và tăng thu nhập.

“Mũi nhọn” xuất khẩu lao động

Phú Gia là xã thuộc diện còn nhiều khó khăn của huyện, người dân chủ yếu sinh sống bằng nghề làm ruộng, làm thuê. Vậy nên xuất khẩu lao động là lựa chọn của rất nhiều lao động trên địa bàn xã. Thuộc diện hộ nghèo, chị Đào Thị Tiệp quyết định xuất khẩu lao động. Sau 5 năm lao động ở Hàn Quốc, chị Tiệp trở về với số vốn hơn 1 tỷ đồng, từ đó phát triển kinh doanh. “Bây giờ, gia đình chị Tiệp không những thoát nghèo mà vươn lên làm giàu bền vững. Tại địa phương, hàng chục hộ cũng vươn lên làm giàu bền vững bắt đầu bằng số vốn tích lũy được từ xuất khẩu lao động. Năm 2019, có 26 lao động xuất khẩu sang Nhật Bản và Hàn Quốc. Những năm trước, trung bình mỗi năm có  hơn 20 lao động xuất khẩu ra nước ngoài làm việc” -  ông Đỗ Viết Tư, Chủ tịch UBND xã Phú Gia cho biết.

Theo ông Trần Nhơn Mâng, Phú Vang luôn là một trong các địa phương có số lượng xuất khẩu lao động lớn nhất trên toàn tỉnh. Năm 2019 có 305/150 lao động đi xuất khẩu lao động chủ yếu tại các nước Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc…, đạt 203% so với kế hoạch. Bởi huyện xác định, công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là cách giải quyết việc làm, tạo thu nhập cao và nhanh, đồng thời cải thiện kỹ năng, tác phong nghề nghiệp của người lao động, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Phòng Lao động - Thương binh & Xã hội đã phối hợp các ban, ngành, đoàn thể cấp huyện, UBND các xã, thị trấn và các doanh nghiệp tuyển dụng xuất khẩu lao động thường xuyên, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các chương trình, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, của doanh nghiệp, để người lao động được tiếp cận thông tin. Trên cơ sở đó, cùng với thực tế người lao động làm việc ở nước ngoài tích lũy được vốn, phát triển kinh tế, nhận thức về ý nghĩa, hiệu quả của xuất khẩu lao động nâng cao. Xuất khẩu lao động là “con đường” được nhiều lao động trên địa bàn lựa chọn.

Bài, ảnh: Quỳnh Anh

ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đối thoại với 300 công nhân lao động về các chính sách xã hội

Chiều 15/5, Liên đoàn Lao động huyện Phú Vang phối hợp Công đoàn Khu kinh tế Công nghiệp (KTCN) tỉnh tổ chức hội nghị “Đối thoại Tháng 5” với công nhân lao động trên địa bàn huyện Phú Vang. 300 đoàn viên công đoàn, công nhân lao động trên địa bàn huyện tham gia.

Đối thoại với 300 công nhân lao động về các chính sách xã hội
Phú Vang:
Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 1,9 %

Chiều 9/5,Ban chỉ đạo (BCĐ) giảm nghèo bền vững (GNBV) huyện Phú Vang tổ chức hội nghị đánh giá tình hình thực hiện công tác giảm nghèo trong thời gian qua, việc giải ngân vốn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia GNBV và triển khai một số nhiệm vụ trong thời gian tới.

Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 1,9

TIN MỚI

Return to top