Người dân Xuân Lộc - Phú Lộc mưu sinh bằng nghề bóc vỏ keo tràm
Ghi nhận từ Lộc Trì
Qua một thời gian phấn đấu, tháng 7/2019, “xã bãi ngang” Lộc Trì được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Không còn được Nhà nước hỗ trợ kinh phí để tham gia BHYT theo chính sách của “xã bãi ngang” nữa, đến tháng 12/2019, xã Lộc Trì giảm 3.141 thẻ BHYT. Năm 2020 này, xã Lộc Trì có đến 7.769 thẻ BHYT hết hạn.
Chuẩn bị cho một nhóm đối tượng phải mua thẻ BHYT từ tháng 1/2020, các đại lý thu của xã Lộc Trì đã thông báo trên loa truyền thanh địa phương. Nhân viên đại lý còn ra tận đầm Cầu Hai từ sớm để vận động. Không chỉ tuyên truyền mua mà còn là vấn đề cần mua đúng thời hạn để không bị “lủng” thẻ BHYT. Từ tháng 7/2019 đến cuối năm 2019, xã Lộc Trì mở 2 hội nghị cấp xã dành cho cán bộ chủ chốt và 1 hội nghị ở thôn Đông Lưu, có sự tham gia của một số người dân vùng lân cận, để tuyên truyền, tư vấn và vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT.
Xã Lộc Trì có đến 1/3 dân số địa phương đi làm ăn xa, chủ yếu là vào TP. Hồ Chí Minh và đánh bắt xa bờ theo đội tàu tại TP. Hải Phòng. Việc vận động các trường hợp này tham gia BHYT gặp khó khăn. Ngoài ra, một số hộ dân có đời sống kinh tế vẫn chưa ổn định, chưa mạnh dạn chi tiền tham gia mua BHYT. Chị Hồ Thị Xuân, nhân viên đại lý thu BHYT Lộc Trì, cho hay: “Khi chỉ còn vài 3 tháng nữa phải mua lại thẻ BHYT, chúng tôi đã phải bám dân để tuyên truyền. Thậm chí, chúng tôi chia thành nhiều gói nhỏ, người dân có thể trả dần để nhiều người được hưởng chính sách miễn giảm, lại dễ tham gia”.
Với hộ cận nghèo, xã tích cực vận động, không chỉ từ các cuộc họp thôn mà các nhân viên đại lý thu còn “tỉ tê” ngay tại hộ gia đình. Chúng tôi được biết, một số hộ cận nghèo sau khi được tuyên truyền, vận động rất muốn tham gia, nhưng kinh tế eo hẹp. Lúc ấy, các đại lý thu đã sẵn sàng bỏ tiền để hỗ trợ. Sau này, chính các hộ dân ấy lại tìm đến đại lý thu để trả lại tiền. Cũng từ đó, họ gắn bó với BHYT hơn.
Vượt qua tâm lý ỷ lại
Ra khỏi danh sách “xã bãi ngang” từ năm 2015 khi được công nhận nông thôn mới, một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà xã Vinh Hưng tập trung là xây dựng và củng cố đội ngũ nhân viên đại lý thu BHXH. Cùng với Bưu điện và BHXH huyện, những năm qua, xã tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền, vận động và tư vấn với sự tham gia của từ 60 - 80 khách hàng trong một hội nghị. Nhân viên đại lý thu xã Vinh Hưng cũng về từng nhà dân để vận động bà con mua thẻ BHYT. Tỷ lệ tham gia BHYT hộ gia đình của xã Vinh Hưng nhờ vậy đạt mức trên 96%.
Theo Quyết định số 1722/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, vào thời điểm năm 2016, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 27 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển. Riêng huyện Phú Lộc còn các xã: Lộc Trì, Lộc Bình, Vinh Mỹ, Giang Hải (Vinh Giang và Vinh Hải), Lộc Trì, Vinh Hiền và Lộc Vĩnh thuộc vùng bãi ngang. Trước Lộc Trì tròn đúng 1 năm (năm 2018), xã Vinh Hiền sau khi được công nhận nông thôn mới cũng đã thoát ra khỏi danh sách các “xã bãi ngang”. Và cũng như Lộc Trì, thời gian đầu, họ đã phải đối mặt với tình trạng giảm thẻ BHYT và đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho số người tham gia BHYT toàn huyện Phú Lộc năm 2019 đạt mức 98,81% (giảm 2% so với năm 2018).
Giúp người dân vượt qua tâm lý trông chờ và ỷ lại vào sự bao cấp của Nhà nước, trách nhiệm lớn lớn thuộc về cấp ủy và chính quyền các địa phương. Thực tế ở các xã vừa ra khỏi “xã bãi ngang” tại Phú Lộc cho thấy, chỉ tiêu về phát triển BHYT đã được xác định rõ trong nghị quyết của các cấp ủy Đảng, Hội đồng Nhân dân và kế hoạch kinh tế - xã hội hằng năm của UBND xã. Cả hệ thống chính trị của các địa phương đã được huy động một cách nhịp nhàng và đồng bộ vào công việc có ý nghĩa nhân văn sâu sắc này.
Hệ thống khám chữa bệnh từ tuyến xã đến huyện thời gian qua được nâng cao chất lượng. Các trạm y tế các xã vừa thoát ra bãi ngang ở Phú Lộc đã có bác sĩ phục vụ công tác khám chữa bệnh 100%. Chính thái độ phục vụ tận tình của đội ngũ y, bác sĩ và điều kiện chăm sóc sức khỏe tốt ở ngay tuyến cơ sở giúp người dân tự tin khi tiếp cận với các dịch vụ y tế và tự nguyện đến với tấm thẻ BHYT.
Hiểu rõ giá trị tấm thẻ BHYT
Giữa năm 2020, Hội đồng thẩm định xét công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới tỉnh đã họp thông qua hồ sơ thẩm định xét công nhận xã đạt chuẩn của Vinh Mỹ. Trong tương lai không xa, các xã còn lại của huyện Phú Lộc cũng sẽ ra khỏi danh sách “xã bãi ngang”.
Từ bài học rút ra tại các xã được công nhận thoát ra khỏi “xã bãi ngang” ở Phú Lộc, ông Nguyễn Vinh, Giám đốc BHXH huyện cho rằng, để người dân được bao cấp trước đó tự nguyện bỏ tiền mua, công tác tuyên truyền và vận động phải linh động và phù hợp, giúp người dân hiểu rõ giá trị lớn của tấm thẻ BHYT trong cuộc sống của chính họ; cần đặc biệt chú ý đến đối tượng hộ cận nghèo chiếm một tỷ lệ khá lớn; kịp thời tổ chức và phát huy tốt vai trò chủ động, tích cực của đội ngũ nhân viên đại lý thu tại các xã.
Thực tế là, không có cách vận động nào hiệu quả hơn là giúp người dân thấy rõ việc không mua thẻ BHYT sẽ khó khăn vô cùng khi nằm viện; thậm chí, phải bán nhà để chữa bệnh. Người dân các xã từng một thời là “xã bãi ngang”, được sở hữu tấm thẻ BHYT miễn phí, hiểu rõ sâu sắc và thấm thía điều này.
Bài, ảnh: Đan Duy