ClockThứ Năm, 28/06/2018 06:45

Gắn kết yêu thương

TTH - Ngày Gia đình Việt Nam (28/6) năm nay tiếp nối chủ đề “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương”, như lời nhắn nhủ mỗi người cần trân trọng hơn những giây phút sum họp đầm ấm bên gia đình.

9 gia đình tiêu biểu tham gia hội thi “Gia đình hạnh phúc”Ngày hội "Gia đình hạnh phúc"

Hội thi “Gia đình hạnh phúc” năm 2018 do Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức truyền tải thông điệp về giá trị của bữa cơm gia đình

Sum họp

Công việc của một giám đốc công ty xây dựng khá bận rộn, nhưng anh Hà Văn Trung (phường Trường An, TP. Huế) luôn dành thời gian về nhà ăn tối cùng vợ con. Thói quen này được anh duy trì từ ngày lập gia đình, đến nay cũng đã mười mấy năm. Con đi học bán trú, anh thường phải đi kiểm tra công trình không về được, trưa nào chị Nguyễn Thị Lan - vợ anh cũng ăn qua quýt cho xong bữa. Vì thế, với gia đình anh Trung – chị Lan, bữa cơm tối là thời gian cả nhà được quây quần bên nhau nên họ luôn thu xếp công việc để duy trì.

Anh Trung chia sẻ: “Dù bận rộn bao nhiêu, tôi cũng cố gắng thu xếp về ăn cơm cùng gia đình. Bởi, chỉ đến buổi tối cả nhà mới quây quần bên bàn ăn chuyện trò hàn huyên, nhất là hỏi han việc học tập hàng ngày của con, những chuyện vui buồn của tuổi học trò để chia sẻ, tư vấn. Hai đứa con trai đang tuổi lớn nên rất cần sự quan tâm kịp thời của bố mẹ. Nếu không có những phút sum họp quanh mâm cơm thì chẳng còn lúc nào gặp đủ mặt nhau để chuyện trò”.

Đến giờ cơm, ngôi nhà của đôi vợ chồng trẻ Nguyễn Thị Kiều Loan và Võ Xuân Anh (thị xã Hương Thủy) luôn rộn vang tiếng cười. Bữa cơm sum họp của gia đình anh chị lúc nào cũng đầy đủ các thành viên: Ông bà, bố mẹ và các con nên ấm áp hẳn. Chị Kiều Loan tâm sự: “Dù tất bật với công việc nhưng cứ tới giờ cơm, các thành viên trong gia đình tôi đều cố gắng có mặt. Người về sớm nán chờ người về muộn để bữa cơm gia đình có sự hiện diện đầy đủ các thành viên. Tôi luôn dặn dò các con rằng, đợi nhau trong bữa cơm không hẳn chỉ vì chuyện ăn uống mà còn là chờ đợi một không gian ấm cúng bên người thân để cùng sẻ chia tình cảm, hưởng thụ những giây phút bình yên sau một ngày tất bật”.

Buôn bán ở nhà nên chị Kiều Loan có thời gian chăm chút cho bữa ăn, nấu những món ăn cha mẹ, chồng con thích. Không cầu kỳ nhưng chị luôn chọn, nấu sao cho hợp khẩu vị của cả nhà, vừa với túi tiền gia đình, lại sạch sẽ, ngon lành. Chị bộc bạch: “Trong bữa ăn, sự gắn kết gia đình cũng được thể hiện qua những việc làm nho nhỏ, như quan tâm gắp thức ăn cho nhau, hỏi han những chuyện diễn ra hàng ngày để chia sẻ, động viên, răn dạy... Điều đó sẽ gợi nhớ cho các con không khí yêu thương, sự chăm sóc ấm áp của cha mẹ. Từ nền tảng này, hướng cho các con sự hiếu thuận, chăm ngoan”.

Giữ bếp luôn ấm

GS. TS. Thái Kim Lan kể rằng, trong những ngày sống ở nước Đức xa xôi, điều làm bà nhớ da diết nhất là những bữa cơm gia đình. Trong đó, không chỉ có những món ngon mẹ nấu, mà còn là những phút giây quây quần đầm ấm bên người thân. Bà nhấn mạnh: “Bữa cơm gia đình là tâm điểm của đời sống. Sự âu yếm, chăm sóc của người mẹ và các thành viên trong mỗi bữa cơm là vị hạnh phúc mà mỗi đứa con luôn mong ước và hướng về”.

Bữa cơm gia đình không chỉ là dịp để giáo dục con cái, để mỗi thành viên trong gia đình hiểu nhau hơn mà còn là dịp để mỗi người thể hiện tình cảm của mình. Mỗi món ăn ngon chính là tình cảm chăm chút của người vợ, người mẹ, người con dành cho người thân. Đó chính là sợi dây vô hình kết nối các thành viên trong gia đình ngày càng gắn bó bền chặt, cùng nhau xây dựng gia đình hạnh phúc. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, không đơn thuần chỉ là ăn no, ăn ngon, bữa ăn gia đình là nơi đào luyện nề nếp, gia phong và hình thành dần nhân cách của con người. Bữa ăn duy trì sự gắn kết gia đình rất rõ, từ chuyện kính trên, nhường dưới, trách nhiệm tề gia nội trợ của người phụ nữ đến cách thể hiện sự quan tâm, xây dựng tình cảm gia đình.

Ngày nay, nhịp sống hiện đại, guồng quay của cuộc sống công nghiệp khiến bữa cơm vắng dần trong nhiều gia đình. Dù không phải là hiện tượng phổ biến ở Thừa Thiên Huế, nhưng nhiều gia đình trẻ đã không duy trì được bữa cơm do bận rộn. Cũng có những gia đình, hiếm khi cả nhà cùng đoàn tụ đầy đủ bên mâm cơm mà chỉ là những bữa cơm vội vàng để rồi ai lo việc nấy, ít có thời gian để ngồi hàn huyên, tâm sự, sẻ chia.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cho rằng: “Nhịp điệu cuộc sống khiến nhiều gia đình không thể duy trì ăn trưa, thậm chí ăn tối cùng nhau. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải thích ứng, tuy nhiên, dù gì đi nữa mỗi gia đình cần cố gắng duy trì bữa ăn gia đình. Nếu không có thời gian  cũng cố gắng tận dụng ngày cuối tuần để duy trì bữa cơm sum họp gia đình đúng nghĩa truyền thống, từ đó duy trì nề nếp gia phong, sinh hoạt gia đình”.

Theo GS. TS. Thái Kim Lan, để duy trì bữa cơm gia đình, không chỉ cần sự cố gắng của người phụ nữ mà còn của tất cả các thành viên trong gia đình, khắc phục những bộn bề công việc, hạn chế sở thích cá nhân để dành thời gian về nhà ăn cơm. Đừng để bếp nguội lạnh, hãy giữ bếp luôn ấm - đó là lời khuyên của tất cả các chuyên gia tư vấn trong việc giữ lửa hạnh phúc gia đình.

Bài, ảnh: Minh Hiền

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chùa trên núi

Ngôi chùa nằm cheo leo trên một ngọn núi. Đường lên chùa ngoằn ngoèo, khúc khuỷu bám theo sườn núi nên chẳng mấy người lên chùa, thành ra chùa vắng vẻ quanh năm. Nếu như không có người dẫn lối hoặc nhắc tới thì hẳn chẳng ai biết trên núi này còn có một ngôi chùa. Vào những buổi sương mù, ngọn núi chìm trong một vùng mịt mờ trắng đục. Nhìn từ xa, ngọn núi mờ ảo, chỉ khi nắng lên, sương tan, đỉnh núi mới hiện rõ và xung quanh vẫn còn phủ vài đám mây trắng, khiến cảnh vật đẹp một cách lạ kỳ. Vậy nhưng, ngôi chùa vẫn khuất trong dáng núi, nằm khiêm nhường dưới những tán cây cổ thụ um tùm, chỉ tiếng chuông chùa là vang vọng lan xa, rồi tan dần vào gió, vào mây, vào nắng, vào tháng năm.

Chùa trên núi
Về miền an tĩnh

Sáng sớm đầu hè, dạo xe qua cung đường gần chùa Từ Đàm, tôi bỗng ngẩn ngơ dưới triền hoa sứ trắng. Cùng những giọt hồng tía của tia sáng đầu ngày, những cánh hoa vươn lên, và hương thơm như được ủ thêm men say của sương đêm tối qua mà sáng nay càng nồng nàn, ngan ngát.

Về miền an tĩnh
Hiên nhà có mẹ

Phú trở về nhà khi bóng chiều đã ngả vàng. Đèn đường bật sớm. Ở đầu hẻm, nồi bún riêu của bà cụ cũng cạn đáy, chắc chỉ còn đủ tô cuối dành cho Phú.

Hiên nhà có mẹ
Niềm vui đời thường

Nhà có ba anh em thì anh trai cả và tôi đều sinh sống và làm việc ở tỉnh xa. May mà có vợ chồng cô em út làm nhà ngay trong vườn, sát cạnh nhà cha mẹ đã già yếu, đỡ đần sớm hôm lúc các cụ trái gió trở trời. Để phần nào “bù đắp” về việc mình không thể thường xuyên chăm sóc được cha mẹ, thời gian qua, lần nào về quê tôi thường đến siêu thị gần nhà, tranh thủ mua những loại thức ăn tốt cho sức khỏe của người già, cất vào tủ lạnh để cha mẹ dùng dần. Đồng thời, xin số điện thoại của nhân viên siêu thị, kết bạn zalo. Siêu thị có dịch vụ ship hàng tận nhà cho khách. Các bạn nhân viên cũng nhiệt tình tư vấn (gửi kèm hình ảnh qua zalo) nên dù ở xa, tôi vẫn có thể dễ dàng chọn lựa những loại trái cây tươi ngon cho cha mẹ.

Niềm vui đời thường
Xe không chỉ để đi

Nghe chồng bảo sắm ô tô, chị ngơ ngác, mồm mắt tròn xoe, giọng như hụt hơi: “Đi đâu mà mua xe?”. Anh cười, cái đầu húi cua lắc nhẹ, vẻ khó hiểu cùng lời nghi vấn cao ngạo: “Sao hỏi ngớ ngẩn thế?”. Nói rồi, anh đưa mắt nhìn con đường trước nhà, với dãy ô tô nối dài, tít đến đằng xa.

Xe không chỉ để đi
Return to top