ClockThứ Hai, 06/11/2017 20:08

Đồng Miệu “thay da, đổi thịt”

TTH - Đã gần 3 năm rồi mới trở lại Đồng Miệu, xã Phú An (Phú Vang), tôi nhận thấy vùng quê nghèo này đã “thay da, đổi thịt”.

   

Trẻ em thôn Đồng Miệu đến trường    

Cách đây khoảng chục năm, đường ở Đồng Miệu toàn đường đất bùn pha cát, mưa rất lầy lội khó đi, nắng bụi bay rát mắt. Hồi đó, cả thôn không có 1m đường bê tông và toàn là nhà tạm bợ, tranh tre nứa lá. Giờ đây, đường làng, ngõ xóm đã được bê tông hóa, hầu hết nhà cửa xây dựng kiên cố và số nhà tạm bợ còn rất ít. Điện kéo về đây đã lâu, nhà nào cũng có ti vi, nhiều nhà khá giả còn mua luôn giàn máy karaoke về kinh doanh hoặc hát cho “vui cửa, vui nhà”. Số hộ dân lắp đặt mạng internet ở Đồng Miệu ngày căng tăng, giúp họ cập nhật thông tin, thời sự trong nước và quốc tế một cách kịp thời.

Niềm vui lớn nhất ở Đồng Miệu hôm nay là tỷ lệ người mù chữ đã giảm hẳn (khoảng 10 năm về trước, tỷ lệ người mù chữ ở khu định cư Đồng Miệu chiếm khoảng 80%), trẻ em đúng tuổi được đến trường, ở Đồng Miệu đã có vài chục em theo học đại học.

Ông Nguyễn Phất, một ngư dân sống ở Đồng Miệu, cho biết: “Ngày trước, người dân ở đây sinh sống nhờ cua, cá, tôm trên đầm Chuồn, đầm Sam. Nay cũng vậy, nhưng khác trước là bây giờ họ đã làm hồ, chắn sáo để nuôi. Cách thức nuôi cũng thay đổi, người dân chuyển sang nuôi xen ghép nên thu hoạch có lãi”. Nhờ phát triển việc nuôi trồng thủy sản, hạn chế nạn đánh bắt có tính hủy diệt nên sản lượng khai thác thủy sản của người dân Đồng Miệu ngày một tăng, thu nhập của người dân cũng tăng theo. Việc nuôi trồng thủy sản không chỉ tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi mà còn kích thích các dịch vụ khác phát triển như: kinh doanh thức ăn thủy sản, thu mua thủy sản...

Những đổi thay trong cách suy nghĩ, cách làm ăn của người dân Đồng Miệu rất đáng ghi nhận. Trước đây, người dân Đồng Miệu sinh sống chủ yếu nhờ vào nguồn lợi tự nhiên thì nay họ đã biết phát huy các tiềm năng, thế mạnh của địa phương mình. Các dịch vụ hàng quán mọc lên hàng loạt ở đầm Chuồn đã chứng minh điều đó. Anh Nguyễn Hoàng Tuấn, ở TP. Đà Nẵng, nhận xét: “Thức ăn ở các hàng quán trên đầm Chuồn rất ngon và tươi, giá cả lại phải chăng. ”.

Theo ông Nguyễn Văn Sỹ, một người dân địa phương, hiện nay, để phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, nâng cao thu nhập, mọi người đang đẩy mạnh việc nuôi trồng thủy sản và mở rộng ngành nghề, phát triển dịch vụ kinh doanh ăn uống trên đầm phá gắn với du lịch.

“So với trước, đời sống của người dân Đồng Miệu đã khá hơn rất nhiều. Nhưng, để cuộc sống ngày càng phát triển, Đồng Miệu cần phát triển đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, chú trọng đến việc quảng bá để thu hút các nguồn lực đầu tư vào dịch vụ. Ngư dân cần đầu tư chăm sóc, ao hồ, xử lý môi trường vùng nuôi, ao nuôi để hạn chế các bệnh về môi trường ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng. Chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, kêu gọi người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Làm tốt những điều này, kinh tế - xã hội ở Đồng Miệu sẽ có nhiều chuyển biến tích cực, và đời sống người dân nơi đây sẽ được cải thiện rất nhiều”, ông Phan Minh Việt, Chủ tịch UBND xã Phú An, chia sẻ thêm.

Bài, ảnh:  Ngự Bình

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đổi thay từ xây dựng nông thôn mới

Đây là cảm nhận không chỉ riêng chúng tôi vừa trở lại xã Phong Sơn - địa phương cuối cùng của huyện Phong Điền vừa được tỉnh công nhận xã nông thôn mới (NTM).

Đổi thay từ xây dựng nông thôn mới
Đổi thay từ các dự án chương trình mục tiêu quốc gia

Thông qua việc thực hiện các dự án (DA) với nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG), bộ mặt nông thôn vùng miền núi đã có nhiều khởi sắc. Tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi “giảm sâu”, nhiều mô hình kinh tế mở ra hướng đến sản xuất bền vững.

Đổi thay từ các dự án chương trình mục tiêu quốc gia
Đổi thay từ du lịch cộng đồng

Đi kèm những định hướng, quy hoạch cụ thể của chính quyền, để du lịch cộng đồng phát triển bền vững, yếu tố quan trọng nhất vẫn là phát huy được sự đồng thuận của cộng đồng dân cư. Sự bổ trợ lẫn nhau của 2 yếu tố này đã tạo dựng niềm tin và là động lực để người dân mạnh dạn đầu tư, phát triển du lịch cộng đồng.

Đổi thay từ du lịch cộng đồng
Đổi thay bên ni bờ phá Tam Giang

Bên tê phá có nhiều ngôi chợ lớn từ Vĩnh Tu, chợ Đò, chợ Mới, chợ Biện, chợ Đại Lược... thì cả vùng Quảng Thái, Quảng Lợi, Phong Chương rộng lớn chỉ có chợ Nịu (Quảng Thái) là đáng kể.

Đổi thay bên ni bờ phá Tam Giang
Đổi thay nơi thượng nguồn sông Truồi

Vùng Truồi không chỉ có Lộc An và bên kia là Lộc Điền, mà nơi thượng nguồn của dòng sông còn có một vùng đất có tên gọi Lộc Hòa đang ngày càng đổi thịt, thay da.

Đổi thay nơi thượng nguồn sông Truồi
Return to top