ClockThứ Tư, 09/02/2022 18:15

Tín hiệu phục hồi du lịch

TTH.VN - Sau gần 2 năm gián đoạn vì dịch bệnh, Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, sau khi Chính phủ triển khai các giải pháp thích ứng an toàn với dịch bệnh..

Phục hồi, phát triển du lịch trong trạng thái bình thường mớiTăng cường hợp tác 5 địa phương để phục hồi du lịchKhôi phục và phát triển du lịch theo hướng tuần hoàn

Du khách đi dạo trên cầu gỗ lim ngày xuân. Ảnh: M. Trúc 

Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, sau khi Chính phủ triển khai các giải pháp thích ứng an toàn với dịch bệnh, người dân đã đi du lịch trở lại, nhất là các gói du lịch ngắn ngày, nội tỉnh, liên tỉnh…

Các địa phương đón lượng khách cao trong kỳ nghỉ tết vừa qua có thể kể đến như Đà Lạt (Lâm Đồng), Sa Pa (Lào Cai), Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu), Hội An (Quảng Nam), Huế… Theo thống kê từ Tổng cục Du lịch, các địa phương trên cả nước đón khoảng hơn 6,1 triệu lượt khách. Tổng doanh thu từ khách du lịch ước đạt hơn 25 nghìn tỷ đồng.

Tại Huế, lượng khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan và nghỉ dưỡng trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán khoảng hơn 63.000 lượt, tăng hơn 269% so với năm 2021.

Theo đó, lượt khách lưu trú cũng tăng hơn 67% so với năm 2021, tương ứng với hơn 19.000 lượt. Đáng chú ý là dù tình hình dịch bệnh, kinh tế gặp không ít khó khăn, song lượng khách đặt phòng và nghỉ dưỡng tại các khách sạn, khu du lịch cao sao tăng cao, như tại Alba Thanh Tân công suất sử dụng phòng đạt 100%, Vedana Lagoon đạt 93,2%; Làng Hành Hương 70,5%; Silk Path 60%, Laguna Park Townhouse 58%... Đây cũng là lý do gia đình tôi không thể có được chuyến nghỉ dưỡng ngắn ngày nội tỉnh do đặt phòng muộn, dù đã thử liên hệ khá nhiều khách sạn, khu du lịch cao sao trên địa bàn tỉnh hôm Mùng 3 Tết.

Tình trạng “cháy phòng” cũng diễn ra ở TP. Đà Lạt khiến một số du khách đặt phòng cận ngày hoặc đặt ở các trang mạng không uy tín, bị lừa đảo phải ngủ ở bờ hồ, dọc đường… Tất nhiên, tình trạng này chỉ là cá biệt, cơ quan chức năng địa phương cũng đã có những giải pháp xử lý kịp thời, song có thể thấy nhu cầu xê dịch của người dân rất lớn, sau gần hai năm phải “bó gối, chồn chân” vì dịch bệnh.

Sau khi không đặt được chỗ để nghỉ dưỡng ngắn ngày, gia đình tôi quyết định chọn một dịch vụ về ẩm thực do khách sạn tổ chức. Tới nơi, tôi cũng khá bất ngờ khi lượng khách cũng full (đầy) bàn và gần như chỉ là người Huế. Theo quản lý khách sạn này, nhờ biết cách thích ứng khai thác dòng khách nội tỉnh nên khách sạn vẫn duy trì được hoạt động và giữ chân lao động, dù lương, thưởng không thể bằng lúc chưa có dịch.

Có thể thấy, hai năm qua, không ít cơ sở lưu trú, khách sạn từ thấp đến cao sao phải đóng cửa, ngừng hoạt động do dịch bệnh. Nhân lực trong lĩnh vực này cũng vì thế mà mất việc làm, phải chuyển công việc khác… Song, trong bối cảnh chung đó, vẫn có không ít khách sạn, cơ sở lưu trú bằng những cách làm linh hoạt như giảm giá nghỉ dưỡng, tăng chất lượng và đa dạng các dịch vụ đi kèm vẫn duy trì được hoạt động nhờ dòng khách nội tỉnh, quốc nội. Nhờ thế, họ cũng giữ được lao động tâm huyết, gắn bó với nghề. Một doanh nghiệp du lịch là người quen của tôi phân tích, khi doanh nghiệp của anh gặp khó do không đón được khách (cả quốc tế lẫn quốc nội), anh buộc phải chuyển sang lĩnh vực khác để duy trì hoạt động. Khi họp bàn đưa phương án này vào hoạt động, một số nhân viên không chịu được áp lực và thu nhập đã bỏ việc. Song những người chọn ở lại là những người chịu khó, đam mê với nghề, họ sẵn sàng làm những công việc trái chuyên môn để có thêm trải nghiệm, kinh nghiệm khi quay lại với lĩnh vực du lịch họ lại càng có thêm kỹ năng tốt. Và theo anh, đó là đội ngũ nhân lực chất lượng mà không phải cứ thu nhập cao, điều kiện làm việc tốt mới tuyển được. Đó cũng là cách nhân lực du lịch thích ứng với đại dịch và là điều kiện tốt để ngành du lịch phục hồi trong thời gian tới.

Ngoài nhu cầu xê dịch, một trong những tín hiệu tốt giúp ngành du lịch phục hồi trong năm nay và những năm tiếp theo là các đường bay quốc nội và quốc tế dần hồi phục. Hiện đã có 7 địa phương được thí điểm đón khách quốc tế, gồm: TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Định, Kiên Giang, Quảng Nam và Quảng Ninh. Thừa Thiên Huế cũng đã khởi động chương trình đón khách quốc tế và sắp tới cũng sẽ có thêm nhiều địa phương khác trong cả nước cũng sẽ được đón khách quốc tế, khi mà “hộ chiếu vắc-xin” được áp dụng đồng bộ trên toàn cầu và các giải pháp phòng chống dịch ngày càng linh hoạt hơn trên nguyên tắc “an toàn đến đâu, mở cửa đến đó, mở cửa nhưng phải đảm bảo an toàn”.

Tâm Huệ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chuyển địa điểm tổ chức chương trình nghệ thuật Countdown Huế 2025

UBND TP. Huế vừa thông báo thay đổi địa điểm tổ chức chương trình nghệ thuật Countdown - Chào năm mới 2025 (Countdown Huế 2025 - Một Kỷ nguyên mới), đồng thời thông báo Countdown Huế 2025 sẽ là điểm cầu trực tiếp trên sóng VTV chào đón năm mới 2025 cùng với các điểm cầu Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh - Hải Phòng.

Chuyển địa điểm tổ chức chương trình nghệ thuật Countdown Huế 2025
Công bố hoàn thành Dự án Bảo tồn, tu bổ di tích Hải Vân Quan

Ngày 21/12, tại di tích Hải Vân Quan, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao TP. Đà Nẵng tổ chức lễ Công bố hoàn thành dự án bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị Di tích Quốc gia Hải Vân Quan.

Công bố hoàn thành Dự án Bảo tồn, tu bổ di tích Hải Vân Quan
Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP. Huế trực thuộc Trung ương

Với tính chất là đô thị di sản, trong chiến lược lâu dài, Thừa Thiên Huế sẽ được cấu trúc thành chùm đô thị đa trung tâm. Sự phát triển sẽ dựa trên các điều kiện về sự phân bổ dân số, điều kiện tự nhiên, sông ngòi, đầm phá, biển, khoáng sản…và đặc biệt các thế mạnh của tài nguyên văn hóa. Điều này cũng đặt ra nhiều cơ hội kèm thách thức một khi Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP Huế trực thuộc Trung ương
Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

Con người Huế có tính cách và lối sống đặc trưng, thể hiện qua sự kín đáo, ý tứ, trầm lặng, hoài cổ, hướng nội, nền nếp gia phong… Đó là đặc trưng của gia đình truyền thống Huế. Các gia đình Huế ngày nay vẫn giữ được sâu đậm thuần phong mỹ tục, nền nếp trong quan hệ gia đình. Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế khi bàn về gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại.

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

TIN MỚI

Return to top