ClockChủ Nhật, 07/07/2019 16:50

Làm du lịch phải có chiều sâu

TTH - Điều phải làm của mỗi điểm đến là khi du khách cần dịch vụ nào đó thì luôn sẵn sàng đáp ứng, hay nói như “dân” làm du lịch, điểm đến phải cho du khách thấy thích, họ sẵn sàng móc hầu bao để sử dụng.

Nhân lực - một điểm nghẽn của du lịchThêm trải nghiệm, tăng hài lòngAn toàn thực phẩm cho khách du lịch

Một chương trình nghệ thuật tại Festival Huế 2018

Chiều sâu ở đây không phải là về văn hóa, lịch sử, mà là chuỗi các sản phẩm cần có của một điểm đến, từ vận chuyện, lưu trú, ăn uống, nghỉ dưỡng, làm đẹp… đáp ứng nhanh, kịp thời và chất lượng nhất có thể. Đi kèm chuỗi sản phẩm có chiều sâu là tính chuyên nghiệp của dịch vụ, đáp ứng được nhu cầu khách đang muốn, chứ không phải làm những gì mà Huế đang có.

Huế đang hướng đến dòng khách hạng sang, nhưng việc thiếu chiều sâu về sản phẩm khiến khách không tiêu nhiều tiền khi ở Huế, nhất là ban đêm. Trong khi ở Huế mức chi tiêu trung bình của khách là 1 triệu đồng/khách/ngày thì các địa phương ở khu vực miền Trung đạt khoảng 1,5 triệu đồng/người/ngày.

Để nhìn nhận đúng chiều sâu, chất lượng, tính chuyên nghiệp của du lịch Huế phải so sánh với các điểm đến khác về dịch vụ có tính tương đồng, chứ không so sánh những thế mạnh mà Huế đang có.

Tôi từng có một cuộc trao đổi với một chủ doanh nghiệp khách sạn có chi nhánh tại Huế, ông thẳng thắn cho rằng, du lịch Huế thiếu chiều sâu. Không cần dẫn chứng bằng những sản phẩm vĩ mô, chủ doanh nghiệp này phân tích về dịch vụ đo may áo dài du lịch ở Huế, điều tưởng rất đơn giản nhưng Huế chưa cho du khách thích. Huế là “thủ phủ” của áo dài, du khách nào cũng mê áo dài khi đến Cố đô. Ở địa phương khác, buổi sáng khách đến đặt may, buổi chiều đã hoàn thiện. Còn ở Huế, chưa thể làm được điều này và thường hẹn sẽ gửi qua đường chuyển phát cho khách khi may xong.

Đó là lý do mà dịch vụ đo may áo dài cho khách du lịch ở Huế không thể trở thành sản phẩm hấp dẫn và du khách khi đến miền Trung không chọn Huế làm nơi đo may áo dài nữa.

Chiều sâu về ý thức làm du lịch của Huế cũng cần được nhìn nhận và đánh giá lại. Cái mà du lịch Huế đang vấp phải là những gì khó quản lý thì cấm. Ở phố đi bộ các nơi khác trong cả nước, vẫn bán hàng rong, các món ăn đặc trưng được bày bán phục vụ khách. Cái mà các địa phương làm tốt là những người bán hàng rong này không chèo kéo, buôn bán trong trật tự. Người viết không cổ súy cho việc bán hàng rong, nhưng trước khi có phương án thay thế hiệu quả thì kiểu làm của các địa phương chấp nhận “sống chung với lũ” cần được áp dụng.

Huế thiếu điểm vui chơi vào ban đêm, đặc biệt những điểm để trẻ em thỏa sức chạy nhảy trong một không gian phù hợp. Quảng trường Ngọ Môn, địa điểm đang thu hút rất đông người dân và cả du khách đến vui chơi. Tại đây, có một số dịch vụ mang tính tự phát như cho thuê xe ôtô điện (loại nhỏ), xích lô (loại nhỏ) để trẻ em vui chơi. Hoạt động ít hôm là bị tuýt còi, ít hôm sau lại hoạt động. Điều nhận thấy là, khi có những dịch vụ này, quảng trường đông nghịt người, khi cấm thì vắng hẳn.

Nói như thế để thấy hai vấn đề, thay vì cấm thì nên quản lý, kiểm soát an ninh trật tự, yêu cầu giữ sạch môi trường… để tạo ra một điểm vui chơi có tính bài bản. Vấn đề thứ hai quan trọng hơn, sẽ giúp phá vỡ được lối sống 8 giờ tối đã tắt đèn đi ngủ của người Huế, giúp kéo dài thêm 2 - 3 tiếng đồng hồ vào ban đêm. Thành phố sôi động, có sức sống hơn, động lực để du khách thêm một vòng dạo thành phố, khi đó, xích lô, người bán nước cũng được lợi, các quán ăn cũng sẽ thêm giờ phục vụ…

Chiều sâu trong du lịch với đa dạng các sản phẩm, dịch vụ là điều bắt buộc cho một điểm đến phát triển. Để tăng chiều sâu của du lịch Huế, cần có một nghiên cứu, một cuộc điều tra bằng những số liệu cụ thể để thấy mức độ hài lòng về điểm đến, các sản phẩm như thế nào, từ đó có chiến lược, giải pháp để thực hiện.

Bài, ảnh: QUANG SANG 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giúp người khuyết tật tiếp cận dịch vụ để hòa nhập

Những năm qua, các chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội nói chung và đối với người khuyết tật (NKT) nói riêng trên địa bàn tỉnh được thực hiện tốt, tạo điều kiện cho NKT vượt qua khó khăn, trở ngại để vươn lên sống độc lập, hoà nhập với cộng đồng.

Giúp người khuyết tật tiếp cận dịch vụ để hòa nhập
Nỗi niềm người dân làm du lịch

Dịch vụ du lịch xứng đáng là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Thừa Thiên Huế khi tạo ra công ăn việc làm cho doanh nghiệp và hộ kinh doanh. Tuy nhiên, chúng ta cần phát triển đúng định hướng phát triển của tỉnh và xu hướng du lịch thế giới là chuyên nghiệp hóa hoạt động dịch vụ, thỏa mãn nhu cầu khách du lịch.

Nỗi niềm người dân làm du lịch
Đầu tư dịch vụ để hút khách quốc tế

Thu hút khách quốc tế và đầu tư dịch vụ trong nhiều trường hợp như vướng vào bài toán “con gà, quả trứng”. Nhưng để phát triển du lịch, thu hút khách quốc tế, chuyện đầu tư dịch vụ xứng tầm vô cùng quan trọng.

Đầu tư dịch vụ để hút khách quốc tế

TIN MỚI

Return to top