ClockThứ Tư, 15/06/2016 05:51
QUẢN LÝ THUYỀN DU LỊCH TRÊN SÔNG HƯƠNG:

Đừng để “mất bò mới làm chuồng”

TTH - Sau vụ chìm tàu ở sông Hàn (Đà Nẵng) làm 56 du khách rơi xuống sông, 3 người thiệt mạng, chúng tôi có chuyến du thuyền trên sông Hương và mắt thấy tai nghe không ít điều bất ổn...

Thuyền chờ đón khách du lịch trên sông Hương

Đối phó

Trong vai hành khách khảo sát giá để thuê thuyền cho đoàn du lịch 50 người du thuyền, nghe ca Huế trên sông Hương. Đến bến thuyền Tòa Khâm,  nhiều chủ thuyền chào mời và đưa ra giá phục vụ khác nhau. Một chủ thuyền cho biết: “Đoàn của chị 50 người, phải đi hai thuyền, một thyền đôi chở 35 khách và 8 ca sĩ, thuyền đơn chở 15 khách. Ra giữa dòng sông, ghép khách của hai thuyền lại một để nghe ca Huế xong là vào bờ luôn; khi thuyền vào bến họ không kiểm tra, chỉ kiểm tra khi xuất bến thôi”. Tương tự, một chủ thuyền khác hỏi: “Khách của chị đi bao nhiêu người, chỉ du thuyền ngắm cảnh trên sông Hương thôi hay có nghe ca Huế nữa. Nếu chỉ du thuyền thôi thì mỗi người 10 ngàn, thuyền đơn chở được 25 người, thuyền này ban quản lý ít kiểm tra mà họ chỉ kiểm tra thuyền đôi thôi”.

Tôi thắc mắc, cách đây vài tháng, tôi đi du thuyền trên sông Hương, mỗi thuyền chở 70 - 80 khách, thậm chí có lúc lên đến 100 khách. Chị chủ thuyền giải thích: “Trước đây, hầu hết các thuyền chở 70 - 80 khách là chuyện bình thường, chở đông người có được nhiều tiền nữa. Có những lúc cao điểm tôi chở cả 100 khách đi dọc sông Hương lên Điện Hòn Chén nhưng không có ai kiểm tra. Còn bây giờ, chở nhiều người như trước đây không được, nhưng nếu chở vượt khoảng chục người cũng được”.

Cần kiểm soát chặt chẽ hơn số lượng khách trên thuyền trước khi xuất bến

Theo quy định của UBND tỉnh và Sở Giao thông Vận tải, thuyền đơn được phép chở 15 người và thuyền đôi chở 35 người. Tuy nhiên qua khảo sát của chúng tôi, nhiều thuyền vẫn chở quá số người quy định nhưng vẫn được cấp lệnh xuất bến. Tối 11/6, tôi cùng người bạn mua vé du thuyền và nghe ca Huế trên sông Hương. Khách trên thuyền hơn 35 người và 8 ca sĩ, tổng cộng 43 người nhưng thuyền vẫn được xuất bến. Sau khoảng 15 phút, thuyền ra giữa sông, có khoảng 15 khách của thuyền đơn được ghép sang thuyền đôi để nghe ca Huế. Sau khi nghe ca Huế xong, khách trở về thuyền nhỏ để vào bờ.

Chị Nguyễn Thị Hương, du khách Hà Nội lo lắng: “Khi tàu xuất bến không đông người lắm, đến khi ra giữa sông ghép thêm người. Lúc ghép thêm người, nhiều người trên thuyền phản ứng nhưng chủ tàu không nghe. Người ngồi chật kín thuyền, vừa nghe ca Huế vừa lo sợ. Biết vậy, lần sau tôi không giám du thuyền trên sông Hương kiểu như thế này nữa”.

Quy định một đường, thực hiện một nẻo

Toàn tỉnh hiện có 128 chiếc thuyền; trong đó, 50 thuyền đôi và 78 thuyền đơn; dưới sự quản lý của 11 doanh nghiệp vận tải du lịch. Trong đó, HTX Vận tải đường sông Huế có 79 phương tiện, chiếm 62% tổng phương tiện. Hiện nay, số thuyền này đang hoạt động ở 3 bến: Tòa Khâm, Lê Lợi và Thiên Mụ.

Ông Phạm Quang Hồng, Trưởng phòng Quản lý vận tải và Phương tiện (Sở Giao thông Vận tải) cho biết: “Hiện toàn tỉnh có 128 thuyền chở khách du lịch đủ điều kiện về đăng ký đăng kiểm an toàn giao thông đường thủy.

Gần đây, toàn quốc xảy ra một số vụ tai nạn giao thông đường thủy nghiêm trọng, nguyên nhân chính do chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện không tuân thủ các quy định. Để đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa, phòng ngừa tai nạn đường thủy xảy ra, Sở Giao thông Vận tải yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển khách du lịch đến ngày 31/12/2016, phải có đủ các điều kiện quy định tại Điều 8, Điều 19 Nghị định số 110/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chỉnh phủ quy định điều kiện kinh doanh vận tải đường thủy nội địa, phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện như: nhân viên phục vụ phải được tập huấn về nghiệp vụ, người điều hành vận tải phải có trình độ chuyên môn về vận tải từ trung cấp hoặc cao đẳng đối với các chuyên ngành kinh tế, kỹ thuật khác; phương tiện nào chưa cấp biển hiệu phương tiện thủy vận chuyển khách du lịch thì tiến hành làm thủ tục cấp biển hiệu cho phương tiện... 

Bà Dương Thị Ánh, Trưởng ban Quản lý Bến xe, thuyền TP Huế cho biết: “Đơn vị xác định đây là công việc trọng tâm, thường xuyên theo Quyết định số 31, ngày 27/9/2012 của UBND tỉnh về quản lý hoạt động vận tải khách du lịch đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh. Nhằm đảm bảo an toàn giao thông đường thủy, mỗi khi rời bến, ban quản lý kiểm tra giấy đăng ký phương tiện, giấy chứng nhận bảo vệ môi trường, bảo hiểm trách nhiệm và dân sự hành khách, phao cứu sinh, thiết bị phòng cháy chữa cháy trên thuyền, kiểm tra số lượng hành khách trên thuyền, giấy chứng nhận của người điều khiển phương tiện…”.

Tuy nhiên, khi phóng viên đặt câu hỏi, hiện bao nhiêu thuyền viên, người lái phương tiện đã có chứng chỉ chuyên môn, bà Dương Thị Ánh cho biết: “Rất ít thuyền viên, người lái có chứng chỉ, còn cụ thể bao nhiêu thì chưa nắm,  hiện đang có đoàn đi kiểm tra, tôi sẽ sớm cung cấp số liệu”. “Về việc quản lý như thế nào đối với những thuyền viên chưa có chứng chỉ, bà Ánh cho rằng đó không phải là nhiệm vụ của Ban Quản lý Bến xe, thuyền TP Huế, mà là nhiệm vụ của Sở Giao thông Vận tải và Sở Du lịch.

Thuyền chở khách du lịch trên sông Hương hoạt động thời gian khá lâu, song đến nay, Ban Quản lý Bến xe, thuyền TP Huế là cơ quan quản lý, nhưng không biết hiện có bao nhiêu người lái, thuyền viên có chứng chỉ chuyển môn và bao nhiêu người chưa có. Trong khi đó, tính mạng của khách du thuyền trên sông Hương hoàn toàn phụ thuộc vào người lái thuyền.

Đã đến lúc, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác quản lý thuyền chở khách du lịch trên sông Hương, tránh để tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”.

Bài, ảnh: Thanh Thuận

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nên tổ chức đua thuyền trước công viên Trịnh Công Sơn

Lâu nay lễ hội đua thuyền cuả tỉnh và TP.Huế trong các ngày lễ được tổ chức qui mô lớn trên sông Hương đoạn trước Phu Văn Lâu. Theo tôi tổ chức đua thuyền trên khúc sông trước công viên Trịnh Công Sơn thì hợp lí hơn.

Nên tổ chức đua thuyền trước công viên Trịnh Công Sơn
Đến hẹn lại... đua

Đã thành thông lệ, đúng vào dịp kỷ niệm giải phóng 26/3, sông Hương lại dậy sóng với lễ hội đua ghe truyền thống thành phố Huế. Người Huế gọi dịp này là đua ghe 26/3 để phân biệt với lễ hội đua ghe truyền thống tổ chức vào dịp Quốc khánh 2/9, có quy mô toàn tỉnh.

Đến hẹn lại  đua
Huế xưa Huế mới

“Huế cổ kính, mà luôn luôn mới mẻ, bất ngờ. Ai đã từng dành trọn buổi sớm mai sương khói hay buổi chiều tà mát mẻ đi một vòng dọc hai bờ sông Hương mới cảm nhận được sức sống kỳ diệu của thành Huế bây giờ… Huế đi lên từng ngày, dần xứng tầm là một đô thị di sản, một trung tâm văn hóa, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu tương lai của nước nhà, của khu vực” - Đó là những cảm nhận sâu sắc của một người bạn xa về một Huế “muôn đời đẹp và thơ”.

Huế xưa Huế mới
Cầu... nối lòng dân

Chuyện thật đáng mừng cho đất nước ta là có hàng trăm cây cầu được xây mới trong những năm vừa qua đến từ sự đóng góp của cá nhân người dân, nhóm thiện nguyện, doanh nghiệp. Điều đó cho thấy lời kêu gọi Nhà nước và Nhân dân cùng làm là giải pháp hiệu quả cho những thách thức lớn về phát triển cơ sở hạ tầng trong mọi thời kỳ.

Cầu  nối lòng dân
Đặc sản của Huế

Nếu nói đến đặc sản Huế chắc nhiều người nghĩ ngay đến ẩm thực, tức là nghĩ đến cái “dạ dày”. Ai tinh tế hơn thì nghĩ đến chiều sâu văn hóa, ví dụ như di sản (vật thể và phi vật thể), thậm chí là giọng nói; trang phục.

Đặc sản của Huế
Return to top