ClockChủ Nhật, 05/06/2016 06:13

Đừng “Lấy cắp kỳ nghỉ” của các em

TTH - Trẻ em đang chịu nhiều áp lực và cần sự gần gũi, quan tâm, chia sẻ từ gia đình. Làm gì với quỹ thời gian nghỉ hè 3 tháng để trẻ cảm nhận được mùa hè bổ ích, thú vị? Th.s Nguyễn Văn Thu, Trưởng Bộ môn Tâm lí – Giáo dục học Trường cao đẳng Sư phạm Huế chia sẻ:

Trẻ em hiện nay phải chịu áp lực từ nhiều phía: áp lực từ phía nhà trường với việc thực hiện các nhiệm vụ học tập; áp lực từ cha mẹ với những mong muốn, kỳ vọng ở con cái trở thành học sinh giỏi hoặc phải đạt được những thành tích hơn con em người khác…

Th.s Nguyễn Văn Thu

Xét ở góc độ khoa học tâm lí, áp lực tâm lí có tính hai mặt. Nếu là áp lực nội tâm, được ý thức sẽ biến thành lý tưởng, thành động lực thúc đẩy trẻ nỗ lực vươn lên đạt được những thành tích mà các em mong muốn. Từ đó, củng cố và xây dựng được niềm tin vào bản thân, xây dựng lý tưởng sống cho các em. Tuy nhiên, hiện phần lớn trẻ không phải chịu áp lực nội tâm mà phải chịu áp lực từ bên ngoài (gia đình, nhà trường, xã hội). Điều này vô cùng nguy hại. Người lớn vô tình biến các em trở thành “những chiếc máy chạy quá công suất, vật nuôi tăng trọng…”. Người lớn chúng ta cần chuyển hóa những áp lực bên ngoài thành áp lực nội tâm một cách tự nhiên, chuyển áp lực thành lý tưởng phấn đấu của con cái mình mới đạt hiệu quả nuôi dạy tốt, xây dựng con người phát triển toàn diện, biết sống có hoài bão, có lý tưởng.

Để tạo môi trường phát triển thuận lợi cho trẻ, bậc cha mẹ phải lưu ý điều gì thưa ông?

Tâm lí – Giáo dục học đã chứng minh, gia đình là môi trường thuận lợi nhất, an toàn nhất và hiệu quả giáo dục cũng to lớn nhất đối với sự phát triển của trẻ em. Trong gia đình, cha mẹ là người có ảnh hưởng to lớn và sâu sắc nhất đối với sự phát triển của trẻ em. Theo tôi: Cha mẹ cần phải hiểu về con, phải biết cảm thông, chia sẻ được với con, phải thực sự là người bạn đáng tin cậy của con cái để tạo ra bầu không khí tâm lí gia đình dân chủ, bình đẳng, chan hòa tình yêu thương, sống có trách nhiệm với nhau; xây dựng nền văn hóa gia đình tiến bộ, vừa giữ gìn các giá trị truyền thống lại vừa tiếp cận được các giá trị văn minh của xã hội hiện đại; cha mẹ phải thực sự là tấm gương sáng của con cái, là hình mẫu lý tưởng cho con cái noi theo, phải tạo ra biểu tượng đúng đắn cho con cái (cha phải là biểu tượng của uy quyền, sức mạnh và sự thành đạt; mẹ phải là biểu tượng của tình cảm nồng ấm, của sự chu đáo, tế nhị…).

Trong các gia đình vẫn thường xảy ra xung đột về phương pháp nuôi dạy trẻ giữa các thế hệ. Vậy mẫu số chung về phương pháp nuôi dạy trẻ được đánh giá dung hoà và phù hợp ở Việt Nam hiện nay là gì?

Thứ nhất, xung đột giữa các thế hệ về phương pháp nuôi dạy con cháu là tất yếu nếu trong gia đình nhiều thế hệ mà không có sự hiểu biết và cảm thông lẫn nhau. Mặc dù, các thế hệ đều có chung một mục đích là mong muốn con cháu mình trở thành con ngoan, trò giỏi. Thứ hai, thực tiễn đã chứng minh, mỗi phương pháp giáo dục đều có những ưu điểm, có những thành tựu nhất định.

Vì vậy, mẫu số chung của phương pháp giáo dục con cháu trong gia đình đó là phải có sự thống nhất, có sự hiểu biết và chia sẻ giữa các thế hệ, vừa kế thừa kinh nghiệm truyền thống lại vừa phải tiếp cận với các thành tựu văn minh của nền giáo dục hiện đại.

Đang có trào lưu cho con học để phát triển sớm những kỹ năng trước tuổi. Theo ông, tính hai mặt của trào lưu này là gì?

Sự phát triển tâm lí, nhân cách con người có quy luật khách quan của nó. Bắt con học để phát triển sớm thì không khác gì “trái non chín ép, tất yếu không có trái ngọt”. Tính hai mặt của vấn đề này ở chỗ, có thể tạo ra hiệu quả trước mắt là thỏa mãn nhu cầu của cha mẹ, tức là hình thành được ở trẻ những năng lực mà ở trẻ em khác có cùng độ tuổi chưa có. Nhưng điều này, lợi bất cập hại vì: Tiềm năng phát triển của trẻ bị “khai thác cạn kiệt”, làm cho quá trình phát triển lâu dài sau này trở nên “khô cứng, thiếu sức sống”, không thể vươn xa hơn được; hình thành nên tính chủ quan, tự mãn ở trẻ hoặc tâm thế “lưu ban” khi các cháu tham gia vào các hoạt động tập thể với bạn cùng tuổi.

Ngày hè là thời gian mà các bậc cha mẹ lo lắng bởi không dễ quản lý trẻ. Ông có lời khuyên gì để các gia có thể tạo ra một mùa hè lý thú và bổ ích thực sự cho các cháu?

Sự lo lắng của các bậc cha mẹ về việc quản lí con cái dịp hè là không tránh khỏi, vì trong năm học phần lớn thời gian hàng ngày các cháu sinh hoạt học tập ở nhà trường dưới sự quản lí, dạy dỗ của thầy cô giáo. Nhưng đến hè, phần lớn thời gian các cháu sống và sinh hoạt ở gia đình mà cha mẹ thì lại phải đi làm.

Một mùa hè lý thú và bổ ích đối với trẻ em phải là một mùa hè mà các em được thỏa mãn tốt nhất những nhu cầu cơ bản của lứa tuổi, đó là nhu cầu được vui chơi, được giao lưu tình cảm với mọi người, được học những gì mà các em thích. Vấn đề quan trọng là các bậc cha mẹ nên có kế hoạch tổ chức cho con cái tham gia các hoạt động, thỏa mãn nhu cầu cơ bản của trẻ em một cách hợp lí.

Bố mẹ nên trang bị cho trẻ những kỹ năng trước khi bước vào kỳ nghỉ hè, như kỹ năng lập kế hoạch cho kỳ nghỉ: giúp trẻ biết xác định sẽ nghỉ ở đâu? Tham gia những hoạt động gì? Cần chuẩn bị phương tiện, điều kiện cho kỳ nghỉ ra sao?... Có kỹ năng lập kế hoạch cho kỳ nghỉ sẽ giúp các em có tâm thế sẵn sàng, tích cực và dễ dàng thích nghi với chế độ sinh hoạt mới, với các hoạt động mới; Kỹ năng tham gia các hoạt động trong kỳ nghỉ, có kỹ năng các em mới tham gia hoạt động có hiệu quả, mới tích cực và hoạt động mới trở nên lý thú…

Có hai luồng ý kiến: một là tận dụng thời gian hè cho trẻ học thêm, hai là cho trẻ học những bộ môn phát triển kỹ năng. Dưới góc độ là một nhà tâm lý học, theo ông xu hướng nào tốt cho trẻ hơn?

Học để củng cố, bổ sung kiến thức các môn văn hóa, học ngoại ngữ hoặc tham gia các câu lạc bộ văn thể mỹ, rèn luyện kỹ năng sống đều có ích cho sự phát triển của trẻ em. Tuy nhiên, người lớn đừng “lấy cắp kỳ nghỉ” của các em. Hãy để các em vẫn học nhưng học mà phải vui, học mà như chơi, học dưới hình thức vui chơi.

Xin cảm ơn ông!

Điều 20 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em của Nhà nước ta năm 1991 quy định: “Uỷ ban Nhân dân hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc và giám sát việc thực hiện kế hoạch bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; tổ chức sự phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế có liên quan để thực hiện việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em”. Luật sửa đổi, bổ sung năm 2004 đều quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, chính trị - xã hội phải có trách nhiệm trong việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Đặc biệt các tổ chức đoàn thể chính trị như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ cơ sở cần: Xây dựng kế hoạch hoạt động hè cho trẻ em phù hợp với các điều kiện cụ thể của địa phương; tổ chức nhiều loại hình hoạt động phong phú, hấp dẫn, có tính tập thể phù hợp với các lứa tuổi khác nhau, đảm bảo tính giáo dục lôi cuốn trẻ em tham gia; phát huy vai trò chủ động của gia đình trong việc hợp tác tổ chức các hoạt động cho trẻ em; tập hợp, lôi cuốn sự ủng hộ của các tổ chức kinh tế hỗ trợ giúp đỡ thực hiện tốt các hoạt động đảm bảo quyền trẻ em…

QUỲNH - GIANG (Thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Lùi lại” để sống bên con

Mùa thi cận kề, nhưng không ít phụ huynh đã bắt đầu thay đổi quan điểm, không còn quá kỳ vọng vào thành tích của con. Điểm cao cũng tốt, không cao cũng không sao miễn con vui khỏe là được. Tôi hiểu điều này khi mình cũng đang có hai con đang ở tuổi đến trường và cũng ở chung tâm trạng lo lắng khi tình trạng học sinh trầm cảm dẫn đến tự tử như một cách để giải thoát… đang lan truyền. Câu chuyện tưởng chừng đã cũ nhưng hệ lụy để lại đầy xót xa.

“Lùi lại” để sống bên con
Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ

Sáng 15/4, Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh tổ chức Lễ bàn giao di vật, kỷ vật của liệt sĩ cho thân nhân 2 gia đình liệt sĩ tại Thừa Thiên Huế.

Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ
Lòng biển

“Lòng biển rộng đến chừng nào?”. Khôi vẫn thường hỏi thế mỗi khi lang thang trên bãi biển. Tuy chẳng rõ, nhưng với anh biển mênh mông lắm.

Lòng biển

TIN MỚI

  • Công ty alma làm gì
Return to top