SAU CA PHẪU THUẬT GHÉP TIM VỚI Ê KÍP Y BÁC SĨ TẠI CHỖ, BỆNH VIỆN TRUNG ƯƠNG HUẾ BẮT ĐẦU “CÓ DUYÊN” VỚI GHÉP TẠNG XUYÊN VIỆT. HIỆN, ĐƠN VỊ DẪN ĐẦU TRONG CẢ NƯỚC VỀ SỐ CA GHÉP XUYÊN VIỆT. MẶC DÙ Ở DẢI ĐẤT MIỀN TRUNG, SONG THEO CÁC CHUYÊN GIA, KỸ THUẬT Ở LĨNH VỰC NÀY CỦA ĐỘI NGŨ KHÔNG HỀ THUA KÉM HAI ĐẦU ĐẤT NƯỚC VÀ KHU VỰC.
|
Lễ xuất viện cho BN P.D.Q. (TP. Huế), ca ghép thực hiện thời điểm dịch COVID-19 còn cam go |
So với ghép tạng khác, ghép tim có sự thay đổi rõ ràng giữa cái chết và sự sống. Tuy số lượng các ca ghép tim tại BVTW Huế chỉ đứng sau trung tâm ghép tạng lớn ở Hà Nội, song tỷ lệ sống sau ghép gần 100%, ca “dẫn đầu” cả nước đã được 12,5 năm.
Trong chuyến thăm và làm việc của đoàn công tác Bộ Y tế tháng 7/2023, người mở cánh cửa cho Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan tiến vào Trung tâm sản phụ khoa BVTW Huế chính là anh Trần Mậu Đức. Đối với nhiều y bác sĩ, anh chính là “biểu tượng” ghép tim và là niềm tự hào của thành tựu y học tại BVTW Huế.
Sau ghép tim, năm 2014, Trần Mậu Đức được tạo điều kiện vào làm việc tại Phòng Bảo vệ BVTW Huế. Năng nổ, nhiệt tình và trách nhiệm với công việc, anh luôn hăng hái tham gia nhiệm vụ được giao. Thậm chí có thời điểm trực tại Khoa Cấp cứu, anh Đức còn đuổi theo bắt trộm và được Công an tỉnh khen thưởng. Nhiều bệnh nhân đi khám bệnh, nhận ra “nhân vật chính” của ca ghép tim đi vào lịch sử y học Việt Nam đến hỏi han, chúc mừng khiến anh thấy vui trong lòng.
|
Bệnh nhân Trần Mậu Đức với công việc của một bảo vệ tại BVTW Huế |
Là con út trong gia đình lao động nghèo ở TP. Huế, mười mấy năm trước, căn bệnh suy tim khiến anh “nằm viện như ăn cơm bữa”. Bất ngờ khi được ghép tim, anh chỉ kịp nhắn tin cho vợ rồi vào phòng mổ.
Hai tháng rưỡi sau ghép, Mậu Đức được xuất viện. Từ đó, anh và vợ cùng bán rau hành. Để có tiền thuốc thang, phụ giúp gia đình, anh chuyển sang bốc vác cho một đại lý sữa. “Em vác vài thùng sữa tầm 50-60kg mỗi lượt vô tư. Lúc đó em thấy mình lao động tốt hơn lúc chưa bị bệnh. May mắn nhận được một trái tim khỏe, em cố gắng sống thật ý nghĩa để không phụ công sức y bác sĩ và tri ân người đã hiến tim cho mình”.Nhưng lo ngại làm việc nặng nhọc ảnh hưởng đến sức khỏe sau ghép, BVTW Huế đã tạo điều kiện cho Đức một công việc hợp lý với nguồn thu nhập ổn định.
|
Chăm sóc vườn tược cùng mẹ, niềm vui giản đơn sau giờ làm của Mậu Đức |
Năm 2013, vợ chồng Mậu Đức có thêm một bé gái, hạnh phúc như được nhân lên với người đàn ông sinh năm 1985 này. Anh bận rộn hơn, tất bật hơn với nhiệm vụ cơ quan và thực hiện nghĩa vụ của người chồng, người cha. Anh quan niệm sự bận bịu cũng có thể gọi là hạnh phúc bởi khi đã đi qua cửa sinh tử, sự sống trở nên quý giá vô cùng.
Nhìn con vui sống, mẹ Đức-bà Hồ Thị Bòn năm nay 70 tuổi không giấu được hạnh phúc: “Ngày trước tui bôn ba buôn bán lặt vặt tận Quảng Bình để kiếm tiền chữa bệnh cho thằng út ni. Hắn (ý nói Đức) ghép tim rồi lên ti vi nổi tiếng lắm, truyền hình báo chí tìm đến tận nhà, cả xóm đều chúc mừng vì con tui được hồi sinh trở lại. Bà con nói thằng Đức chừ rứa là sướng rồi”!
Hàng ngày, bà Bòn cùng con trai phụ chăm sóc mảnh vườn nhỏ, trồng các loại rau sạch cho bữa ăn. Mỗi lần ngắm gia đình con sum vầy, tiếng hai đứa cháu gái tíu tít bên ba, bà cười sung sướng. “O biết không, con suy tim nặng, người làm mẹ thấy mình như có lỗi. Nhờ các bác sĩ ở BVTW Huế, cuộc đời cháu mới có ngày hôm ni. Chừ thì tui mãn nguyện rồi, không mong chi hơn”, người mẹ một đời lặn lội vì con cái khoe niềm vui tuổi già.
|
Hai bệnh nhân ghép tim tái khám tại BVTW Huế |
Trong các cuộc hội thảo về ghép tim, trường hợp BN Trần Mậu Đức sống tốt và sinh con sau ca ghép tim “Made in Việt Nam” đầu tiên luôn được các bác sĩ nhắc đến như một “bảo chứng” trong việc thực hiện kỹ thuật cao ở lĩnh vực này. Đó cũng là “nhân chứng sống” giúp nhiều bệnh nhân (BN) đang nằm trong danh sách chờ ghép tạng có thêm niềm tin và nỗ lực chờ “điều kỳ diệu” xảy ra với bản thân.
Theo Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia (ĐPGTQG), tính đến 20/9/2023, cả nước thực hiện được 72 ca ghép tim và ghép khối tim-phổi (60 người sau ghép còn sống). Về ghép tim xuyên Việt, có 22 ca, trong số đó, BVTW Huế ghép 9 ca, dẫn đầu toàn quốc.
Ghép tim giúp bệnh nhân có thể sống thêm 20 năm. Ca ghép tim sống lâu trên thế giới đến thời điểm này là hơn 30 năm. Mỗi năm, thế giới có 5.000-6.000 ca/năm ghép tim, tập trung vùng Bắc Mỹ và châu Âu. Tỷ lệ sống sau ghép tim sau 5 năm là 85%-90%, sau 10 năm đạt 50%, sau 20 năm là 15%. Tại Việt Nam, tỷ lệ sống trên 5 năm chiếm 70%, 30% đạt ngưỡng quanh 10 năm, lâu nhất hiện là 12 năm rưỡi (trường hợp Trần Mậu Đức).
Trong số 10 ca ghép tim do BVTW Huế thực hiện, bệnh nhân được ghép trẻ nhất là Phạm V.C. (SN 2003, trú ở Đà Nẵng), lớn tuổi nhất là BN Trần T. (SN 1966, trú ở Phú Lộc, Thừa Thiên Huế) đều được ghép vào năm 2018.
|
Ê kíp ghép tim xuyên Việt cho bệnh nhân T.V.G. vào tháng 7/2023 |
Là ca ghép tim xuyên Việt đầu tiên tại BVTW Huế, ông Trần T. nhớ như in ký ức xảy ra với ông ở cái tuổi người Việt xem là vận hạn lớn của đời người. “Tôi bị suy tim độ 3, nghĩa là án tử treo lơ lửng trên đầu. Ngủ nghỉ gì cũng có người bên cạnh theo dõi. Cả gia đình xác định tâm lý để không bị sốc nếu tôi ra đi. Ấy vậy mà nhận cuộc gọi báo được ghép tim, tôi không tin đó là sự thật, khựng một lúc thật lâu mới định thần, liên lạc cho vợ con”, ông T. kể.
Trường hợp ghép tim xuyên Việt đầu tiên của BVTW Huế khá gay cấn bởi áp lực của việc vận chuyển, vượt qua giới hạn của địa lý và thời gian. Tất cả ê kíp từ trực tiếp đến gián tiếp đều áp lực bởi BN đang nằm trên bàn mổ đang ở tình cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”. Cuối cùng, may mắn đã mỉm cười dù chuyến bay khởi hành trễ 29 phút chờ xe chở tim.
PGS. TS Nguyễn Duy Thăng, Phó Giám đốc BVTW Huế lúc đó khá căng thẳng lo chạm ngưỡng thời gian an toàn cho phép. “Ca ghép thành công ngoài mong đợi”, ông không giấu niềm cảm xúc hân hoan khi trao đổi với báo giới.
|
Ca ghép tim số 10 tập thở và trò chuyện với báo chí tại phòng chăm sóc sau ghép |
Sau ghép 28 ngày, ông T. trở về nhà ăn Tết Đoan ngọ cùng gia đình bên vùng đầm phá Cầu Hai. Một bữa cơm sum vầy như bao bữa cơm khác song giờ đây, ông thấy ý nghĩa vô cùng. Nghỉ ngơi đôi bữa, ông T. trở lại với nghề xây dựng. “Tôi vẫn bưng được bao xi măng 30-40kg. Tôi thở khỏe hơn, sống tốt hơn; ngày đi làm, tối về sum vầy với cháu con. Đời tôi tưởng chấm hết nhưng nay hồi sinh ngoạn mục. Được ghép tim là điều tuyệt vời tôi chưa từng nghĩ đến”, người đàn ông giờ lên chức ông nội của 6 đứa cháu nhỏ tâm tình.
Khi sức khỏe ổn định, ông T. tìm gặp được gia đình hiến tim cho mình trong một chương trình cầu truyền hình. Từ đó, ông có thêm nhiều người thân ở một quê hương mới. Trái tim hồng không chỉ cho ông cuộc sống mà còn cho ông cảm nhận sâu sắc nghĩa cử cao đẹp của tình người.
|
Anh Trần V. Th. người ghép tim năm 2019 giờ gắn bó với công việc lái xe múc trên huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi |
Ghi dấu trong ký ức nhiều y bác sĩ, ca ghép tim cho bệnh nhi 5 năm trước để lại sự xúc động với nhiều người. Cậu bé có trái tim gấp 3 lần người bình thường khiến lồng ngực nhô cao, em từng 3 lần bị ngừng tim, thời gian sống chỉ còn vài tháng. Cha mất sớm, anh trai em ra đi vì bệnh tim, người mẹ làm nghề xay cá thuê nhìn con mà gan ruột quặn thắt. Cứ ngỡ cuộc đời sẽ khép lại, thế nhưng, phép nhiệm màu đã đến…
Giờ đây, cậu bé ốm yếu năm nào đã trở thành một thợ cắt tóc tại quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng. Tính tình luôn vui vẻ, Phạm V.C. nhận được sự yêu thương, hỗ trợ của chủ tiệm và bạn đồng nghiệp. C. bảo: “Mỗi tháng em được nhận lương, tuy không nhiều nhưng đó là công sức lao động chân chính. Cuối tuần, em ra chợ cá phụ mẹ những việc nặng. Em được sống lại lần thứ hai nhờ trái tim hiến tặng và nỗ lực của các bác sĩ”.
|
Phạm V. C. vui vẻ yêu đời phục vụ khách tại một salon tóc ở Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng |
Chị Phạm Thị Th. chị ruột C. kể: “Điều vui nhất là em trai em được sống tiếp, vui tươi như trước. C. tăng cân, yêu thích công việc và học cách chăm sóc sức khỏe cho bản thân. Trước ngày em theo chồng, C. bảo chị đừng lo, em sẽ làm được mọi thứ và chăm sóc cho mẹ. Lúc đó, em cảm thấy đứa em bé bỏng ngày nào giờ đã lớn thật rồi”!
Ít ai biết ở ca ghép này, vì quá gấp gáp, tim được vận chuyển vào Huế trước khi có kết quả đọ chéo máu cuối cùng. Các thủ tục điều phối hiến ghép mô tạng giữa BVTW Huế và Trung tâm ĐPGTQG diễn ra trên máy bay.
Theo các chuyên gia ghép tạng, người ghép tim được sống thêm một tháng sau phẫu thuật thì được xem là thành công về mặt kỹ thuật. Chính các bác sĩ là người góp phần viết tiếp câu chuyện cuộc sống của nhiều BN sau ghép tim.
Cuối tháng 9/2023 là lịch tái khám định kỳ của một số BN ghép tim. Sau khi làm các xét nghiệm cần thiết, họ được ThS. BS CKII. Đặng Ngọc Tuấn Anh, Trưởng khoa Ghép tạng - Thận nhân tạo, BV Quốc tế Trung ương Huế thăm khám lâm sàng và trả lời từng thắc mắc. Anh Trần V.Th. người ghép tim năm 2019 (trú ở huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi chia sẻ: “Cảm thấy có điều gì bất thường tôi đều gọi điện thoại cho bác sĩ để được tư vấn. Việc uống thuốc đúng giờ và duy trì chế độ ăn uống lành mạnh sẽ giữ sức khỏe tốt. Tôi quay lại với nghề lái xe múc, công việc từng bị gián đoạn khi đổ bệnh vì thở không nổi”.
Kết quả theo dõi tổng quan cho thấy, tất cả các ca điều trị sau ghép tim đều ổn định, hầu như không có trường hợp nhập viện theo dõi. “Ban đầu chúng tôi sẽ đánh giá xem tim có hoạt động tốt hay không. Tiếp đó sẽ xem xét các vấn đề phát sinh liên quan và cấp phát thuốc. Việc điều trị và thuốc thang của người người bệnh này được BHYT thanh toán một phần”, BS Tuấn Anh thông tin.
|
Bệnh nhân Trần T. (Phú Lộc, Thừa Thiên Huế) kiểm tra tim, nghe tư vấn và nhận thuốc tại đợt khám cuối tháng 9/2023 |
Ghép tim hiểu một cách tổng thể là chuyển từ một bệnh lý mạn tính, có nguy cơ tử vong bất cứ lúc nào sang cơ hội sống tốt hơn. Muốn kéo dài đời sống cho quả tim, đưa bệnh nhân về với chất lượng cuộc sống cần tuân thủ điều trị, duy trì thuốc chống thải ghép, chế độ sinh hoạt nghiêm ngặt.
Tại BVTW Huế, các bác sĩ đã áp dụng chiến lược phục hồi sớm sau phẫu thuật ghép tim. Chiến lược này cần sự phối hợp đa chuyên khoa từ bác sĩ đến điều dưỡng, từ khoa ngoại, khoa nội đến gây mê hồi sức, phục hồi chức năng, dinh dưỡng. Điều đó đã góp phần rất lớn vào sự thành công cho các ca ghép tim.
|
BSCK II Đặng Thế Uyên trò chuyện cùng bệnh nhân sau ghép tim |
BSCK II Đặng Thế Uyên, Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Trưởng khoa Gây mê Hồi sức tim mạch BVTW Huế giải thích: “Có nhiều gói kỹ thuật nhỏ trong chiến lược hồi phục sớm sau phẫu thuật tim, tùy thuộc vào điều kiện thực tế của BV và tình trạng bệnh nhân và điều kiện thực tế của bệnh viện để thực hiện. Chúng tôi thường thực hiện các gói: Tư vấn giải thích kỹ trước mổ cho bệnh nhân - người nhà; Phát hiện và điều trị nội khoa ổn định các bệnh đồng mắc; Hướng dẫn tập phục hồi chức năng hô hấp và tập thở trước phẫu thuật; Kỹ thuật gây mê cân bằng với các thuốc mê mới ít ảnh hưởng đến huyết động, mê nhanh, tỉnh nhanh; Áp dụng các kỹ thuật theo dõi độ đau và độ mê sâu trong phẫu thuật bằng điện não số hóa; Giảm đau đa mô thức trong, sau mổ; Vận động sớm và phục hồi chức năng hô hấp sau mổ; Hướng dẫn giáo dục bệnh nhân về chế độ điều trị sau mổ: chế độ ăn, chế độ thuốc men, chế độ sinh hoạt vận động”…
Sau khi ghép, có nhiều nguyên nhân tác động khiến nguy cơ suy tim xảy ra. Có hai tình huống gồm thải ghép cấp và thải ghép mãn tính. Nếu thải ghép tối cấp xảy ra 3-6 tháng đầu sau ghép thì thải ghép mãn tính thường gặp sau ghép 5 năm. Do đó, cần đảm bảo nhiều yếu tố nhằm giúp BN giữ cho trái tim mới “bình an” sau ghép. Để tăng tuổi thọ sau ghép, các chuyên gia nhấn mạnh ba việc: Tuân thủ điều trị, tái khám đúng hẹn, ăn uống – sinh hoạt lành mạnh. Theo đó, BN tái khám hàng tuần trong tháng đầu, nếu sức khỏe ổn định về sau tái khám mỗi tháng một lần. Bất cứ khi nào cảm thấy bất thường hoặc gặp tình huống nguy cấp đe dọa sự sống thì phải liên hệ ngay với các bác sĩ/ cơ sở y tế.
|
|
BS Tuấn Anh khẳng định: “Giai đoạn sau ghép cần sự phối hợp chặt chẽ giữa bác sĩ – bệnh nhân – người nhà, nếu không, thành quả trước đó sẽ trở nên vô nghĩa. Hiện, các thuốc ức chế miễn dịch giúp giảm tỷ lệ thải ghép cấp tính, về lâu dài cần theo dõi các bệnh lý mạch máu sau ghép, rối loạn chức năng thận, bệnh ác tính. Trong ca ghép tim đầu tiên của BN Mậu Đức, chúng tôi điều trị rất kỹ lưỡng, đó là kinh nghiệm kéo dài thời gian sống cho các ca về sau”.
Nội dung: TUỆ NINH
Ảnh: TH. HIỂN, PH. THẮNG, L.TUỆ, NVCC
Đồ họa: THƯỢNG HIỂN
Thiết kế: NGUYỄN QUÂN
Kỳ 1: “Việt hóa” quy trình