Được mệnh danh là vùng đất tích tụ nhiều giá trị văn hóa lịch sử của cả nước, Thừa Thiên Huế hiện còn lưu giữ hàng vạn hiện vật, cổ vật trong đó có nhiều cổ vật đặc biệt quý hiếm được xếp hạng bảo vật quốc gia. Thế nhưng một thực tế đáng buồn khi việc đầu tư cho bảo tàng – một thiết chế văn hóa quan trọng vẫn còn sơ sài dẫn đến rất nhiều khó khăn, trở ngại trong phát huy giá trị của hiện vật, cổ vật.
Trong số những bảo tàng công lập tại Huế hiện nay, phần nhiều rơi vào cảnh ở nhờ, thậm chí có bảo tàng đến nay vẫn chưa có không gian trưng bày dù đã thành lập khá lâu, với số lượng hiện vật được các chuyên gia đánh giá rất giá trị, tạo nên bản sắc của vùng đất kinh đô xưa.
Tháng 3/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khi làm việc với Huế đã đến thăm Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế và đề nghị: Lập dự án xây dựng bảo tàng, trả lại không gian cho di tích.
Được xem là “thánh đường” của văn hóa, bảo tàng nằm trong điểm đến hấp dẫn của du lịch, điểm sáng của văn hóa, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội. Bảo tàng cũng được xác định là một trong những tiêu chí đặc thù của Thừa Thiên Huế trong lộ trình xây dựng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025.
Cần có một đề án đầu tư và giải quyết những rào cản, bất cập liên quan đến câu chuyện bảo tàng. Xa hơn, tính toán để phát huy sức mạnh cũng như sứ mệnh của những “thánh đường” đối với một vùng đất có bề dày văn hóa, lịch sử như Huế.
Trước đề nghị lập dự án xây dựng Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế ở vị trí khác để trả lại nguyên trạng di tích điện Long An của Thủ tướng Phạm Minh Chính, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa (nguyên Giám đốc Sở Văn hóa và Thông tin Thừa Thiên Huế) cho rằng, đó là đề nghị xác đáng, cấp thiết.
Theo ông Hoa, điện Long An hay Quốc Tử Giám không thể sử dụng làm công năng là một thiết chế bảo tàng. Bởi lẽ bản thân cả hai di tích này không đáp ứng được những yêu cầu kỹ thuật mà bảo tàng cần có như khả năng chiếu sáng, lắp đặt thiết bị hiện đại, kho bảo quản cổ vật…
Ngoài việc xây mới hay sắp xếp, bố trí một vị trí xứng tầm cho Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế, ông Hoa cho rằng, tỉnh cần có một đề án củng cố nâng cấp chất lượng trưng bày để bảo tàng xứng đáng là nơi trưng bày, giới thiệu và nghiên cứu khoa học về cổ vật cung đình Việt Nam dưới thời Nguyễn.
Đồng quan điểm, PGS. TS Nguyễn Văn Huy (nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, nguyên Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia) đề nghị, Thừa Thiên Huế cần sớm xây dựng quy hoạch về bảo tàng cũng như tầm nhìn phát triển xa cho các bảo tàng. Không phải một mà là một số bảo tàng ở trong không gian của địa phương.
Bảo tàng không chỉ là nơi lưu giữ, tái hiện, trưng bày mà còn là một góc lịch sử của nơi chốn, vùng đất đó. Không gian của bảo tàng còn là hơi thở thời đại của đô thị, thể hiện hồn cốt văn hóa xứ sở.
Nhắc đến Huế, vị chuyên gia dày dặn kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo tàng nổi tiếng Việt Nam luôn ấn tượng vai trò bề dày văn hóa lịch sử của vùng đất. Đặc biệt hơn, ngày nay Huế còn giữ được rất nhiều di tích lịch sử về triều Nguyễn tuyệt vời nhất cả nước và đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá thế giới.
Qua nhiều nguồn thông tin, vị chuyên gia biết được Chính phủ và tỉnh đã đầu tư rất nhiều và rất lớn nguồn lực cho di tích, đáng chú ý gần đây là đề án di dân ra khỏi khu vực 1 Kinh thành Huế. Thế nhưng việc đầu tư cho hệ thống bảo tàng công lập còn quá yếu, các bảo tàng phải “trạm trú” trong di tích, rồi xuống cấp theo thời gian… Từ đó khiến các bảo tàng không phát huy đúng cả vị trí lẫn vai trò.
“Tôi cho rằng, nguyên nhân có lẽ do chưa được nhìn nhận và đầu tư một cách đúng mức, dẫn đến hệ thống bảo tàng công lập ở Huế có thể nói khá ì ạch, giậm chân tại chỗ, chưa phát huy giá trị tư liệu, hiện vật mà các bảo tàng đang sở hữu – PGS. TS Nguyễn Văn Huy nói và để giải quyết vấn đề này, theo ông- Để có được hệ thống bảo tàng bài bản, chuyên nghiệp theo tôi cần có tầm nhìn chiến lược trên cơ sở quy hoạch để đầu tư hệ thống bảo tàng. Bởi phải có quy hoạch, mới có đầu tư. Muốn có đầu tư phải có quyết tâm chính trị của lãnh đạo cao nhất ở địa phương”.
Ông Huy dẫn chứng, Thủ tướng Phạm Minh Chính thời điểm làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh đã rất quyết tâm, quyết liệt bằng cách xây lại Bảo tàng Quảng Ninh rất hoành tráng, tầm cỡ, gắn liền với di sản thiên nhiên vịnh Hạ Long. Bên cạnh thuê chuyên gia nước ngoài thiết kế, còn thuê luôn tư vấn trưng bày. Và sau đợt đó, Bảo tàng Quảng Ninh đã thay đổi hoàn toàn, thu hút đông đảo du khách.
Trong số các bảo tàng rơi vào cảnh “ăn nhờ, ở đậu”, TS. Lê Vũ Trường Giang (Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế) tỏ ra trăn trở nhất khi nhắc về Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế đang phải “tạm trú” di tích điện Long An. Tại sao? Câu trả lời với vị tiến sĩ đưa ra rằng đây là “thánh đường” sở hữu nhiều cổ vật có một không hai, hết sức quý giá.
Theo TS. Giang, Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế là bảo tàng được thành lập sớm nhất ở Huế và là nơi trưng bày nhiều hiện vật từ thời nhà Nguyễn và một số hiện vật văn hóa Champa, đây là điểm đặc biệt, có tính đại diện cho một thời kỳ lịch sử của dân tộc Việt Nam. Thứ nữa, các cổ vật tại bảo tàng có giá trị cao, vô cùng quý hiếm, độc đáo, nhiều hiện vật xếp vào hạng quốc bảo.
Đặt trong bối cảnh Thừa Thiên Huế đang phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025 theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, TS. Lê Vũ Trường Giang hy vọng – việc có một quy hoạch, chiến lược đầu tư cho văn hóa nói chung và thiết chế bảo tàng cần được quan tâm một cách đúng tầm là điều đặc biệt quan trọng. Bởi lẽ, đó chính là tiêu chí “xương sống” khác biệt, đặc thù mà Huế đã xác định.
“Một trong những tiêu chí khác biệt và đặc thù của Huế chính là di sản, là bản sắc văn hóa. Với chức năng và nhiệm vụ của mình các bảo tàng có thể được xem là nơi lưu giữ, trưng dẫn trực quan nhất tổng quan diện mạo di sản và văn hóa Huế. Có thể nói, các bảo tàng là bản “căn cước” văn hóa - lịch sử cô đọng về vùng đất”, TS. Giang nhấn mạnh.
Nói thêm về Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế, ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thaoThừa Thiên Huế cho rằng đó là nơi phản ánh văn hóa đỉnh cao, do vậy phải tạo được hấp lực với du khách, cộng đồng. Và xa hơn, theo ông Hải: “Một khi phát huy được giá trị, tạo nên sức hút đặc biệt thì nó không chỉ ở tầm quốc gia mà còn vươn ra tầm quốc tế”.
Trong chuyến làm việc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với Huế, tỉnh đã kiến nghị đầu tư xây dựng Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế với mức đầu tư dự kiến khoảng 500 tỷ đồng. Theo ông Hải, chừng đó vẫn chưa đủ, và các bảo tàng khác cũng cần được quan tâm đầu tư, chẳng hạn như Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế - đây là thiết chế quan trọng, phản ánh văn hóa của một vùng đất, hay Bảo tàng Mỹ thuật Huế - phản ánh khía cạnh đặc sắc mỹ thuật Huế và miền Trung nói riêng, cả nước nói chung.
Tuy nhiên với tiềm lực hiện nay, không thể đầu tư một cách ồ ạt. Nhưng cần phải nghiên cứu, đầu tư đúng nơi, đúng chỗ. “Một khi đầu tư xứng đáng, hệ thống bảo tàng công lập chắc chắn sẽ trở thành điểm hút quan trọng, phát huy được giá trị di sản – ông Hải khẳng định và hy vọng – xa hơn đó chính là một trong những điểm then chốt trong phát triển công nghiệp văn hóa, kinh tế xã hội”.
Để làm được điều đó, không dừng lại ở một vị trí xứng tầm, khối lượng hiện vật quý giá mà quan trọng không kém đó là nhân lực cho bảo tàng. PGS.TS Nguyễn Văn Huy khẳng định đội ngũ làm cán bộ bảo tàng vô cùng quan trọng. Chính đội ngũ này một khi có chuyên môn cao sẽ tổ chức các không gian trưng bày chất lượng.
Ba nòng cốt quan trọng để tạo ra chất lượng cho các trưng bày chính là những trụ cột liên quan đến khoa học, nghệ thuật và công nghệ. “Làm gì cũng phải có khoa học mới chính xác. Phải có nghệ thuật mới hấp dẫn, lôi kéo người xem. Và đồng thời phải cập nhật công nghệ phù hợp với điều kiện hiện nay”, PGS.TS Nguyễn Văn Huy lý giải và nói thêm, không ai hết chỉ có con người mới tạo ra được những trụ cột đó.
Để có bước đi vững chắc, lâu dài, nhiều ý kiến khác cho rằng, người làm bảo tàng cần chú trọng nâng cao trình độ ngoại ngữ, cập nhật sự phát triển của khoa học bảo tàng, tiệm cận với các tiêu chuẩn quốc tế. “Cái chúng ta cần đầu tư nhất chính là các chuyên gia nghiên cứu sâu về lĩnh vực bảo tàng học, các ngành liên quan khác như nhân học, văn hóa học, nghệ thuật học… đặc biệt là các chuyên gia thẩm định, phục chế hiện vật. Bên cạnh đó, việc phát triển đội ngũ chuyên môn trong thiết kế trưng bày, đồ họa, công tác truyền thông quảng bá cũng cần được nâng cấp”, TS. Lê Vũ Trường Giang mong mỏi khi nói về nhân lực cho bảo tàng
Mong cuộc “đổi đời” cho bảo tàng xứ Huế - Kỳ I: Một bảo tàng đúng nghĩa-Biết đến bao giờ
Nội dung: PHAN THÀNH - LÊ THỌ
Ảnh: PHAN THÀNH
Video: TRẦN THIỆN
Thiết kế: NGUYỄN QUÂN