ClockThứ Năm, 04/10/2012 05:26

Giải mã giá vàng

TTH - Căn bệnh kinh niên-độ “vênh giá” giữa vàng trong nước và thị trường thế giới vẫn hơn 2,5 triệu đồng/lượng, tiếp tục là nỗi ám ảnh của thị trường vàng nội địa và càng trở nên là một thách thức nếu so với con số 400 ngàn đồng được cho là hợp lý do chính cơ quan điều hành thị trường tiền tệ công bố trước đây.

Vàng nội vẫn giữ giá cao

Gần mười ngày sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho phép Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn-SJC gia công thêm 350.000 lượng từ vàng miếng SJC móp méo, vàng miếng phi SJC của các ngân hàng (NH) và doanh nghiệp (DN) kinh doanh vàng, đến nay giá vàng SJC vẫn cao hơn thế giới hơn 2,5 triệu đồng/lượng. Tình trạng chênh lệch 2-3 triệu đồng/lượng giữa giá vàng miếng SJC và giá vàng thế giới quy đổi, thời gian qua được giải thích là do cung cầu thị trường. Lượng cầu lớn, nhất là từ phía các DN và NH được cho là yếu tố thúc đẩy giá vàng trong nước có mức gia tăng vượt trội so với mức tăng của giá vàng thế giới.

Một số nhà đầu tư đang nghe ngóng thị trường ở SJC Huế

Lý giải nguyên nhân giá vàng tăng “phi mã”, trước hết là do lực đẩy của thị trường quốc tế. Tuy nhiên, người ta lại một lần nữa đề cập đến những nguyên nhân xuất phát chính từ trong thị trường vàng nội địa. Một trong những vấn đề được đặt ra nhiều qua đợt “sốt” vàng lần này là diễn biến mua “gom” vàng của các NH. Vàng đưa ra thị trường bao nhiêu, nhà băng “hút” vào bấy nhiêu. Dù đến ngày 25-11-2012, phải dừng huy động vốn bằng vàng theo quy định của NHNN nhưng các NH, như Á Châu (ACB), Xuất nhập khẩu (Eximbank), Sài Còn Thương Tín (Sacombank)... vẫn tăng lãi suất vàng để hấp dẫn người gửi. Ông Bùi Tiến Bảo, Giám đốc ACB Huế thừa nhận.

Những ngày cuối tháng 9, Công ty SJC niêm yết giá vàng SJC tại TP Huế ở mức gần 47 triệu đồng/lượng mua vào và gần 47,5 triệu đồng/lượng bán ra. Với giá này, vàng SJC đang cao hơn giá niêm yết của vàng Duy Mong (Thuận Thành-Duy Mong) hơn 3 triệu đồng/lượng khi mà ngày 29-9, giá vàng Duy Mong ở mức 43,8 triệu đồng/lượng mua vào và 44,2 triệu đồng/lượng bán ra. Theo các nhà kinh doanh vàng trên địa bàn TP Huế, giá vàng và USD tăng từ quý 3 được cho là phù hợp với xu hướng thường thấy hàng năm. Ngoài một số thời điểm giá vàng tăng cao làm tăng lượng bán, thị trường vàng những ngày qua được nhìn nhận là có lượng giao dịch trầm lắng. Các nhà đầu tư và người dân dường như vẫn chờ đợi những thông tin mới từ thị trường để quyết định đầu tư, mặc dù không ít dự báo giá vàng sẽ tiếp tục xu hướng đi lên trong tương lai gần.

Ba yếu tố “đẩy” giá vàng trong nước

Bà Nguyễn Thị Nễ, Q.Giám đốc SJC Huế cho hay: Gần đây, giao dịch vàng không còn ồ ạt như trước. Người bán là chủ yếu. Có ngày, SJC Huế mua vào cả trăm lượng nhưng bán ra khoảng vài chục lượng. Trong khi đó, bà Hoàng Xuân Thảo, chủ DN vàng bạc Thuận Thành-Duy Mong dù không tiết lộ doanh số cụ thể nhưng được biết, số lượng người mua chỉ chiếm 20% và người bán đến 80% và giao dịch ở tiệm vàng này khá sôi động.

PGS-TS Đỗ Đức Định, người nhiều năm nghiên cứu về kinh tế Việt Nam cho rằng, có thể chỉ ra ba điểm lớn gây ra tình trạng chênh lệch này. Điểm thứ nhất, theo phân tích của TS Định là sự tắc nghẽn từ phía chính sách với thị trường vàng. Hiện nay, “ống thông nhau” giữa thị trường trong nước và thế giới đang bị chính sách làm cho “tắc nghẽn”. Việc độc quyền thương hiệu vàng miếng SJC là một loại rào cản. Thế giới thấy rằng, đồng tiền vàng chỉ có một tiêu chuẩn là vàng 80%, 90% hay vàng 99,99%, thì Việt Nam “lại thêm một tiêu chuẩn là vàng SJC” và “vàng không phải SJC”, tức là thêm rào cản.

Thứ hai, trong mỗi một năm, có một hiện tượng gần như một dạng chu kỳ đó là giá vàng có xu hướng chung là sẽ tăng từ quý 3, quý 4. Đó là xu hướng của đầu năm và cuối năm liên quan đến đồng tiền phải giao dịch thanh toán. Vào đầu năm, khi người ta ít thanh toán thì giá đồng tiền tương đối ổn định, nhưng nửa cuối năm, các giao dịch thanh toán càng nhiều thì giá đồng tiền càng không ổn định. Cùng với các yếu tố khác liên quan đến chi tiêu công khiến tỷ giá và giá vàng có xu hướng tăng mạnh vào cuối năm.

Yếu tố thứ ba, theo ông Định, đó là yếu tố tâm lý, trong bối cảnh thị trường tài chính ngân hàng liên tiếp có những biến động lớn, bất động sản ảm đạm như hiện nay thì điều dễ hiểu là người dân sẽ quay lại với vàng. Mức cầu tăng cao cũng sẽ góp phần làm tăng mức chênh lệch giá. Với ba yếu tố này, nếu không có những chính sách thích hợp, theo ông Định, từ giờ đến cuối năm, xu hướng vàng tăng cao trong nước và tách biệt lớn với giá vàng thế giới ngày càng nhiều. TS Định dự đoán đến cuối năm giá vàng trong nước có thể lên đến hơn 50 triệu đồng/lượng.

Dường như, qua cơn sốt này, dấu ấn của những chính sách mới về vàng như Nghị định 24 và một loạt văn bản do NHNN mới ban hành từ tháng 8-2012 vẫn chưa để lại dấu ấn. Nên chăng, NHNN đẩy nhanh hơn việc chuyển đổi các thương hiệu vàng phi SJC sang vàng SJC. Vì hiện nguồn lực vàng từ các thương hiệu phi SJC khá lớn trong khi người dân khá thờ ơ, dù giá khá “mềm” so với vàng SJC. Giải pháp này có thể coi là mũi tên trúng hai đích, vừa giảm áp lực nguồn cung, vừa tránh lãng phí. Khi cung dư thừa, không có lý gì khoảng cách giá vàng giữa hai thị trường trong nước và thế giới không thu hẹp lại.

Bạch Quang

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh vàng

Trước những chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các đơn vị liên quan đã có nhiều hoạt động phối hợp tăng cường kiểm tra các cửa hàng, doanh nghiệp kinh doanh vàng. Theo đó, chênh lệch giữa giá vàng thế giới và trong nước đã dần thu hẹp.

Tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh vàng
Hoãn đấu thầu vàng: Doanh nghiệp không mặn mà hay đang 'nghe ngóng'?

Do không có đủ số lượng thành viên đăng ký dự thầu và chuyển tiền đặt cọc đúng quy định nên Ngân hàng Nhà nước đã hủy thông báo đấu thầu vàng vào 10h sáng nay (ngày 22/4); đồng thời, công bố sẽ triển khai đấu thầu vàng miếng vào sáng mai, thứ Ba, 23/4.

Hoãn đấu thầu vàng Doanh nghiệp không mặn mà hay đang nghe ngóng

TIN MỚI

Return to top