|
Trải nghiệm cũng là cách giúp học sinh chọn nghề tốt |
Chị Nguyễn Ngọc Lan, có con trai chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT. Cả tuần nay, con chị cứ “mặt sưng, mày nhẹ”, khi khăng khăng muốn đăng ký vào ngành Điện tử - Viễn Thông TP. Hồ Chí Minh. Con chị lý giải vì ngành này đang “hot”, ra trường dễ có việc làm, thu nhập cao, hơn nữa, bạn bè đăng ký học ngành này khá nhiều. Chị Lan muốn con cân nhắc, bởi con chị có học lực trung bình, trong khi ngành này thường có điểm chuẩn cao. Hơn nữa, chị Lan rút kinh nghiệm từ cô con gái lớn, phải chuyển ngành học sau 2 năm, khi sức học không theo kịp, nợ môn liên tục dẫu trước đó nó nhất quyết phải theo học ngành mà mình thích. Chị bảo, cũng may con chị có sự chuyển hướng kịp thời để không mất nhiều thời gian và tiền bạc.
Thực tế, có nhiều bạn trẻ đã chạy theo sở thích của mình trong chọn nghề cho tương lai, mà không cần biết có năng lực hay còn gọi là sở trường của bản thân, liệu có đáp ứng được yêu cầu ngành học mình chọn hay không. Trên một diễn đàn của học sinh lớp 12 với chủ đề, chọn nghề theo sở trường hay sở thích, khá nhiều ý kiến của những cựu sinh viên cho rằng, nên chọn theo sở trường vì nếu làm theo sở thích, cứ theo đuổi đam mê nhưng thiếu năng lực khi đi làm sẽ rất khó khăn và đâm nản, lúc đó cũng chẳng còn thích nữa và sẽ phí hoài công học tập.
Một thời, người trẻ truyền tai nhau câu slogan “Hãy theo đuổi đam mê, thành công sẽ theo đuổi bạn”. Thực ra, điều này cũng không sai, đam mê chính là động lực để họ vững bước trên con đường mình chọn. Có đam mê, giữ được đam mê, tin vào đam mê sẽ giúp người trẻ vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, niềm đam mê đó phải sát thực tế và nằm trong khả năng của mỗi cá nhân. Bởi sẽ không loại trừ đam mê của nhiều người trẻ theo cảm hứng. Sự yêu thích của những thần tượng… đôi khi cũng khiến họ dễ bị tác động hoặc đôi khi chọn nghề theo sự sắp đặt của bố mẹ.
Năm 2023, xu thế lựa chọn các ngành nghề của học sinh cuối cấp tiếp tục có sự dịch chuyển sang các ngành khoa học công nghệ như: Công nghệ thông tin, điện tử, trí tuệ nhân tạo, cơ khí chế tạo…Ngoài ra, xuất phát từ xu thế hội nhập quốc tế, các ngành trong khối kinh tế, chính trị và ngoại thương cũng trở thành những ngành nghề quan trọng, thu hút sự quan tâm lớn từ thị trường lao động. Thực tế cho thấy, học sinh chạy đua chọn ngành nghề theo ngành “hot” là xu thế, song, theo khuyến cáo của các chuyên gia, thí sinh nên dựa vào năng lực sở trường để chọn ngành, chọn nghề, bởi, thực tế không có ngành nghề nào "hot" mãi cả…
Tư vấn hướng nghiệp trong trường phổ thông là vô cùng quan trọng, giúp học sinh lựa chọn chuẩn xác nghề nghiệp. Khi được hướng nghiệp phù hợp, các bạn trẻ sẽ dễ dàng lên kế hoạch phát triển bản thân. Để chọn một ngành nghề cần cân nhắc rất nhiều các yếu tố về sở trường, niềm đam mê, thông tin về thị trường lao động như triển vọng nghề, tổng quan công việc và thu nhập trung bình. Nhiều giáo viên chủ nhiệm lớp 12 cho rằng, họ thường khuyến khích học sinh lớp 12 đừng quá bận tâm đến nghề gì kiếm được nhiều tiền, có tạo dựng được danh tiếng hay không mà học sinh nên xem nghề nghiệp đó có phù hợp với bản thân, với thị trường lao động, để phát triển theo xu thế hội nhập. Chẳng hạn, các em thấy mình có tố chất học tốt ngoại ngữ thì hãy làm các ngành nghề liên quan tới ngoại giao, phiên dịch... Nếu có khả năng học các môn tự nhiên thì hãy hướng tới các công việc thiên về số liệu, tính toán.
Ngành nghề mà các em đã chọn có thể sẽ là nghề gắn bó suốt đời nên thật sự cần cân nhắc, lựa chọn thật kỹ để đưa ra quyết định khiến bản thân không phải nuối tiếc. Tất nhiên, nếu kết hợp được sở trường và sở thích thì sẽ tốt hơn, khi đây là 2 yếu tố giúp các bạn trẻ có khả năng thành công trong công việc mình lựa chọn. Bởi được làm điều mình giỏi, mình thích sẽ có niềm đam mê và sự quyết tâm cao hơn.