Cấp dưỡng gặp khó khăn khi học sinh nghỉ học
Chị Nguyễn Thị Hoa, nhân viên cấp dưỡng Trường tiểu học P. than thở, từ khi học sinh nghỉ học, tôi không được trả lương hàng tháng nhưng phải đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện là 1.250.000 đồng/người/ tháng để thời gian tham gia BHXH, bảo hiểm y tế không bị gián đoạn. Tôi chỉ có khả năng đóng được tháng 2. Tôi đã được nhà trường tạo điều kiện nhận một số mặt hàng về nhà làm để có thêm thu nhập. Cũng mệt mỏi, vất vả nhưng tôi đành cố gắng để qua giai đoạn khó khăn này”, chị Hoa tâm sự.
Những nhân viên hợp đồng như chị Hoa được hưởng lương từ nguồn thu phục vụ bán trú. Mỗi tháng, họ nhận bình quân khoảng 3 triệu đồng/người. Từ tháng 2 đến nay, học sinh nghỉ học nên nhà trường không thể chi trả lương cho nhân viên đang làm việc tại trường. Khi ký hợp đồng lao động, gần như người lao động và chủ sử dụng lao động đều không tính đến tình huống học sinh nghỉ học dài ngày do dịch bệnh nên lúng túng khi xảy ra trong thực tế.
Nhiều trường có chính sách hỗ trợ cho nhân viên cấp dưỡng
Theo thống kê sơ bộ của ngành giáo dục, toàn tỉnh có 700 giáo viên hợp đồng và 1.300 nhân viên cấp dưỡng. Đời sống của họ gặp khó khăn khi không có lương lại phải bỏ tiền túi ra để đóng BHXH. Các trường có chính sách hỗ trợ nhưng vẫn không đồng đều. Nhiều trường vận dụng linh hoạt khi vận động đoàn viên công đoàn hỗ trợ nhu cầu thiết yếu cho nhân viên cấp dưỡng và giáo viên hợp đồng. Có trường cho mượn tiền hoặc hỗ trợ một phần kinh phí để đóng BHXH. Công đoàn của một số trường hỗ trợ giáo viên, nhân viên cấp dưỡng đang mang thai, có con dưới 1 tuổi hoặc đang bị bệnh, bị giảm thu nhập do dịch COVID -19.
Cô giáo Hồ Thị Kiều Chinh, Hiệu trưởng Trường mầm non Thủy Xuân (TP. Huế) cho hay: Toàn trường có 12 cấp dưỡng và trường đã đóng hai tháng BHXH cho các cô (1.320.000 đồng/người/tháng). Tuy nhiên, tình hình dịch nghỉ kéo dài thì bắt đầu từ tháng 4 trường phải chốt sổ BHXH.
Trong lúc này, chốt sổ BHXH cho nhân viên hợp đồng làm thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp cũng là giải pháp nhằm giảm bớt khó khăn cho NLĐ. Tuy nhiên, hiện mới có khoảng 60 hồ sơ của nhân viên cấp dưỡng đang làm chế độ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Một phần do nhiều trường chưa biết chính sách này. Phần khác do nhân viên cấp dưỡng, giáo viên hợp đồng sợ sau khi hết dịch các trường sẽ không ký tiếp nên không yêu cầu chốt sổ. Ngoài ra, một số trường cho rằng, nếu chốt số thời gian đóng BHXH sẽ bị gián đoạn và sẽ bị cắt bảo hiểm y tế trong thời điểm này…
Ông Nguyễn Duy Thông, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết: Luật Việc làm quy định, khi người lao động thất nghiệp nộp đầy đủ hồ sơ sẽ được trợ cấp nếu tham gia đóng BHXH từ 12 - 36 tháng sẽ được hỗ trợ 3 tháng. Mỗi năm tăng thêm sẽ được tăng thêm 1 tháng với mức bình quân 60% của tháng lương tối thiểu. Sau khi hết dịch, các trường có thể ký lại hợp đồng với nhân viên cấp dưỡng và tiếp tục tham gia BHXH để hưởng các chế độ theo quy định. Đây là nguồn hỗ trợ rất tích cực để người lao động trang trải trong thời gian thất nghiệp.
Thiết nghĩ, dịch bệnh kéo dài, giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho lao động hợp đồng cũng là một giải pháp tình thế để giải quyết khó khăn cho NLĐ. Tuy nhiên, phương án mua thẻ BHYT trong thời điểm hưởng chế độ thất nghiệp để tránh lủng thẻ cũng sẽ phải được tình đến, tránh tình trạng đau ốm đau không được chi trả lại thêm gánh nặng.
Bài, ảnh: Huế Thu