Ân cần chỉ bảo cho các em
Tiếp tục tâm huyết của một người thầy
Với người dân nơi đây, lớp học từ thiện ở 45 kiệt 2 do thầy giáo Nguyễn Phúc Vĩnh Thiều đứng ra mở với mục đích xóa mù chữ cho trẻ em vạn đò, con em lao động nghèo 21 năm trước quá đỗi quen thuộc, dù thầy Thiều đã mất cách đây 18 năm. Những bộ bàn ghế gỗ cũ kỹ đặt dưới mái hiên nhà được che chắn bởi những tấm tôn cũng tạo nên một lớp học. Dưới ánh sáng le lói của những chiếc bóng đèn, gần 40 em nhỏ vẫn miệt mài học bài dưới sự hướng dẫn của hai cô sinh viên Trần Thị Mộng Kiều và Nguyễn Thị Dung.
Trần Thị Mộng Kiều, sinh viên năm 2 khoa Tin, Trường đại học Sư phạm Huế cho biết, từ năm nhất bạn đã tham gia giảng dạy cho trẻ em nghèo ở đây. Đa số các em có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, cha mẹ là lao động nghèo vất vả mưu sinh ở chợ Đông Ba nên không có điều kiện đi học thêm.
Cũng như Kiều, Nguyễn Thị Dung đến từ huyện Đô Lương, Nghệ An, sinh viên năm ba Khoa Tin, Trường đại học Sư phạm Huế, chia sẻ: “Khi biết lớp học ra đời từ tâm huyết muốn xóa mù chữ cho trẻ em vạn đò của một người thầy đã mất, em và các bạn ở khoa rất xúc động. Ngay lúc đó, em đã đăng ký với Hội sinh viên khoa xin tham gia giảng dạy. Hai năm qua, dù điều kiện lớp học còn nhiều thiếu thốn, mùa mưa thì mưa tạt nhưng em và các bạn vẫn cố gắng bỏ công sức vượt qua khó khăn giảng dạy cho các em”.
Cô Huỳnh Ái Dung (65 tuổi), vợ thầy Vĩnh Thiều, bộc bạch: “Năm 1995, chồng cô là thầy giáo Nguyễn Phúc Vĩnh Thiều, giảng viên Khoa Vật lý, Trường đại học Khoa học Huế đứng ra tổ chức lớp từ thiện tại nhà với mục đích xóa mù chữ cho trẻ em vạn đò ở sông Hương, sông Đông Ba không có điều kiện đến trường. Đang lúc lớp học thu hút nhiều trẻ em, tạo sự tin tưởng của phụ huynh thì thầy qua đời. Để tâm huyết của chồng không dang dở, cô vẫn cố gắng duy trì lớp học với sự giúp đỡ từ các bạn sinh viên từng được thầy Vĩnh Thiều cưu mang dạy dỗ.
Giúp trẻ nghèo ham học
Hiện nay, với 15 sinh viên tham gia giảng dạy thường xuyên, trung bình mỗi buổi học có từ 5 – 6 bạn tham gia đứng lớp. Với sự tận tâm, các bạn đã truyền được lửa hiếu học cho các em học sinh đang theo học tại lớp.
Bố mẹ là lao động nghèo, thường xuyên buôn bán cả ngày ở chợ Cồn, hai anh em Dương Gia Huy (11 tuổi) và Dương Ngọc Tín (14 tuổi) không có điều kiện học thêm như chúng bạn cùng lớp. Cứ đến tối thứ 2, 4, 6, hai anh em lại chở nhau trên chiếc xe đạp từ đường Bạch Đằng đến đường Tô Hiến Thành để học. Em Dương Gia Huy hồn nhiên cho biết, đây là năm thứ 2 em theo học ở nhà cô Dung do các anh chị sinh viên đứng lớp. Các anh chị rất nhiệt tình chỉ bài cho em và các bạn. Từ ngày đến với lớp học, em không còn mê chơi game nữa, việc học của em cũng ngày càng tiến bộ hơn.
Cũng giống như Huy và Tín, Trần Anh Tuấn học sinh lớp 5 Trường tiểu học Phú Cát cũng có hoàn cảnh khó khăn không kém khi bố làm thợ hồ, mẹ buôn bán cả ngày ở chợ. Dù nhà ở làng Bao Vinh, xã Hương Vinh (thị xã Hương Trà) nhưng tối nào em cũng được bố mẹ đưa đến học.
Cô Huỳnh Ái Dung chia sẻ: “Kể từ khi các bạn sinh viên khoa Tin, Trường đại học Sư phạm Huế phụ trách lớp học, các em học sinh trên địa bàn phường tham gia học ngày càng đông. Bên cạnh con em lao động nghèo tham gia học, nhiều gia đình khá giả cũng cho con em đến học thay vì đi học thêm như trước. Ngoài việc dạy, các em sinh viên cũng hay tổ chức các trò chơi, tổ chức trao sách vở cho các em, làm cho các em rất thích thú mỗi khi đến lớp.
Võ Thạnh