ClockThứ Bảy, 27/08/2022 14:00

“Xây chắc” ba trụ cột định hướng trong chuyển đổi giáo dục

TTH - Trong định hướng chuyển đổi giáo dục Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) xác định ba trụ cột sẽ được tập trong thời gian tới là chuyển đổi hệ thống quản trị, chuyển đổi môi trường và công nghệ số. Với Đại học (ĐH) Huế, việc “xây chắc” ba trụ cột này gắn với chiến lược phát triển tạo động lực để vươn tầm.

Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030Trường THTP chuyên Quốc Học tiếp tục khẳng định vị thế trong giáo dục

Cán bộ đại học Huế nghiên cứu khoa học

Ba trụ cột định hướng

Ngay trong hội thảo tham vấn quốc gia về chuyển đổi giáo dục do Bộ GD&ĐT phối hợp với Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam tổ chức vào tháng 7, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc đã chỉ rõ ba trụ cột sẽ được tập trung trong định hướng chuyển đổi giáo dục Việt Nam thời gian tới. Trong đó, ba trụ cột định hướng là chuyển đổi hệ thống quản trị, chuyển đổi môi trường và công nghệ số.

Vấn đề đổi mới giáo dục luôn được đặt ra nhiều năm qua và những ĐH lớn như các ĐH Quốc gia, ĐH Vùng trong đó có ĐH Huế giữ vai trò, đóng góp rất quan trọng. Thực tế, sau gần 3 năm chịu tác động mạnh mẽ của đại dịch COVID-19, ngành giáo dục và các cơ sở đào tạo đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để việc dạy và học không bị gián đoạn. Tuy nhiên, những yêu cầu thực tiễn về chuyển đổi hệ thống giáo dục quốc gia, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững trong một thế giới nhiều biến động cũng được đặt ra với nhiều thách thức.

Nhìn tại ĐH Huế, trong thời gian chịu ảnh hưởng bởi đại dịch, các đơn vị đã nỗ lực xây dựng cơ sở dữ liệu, bài giảng, áp dụng phương pháp đào tạo, thi, tuyển sinh trực tuyến. Bên cạnh những hiệu quả đạt được, vẫn còn những nỗi lo về hiệu quả chất lượng.

Trong một lần chia sẻ, PGS.TS. NGƯT Huỳnh Văn Chương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng ĐH Huế từng trăn trở bài toán về quản trị và tự chủ ĐH toàn diện trong bối cảnh hiện nay. Mặt khác, các đơn vị chưa thật sự tích cực cùng chủ động phối hợp, hỗ trợ và chia sẻ nhiệm vụ và lợi ích nhau, đặc biệt sau khi cơ sở vật chất và trang thiết bị được đầu tư; nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ còn thấp, chủ yếu vẫn là học phí.

Những khó khăn tại ĐH Huế cũng là khó khăn chung mà nhiều cơ sở giáo dục ĐH gặp phải, cũng vì thế, những yêu cầu về đổi mới thực sự cần thiết. Việt Nam đang trong giai đoạn đầu thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 và việc “xây chắc” ba trụ cột đã được tập trung trong định hướng chuyển đổi giáo dục Việt Nam trong thời gian tới. Đặc biệt, chuyển đổi hệ thống quản trị của lĩnh vực giáo dục và phát triển đội ngũ lãnh đạo có năng lực phù hợp với thời đại. Với ĐH Huế đang vươn tầm, phát triển thành ĐH Quốc gia, hệ thống quản trị và trình độ đội ngũ lãnh đạo cần phải được cấu trúc, theo kịp các yêu cầu về đáp ứng chất lượng xứng tầm.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, trụ cột định hướng thứ hai là cần tạo ra môi trường để nuôi dưỡng, phát triển ước mơ, hoài bão cho những người trẻ, chuyển đổi từ môi trường từ trường học “tĩnh” sang trường học “động”. Ở đó thiết lập các chương trình học tập linh hoạt, nguồn học liệu mở, dựa trên nền tảng của công nghệ số, bảo đảm tiếp cận giáo dục công bằng, hiệu quả cho tất cả người học.

Trong thời đại 4.0, công nghệ số sẽ là nền tảng cho các quá trình chuyển đổi. Công nghệ số cũng giúp tạo dựng mô hình tiếp cận mới cho những người học. ĐH Huế hướng đến một hệ thống ĐH nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực, tiên phong, trọng điểm của hệ thống giáo dục ĐH Việt Nam, tất yếu việc chuyển đổi số cần được tập trung giải quyết.

Gắn với các chiến lược phát triển

Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị ra đời, xác định rõ các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp gắn với ĐH Huế, trong đó khẳng định xây dựng trung tâm giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao trên cơ sở phát triển ĐH Huế trở thành ĐH Quốc gia, phấn đấu nằm trong tốp 300 ĐH hàng đầu châu Á.

Thực hiện nhiệm vụ trên cần đồng loạt giải pháp, huy động nhiều nguồn lực. Ngay từ sớm, ĐH Huế đã chú trọng đến ba trụ cột định hướng trong chuyển đổi giáo dục và việc “xây chắc” ba trụ cột trên tiếp tục cần ĐH Huế triển khai mạnh.

Hiện nay, ĐH Huế đã xây dựng chiến lược phát triển giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045, xác định các nhóm chiến lược quan trọng, từ quản trị ĐH trước xu thế tự chủ; Xây dựng chương trình đào tạo ĐH và sau ĐH linh hoạt, thích ứng cao, đồng thời bảo đảm chất lượng trong đào tạo và hội nhập quốc tế; Phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ vào thực tế…

ĐH Huế cần xây dựng năng lực toàn hệ thống ĐH Huế về đảm bảo chất lượng với đầy đủ các thiết chế có tính liên kết các đầu mối mạnh giữa các đơn vị thành viên, đơn vị thuộc và trực thuộc; thiết lập văn hóa chất lượng, thúc đẩy việc thông tin về việc ra các quyết định bao gồm hệ thống thông tin quản lý đồng bộ, nhanh, kịp thời từ cấp ĐH đến cấp trường, khoa, bộ môn, phòng, ban. Đồng thời, cần có những chương trình, dự án tập trung đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực quản trị, quản lý cho đội ngũ viên chức quản lý trong toàn ĐH Huế giai đoạn 2022 - 2030 xứng tầm khi phát triển thành ĐH Quốc gia, trong đó ưu tiên đào tạo và bồi dưỡng năng lực quản trị, quản lý với nguồn đội ngũ được quy hoạch các vị trí quản lý trên để đủ tầm quản trị và quản lý khi ĐH Huế được nâng lên thành ĐH Quốc gia.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, chuyển đổi số toàn diện trong giáo dục và tạo ra môi trường dạy - học hiệu quả, phù hợp để phát huy năng lực cả người dạy lẫn người học.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giáo dục đại học tham gia thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Lâu nay, khi nói về cơ sở giáo dục đại học, thường chỉ nhấn mạnh là nơi cung cấp nguồn nhân lực có chuyên môn cho đất nước, khu vực và các địa phương. Hiện nay, vai trò của giáo dục đại học được thể hiện trên nhiều hơn khía cạnh của đời sống, đặc biệt là đóng góp cụ thể cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Giáo dục đại học tham gia thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
Việt Nam ủng hộ thúc đẩy vấn đề giáo dục trong Chương trình nghị sự Liên hợp quốc

Ngày 15/5 tại New York đã diễn ra phiên họp cấp đại sứ của Nhóm bạn bè về giáo dục và học tập trọn đời. Tham dự phiên họp có Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Amina J.Mohammad, Trợ lý Tổng giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO) về Giáo dục Stefania Giannini cùng Đại sứ, Trưởng Phái đoàn và đại diện của gần 30 nước thành viên LHQ.

Việt Nam ủng hộ thúc đẩy vấn đề giáo dục trong Chương trình nghị sự Liên hợp quốc
Thị trường tư nhân có thể đáp ứng nhu cầu chuyển đổi năng lượng của châu Á

Hàng tỷ USD đổ vào các thị trường tư nhân có thể là câu trả lời cho nhu cầu chuyển đổi năng lượng của châu Á, trong bối cảnh ngày càng nhiều nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận ổn định do năng lượng tái tạo mang lại. Tuy nhiên, những ưu đãi hoặc chính sách tốt hơn có thể đóng vai trò cần thiết.

Thị trường tư nhân có thể đáp ứng nhu cầu chuyển đổi năng lượng của châu Á

TIN MỚI

Return to top