Liên thông trong đào tạo sẽ thuận tiện
Những năm trước, các trường trung cấp nghề, cao đẳng nghề do Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội quản lý, còn trường trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng chuyên nghiệp do Bộ Giáo dục & Đào tạo quản lý. Hai hệ thống này đã được sáp nhập và các trường sẽ cùng đổi thành trường trung cấp hoặc trường cao đẳng. Những trường hoạt động có hiệu quả mới được sát nhập, còn hoạt động cầm chừng phải tính đến chuyện giải thể.
Sinh viên Trường Cao đẳng Du lịch Huế trong giờ thực hành
Có không ít quan ngại cho rằng, ngành Lao động - Thương binh & Xã hội quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp sẽ gây khó khăn cho công tác liên thông. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp, liên thông trong đào tạo được thực hiện căn cứ vào chương trình đào tạo. Người học khi chuyển từ trình độ đào tạo thấp lên trình độ đào tạo cao hơn cùng ngành, nghề hoặc khi chuyển sang học ngành, nghề khác thì không phải học lại những nội dung đã học và do hiệu trưởng các trường cao đẳng, đại học quyết định.
Giám đốc Sở Lao động - Thương binh & Xã hội Hà Văn Tuấn cho biết: Học sinh, sinh viên hệ cao đẳng, trung cấp tuyển sinh từ năm 2016 trở về trước tiếp tục học chương trình hiện hành cho đến khi kết thúc khóa học. Học sinh, sinh viên cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp được cấp bằng theo quy định của Bộ Giáo dục & Đào tạo, học nghề sẽ được cấp bằng theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội. Các khóa tuyển sinh từ ngày 1/1/2017 trở đi thực hiện đào tạo, cấp bằng thống nhất theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp. Đối với các khoá học hệ trung cấp chuyên nghiệp của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã được Sở Giáo dục & Đào tạo đăng ký và nhận phôi bằng tại Bộ Giáo dục & Đào tạo, Sở Giáo dục & Đào tạo tiếp tục cấp phôi bằng cho các trường để cấp cho học sinh sau khi tốt nghiệp và chịu trách nhiệm với số phôi bằng còn lại (nếu cấp chưa hết).
Ông Phan Lương, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, cho hay, sẽ tham mưu UBND tỉnh sửa đổi chức năng, nhiệm vụ của Sở Lao động - Thương binh & Xã hội và Sở Giáo dục & Đào tạo. Các bên sẽ tiến hành bàn giao nguyên trạng chức năng, nhiệm vụ tham mưu giúp UBND tỉnh quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp. Nếu Sở Giáo dục & Đào tạo chuyển giao nhân sự cho Sở Lao động - Thương binh & Xã hội thì đơn vị này phải cam kết bố trí đúng vị trí mà công chức đó đang làm. Nếu Sở Giáo dục & Đào tạo không chuyển giao nhân sự thì hai sở phải thống nhất phương án biên chế để tham mưu UBND tỉnh bổ sung biên chế cho Sở Lao động - Thương binh & Xã hội.
Các trường tự quyết định chương trình đào tạo
Từ năm 2017, toàn tỉnh có thêm 8 trường cao đẳng, trung cấp do Sở Lao động - Thương binh & Xã hội quản lý. Các trường sẽ áp dụng quy chế tuyển sinh của Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội. Trong mùa tuyển sinh năm nay, các trường đào tạo nghề lựa chọn thời gian tuyển sinh, có thể một hoặc nhiều lần trong năm theo chỉ tiêu tuyển sinh đã xác định. Tùy năng lực, hiệu trưởng các trường trung cấp, cao đẳng quyết định số lần tuyển sinh trong năm. Hình thức tuyển do hiệu trưởng tự quyết định, có thể xét tuyển, thi tuyển hoặc kết hợp 2 hình thức đó.
Các trường tự quyết định và chịu trách nhiệm thực hiện chương trình đào tạo theo niên chế, tín chỉ hoặc tích lũy mô đun tùy điều kiện của trường mình. Thời gian khoá học theo niên chế trình độ cao đẳng từ 2-3 năm. Trình độ trung cấp học từ 1 - 2 năm. Ở trình độ trung cấp, lý thuyết chỉ được chiếm tối đa 45% thời gian học, còn lại dành cho thực hành, thực tập. Đối với cao đẳng, thời gian học lý thuyết tối đa 50% khoa học, còn lại cho thực hành, thực tập.
Các trường tự xây dựng chương trình đào tạo nghề theo nguyên tắc: Khối lượng kiến thức, năng lực người học phải đáp ứng tiêu chuẩn nghề quốc gia; cùng với kế thừa nội dung đang đào tạo cần cập nhật tiến bộ khoa học kỹ thuật để đáp ứng nhu cầu thị trường. Đồng thời, nội dung đào tạo phải đảm bảo kiến thức cơ bản về chính trị, văn hóa, xã hội, ngoại ngữ và công nghệ thông tin; các kỹ năng lý thuyết và thực hành, giao tiếp trong công việc...
Dạy nghề là một yêu cầu cấp thiết để hội nhập, nâng cao năng suất lao động để đổi mới tăng trưởng. Đào tạo nghề thời gian tới trước hết phải phân luồng ngay từ trung học cơ sở. Dạy nghề phải gắn với điều tra thị trường lao động, điều tra nhu cầu, từ nhu cầu để hướng các em học nghề, học ra là có việc, khắc phục tình trạng học xong cao học phải... giấu bằng đi để làm công nhân.
Huế Thu