ClockThứ Năm, 24/04/2014 05:32

Giữ rừng còn lắm gian nan

TTH - Mùa mưa hay nắng, những người lính giữ rừng vẫn canh cánh trách nhiệm phải bảo vệ tốt nguồn tài nguyên rừng, dù có những lúc đối mặt với nhiều mối hiểm nguy, đe dọa rình rập.

Tiếp cận điểm nóng

Theo những cán bộ kiểm lâm thị xã Hương Trà dẫn đường, chúng tôi dọc tuyến Quốc lộ 49 Huế - A Lưới lên Trạm Kiểm lâm lòng hồ Bình Điền. Để đến được đây, ngoài hơn 30 km đường nhựa, phải qua một chuyến đò ngang trên lòng hồ Thủy điện Bình Điền.

Tuần tra, ngăn chặn lâm sản gỗ tuồn về xuôi

Hôm chúng tôi lên, trạm chỉ còn 4 thành viên, 2 thành viên khác vừa đi rừng. Lâu lâu có dịp tiếp đón “khách quý”, các anh vui ra mặt. Anh Trần Văn Vinh, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm lòng hồ Bình Điền trò chuyện, năm 2009, sau khi có thủy điện Bình Điền, khu vực này trở thành điểm nóng phá rừng, đường vận chuyển lâm sản “lý tưởng” của lâm tặc. Anh em phải thường xuyên bám sát chốt chặn, tuần tra; nhất là dịp cuối năm thường là thời điểm lâm tặc lộng hành khai thác, vận chuyển gỗ về xuôi. Do đó, dù lễ, tết, quân số trực chốt phải luôn đạt 70% lực lượng trở lên.

Trạm đóng biệt lập, xa trung tâm, nên ngoài nhiệm vụ giữ rừng, cánh đàn ông còn kiêm luôn nội trợ, đi chợ, giặt giũ. Để chủ động thực phẩm, ngoài mua dự trữ, các anh còn trồng thêm rau xanh, nuôi gà, câu cá dưới hồ cải thiện bữa ăn. Trong bữa cơm trưa đạm bạc, các anh em trong trạm vui vẻ ôn lại chuyện nghề. Anh Vinh cho biết, hơn 25 năm làm công tác quản lý, bảo vệ rừng, anh đã trải qua rất nhiều vị trí, đơn vị công tác. Mới nhất, vào năm 2009, anh được chuyển về nhận nhiệm vụ Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm lòng hồ Bình Điền. Anh tâm sự: “Ngày 12/9/2012, lúc anh em đi tuần tra và bắt giữ được một phương tiện ghe máy. Ít giờ sau, chủ ghe bị tịch thu tên Lê Văn Mong đã liều lĩnh xuất hiện để cướp ghe. Cũng may có đông anh em nên đối tượng đã bị phát hiện và khống chế. Vào năm 2013, ông Mong đã bị xử phạt 9 tháng tù giam”.

“Cũng chưa lâu, anh Thảo ở Đội Kiểm lâm cơ động - PCCCR số 1 thuộc Chi cục Kiểm lâm bị một nhóm lâm tặc trấn áp cướp lại gỗ ngay tại địa bàn lòng hồ Bình Điền. Anh em còn nhớ như in, lúc đó, sau khi đội tuần tra bắt giữ được một số lượng gỗ của bọn lâm tặc, trong đội cử một mình anh Thảo ở lại canh giữ lâm sản tịch thu được để tiếp tục công tác xử lý thì xảy ra sự việc trên. Đó cũng là bài học để anh em hết sức cảnh giác, phòng bị”, anh Vinh kể lại.

Anh Nhật, thành viên trong trạm trải lòng: “Mọi người vẫn thường gọi đùa chúng tôi là “kiểm lâm quần đùi”, giống như loài vạc “ăn đêm”, vì thường phải lội sông, lội suối làm nhiệm vụ. Những ngày giá rét, anh em phải nằm trên ca nô giữa lòng hồ suốt đêm canh gác, bởi đây là tuyến đường huyết mạch vận chuyển gỗ về xuôi. Có những chuyến đi tuần tra dài ngày lên tận Khe Lác, Tà Ve, giáp ranh giữa Hương Trà và A Lưới, cách trạm đóng chân hàng chục cây số. Đoạn nào có sông, có suối thì chèo ghe; gặp những đoạn khô, dốc thì vác ghe cuốc bộ”.

Khó khăn chồng chất

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Hạt Trưởng Hạt Kiểm lâm Hương Trà cho biết, Hương Trà là địa bàn có diện tích rừng 26.270 ha, gồm 17.174 ha rừng trồng và 9.095 ha rừng tự nhiên với đủ loại địa hình phức tạp. Trong đó, có 2 hồ thủy điện là điều kiện thuận lợi cho việc khai thác và vận chuyển lâm sản trái phép. Đây cũng là khu vực lâm sản từ các nơi như Nam Đông, A Lưới, Hương Thủy đổ về, nên rất áp lực trong việc tuần tra kiểm soát, trong khi đó lực lượng tại các trạm chốt rất mỏng.

Ông Dũng cũng lý giải vì thiếu đất sản xuất, cuộc sống của những đối tượng phá rừng quá khó khăn, chủ yếu sống dựa vào nghề rừng, nên họ liều lĩnh vào rừng chặt phá, đặt bẫy săn bắt động vật rừng để trang trải qua ngày. Tuy nhiên, lực lượng kiểm lâm đã tổ chức các giải pháp như phối hợp với các đơn vị, chủ rừng hoặc hoạt động độc lập để chốt chặn, tăng cường tuần tra kiểm soát. Những vụ bắt giữ gỗ gần đây tại địa bàn chỉ mang tính chất nhỏ lẻ, không ồ ạt, không mang tính tổ chức như trước đây.

Hiện, toàn tỉnh có 22 trạm kiểm lâm và hàng chục tổ kiểm lâm cơ động. Số trạm, tổ đóng chân ở vùng sâu, vùng xa, hẻo lánh chiếm đa phần. Trong đó, phải kể đến Trạm Chà Lệnh Mụ Nú (thuộc xã Hương Nguyên, A Lưới), Khe Liềm nằm chênh vênh bên dòng Ô Giang, thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Phong Điền... Những trạm này nằm lọt thỏm giữa đại ngàn rừng núi, cách xa khu dân cư, giao thông cách trở, mọi sinh hoạt rất khó khăn. Rừng rộng, nhiều lâm sản, động vật quý hiếm, lâm tặc luôn nhòm ngó, trong khi đó, lực lượng kiểm lâm lại mỏng nên họ phải ra sức bảo vệ, chỉ cần lơ đễnh chút nào là lâm tặc lợi dụng chút đó.

Vì là địa bàn có trữ lượng gỗ lớn và tính đa dạng sinh học cao, nên nhiều khu vực rừng của Thừa Thiên Huế trở thành nơi “sào huyệt” hay còn là “cội” của bọn lâm tặc. Để giảm thiểu tình trạng xâm phạm tài nguyên rừng, lực lượng kiểm lâm và các chủ rừng phải thường xuyên chia thành từng đội và phân thành nhiều tuyến để tuần tra. Hành trang cho một chuyến đi rừng của các anh thường kéo dài từ 8 đến 10 ngày đêm. Ngoài thực phẩm, gạo, nước uống… mang theo, thứ không thể thiếu nữa là các loại vũ khí quân dụng như súng hơi cay, súng cao su, súng AK, bình xịt hơi cay, còng số 8; hoặc mang thêm máy GPS, la bàn và bản đồ. Trên đường đi tuần, anh em vừa cảnh giới lâm tặc, vừa phải tháo gỡ rất nhiều dây bẫy động vật rừng, hủy bỏ nhiều cây cầu treo được chúng thiết kế để tời gỗ vẫn còn y nguyên. Đến những đoạn suối phải lật bỏ những tảng đá còn nằm lởm chởm do chúng dựng nên để biến thành những con đê. Theo lý giải của những người canh giữ rừng, lâm tặc làm vậy để đắp thành những con đập nhỏ, phân khúc ra nhiều đoạn để dùng sức nước đẩy gỗ về xuôi dễ dàng. Hành vi phá rừng cũng ngày càng tinh vi hơn, nên việc đối phó tình trạng này gặp rất nhiều khó khăn, nhiều phương tiện máy cưa, máy xẻ được chúng “độ” lại nên âm thanh phát ra rất nhỏ, khó phát hiện. Đó là chưa nói đến sự manh động của chúng khi gặp anh em tuần tra. Chúng có cả lựu đạn và súng tự chế.

Kiểm lâm là lực lượng “tả xung hữu đột”. Dù mùa nắng hay mưa đều không ngơi nghỉ. Mùa mưa thì chống chặt phá, vận chuyển gỗ rừng, mùa hè phải đặc biệt kiêm thêm phòng, chống cháy rừng. Trong quá trình làm nhiệm vụ, không ít người gặp nạn, không vì người hại thì cũng do rủi ro, như bị rắn độc cắn, vắt đeo, côn trùng có nọc độc chích... Hay không ít trường hợp bị thương trong lúc tham gia chữa cháy rừng. Dù âm thầm, nhẫn nại với mong muốn đem lại sự bình yên trọn vẹn, song cuộc chiến chống lâm tặc, bảo vệ tài nguyên rừng, đa dạng sinh học vẫn còn là thách thức đối với những chiến sỹ giữ rừng.

Hoài Thương
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lan tỏa văn hóa tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ trong giáo dục

Ngày 26/4, Cục Sở hữu Trí tuệ (SHTT), Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp cùng Tập đoàn Giáo dục EQuest và Trường đại học Phú Xuân tổ chức lễ chào mừng Ngày SHTT thế giới với chủ đề “SHTT và các mục tiêu phát triển bền vững: Xây dựng tương lai chung bằng đổi mới và sáng tạo”. Tham dự sự kiện có ông Lưu Hoàng Long, Cục trưởng Cục SHTT. Về phía tỉnh có ông Nguyễn Thanh Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh. Sự kiện còn thu hút gần 60 đại biểu quốc tế.

Lan tỏa văn hóa tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ trong giáo dục
Ứng dụng công nghệ trong điều tra dân số và nhà ở

Cùng với cả nước, trong tháng 4 này, Thừa Thiên Huế đồng loạt ra quân và tăng tốc thực hiện điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024. Với sự trợ giúp từ phần mềm CAPI (một mô-đun phỏng vấn cá nhân và phỏng vấn thực địa chuyên dụng) trên thiết bị điện tử đã giúp các lực lượng điều tra viên “tăng tốc” trong quá trình thực hiện điều tra.

Ứng dụng công nghệ trong điều tra dân số và nhà ở
Return to top