ClockThứ Năm, 26/06/2014 13:30

Gỡ khó để ngư dân tiếp cận vốn tín dụng

TTH - Ông Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh bức xúc: "Chính vì không tiếp cận được với các khoản vay chính sách của ngân hàng mà ngư dân phải sử dụng "tín dụng đen" của các nậu, vựa. Những món vay nhỏ nhưng phải trả lãi lớn khiến họ khó hiện đại hóa nghề cá.

Muốn đầu tư nhưng không có vốn

Ngư dân mong muốn được vay vốn đóng mới và cải hoán tàu công suất lớn hơn để vươn khơi, bám biển dài ngày

Chiều 12-6-2014, trong phiên chất vấn các thành viên Chính phủ được truyền hình trực tiếp để cử tri cả nước theo dõi, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã báo cáo Quốc hội về vấn đề Biển Đông. Phó Thủ tướng cũng cho biết đầu tháng 7 sẽ có Nghị định hướng dẫn triển khai gói 16 ngàn tỷ đồng hỗ trợ ngư dân. Chính phủ đảm bảo sẽ thực hiện cải cách hành chính, giảm thủ tục một cách tối đa để người dân nhận được hỗ trợ một cách nhanh chóng, thuận tiện nhất. Chính sách tín dụng đối với tàu đóng mới trên 380CV với thời hạn cho vay 11 năm, ân hạn 1 năm cùng chính sách ưu đãi thuế. Đối với tàu khai thác, tàu vỏ thép được vay 90% vốn đầu tư với lãi suất 5%/năm; trong đó chủ tàu trả 2%, ngân sách cấp bù 3%. Nếu tàu vỏ thép công suất trên 800CV thì được vay 95%, chủ tàu chỉ trả lãi suất 1%/năm, ngân sách cấp bù 4%. Còn tàu gỗ hoặc tàu cải hoán, nâng cấp được vay 85%, trả lãi tương tự tàu vỏ thép dưới 800CV. Đối với tàu dịch vụ hậu cần vỏ thép được vay 95%, lãi suất ưu đãi như đóng tàu khai thác vỏ thép trên 800CV, tàu hậu cần vỏ gỗ được vay 85% với lãi suất áp dụng như với tàu khai thác vỏ gỗ, tàu cải hoán.

Chúng tôi đến thôn Tân Bình (thị trấn Thuận An, Phú Vang) vào một trưa hè oi ả. Lúc này, chiếc tàu với công suất 420CV của anh Lê Giáp vừa hạ thủy sau hơn 2 tháng đóng mới. Chỉ vào chiếc tàu, anh Giáp vừa mừng, vừa lo. Mừng vì sau bao năm vất vả giờ đã đóng được chiếc tàu với công suất lớn, điều kiện rất thuận lợi để vươn khơi, bám biển. Lo là đóng mới chiếc tàu trị giá 1,5 tỷ đồng, vay vốn ngân hàng không được phải vay từ các chủ nậu, người quen với lãi suất cao. “Muốn vươn khơi phải đầu tư máy phát điện trị giá khoảng 500 triệu đồng nữa, nhưng bây giờ còn mờ mịt quá”, anh Giáp trải lòng.

Do đặc thù đánh bắt xa bờ đòi hỏi phải đóng tàu mới công suất lớn với giá trị đầu tư cao nên vốn là nhu cầu lớn, đồng thời cũng là vấn đề khó khăn nhất đối với ngư dân. Tuy nhiên, sao khi đã có các chính sách hỗ trợ mà ngư dân vẫn khó tiếp cận nguồn vốn? Ngư dân e dè vì số tiền vay quá lớn so với tài sản của họ và lãi suất thương mại khá cao so với thu nhập từ việc đánh bắt trên biển. Trong khi đó, các tổ chức tín dụng lại rất thận trọng khi cho vay. Nguyên nhân lớn nhất là do ngư dân thiếu các tài sản bảo đảm cho khoản vay. Trường hợp ngư dân đồng ý thế chấp tài sản bằng chính con tàu thì ngân hàng cũng rất ngại, bởi việc xử lý tài sản bảo đảm tàu cũng gặp nhiều khó khăn về thủ tục và giá trị khi phát mại. Vì vậy, việc cho vay đóng tàu với số tiền lớn, thời hạn dài, rủi ro cao và thiếu tài sản bảo đảm khiến các tổ chức tín dụng hết sức thận trọng.
Ông Trần Văn Lu, trưởng thôn Tân Bình bức xúc, riêng hai năm trở lại, thôn Tân Bình đóng mới 12 chiếc tàu với công suất từ 250 đến 500CV, trị giá mỗi chiếc từ 1,2 -1,5 tỷ đồng; ngư dân chạy vạy để vay vốn nhưng mỗi chủ tàu chỉ vay tối đa 50 triệu đồng.
Cần cơ chế tín dụng đặc thù
Ông Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh bức xúc: “Chính vì không tiếp cận được với các khoản vay chính sách của ngân hàng mà ngư dân phải sử dụng “tín dụng đen” của các nậu, vựa. Những món vay nhỏ nhưng phải trả lãi lớn khiến họ khó hiện đại hóa nghề cá. Trong nhiều cuộc họp, Chi cục đề xuất với các cơ quan, ban ngành chức năng cùng chung sức tìm hướng giúp bà con ngư dân sớm tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi nhưng đến nay vẫn bế tắc. Chi cục là cơ quan quản lý Nhà nước nên muốn giúp dân gỡ khó về vốn vay nhưng cũng chỉ ở mức độ nào đó”.
Anh Trần Dần, chủ tàu THH 95555, ở thị trấn Thuận An (Phú Vang) bày tỏ: “Tôi làm nghề biển đến nay gần 30 năm, thời gian sống trên biển nhiều hơn ở nhà, bà con ngư dân trong vùng mệnh danh tôi là “ngư phủ” giỏi nhất. Trước tình hình căng thẳng của Biển Đông, gia đình tôi có nguyện vọng đóng tàu vỏ sắt nhưng còn khó khăn về vốn nên ước mơ đó chưa thực hiện được. Mong Đảng và Nhà nước sớm hỗ trợ ngư dân được vay vốn ưu đãi để đầu tư đóng tàu có công suất lớn vươn khơi, bám biển dài ngày”.
Cách đây khoảng 4 tháng, Ngân hàng TMCP Đông Á Thừa Thiên Huế về tận thị trấn Thuận An triển khai Chương trình tín dụng ưu đãi “Cùng ngư dân bám biển”. Đây là tín hiệu vui với bà con ngư dân khi mà lâu nay việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi dành cho đóng tàu xa bờ có công suất lớn luôn gặp khó khăn. Theo đó, chương trình sẽ hỗ trợ thí điểm cho những ngư dân có nhu cầu đóng mới tàu cá có công suất từ 250CV trở lên vay vốn theo nhu cầu thực tế đóng tàu và dùng chính tài sản là tàu cá, có bảo hiểm thân tàu làm tài sản thế chấp. Sau đó, ngư dân được ngân hàng hướng dẫn làm thủ tục vay vốn, nhưng đến nay nguồn vốn đó ngư dân vẫn chưa tiếp cận.        
Để giải bài toán, các ngành chức năng cần xây dựng cơ chế đặc thù cho ngư dân vay đánh bắt hải sản xa bờ với tài sản thế chấp là tàu cá. Đồng thời, cần có cơ chế chỉ đạo bao tiêu sản phẩm với giá cả hợp lý để bà con an tâm sản xuất và ngành ngân hàng an tâm đầu tư.  
Theo chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, trong đó dành nhiều sự quan tâm đến việc cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của ngư dân. Để làm điều đó, cần sớm bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ ngư dân đầu tư khai thác hải sản trên các vùng biển xa, vùng biển trọng yếu. Chính sách tín dụng phải được đặt lên hàng đầu và nỗ lực triển khai thực hiện có hiệu quả. 

Ông Lê Trường Lưu, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh:

Rà soát nhu cầu vay vốn của ngư dân

Nhằm giúp bà con ngư dân trên địa bàn tỉnh vay vốn đóng mới và nâng công suất tàu thuyền vươn khơi, bám biển, trước đây UBND tỉnh cũng đã có nhiều cuộc họp bàn chính sách đặc thù của tỉnh về vốn cho ngư dân vay. Kỳ họp Quốc hội đã đồng ý hỗ trợ gói 16 ngàn tỷ đồng cho ngư dân trên cả nước nên UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, khảo sát nhu cầu vay vốn của ngư dân, sau khi vốn hỗ trợ ngư dân được phê duyệt và phân bổ về các địa phương, UBND tỉnh sẽ đôn đốc các ngân hàng giải ngân trong thời gian sớm nhất.

Ông Nguyễn Đình Sang, Phó Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thừa Thiên Huế:

Nhiều rủi ro nên ngân hàng e dè

Đến nay, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thừa Thiên Huế có dư nợ 200 tỷ đồng cho người dân vay đầu tư phát triển thủy sản; trong đó, ngư dân vay đầu tư ngư lưới cụ, sửa chữa tàu thuyền khoảng 110 tỷ đồng. Để được vay vốn, bà con ngư dân phải có tài sản đảm bảo như nhà ở để thế chấp. Trước đây, ngân hàng tạo điều kiện cho bà con vay vốn lớn để đầu tư đóng tàu và phía ngân hàng buộc tàu đó phải mua bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm thuyền viên, tuy nhiên bà con chỉ mua bảo hiểm thời gian đầu, những năm sau không đáp ứng điều kiện. Đối với thế chấp nhà ở thì các vùng nông thôn giá trị không lớn nên chúng tôi chỉ cho vay trong vòng 100 đến 150 triệu đồng/thẻ đỏ.
Bên cạnh đó, theo Nghị định 41 của Chính phủ về chính sách cho vay nông nghiệp, nông thôn, nông dân với mức vay 50 triệu đồng là không phải đảm bảo bằng tài sản. Hy vọng, gói 16 ngàn tỷ đồng hỗ trợ vốn cho ngư dân được Chính phủ phê duyệt sẽ là điều kiện thuận lợi giúp ngư dân tiếp cận nguồn vốn được dễ dàng hơn.
Thuận Thanh
 
Thanh Thuận
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Công bố quyết định kiểm toán các dự án xây dựng cầu và đường ven biển

Ngày 2/5, Kiểm toán Nhà nước phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh tổ chức công bố quyết định kiểm toán Dự án (DA) thành phần 2: Cầu Nhật Lệ 3 (DA đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3, tỉnh Quảng Bình) và đường 2 đầu cầu (DA Tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh Thừa Thiên Huế và cầu qua cửa Thuận An).

Công bố quyết định kiểm toán các dự án xây dựng cầu và đường ven biển
Nâng cấp hậu cần nghề cá, phát triển ngành thủy sản bền vững

Các dự án (DA) nâng cấp hậu cần nghề cá, chỉnh trị cửa biển đã và đang triển khai góp phần quan trọng vào giảm thiểu bồi lắng, xâm thực cửa biển, đảm bảo giao thông đường thủy, nâng cao hiệu suất khai thác của cảng cá và khu neo đậu, tránh trú bão ở các địa phương.

Nâng cấp hậu cần nghề cá, phát triển ngành thủy sản bền vững
Ưu tiên nguồn lực chỉnh trang vỉa hè

Thành phố Huế đã và đang hoàn thiện hạ tầng đô thị Huế bắt đầu từ những dự án (DA) chỉnh trang vỉa hè, hạ lề các tuyến đường ở khu vực trung tâm nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và du khách.

Ưu tiên nguồn lực chỉnh trang vỉa hè
Return to top