ClockChủ Nhật, 21/06/2020 20:15

"Hãy sống như chưa từng được sống"

TTH.VN - “Chỉ cần gieo một nụ cười, hay cho đi một cái ôm nghĩa là bạn đang truyền những gì tốt đẹp nhất đến người đối diện. Hãy sống và tha thứ bằng tình yêu thương, sự quan tâm chân thành”, cô gái khuyết tật Phan Thị Khỏe, ngồi ở không gian Gieo Mầm (16 Nguyễn Phúc Nguyên, TP. Huế) – nơi mình làm quản lý thả những lời nhẹ như gió...
 

“Bạn chỉ cần gieo một nụ cười, hay cho đi một cái ôm nghĩa là bạn đang truyền đi những gì tốt đẹp nhất đến người đối diện. Hãy sống và tha thứ bằng tình yêu thương, sự quan tâm chân thành”, cô gái khuyết tật Phan Thị Khỏe, ngồi ở không gian Gieo Mầm (16 Nguyễn Phúc Nguyên, TP. Huế) – nơi mình làm quản lý, nhìn ra những hàng cây dọc theo bờ sông Hương thơ mộng và nói những lời nhẹ như gió.

Ít ai nghĩ rằng, để nói được những lời ấy, cô gái 26 tuổi này từng trải qua những biến cố đau thương của cuộc đời. Ít nhất hai lần, cô có ý định tìm đến cái chết để khép lại sự sống khi tuyệt vọng nhất. Để rồi, giờ đây Khỏe đã tự viết cổ tích cho chính cuộc đời mình.

Không chỉ vực dậy được chính mình, Khỏe giờ đây là người quản lý không gian Gieo Mần – nơi giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, chia sẻ với những phận đời yếu thế

Từ một người bình thường, Khỏe gục ngã khi lâm bệnh. Và cô đã tự đứng dậy bằng tất cả niềm tin, nghị lực. Không gian Gieo Mầm ra đời là nơi mà cô đang truyền đi thông điệp gieo mầm sống, ở đó có tình yêu thương, sự tha thứ và luôn được khơi gợi: "Hãy sống như chưa từng được sống"…

Tuổi thơ Khỏe sinh ra đã sống với những chuỗi ngày cơ cực. Là con thứ 4 trong gia đình có 7 anh chị em ở Kim Long, ngày ngày Khỏe cùng cha mẹ theo thuyền lặn cát ở thượng nguồn sông Hương. 9 tuổi mới đặt chân vào lớp 1, nhưng sự học dừng lại ngang lớp 8 bởi gia cảnh khó khăn, nhường lại suất học cho các em.

“Ngày đó em học cũng tốt lắm, có năng khiếu thể thao. Vì là dân sông nước em bơi giỏi, đá banh cũng không thua gì các bạn nam, và chạy thì bao giờ cũng đứng đầu trường, có năm đi thi hội thao còn được giải Nhất”, Khỏe hào hứng khoe. Nghỉ học, Khỏe theo chị gái học nghề làm tóc và kiếm tiền phụ giúp gia đình.

 

Bi kịch bỗng dưng ập đến, Khỏe từng muốn chết để giải thoát chính mình. Nhưng rồi, Khỏe đã tự mình tìm lại cân bằng cuộc sống

 

Cuộc sống ngỡ êm đềm cho đến một ngày ở tuổi 18, biến cố ập đến với cô…

Một cơn đau vai gáy tưởng chừng bình thường trong thời gian ngắn đã làm tê liệt hoàn toàn đôi chân đã quen chạy nhảy, xê dịch. Từ cô gái khỏe mạnh, đam mê với công việc làm tóc, rong ruổi với bạn bè Khỏe… trở thành gánh nặng của gia đình.

“Em muốn chết, và có hai lần em cầm dao kết thúc cuộc đời trong căn phòng chính mình. Đó là lúc mọi thứ em hoàn toàn phụ thuộc, từ miếng ăn, việc đi làm, cho đến những sinh hoạt cá nhân”, Khỏe kể về những ngày tháng tuyệt vọng. Khi đó đầu gối cô cứ co gập lại, cứng đơ như khúc củi. Mấy lần mím môi cố đứng lên nhưng đôi chân không còn cảm giác gì nữa.

Thương con, ba mẹ chạy vạy vay mượn, nghe ở đâu có phương thuốc hay cũng đưa con đến xin chạy chữa. Có bận, cả nhà đưa Khỏe ra tận một làng quê nghèo ở miền núi Lạng Sơn để chạy chữa. Đó là những ngày tháng mà Khỏe bào là ký ức không bao giờ phai mờ bởi sự bất lực, buồn tủi và cô đơn đến tột cùng. “Hồi đó, người ta chữa bệnh bằng cách cho em uống thuốc sắc ra từ lá cây. 10 tháng em phải sống một mình với hy vọng bệnh chân sẽ cử động được. Nhưng hơn 300 ngày chịu đựng ấy đều trở nên vô nghĩa…”, Khỏe rơm rơm nước mắt.

Bây giờ, Khỏe luôn suy nghĩ tích cực, lạc quan và trân quý mọi thứ quanh mình

Tưởng rằng sự bất lực ấy sẽ nhấn chìm cô gái đang ở tuổi đẹp nhất cuộc đời. Cho đến một đêm, nằm giữa núi rừng, vô tình lướt điện thoại, cô gái tình cờ đọc được câu chuyện có tựa đề “Chết khát bên cạnh dòng sông”. Câu chuyện kể về dòng sông của mỗi con người đó chính là người thân, là bậc làm cha, làm mẹ. Dù cuộc đời có biến cố gì đi chăng nữa, dòng sống ấy vẫn chảy và không bao giờ từ bỏ mình.

Sau đêm đó, Khỏe viết một bức thư gửi về cho gia đình. Người chị trong nhà nhận bức thư và đọc cho cả nhà nghe, mọi người không cầm được nước mắt. Trong bức thư, Khỏe giận chính mình vì có những tháng ngày tuổi trẻ nông nỗi, ham chơi, vô lo khiến ba mẹ, anh chị buồn phiền mà quên đi rằng, chính tất cả mọi người trong gia đình là điểm tựa vững chãi, chưa bao giờ từ bỏ, thậm chí hy sinh tất cả vì cô.

 

Cuộc sống của Khỏe bây giờ vô cùng lạc quan. Một ngày, cô dành khá nhiều thời gian để đọc sách, ngồi thiền và rèn luyện viết thư pháp…

Sau bức thư đó, Khỏe khăn gói vào Huế và… bắt đầu cuộc sống mới mà theo cô kể đó là sự tỉnh thức sau biến cố. Cô bắt đầu suy nghĩ tích cực, luôn lạc quan và trân quý mọi thứ quanh mình. Khỏe nghĩ biến cố đến với cuộc đời là điều chẳng ai mong muốn nhưng không còn cách nào khác, phải nhìn vào đó để sống mạnh mẽ hơn.

Cô tập tự lập với những việc mình có thể làm được. Tập đi bằng nạng gỗ, tập ngồi xe lăn dù tay trái rất yếu. Mỗi ngày, cô dành khá nhiều thời gian để đọc sách, ngồi thiền và rèn luyện viết thư pháp…

Một ngày giữa tháng 5/2018, qua sự giới thiệu của người quen, Khỏe đến khám bệnh ở Bệnh viện Đại học Y dược Huế. Các bác sĩ chẩn đoán cô bị một khối u ở tủy cổ chèn lên dây thần kinh. Đấy là nguyên nhân khiến chân Khỏe bị liệt trong suốt thời gian dài. Sau hội chẩn, các bác sĩ đề nghị phẫu thuật, cơ may chân có thể hoạt động lại 50/50.

 

Khỏe tự mình đi lại, tự ngồi lên xe và nhẹ nhàng xoay chuyển tư thế một cách phù hợp. Dù mất nhiều thời gian hơn người thường, nhưng với Khỏe như thế cũng là một niềm hạnh phúc

Cuối cùng, điều Khỏe trông chờ bao năm đã thành hiện thực. Đôi chân đã cử động được dù không lành lặn, vững chãi như trước. Thời gian sau Khỏe chăm chỉ tập vật lý trị liệu, có thể tự đứng dậy được và điều mà cô vui nhất đó là tự mình đi vệ sinh, điều khiển chiếc xe máy 3 bánh đi rong ruổi nhiều nơi.

“Vui nhất, em có thể chở ba mẹ đi chơi trên chiếc xe máy ba bánh. Thời gian rảnh, em còn tự mình đến nhiều nơi, ngắm được nhiều cảnh đẹp để lấy năng lượng sống, tìm bình yên cho thân tâm”, Khỏe khoe.

 
 

Từ một cô gái nằm bất động do di chứng của bệnh tật, Khỏe bây giờ có thể tự di chuyển bằng xe máy. Khỏe đi được nhiều nơi, đến được nhiều chỗ mình thích để tìm năng lượng sống.

Trò chuyện với chúng tôi trong không gian nhìn ra dòng Hương giang thơ mộng có tên Gieo Mầm (16 Nguyễn Phúc Nguyên, TP. Huế), Khỏe nở nụ cười tươi một cách hồn nhiên nhưng đầy tự tin. Quá khứ của ngày hôm qua đã lặn sâu, Khỏe của ngày hôm nay đã khác: yêu đời và căng tràn nhựa sống.  Gieo Mầm giờ đây là một phần của mình, nơi mà mình sẽ theo đuổi giá trị sống, lan tỏa cảm hứng đến với những ai cần”, Khỏe chia sẻ.

Thi thoảng giữa cuộc trò chuyện, nhâm nhi chén trà, Khỏe đề nghị: “Em hát tặng mọi người một bài nhé”. Mọi người đồng thanh: “Tuyệt quá”. Khỏe nói tiếp: “Vậy em xin được nhắm mắt khi hát. Em thấy bình yên khi mình nhắm mắt”.

 

Gieo Mầm ra đời là nhờ cơ duyên. Khi nghe câu chuyện của Khỏe, chị Nguyễn Tâm (nhà thiết kế áo dài, TP. Huế) đã quyết định giúp đỡ Khỏe mở một không gian bán hàng lưu niệm. Ở đó, ngoài bày bán các mặt hàng do các em khuyết tật làm ra, còn là nơi để mọi người đến chia sẻ về những khó khăn trong cuộc sống

Mọi người lặng yên, chăm chú vào khuôn mặt Khỏe. Hít một hơi sâu, với tư thế ngồi thiền, ca khúc “Đã về đã tới” được Khỏe cất lên với giọng sâu lắng, thánh thiện: “Đã về, đã tới/ bây giờ, ở đây/ Vững chãi, thảnh thơi, quay về nương tựa/ Nay tôi đã về, nay tôi đã tới/ An trú bây giờ, an trú ở đây…”.

Không gian Gieo Mầm hôm ấy khiến những ai có mặt vỡ òa cảm xúc. Những phiền não, sân si vướng bận trong lòng nhường chỗ cho thanh tịnh, tinh khiết. Mỗi câu chuyện của Khỏe và Gieo Mầm nhẹ tênh nhưng chẳng khác gì nguồn năng lực truyền đi sự thanh tịnh, tinh khiết cho mọi người.

Nói về Gieo Mầm, Khỏe ngắn gọn bằng chữ “Duyên”. Trong một dịp tham gia sinh hoạt Phật giáo, cô gái khuyết tật chia sẻ câu chuyện của chính mình và hành trình mà cô trải qua đến những người bạn. Nghe Khỏe kể, mọi người bất ngờ và cảm phục về những gì mà cô gái có thân hình yếu ốm, gầy gò, khuyết tật một phần cơ thể phải vượt qua.

Những lời chia sẻ, yêu thương và khâm phụ nghị lực của Khỏe của nhiều người để lại khi đến Gieo Mầm

 

Trong số nhiều người lắng nghe hành trình gian nan của Khỏe hôm ấy, chị Nguyễn Tâm (Hương Sơ, TP. Huế) – một nhà thiết kế áo dài đã bị lay động và ám ảnh bởi nghị lực phi thường.

“Một người bình thường khi gặp một biến cố trong cuộc sống liệu có đủ can đảm để vượt qua? Huống hồ gì Khỏe, ở cái tuổi đẹp nhất đời người đã gặp cú sốc từ thân xác đến tinh thần” – chị Tâm nhớ lại. Chị tự vấn mình, tại sao em ấy có thể đi qua đau thương, tìm thấy nguồn sống dồi dào, mạnh mẽ để ngồi đây chia sẻ được với chúng ta. Mọi thứ thật kỳ diệu.

 

 

Với rất nhiều đứa nhỏ sống trong xóm nhỏ của Khỏe, cô gái khuyết tật này là người bạn thân thiết, gần gũi. Sau mỗi giờ làm việc ở Gieo Mầm, Khỏe còn dành thời gian để kể chuyện, vui đùa với các em nhỏ

Sau cuộc trò chuyện ấy chị Tâm hỏi Khỏe: “Em tin mình tự đứng dậy được chứ?”.

“Em chắn chắn sẽ đứng dậy được” – Khỏe tự tin đáp.

“Vậy chị em mình cùng chứng minh để mọi người thấy nhé”. Không suy nghĩ, đắn đo, chị Tâm quyết định “đỡ đầu” Khỏe mở một không gian bày bán đồ lưu niệm, những sản phẩm của các em khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn khác. Không tính toán lợi ích kinh tế, không gian ấy còn phải đảm nhận một “sứ mệnh” cao cả đó là truyền cảm hứng sống đến với những hoàn cảnh không may, yếu thế giữa cuộc sống xô bồ.

Ngày đầu năm mới 2020: Gieo Mầm ra đời. Trong không gian chừng 20m2 ấy, đồ lưu niệm, những tấm thiệt xinh xắn, các bộ áo dài truyền thống được bày biện ngăn nắp…

Đặc biệt hơn, chính những sản phẩm ấy được thực hiện bởi các em bị thiểu năng. Chỉ tay về các bức tranh được in trên tà áo dài, chị Tâm nói nó được vẽ bởi chính các em đang sống ở Trung tâm Bảo trợ trẻ em khuyết tật Tâm Bình (TP. Huế). Sau khi các em vẽ xong, chị đưa về xưởng để xử lý và cho in lên áo dài bán cho du khách.

 

Nhiều du khách nước ngoài tìm đến không gian Gieo Mầm để gặp Khỏe. Câu chuyện của Khỏe đã khiến nhiều vị khách rơi nước mắt, cảm phục trước nghị lực phi thường của cô gái đang ở tuổi 26

Nhiều du khách đi ngang ghé vào thấy vậy trầm trồ khen ngợi. Họ bất ngờ khi biết được việc làm ý nghĩa của không gian Gieo Mầm. “Có hai vị khách Tây vào trò chuyện, khi nghe Khỏe kể về câu chuyện của những tấm thiệp, tà áo dài đã ôm khóc một cách ngon lành. Họ cảm phục Khỏe thân thể yếu ớt vậy mà vẫn lặng lẽ bán đi từng chiếc áo dài, tấm thiệp để giúp những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn hơn mình”, chị Tâm chia sẻ.

Không chỉ là không gian đồ lưu niệm, Gieo Mầm đang đi đúng hướng như chính sứ mệnh tự đặt ra. Nhiều bạn trẻ, người lao động gặp vấn đề trong cuộc sống thường tìm đến với Gieo Mầm gặp Khỏe chia sẻ và tìm sự cân bằng trong cuộc sống để vượt qua.

Tiếp xúc với Khỏe, ai cũng cảm nhận được nguồn năng lượng bình yên. “Đôi khi mình cũng không hiểu bằng cách nào nó có thể vượt qua được những biến cố. Để rồi, mỗi khi mình có chuyện buồn tủi, ngồi nghe nó kể chuyện, tâm sự mới giật mình nhận ra mọi chuyện thật đơn giản, chỉ cần mình tĩnh tâm, hóa giải nó một cách từ từ thì đâu lại vô đó” – chị Nguyễn Thị Bòng (51 tuổi, Hương Long, TP. Huế) làm nghề bán vé số tâm sự.

Khỏe trò chuyện với chị Nguyễn Thị Bòng (làm nghề bán vé số, 51 tuổi, Hương Long, TP. Huế). Chị Bòng kể rằng, cuộc sống dù gặp khó khăn đến mấy nhưng khi ngồi với Khỏe thì mọi thứ trở về trạng thái cân bằng

Chị Bòng ngày ngày mưu sinh, đi ngang qua Gieo Mầm. Từ đó, Gieo Mầm như nơi chốn đi về, nơi có thể thủ thỉ hết những buồn vui trong cuộc sống để bầu bạn với cô gái khuyết tật đáng tuổi con mình. “Đôi khi nó hồn nhiên như con mình. Nhưng đôi khi nó như người bạn. Nhưng có khi, tui coi nó như người thầy, với những lời khuyên chân thành, đúng đắn, tìm lại chính mình giữa cuộc sống”, chị Bòng kể tiếp.

 


Ngoài bán mặt hàng lưu niệm giúp đỡ các em khuyết tật, không gian Gieo Mầm vào các ngày cuối tuần còn kết hợp với những tấm lòng thiện nguyện trao bánh mì, gạo hỗ trợ cho các hoàn cảnh khó khăn

Từ ngày Gieo Mầm ra đời, không biết có bao nhiêu người ghé đến để “giãy bày” với cô gái khuyết tật nhưng chắc chắn một điều rằng, ai cũng thấy nhẹ nhõm và nở nụ cười tươi khi rời đi… Không dừng lại đó, một trang facebook có tên Gieo Mầm cũng được Khỏe tạo ra, để chia sẻ những câu chuyện mà mình đã trải qua, gặp phải trong cuộc sống và cách vượt qua. Thứ 7 hàng tuần, Khỏe còn phối hợp với những tấm lòng hảo tâm trao gạo, bánh mì cho nhiều hoàn cảnh khó khăn.

Nhìn lại quãng đời đã qua, chưa dài nhưng đủ thấm với một cô gái khuyết tật trẻ tuổi ở mọi cung bậc cảm xúc, Khỏe đúc kết: “Bình tĩnh sống. Mọi thứ có thể hóa giải, gục ngã ở đâu đứng dậy ở đó. Cuộc sống vô thường nên phải gieo yêu thương”.

 
 

 

Nội dung: Phan Thành - Hình ảnh, video: Phan Thành

Thiết kế: Quang Thiều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

"Trạm cá chép siêu tốc" tiễn ông Táo

Từ một vài phường xã triển khai, đến nay, mô hình Trạm tiễn ông táo tập trung được nhiều đơn vị nhân rộng ở TP. Huế. Ngoài bảo vệ môi trường, cách làm sáng tạo này còn góp phần nâng cao ý nghĩa của ngày 23 tháng Chạp.

Trạm cá chép siêu tốc tiễn ông Táo
Bánh ướt dẻo trắng mượt mà...

Chiều chiều, chay xe lên Kim Long ngắm dòng Hương xinh đẹp, tạt vào quán thưởng thức một dĩa bánh ướt thịt nướng thì còn gì tuyệt bằng.

Bánh ướt dẻo trắng mượt mà
Return to top