ClockThứ Bảy, 19/01/2019 12:45

Hết thời không có nghĩa là đập bỏ

TTH - Đó là quan điểm của KTS Đặng Minh Nam (ở Huế) về cách ứng xử với những công trình kiến trúc đã hết công năng sử dụng. Thay vì đập bỏ đi, KTS này đã đưa ra ý tưởng cần cải tạo cho nó công năng mới, để tiếp tục sống với đô thị như là một hiện vật sống của một giai đoạn lịch sử đã qua.

Cần sự hòa hợp giữa kiến trúc cổ & hiện đạiTP. Huế có 27 công trình kiến trúc Pháp tiêu biểuCó công trình đẹp nhưng chưa có không gian đẹp

Phối cảnh tổng thể khu công viên Dã Viên theo phương án của KTS Đặng Minh Nam

Và anh bắt tay xây dựng giải pháp để “tái sinh” cho hai công trình kiến trúc nằm bên bờ sông Hương có nguy cơ sẽ bị phá bỏ. Đó là nhà máy nước Dã Viên và cống thủy lợi Phủ Cam (còn gọi là đập Cửa Khâu) nằm ở đầu sông An Cựu. Nhà máy nước này nằm trên cồn Dã Viên - hòn đảo nổi trên sông Hương - với cái tháp nước được xây dựng từ 1955 và đến lúc này đã hết nhiệm vụ cấp nước cho dân TP. Huế. Nằm gần đó là cống Phủ Cam xây dựng từ năm 1977 ngay vị trí cửa sông An Cựu để ngăn lũ sớm và nước mặn thâm nhập vào mùa hạn. Giờ thì phía hạ du sông Hương đã có đập Thảo Long (ngăn mặn), phía thượng nguồn đã có hồ Tả Trạch (cắt lũ), nên đập này đã sắp sửa chấm dứt nhiệm vụ, có thể sẽ phá bỏ.

Hiện trang đập Cửa Khâu

Đừng vội phá

Tại sao lại phá bỏ mà không nghĩ đến cách cải tạo nó trở thành nhữngkhông gian đẹp, để người dân và du khách đến đó ngồi ngắm cảnh sông Hương và sống lại với ký ức của Huế một thời? KTS Đặng Minh Nam, chàng trai trẻ 39 tuổi nhưng có cái nhìn rất già dặn của một cư dân thành phố di sản. Anh tốt nghiệp tiến sĩ chuyên ngành thiết kế đô thị ở Ý năm 2008, hiện là Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Thừa Thiên Huế.

“Lịch sử đô thị trải qua nhiều giai đoạn khác nhau nên việc nghiên cứu đô thị cần phải có cách nhìn tổng thể từ quá khứ - hiện tại - tương lai. Sự ra đời các công trình kiến trúc gắn liền với tình hình kinh tế chính trị, xã hội, văn hóa của từng giai đoạn; do vậy, cần nghiên cứu các công trình ấy trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”, Nam nói. Đặc biệt, với các công trình cũ, cần phải xem xét giá trị lịch sử của nó như thế nào, chất lượng công trình hiện có đảm bảo sử dụng tiếp hay không, và việc chuyển đổi chức năng sẽ đem lại hiệu quả như thế nào đối với việc phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Nếu nó trả lời “Ok” với các câu hỏi đó, thì nên giữ lại với đô thị, đừng lạnh lùng xóa đi.

Phương án 1 cải tạo đập thủy lợi Cửa Khâu thành nhà hàng - cafe + triển lãm của KTS Đặng Minh Nam

Đẹp và có ích hơn

Vì vậy, khi biết Nhà máy nước Dã Viên sắp sửa kết thúc “nhiệm vụ lịch sử” của nó, Nam liền bắt tay nghiên cứu để chuyển nó trở thành một không gian vui chơi cho người dân thành phố Huế và là điểm đến của du khách.

Cụ thể, KTS đưa ra giải pháp biến nó thành một công viên với vườn hoa bốn mùa đặc trưng của Huế; đồng thời khôi phục lầu Quang Phong, miếu và bia của khu vườn ngự uyển Dã Viên dưới thời nhà Nguyễn. Khu vực bể chứa nước sẽ là nơi tổ chức trưng bày triển lãm. Phần cuối của cồn sẽ có một nhà hát để tổ chức các hoạt động văn hóa cộng đồng.

Cái tháp nước Dã Viên mà không ít người cho rằng nên đập bỏ đi, nhưng theo giải pháp của Nam thì nó sẽ trở thành nhà hàng - cafe, và là một điểm cao lý tưởng (37m) để ngắm cảnh sông Hương. Phần thân tháp sẽ chia thành 3 tầng, lắp sàn thép lát gỗ làm nơi trưng bày nghệ thuật. Phần ruột của bồn nước trên cùng, nơi chứa nước lâu nay, sẽ cải tạo thành phòng họp đa năng cho khoảng 100 người. Chung quanh bồn nước là hành lang để khách ngắm toàn cảnh sông Hương và thành phố Huế theo cả bốn hướng. Phần đỉnh của bồn nước sẽ là một nhà hàng - cafe.

Công năng mới này của nhà máy nước cũng như cồn Dã Viên phù hợp với quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương do Hàn Quốc xây dựng sẽ được phê duyệt vào đầu năm 2019: là công viên phục vụ cộng đồng.

Chủ sử dụng Nhà máy nước Dã Viên hiện nay là Công ty CP Cấp nước Thừa Thiên Huế. Ông Trương Công Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty này rất hào hứng với giải pháp của KTS Nam. Ông cho biết kết cấu nền móng của tháp nước hiện vẫn còn bền vững, nó được xây dựng để chịu tải trọng đến 1.500 tấn (tương đương 1.500m3 nước), nên hoàn toàn đủ khả năng để chuyển thành nhà hàng - cafe. Ông Trương Công Nam cho hay, công ty sắp sửa chuyển giao nhà máy này lại cho tỉnh và ông cũng đã đề xuất hướng sử dụng như cách mà KTS Nam đưa ra.

Tương tự, cống Phủ Cam thay vì phá bỏ đi thì Nam đưa ra giải pháp “tái sinh” cho nó trở thành một nhà hàng - cafe cùng với khu triễn lãm và trưng bày hình ảnh, hiện vật của cái đập thủy lợi một thuở vốn là tiền thân của nhà hàng này. Nam xây dựng 4 phương án cải tạo với những kiểu dáng kiến trúc rất đẹp, tạo thành một công trình mới đầy ấn tượng.

Tháp nước ở Nhà máy nước Dã Viên là một phần ký ức của người Huế. Ảnh: Hoàng Hải

Phát triển trong tiếp nối

KTS Đặng Minh Nam cho rằng Huế đã xác định là một đô thị “Di sản, văn hóa, cảnh quan thân thiện môi trường” thì bên cạnh kế hoạch phát triển lâu dài, cần có những bước đi cụ thể trước mắt. Một trong những bước đi đó, là nghiến cứu chuyển đổi chức năng của các công trình kiến trúc cũ, để tiếp tục sử dụng một cách phù hợp. “Phát triển trong tiếp nối là hướng đi phù hợp, không thể khác, đối với đô thị Huế!” - Đặng Minh Nam nhấn mạnh.

“Vùng lõi trung tâm của đô thị Huế vốn rất ít quỹ đất dành cho không gian công cộng, do đó chúng ta phải xem sông Hương và không gian hai bờ như một quảng trường trung tâm của thành phố. Trên cơ sở đó, tôi cho rằng ý tưởng của KTS Đặng Minh Nam về việc tạo một công viên văn hoá trên cồn Dã Viên để phục vụ cộng đồng người dân và khách du lịch đến Huế là rất phù hợp. Tương tự với cống Phủ Cam, ý tưởng biến một công trình đã hết sứ mệnh lịch sử thành một công trình phục vụ cộng đồng là thật đáng trân trọng. Bài học kinh nghiệm của nhiều nơi trên thế giới giúp chúng ta tự tin vào thành công của ý tưởng này

KTS Trần Ngọc Tuệ

(Thường trực Ban chấp hành Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Thừa Thiên Huế)

“Đó là cách ứng xử rất đúng với lịch sử đô thị, không chỉ bảo tồn di tích đã xếp hạng, mà cả với những công trình khác. Vì di sản kiến trúc không chỉ là những công trình đẹp, mà nó bao gồm cả những dấu vết xây dựng của một thời kỳ lịch sử. Vì cho rằng nó xấu xí nên Sài Gòn đã đập bỏ hết các tháp nước. Một ký ức của thành phố này đã bị xóa bỏ. Vì vậy, Huế đừng lặp lại điều đó, nhất là cái tháp nước Dã Viên, xấu đẹp còn tùy cảm nhận mỗi người, nhưng nó đã là một hình ảnh ăn sâu vào tâm khảm người Huế, là dấu tích của một thời kỳ lịch sử thành phố này

KTS Nguyễn Ngọc Dũng

(TP. Hồ Chí Minh, tác giả bộ sách “Lang thang phố thị”)

“Công trình Nhà máy nước Dã Viên thuộc phạm vi nghiên cứu của đồ án quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương hiện tư vấn Hàn Quốc đang nghiên cứu. Việc đề xuất cải tạo nhà máy và tháp nước đã có nhiều ý tưởng đặt ra trong quá khứ cũng như trong hiện tại. Trong đó, giải pháp của KTS Đặng Minh Nam cũng là một ý tưởng hay, cần được xem xét. Tương tự, với công trình cống Phủ Cam, KTS Nam đề xuất cải tạo theo hướng khai thác dịch vụ cafe và một số dịch vụ bổ trợ là một ý tưởng có thể xem xét ủng hộ. Tuy nhiên, cần có đánh giá cụ thể về chất lượng hiện trạng của công trình hiện nay, cũng như chức năng ngăn mặn, cắt lũ để có giải pháp khai thác phù hợp

KTS Lê Toàn Thắng

(Phó Giám đốc Sở Xây dựng Thừa Thiên Huế)

MINH TỰ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tuổi trẻ kiến trúc với di sản

Liên hoan Sinh viên Kiến trúc toàn quốc là hoạt động được tổ chức hai năm một lần (bắt đầu từ năm 1988) bởi Hội Kiến trúc sư Việt Nam. Đây là hoạt động truyền thống có tầm vóc, quy tụ các trường đại học đào tạo ngành kiến trúc trên cả nước, là cơ hội thể hiện tài năng sáng tạo và hội nhập của các kiến trúc sư tương lai khi còn khoác áo sinh viên.

Tuổi trẻ kiến trúc với di sản
Diện mạo mới từ các công trình thanh niên

Phát huy vai trò xung kích, tình nguyện và sáng tạo tuổi trẻ trong thực hiện phong trào “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới”, Huyện đoàn A Lưới tích cực triển khai những công trình, mô hình đoàn thanh niên tiêu biểu, góp phần thay đổi tích cực diện mạo huyện miền núi.

Diện mạo mới từ các công trình thanh niên
Return to top