ClockThứ Bảy, 15/08/2015 07:15

Hiện đại hóa hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt TP Huế

TTH - Hôm nay (15/8), UBND tỉnh, Công ty cổ phần Môi trường và Công trình Đô thị Huế tổ chức lễ khởi công xây dựng Nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt đầu tiên trên địa bàn TP Huế, với công suất 30.000m3/ngày đêm, từ nguồn vốn ODA ưu đãi của Chính phủ Nhật Bản. Đây là gói thầu lớn và quan trọng nhất trong toàn bộ các gói thầu của Dự án Cải thiện môi trường nước TP Huế.

Bờ kè sông Như Ý bắc hoàn thiện góp phần chống sạt lở và cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường

Sử dụng công nghệ tiên tiến

Nhà máy xử lý nước thải sử dụng công nghệ tiên tiến mà các nước trong khu vực và trên thế giới, như Nhật Bản, Mỹ... đã áp dụng. Đó là công nghệ xử lý sinh học bùn hoạt tính CAS, với các ưu điểm vượt trội nhằm đảm bảo khi nước thải ra môi trường đạt chuẩn theo quy chuẩn Việt Nam QCVN 24:2009, tiêu chuẩn B và TCVN 7222:2002. Quy trình vận hành nhà máy bởi hệ thống điều khiển giám sát và thu thập dữ liệu (SCADA) hiện đại và linh hoạt, được tự động hóa và gần như khép kín, đảm bảo an toàn về mùi và các yếu tố kỹ thuật khác, không gây tiếng ồn.

Có thể hiểu quy trình vận hành thu gom và xử lý nước thải như sau: Nước thải được thu gom từ các hộ gia đình, các trường học, văn phòng, các cơ sở kinh doanh... được cống chung dẫn về giếng tách, sau đó chảy vào hệ thống cống bao về trạm bơm khu vực. Nước thải khi về nhà máy chảy qua hệ thống xử lý sơ bộ, rồi chảy vào hệ thống lắng sơ cấp để loại bỏ một phần lớn chất rắn lơ lửng, sau đó qua hệ thống xử lý sinh học, hệ thống lắng thứ cấp trước khi qua hệ thống khử trùng bằng clo để giảm lượng vi khuẩn dạng coli rồi xả ra nguồn tiếp nhận. Lượng bùn lắng thải ra được đưa vào bể nén bùn để tách nước và qua máy ép bùn trước khi chuyển bùn khô ra ngoài. Nhà máy sử dụng hệ thống kiểm soát mùi bằng công nghệ lọc sinh học nhỏ giọt và than hoạt tính trong quá trình xử lý.

Sau khi hoàn thành, nhà máy xử lý nước thải sẽ giải quyết gần như triệt để lượng nước thải sinh hoạt ở khu vực trung tâm phía Nam TP Huế. Nhờ thế, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, bảo đảm sức khỏe cộng đồng và hạn chế nguồn phát sinh dịch bệnh.

Hoàn thành sau 30 tháng thi công

Dự án cải thiện môi trường nước TP Huế, có tổng mức đầu tư hơn 24.000 triệu yên Nhật, tương đương 4.200 tỷ đồng quy đổi thời điểm này. Phạm vi thực hiện dự án giai đoạn 1, gồm 10 phường khu vực phía Nam TP Huế, như Vĩnh Ninh, Phú Hội, Phú Nhuận, Xuân Phú, An Đông... Thời gian thực hiện giai đoạn 1, từ 2008-2018, với quy mô xây dựng 1 nhà máy xử lý nước thải, công suất 30.000m3/ngày đêm, xây dựng 7 trạm bơm và tuyến ống truyền tải, các tuyến cống thoát nước hỗn hợp dài 183km, nạo vét và xây kè 4,2km sông, hói.

Ông Trần Quốc Khánh, Giám đốc Ban quản lý Dự án Cải thiện môi trường nước TP Huế cho biết, sau khi tổ chức đấu thầu quốc tế, gói thầu xây dựng Nhà máy xử lý nước thải và các trạm bơm đã lựa chọn được Liên danh nhà thầu Quốc tế Swing - Hanshin (Nhật Bản - Hàn Quốc). Đây là những nhà thầu có nhiều năm kinh nghiệm trong xây lắp và công nghệ xử lý nước. Dự kiến sau 30 tháng khởi công, công trình sẽ hoàn thành phần xây lắp và bắt đầu công tác vận hành bảo dưỡng. Ngoài hạng mục chính là xây dựng nhà máy và các công trình phụ trợ khác, như nhà điều hành, nhà hóa chất, nhà đặt máy ép bùn, nhà xưởng, cổng hành rào…, còn xây dựng 7 trạm bơm, có công suất từ 3.567m3/ngày đêm đến 112.263m3/ngày đêm, được bố trí xây dựng ở các lưu vực trên địa bàn TP Huế để đảm bảo nước thải sinh hoạt được thu gom về các trạm bơm lưu vực rồi bơm về trạm chính. Từ trạm bơm chính, xây dựng tuyến ống truyền tải dẫn toàn bộ nước thải về nhà máy xử lý.

Ban quản lý Dự án Cải thiện môi trường nước TP Huế cũng đang khẩn trương hoàn tất các thủ tục để tiến hành khởi công các gói thầu xây lắp chính còn lại trong quý IV năm nay, gồm 3 gói thầu: cống thoát nước chung lưu vực 6, 7, 8; cống bao, giếng tách, ống áp lực để hoàn thiện toàn bộ dự án đúng kế hoạch vào năm 2018. Được biết, trong quá trình thi công Ban Quản lý cũng sẽ đốc thúc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ triển khai để về đích trước thời hạn, đảm bảo cùng với các cấp, các ngành trên địa bàn TP Huế thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra, xây dựng TP Huế văn minh hiện đại, xứng tầm là TP môi trường bền vững ASEAN. “Thực hiện tốt điều đó, ngoài nỗ lực của chủ đầu tư, các nhà thầu..., chúng tôi mong nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ phía nhà tài trợ, lãnh đạo tỉnh, TP Huế cũng như sự đồng thuận từ phía người dân”, ông Trần Quốc Khánh chia sẻ.

Bài, ảnh: TÂM HUỆ
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lan tỏa văn hóa tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ trong giáo dục

Ngày 26/4, Cục Sở hữu Trí tuệ (SHTT), Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp cùng Tập đoàn Giáo dục EQuest và Trường đại học Phú Xuân tổ chức lễ chào mừng Ngày SHTT thế giới với chủ đề “SHTT và các mục tiêu phát triển bền vững: Xây dựng tương lai chung bằng đổi mới và sáng tạo”. Tham dự sự kiện có ông Lưu Hoàng Long, Cục trưởng Cục SHTT. Về phía tỉnh có ông Nguyễn Thanh Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh. Sự kiện còn thu hút gần 60 đại biểu quốc tế.

Lan tỏa văn hóa tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ trong giáo dục
Ứng dụng công nghệ trong điều tra dân số và nhà ở

Cùng với cả nước, trong tháng 4 này, Thừa Thiên Huế đồng loạt ra quân và tăng tốc thực hiện điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024. Với sự trợ giúp từ phần mềm CAPI (một mô-đun phỏng vấn cá nhân và phỏng vấn thực địa chuyên dụng) trên thiết bị điện tử đã giúp các lực lượng điều tra viên “tăng tốc” trong quá trình thực hiện điều tra.

Ứng dụng công nghệ trong điều tra dân số và nhà ở

TIN MỚI

Return to top