ClockThứ Hai, 12/10/2020 10:39

Hoa bay lên trời

TTH - Những ngày mưa, tôi ngồi nhìn ra ngõ. Trong những người vội vã chạy ngang, tôi cố tìm một bóng dáng thân quen dưới làn mưa ướt át. Cơn mưa tháng tám không dài, đủ cho một vài bài hát vu vơ cùng nỗi nhớ se sắt chợt dưng lại trở về. Cánh đồng ướt át, con sông cũng ướt át, nỗi nhớ từ con tim thỉnh thoảng lại thập thò mở cửa nhà người dưng.

Mùa thu vàng hoa cúcNhư một giấc mơ

Trước nhà dòng sông Hiếu chảy ngang, bao ngày cạn nước giờ sông vồ vập thấy rõ. Bắc một chiếc ghế ngoài hiên, ngồi nhìn sông, nghĩ ra bao tuồng tích. Nhưng có lẽ cắt nghĩa gần nhất vẫn là lòng người, sự yêu thương giữa tình thân người xưa mới đặt chữ Hiếu. Không những chút tình, mà nó là cả một dòng sông, mênh mang, bất tận.

Có khi ngồi nhìn mưa, có khi mơ hồ, chuyện ngày xửa ngày xưa và nghe mùi ẩm mốc từ ngôi nhà cũ. Lẽ dĩ nhiên nhớ về những con người cũ, trong mái nhà lúp xúp. Tiếng hát từ chiếc máy cát – sét thả ra theo mưa “à ơi, hoa bay lên trời…”. Những ngày mưa nghe câu hát đó như ai oán, hằn trong nó là chuyện tình và trên tất cả là nó còn vấn vương.

Tôi thường có thói quen rất lỡ làng. Cứ tạo cho mình những không gian không buồn không được. Một chiếc ghế, tách trà và ly cà phê bắt mặt ngồi nhìn sông vào những buổi chiều. Thường tháng tám mưa hay đi ngang giờ đó. Và nó kéo theo vô số sự tĩnh lặng, vắng trẻ, vắng người, vắng cả những lo toan. Chỉ còn mưa, chỉ còn tiếng nhạc, chỉ còn khói vội bay đi lưng chừng trời gặp mưa rồi biến mất, còn tiếng hát à ơi…

Em cứ hay dò hỏi lòng, mỗi lần tôi bắc ghế ra hiên. Kiểu như người ở bên cạnh chẳng ngó ngàng mà con sông ngoài kia cứ dán mắt suốt mùa mưa gió. Tôi cũng lặng im, thả thân mình chơi vơi nhìn ra sông để kiếm tìm. Có khi, trong mưa gió, trong những vội vàng có người sẽ đi ngang, có người không có chỗ trú mưa vào xin dừng chân một chút. Mong ước, có khi thành hiện thực, có khi không. Nhưng nếu không chờ mong sẽ chẳng có gì để sống, bằng với lòng mình, cho thỏa những khát khao.

Tôi ngước mắt lên trời, giữa mưa tháng tám còn vô số mây trắng trôi qua bầu trời. Mây trôi lang thang, ước mơ trôi lang thang, có khi gặp nhau ở tận cùng nỗi nhớ. Trong những giấc mơ về mưa, tôi vẫn thường nhảy nhót, một đứa trẻ con trên đồng không lạnh, không nghe gió mưa, chỉ nghe tiếng mạ tôi, từ mái nhà cũ về ăn cơm. Xoay mình trong mưa gió, tôi trở về nhà ngồi bên bát cơm nghi ngút khói, có khi đi hết đời mình, đó vẫn là bát cơm ngon nhất tôi có được trong những ngày mưa.

Sông Hiếu chảy về đâu, ngọn nguồn sông ở đâu mà tình yêu và nỗi nhớ lẽo đẽo theo những ngày mưa không dứt. Sông cắm cúi chảy, làn nước lửng lơ trôi mà cứ nghĩ có khi sông sẽ hao gầy. Nhưng nhìn về phía thượng nguồn con sông thì biết chắc nó chẳng bao giờ cạn. Tình yêu này mãi trôi, cứ miệt mài, như nỗi nhớ về ai mãi mãi không dứt, theo những cơn mưa.

Bài hát nào còn đọng lại trong đây, những ngày mưa rồi chợt dưng có nắng. Có một vài lời như oán trách, nhưng kỳ thực đó là tình yêu, khi nỗi nhớ thả vào không gian biết ai có nhận lấy “à ơi hoa bay lên trời cây chi ở lại, à ơi hoa cải lên trời, rau răm ở lại, chịu lời đắng cay…”.

THANH LINH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Lùi lại” để sống bên con

Mùa thi cận kề, nhưng không ít phụ huynh đã bắt đầu thay đổi quan điểm, không còn quá kỳ vọng vào thành tích của con. Điểm cao cũng tốt, không cao cũng không sao miễn con vui khỏe là được. Tôi hiểu điều này khi mình cũng đang có hai con đang ở tuổi đến trường và cũng ở chung tâm trạng lo lắng khi tình trạng học sinh trầm cảm dẫn đến tự tử như một cách để giải thoát… đang lan truyền. Câu chuyện tưởng chừng đã cũ nhưng hệ lụy để lại đầy xót xa.

“Lùi lại” để sống bên con
Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ

Sáng 15/4, Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh tổ chức Lễ bàn giao di vật, kỷ vật của liệt sĩ cho thân nhân 2 gia đình liệt sĩ tại Thừa Thiên Huế.

Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ
Lòng biển

“Lòng biển rộng đến chừng nào?”. Khôi vẫn thường hỏi thế mỗi khi lang thang trên bãi biển. Tuy chẳng rõ, nhưng với anh biển mênh mông lắm.

Lòng biển
Không thể “nhỏ hơn”

Ngót nghét cả mấy năm nay nội tôi già ốm. Nội một mình ở quê nên cả nhà tôi thay nhau tối về chăm mệ. Nội vẫn đi lại được nhưng tuổi đã 85 nên biết đâu được “trái gió trở trời”, không thể lường hết mọi chuyện xảy ra ba tôi phải làm ngay lịch phân công để đêm nào cũng có người bên cạnh mệ. Lo ăn sáng cho nội, tôi mới phát hiện ở làng Dã Lê quê tôi nằm cạnh Quốc lộ 1A có một quán cháo gạo lứt cá kho tuyệt ngon. Không chỉ nội mà cha con tôi ăn quen nên ai cũng nghiện.

Không thể “nhỏ hơn”
Ngọn hải đăng

Những lá thư anh viết cho tôi đều trên giấy học trò. Giữa thời buổi điện thoại di động, điện thoại bàn, thậm chí chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh với 4G là có thể nói chuyện, nhắn tin cho nhau. Vậy mà, anh vẫn viết thư cho tôi. Anh giải thích: “Hiện tại trên thế giới, người Pháp vẫn viết thư cho nhau, bởi nhìn mặt chữ như nhìn mặt người. Vả lại, chỉ có chữ viết mới có thể nói hết lời yêu thương”. Anh đã tạo cho tôi một thói quen nhận thư vào mỗi tuần. Chính từ những lá thư anh gởi, tôi mới phát hiện ra rằng, người đưa thư trong xóm tôi vẫn phải đưa thư đúng 7 ngày trong tuần. Anh dùng chiếc bì thư bán ở bưu điện để gởi. Nét chữ của anh cứng rắn khác với tính tình hiền dịu của anh.

Ngọn hải đăng
Return to top