ClockThứ Tư, 29/08/2012 06:50

Hướng đến mô hình chợ văn minh thương mại

TTH - Gần đây, Phú Lộc có những đột phá trong việc nâng cấp, chỉnh trang phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, hạ tầng các khu chợ ở địa phương này còn nhếch nhác, tạm bợ; tình trạng họp chợ tràn đường diễn ra thường xuyên, ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông và mỹ quan khu vực.

Chợ tràn đường

 

Từ sáng sớm, chợ Nong ở xã Lộc Bổn (Phú Lộc) đã tràn ra QL1A với dày đặc các hàng quán rau quả, thực phẩm, quần áo... Anh Nguyễn Đức Phúng, nhà ở gần chợ cho biết: “Tầm sáng, tiểu thương vãng lai các nơi tụ họp bên Quốc lộ. Xe khách, xe container to đùng luôn chạy qua với tốc độ cao, bóp còi inh ỏi, rất nguy hiểm đến tính mạng người dân. Tại khu vực này thường diễn ra nhiều vụ tai nạn giữa xe máy, ô tô và người qua lại”. Theo anh Phúng, nhiều năm qua, trước cổng chợ thường xuất hiện người phân luồng, bảo vệ an toàn giao thông cho người và xe qua lại trước chợ Nong. Nhưng đó chỉ giải pháp mang tính tạm thời...

Chợ La Sơn (Lộc Sơn) trong cảnh tạm bợ, nhếch nhác

 

Tại chợ Nước Ngọt (Lộc Thủy), chợ Thừa Lưu (Lộc Tiến) trên QL1A đều diễn ra cảnh tương tự như chợ Nong Kẻ bán cá, người bán quần áo, trái cây gây nên cảnh lộn xộn trên QL1A. Quan sát, chẳng thấy bóng dáng một nhân viên nào có mặt để giữ gìn trật tự. “Khổ quá anh ơi, tôi muốn vào trong chợ để mua đôi dép, nhưng lối vào đã bị những người buôn bán tràn đường bịt kín, không thể vào được”. Chị Trần Thị Hạnh, một người đi chợ Nước Ngọt ngán ngẩm. Chị Đoàn Thị Phượng, bán hàng rau ở ngoài cổng chợ Lộc Thủy cho rằng: “Vẫn biết bán hàng bên đường là nguy hiểm. Nhiều khi thấy xe khách, xe tải chạy sát mình cũng sợ, nhưng vì “miếng cơm manh áo” buộc phải liều...”.

 

2 tỷ đồng nâng cấp sửa chữa chợ Truồi (Lộc An)
 
Tin từ Phòng Công thương huyện Phú Lộc cho biết, UBND huyện Phú Lộc vừa thống nhất quy mô nâng cấp, mở rộng chợ Truồi, xã Lộc An với kinh phí 2 tỷ đồng bằng nguồn vốn xây dựng nông thôn mới. Công trình được huyện Phú Lộc giao cho UBND xã Lộc An làm chủ đầu tư xây dựng.

Nhiều tiểu thương chợ Nước Ngọt bức xúc: “Chợ Nước Ngọt không phải thiếu mặt bằng kinh doanh, bởi bên trong chợ còn rất nhiều chỗ trống đáp ứng nhu cầu trao đổi mua bán, nhưng không ai muốn vào. Phần lớn họ thích bám bạ đông chợ ngoài đường; bởi thuận tiện mua bán hàng hóa với khách qua lại và tránh nộp thuế. Chị Nguyễn Thị Tho, bán hàng giày dép trong chợ Nước Ngọt ngán ngẫm: “Chúng tôi nhiều lần phản ánh sự bất cập, không công bằng đó đến chính quyền địa phương nhưng vẫn đâu vào đấy”. 

 

Cần có giải pháp hợp lý hơn

 

Không chỉ các chợ nằm trên trục QL1A “lấn” đường buôn bán, vùng khu 3 bên phá Cầu Hai hiện mọc lên nhiều chợ tạm, chợ cóc bên các trục đường chính rất nhếch nhác, mất mỹ quan. Anh Trương Quang Tỵ, Phó trưởng Phòng Công thương huyện Phú Lộc thừa nhận, phần lớn các chợ trên địa bàn giờ đã xuống cấp, không đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Hiện tại, huyện Phú Lộc có 18 chợ; trong đó, chợ Cầu Hai được xếp chợ loại 2, chợ Lộc An được xếp loại 3; các chợ còn lại đều tạm. Các chợ tạm này đều tồn tại các ki-ốt, lô quán, mái che xuống cấp, hư hỏng bởi “tuổi thọ” đã khá cao. Nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội địa phương, gần đây, huyện Phú Lộc đầu tư xây nhiều chợ mới, điển hình như chợ Nước Ngọt (Lộc Thủy), chợ Vinh Hiền, chợ Nong (Lộc Bổn)... nhưng chưa có chợ nào ra hình hài. Đáng quan tâm là chợ Vinh Hiền được khởi công xây dựng từ năm 2009 với diện tích 4,3 ha (bao gồm khu chợ và khu dân cư phố chợ), kinh phí hơn 15 tỷ đồng nhưng đến nay mới chỉ dừng lại ở phần san lấp mặt bằng và khu đình chợ. Hay, chợ Lộc Thủy đã quy hoạch xây dựng từ năm 2009, với kinh phí 2 tỷ đồng, trên diện tích 1.000m2, tại thôn Phú Cường cách vị trí chợ cũ khoảng 300m và cách đường QL1A khoảng 30m; nhưng đến nay mới hoàn thành việc san lấp mặt bằng. Tương tự, từ năm 2011, chợ Nong đầu tư 2,9 tỷ đồng trên diện tích 2ha ở thôn Bình An (Lộc Bổn) nhưng hiện tại chỉ mới làm mặt bằng.

 

Hiện nay chợ Vinh Hiền đang giai đoạn xây dựng

 

Ông Hoàng Hồng Sơn, Trưởng phòng Công thương huyện Phú Lộc cho rằng, gần đây, huyện rất quan tâm đầu tư xây dựng các khu chợ trên địa bàn, nhưng do nguồn vốn của địa phương hạn chế; kinh phí từ việc đổi đất lấy hạ tầng ở các xã, thị trấn không nhiều, nên tiến độ đầu tư xây mới các khu chợ không theo kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, với thực trạng hệ thống chợ trên địa bàn hiện nay là điều không thể không quan tâm; nhất là trong giai đoạn huyện đang phấn đấu xây dựng nông thôn mới (NTM) vào năm 2020. “Từ nay đến 2015 và định hướng đến năm 2020, bằng việc huy động nhiều nguồn vốn, các xã, thị trấn sẽ được phân cấp xây mới, sửa chữa các khu chợ khang trang, sạch đẹp, phù hợp theo tiêu chí huyện NTM đề ra; đồng thời, các khu chợ này cũng được tiến hành chuyển đổi mô hình quản lý theo mục tiêu hướng đến văn minh thương mại” - Ông Sơn nhấn mạnh.

 

Minh Văn

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh vàng

Trước những chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các đơn vị liên quan đã có nhiều hoạt động phối hợp tăng cường kiểm tra các cửa hàng, doanh nghiệp kinh doanh vàng. Theo đó, chênh lệch giữa giá vàng thế giới và trong nước đã dần thu hẹp.

Tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh vàng
Hoãn đấu thầu vàng: Doanh nghiệp không mặn mà hay đang 'nghe ngóng'?

Do không có đủ số lượng thành viên đăng ký dự thầu và chuyển tiền đặt cọc đúng quy định nên Ngân hàng Nhà nước đã hủy thông báo đấu thầu vàng vào 10h sáng nay (ngày 22/4); đồng thời, công bố sẽ triển khai đấu thầu vàng miếng vào sáng mai, thứ Ba, 23/4.

Hoãn đấu thầu vàng Doanh nghiệp không mặn mà hay đang nghe ngóng
Return to top