ClockThứ Ba, 28/01/2020 16:00

Huyền sử khe Long

TTH - Dẫu chẳng có sử liệu nào ghi chép đầy đủ về khe Long (hay còn gọi là Long nguồn) nhưng dòng nước mát từ ấy đã cưu mang bao phận người miệt biển. Nước từ khe Long còn nuôi dưỡng một loại sản vật tiến nạp Hoàng cung là sen nước mặn.

Bức “Long vân khế hội” và câu chuyện trùng tu Diệu Đế Quốc tự

Anh Nguyễn Văn Tuấn (thôn Diên Lộc, xã Phú Diên, huyện Phú Vang) vớt bèo, cấy sen giống tại Bàu sen ở thôn Diên Lộc có nguồn nước xuất phát từ khe Long

Trầm tích thuở khai canh

Người dân vùng đất địa linh nhân kiệt Mỹ Lợi (xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc) giờ đây vẫn lưu truyền câu chuyện huyền bí về khe Long. Chuyện kể rằng, khi quả đất biến đổi cách đây 7 triệu năm, những cư dân gốc Việt đầu tiên từ phía Bắc kéo vào vùng Mỹ Lợi ngày nay sinh sống, cùng thời điểm cư dân bản địa cũng đến chọn doi đất phù hợp để lập ra ấp có tên Mỹ Toàn. Ấp nằm cạnh con khe quanh năm xanh trong, cung cấp nước sinh hoạt, tưới tiêu. Người dân bảo, huyền thoại Long Vương sinh ra mưa để tạo nên nguồn nước bất tận. Tên khe Long bắt nguồn từ đó.

Nhắc đến khe Long, cụ Đoàn Phùng (80 tuổi, làng Mỹ Lợi) cho chúng tôi xem phối cảnh công trình khe Long chuẩn bị được xây dựng với kinh phí 150 triệu đồng. Với họ, đó là di tích lịch sử quan trọng của làng quê. “Trong tâm thức của người dân Mỹ Lợi, khe Long đã cung cấp nguồn nước, cưu mang chúng tôi đến tận bây giờ. Rằm tháng 3 hàng năm, dân làng thường làm lễ cúng khe Long để tri ân”, ông Phùng tiết lộ.

Tại những ngôi làng ba mặt giáp biển ở phía Bắc Thừa Thiên Huế, khi những cư dân Quảng Trị vào thành lập cộng đồng làm nghề đánh cá thì những con khe bắt nguồn dãy cồn cát phía Tây mang nước đến giúp họ vượt qua tháng ngày khốn khó. Nước trên đồi cao ngầm chảy trong cát đổ về phía biển vắt qua mỗi làng quê. Dân lập miếu thờ để gìn giữ niềm tin.

Làng Thế Mỹ tựa vào biển. Theo thời gian, tên làng vẫn còn lưu giữ dẫu sự phân chia địa giới hành chính làng khiến cái tên này ít khi được nhắc tới. Thế Mỹ có ba phường là phường Ngon (thôn 10, xã Điền Hòa, huyện Phong Điền), phường Tri (thôn 11, xã Điền Hòa, huyện Phong Điền), phường Mới (thôn Hải Thế, xã Phong Hải, huyện Phong Điền). Mỗi phường có một con khe chảy ngang trước mặt cung cấp nước cho nhu cầu sinh hoạt của người dân. Bây giờ, khi làng có việc quan trọng đều phải “thỉnh ý Thần khe”. Hàng năm, người dân tổ chức, đào, vệ sinh, tu bổ khe để tưởng nhớ công ơn một thời. “Dù mùa hạn nhưng nước ở khe không hề cạn. Nhờ rứa mà người dân chúng tôi không sợ thiếu nước”, ông Phan Theo (85 tuổi, thôn 10, xã Điền Hòa) nói.

Mang câu chuyện khe Long trao đổi với nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh, ông bảo, trong tâm thức, người dân ven biển luôn tôn trọng nguồn nước. Phía bắc Thừa Thiên Huế gọi là Long nguồn, còn phía nam gọi bằng danh xưng khe Long. Từ tôn trọng, họ lập nên miếu thờ khe. “Từ văn hóa Sa Huỳnh chuyển sang văn hóa Chăm Pa, đến thời người Việt đều sử dụng nguồn nước tự nhiên đó để sinh hoạt, tưới cho cây cối. Đó là nguồn nước sạch”, ông Vinh nói.

 Người dân thôn Hải Thế (xã Phong Hải, huyện Phong Điền) thắp hương tri ân tại Long nguồn của làng

“Nuôi dưỡng” sản vật tiến nạp Hoàng cung

Tại miếu Rồng bên con khe ở thôn Phương Diên (xã Phú Diên, huyện Phú Vang), người dân truyền miệng chuyện con rồng xuất hiện tạo ra nguồn nước giúp dân. Và, nguồn nước bắt nguồn khe Long này chảy dài song song với biển, tạo nên những bàu sen rộng chừng hơn 10ha khắp các thôn Thanh Dương, Diên Lộc (xã Phú Diên). Một thuở, sen sống ở vùng đất mặn này là sản vật được người dân tiến nạp Hoàng cung.

Thời điểm chúng tôi đến, những bàu sen ở Phú Diên đã cuối vụ, anh Nguyễn Văn Tuấn (thôn Diên Lộc) xuôi chiếc đò nhỏ vớt bèo, cỏ quanh hồ để sen tái sinh, cấy giống. Tuổi đời không cao nhưng nhắc đến sen, anh Tuấn quả quyết: “Sen Phú Diên ngon nhất Huế”. Lý do anh đưa ra đó là những người trồng sen ở hồ Tịnh Tâm hay khắp các địa phương trong tỉnh đều đến đây để lấy giống. Và, sen Phú Diên được nuôi dưỡng bằng nguồn nước mát trong từ khe Long kết hợp chất bùn đặc trưng của vùng biển mặn.

“So với mặt bằng chung, giá sen Phú Diên cực đắt. Mỗi cân chưa thành phẩm giá lên tới 300 nghìn đồng; 1.000 hột giá 650 nghìn đồng. Thu nhập của người trồng sen lên đến 300-400 triệu đồng/năm/ha. Giống sen được thuần dưỡng qua từng năm. Sen được trồng ở vùng nước đặc trưng bắt nguồn từ khe và chất bùn đặc biệt của tự nhiên. Những vùng khác lấy giống từ Phú Diên về trồng lại không được ngon”, anh Nguyễn Văn Tuấn chia sẻ.

Khe Long xuất phát từ Phú Diên, tựa như một con sông, kéo dài đến 40km, tích hợp nguồn nước chảy từ trên các gò đồi xuôi về miệt vùng ven biển, đổ ra biển tại khe Long làng Mỹ Lợi. Trên những vùng đất nguồn nước chảy qua, sản sinh ra nhiều đặc sản nức tiếng. Các cứ liệu từ lịch sử, Phương Diên, Diên Lộc là những nơi nguồn nước vắt qua, ngoài nhu cầu sinh hoạt, họ còn tận dụng trồng sen nước mặn đưa vào cung, trở thành thứ đặc sản đi vào sử sách.

Nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh cho hay, hàng năm, triều đình bắt người dân địa phương tiến nạp sen Phú Diên để cung ứng cho nhu cầu của cung Hoàng thái hậu, tức là Trường Thọ cung, sau này là Diên Thọ cung. “Ở Huế không chỉ có sen Tịnh Tâm mà còn sen nước mặn của Diên Lộc, Thanh Dương vùng Phú Diên. Đó là thứ đặc sản cung cấp cho cung cấm giá trị hơn sen Tịnh Tâm. Có lẽ mạch nước ngầm được tích tụ trong những cồn cát chảy về phía biển tạo nên khe Long xuất phát từ Phú Vang xuôi về Phú Lộc dung dưỡng chất lượng loại sản vật này. Đến khi hết chế độ phong kiến, người dân Phú Diên vẫn trồng theo tập quán để lưu giữ một loại sen nức tiếng”, ông Vinh cho biết.

Bây giờ, cư dân miệt biển không còn thiếu nước. Biến đổi khí hậu khiến nhiều khe Long cạn khô, song mạch nước ngày nào vẫn được người dân giữ gìn, trân quý. Những miếu thờ khe Long được lập nên khắp các miền quê ven biển như một cách tri ân tạo hóa giúp đỡ ngư dân trong những ngày khai canh lập ấp.

Bài, ảnh: Quỳnh Viên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ký ức đồng chiêm

Lễ hội đua ghe thực sự chứng tỏ sức sống mãnh liệt của nó trong đời sống tinh thần và cả đời sống tâm linh của cư dân đầm phá...

Ký ức đồng chiêm
Lưu dấu tên làng

Sau thời gian dài ghi dấu, tên làng giờ có đổi khác nhưng nghĩa tình con người vẫn gắn chặt nơi vùng đất “Họ truyền giọng điệu cho con tập nói”.

Lưu dấu tên làng
Cát...

Ký ức về cát vẫn nguyên vẹn như ngày nào, nhưng cát bây giờ đã mang dáng hình mới…

Cát
Nghề biển

Cánh ngư dân bảo, nghề rùng, nghề dạ, câu kiều, “te” ruốc đất…đang dần mất. Nhưng nhiều lần về các vùng biển, tôi thấy nó không mất mà còn được cải tiến.

Nghề biển
Tiếng làng Tân Hội

Dừng chân tại chợ Đại Lộc (xã Điền Lộc, huyện Phong Điền) bác xe thồ bảo: “Chù (chú) ợ (ở) chỗ khác tởi (tới) à”- “Bác ở mô?”- “Tui ợ Tầng (Tân) Hổi (Hội)”. Cách nói khác lạ khiến tôi thắc mắc.

Tiếng làng Tân Hội
Return to top