ClockThứ Ba, 16/06/2020 06:45

Kết nối các quốc gia cho bản tin “Cập nhật COVID-19”

TTH - Từ những bản tin đầu tiên thời lượng dự kiến dưới 8 phút (điểm tình hình dịch COVID-19 trong tỉnh và trong nước), ê kíp thực hiện đã thí điểm và duy trì phản ảnh tình hình dịch bệnh ở các quốc gia. Một tháng rưỡi với 40 bản tin, kết nối gần 20 quốc gia là một câu chuyện hậu kỳ hồi hộp cùng với kiều bào, du học sinh nước sở tại.

Cập nhật Covid-19: Thế giới gần 6,7 triệu ca mắc, 391.967 ca tử vongCập nhật Covid-19: Thế giới hơn 6 triệu ca mắc, 366.137 người tử vongCovid-19: Thế giới vượt mốc 4 triệu ca mắc, Nga thành ổ dịch lớn thứ 5

Những ngày đầu phát sóng “Cập nhật COVID-19” trên kênh Huế TV của Báo Thừa Thiên Huế Online, chúng tôi chịu khá nhiều áp lực khi tất cả đều không chuyên nghiệp ở mảng truyền hình, mà chủ yếu tự mày mò học hỏi.

Các đồng nghiệp góp ý về mặt kỹ thuật tại phòng quay của Báo Thừa Thiên Huế

Vừa làm vừa hồi hộp

Việc tác nghiệp với một chiếc “smart phone” để cho ra một clip trên dưới 2 phút đối với những người nghiệp dư không hề đơn giản. Sau vài ba ngày hướng dẫn, tầm một tuần luyện tập thì sẽ có hàng chục “cut” quay ở nước ngoài chuyển về cho kỹ thuật dựng. Để tiết kiệm thời gian, nâng cao hiệu quả sản phẩm, chúng tôi soạn ra một trang A4 các hướng dẫn chi tiết về cách tác nghiệp với điện thoại, cách dẫn hiện trường, cách viết lời bình để ai đọc vào cũng có thể… “cầm điện thoại lên và quay”.

Ấy vậy nhưng vì nghiệp dư nên sai sót, hình ảnh rung lắc, ngược sáng là chuyện… thường. Trong tình hình hạn chế đi lại thậm chí cấm túc, có những người ban đầu nhận lời nhưng cuối cùng lại không thể thực hiện được do lo ngại vấn đề an toàn cho bản thân và gia đình. Hoặc có khi còn thiếu vài cảnh quay, nhưng đến giờ chót vẫn không thể có vì không xin được giấy phép ra ngoài.

Vất vả nhất là làm việc với các bạn ở châu Âu. Kết nối duy nhất thông qua messenger và facebook. Việc lệch múi giờ khiến chúng tôi làm việc rất vất vả và luôn trong tâm thế đợi chờ, hồi hộp bởi lúc mình “online” thì bạn lại “offline”, hoặc có khi bạn bận, bạn đi học, đi làm… Thôi thì đủ các tình huống. Vì thế vừa chấp nhận làm việc khuya, ăn uống nghỉ ngơi tại chỗ vừa chuẩn bị cho phương án thay thế nên có lúc các biên tập viên đùa nhau: “Xong đợt này chắc đau tim vì cứ phập phồng lo âu suốt”!

Làm việc với nhóm này nhắc hạn “deadline” phát sóng để mọi người hoàn thiện phần việc, lại vừa kết nối với một quốc gia khác để chuẩn bị cho bản tin tiếp theo. Vừa làm vừa dặn chính mình phải kiên nhẫn và... luôn thân thiện (trả lời nhẹ nhàng và gửi icon cười tươi) dù nhiều khi áp lực nên dễ mất bình tĩnh. Ngoài ra còn phải động viên, bám lịch trình của “cộng sự bên ấy” để biết họ có ra ngoài lúc nào và có thể quay những hình ảnh gì. “Kèm sát” vậy, song có lúc hú hồn vì mai phát sóng mà nửa ngày trôi qua, đối tác vẫn không trả lời tin nhắn do học bài khuya nên... ngủ quên. Lần khác, để “chữa cháy” cho clip nhịp sống người Việt trong tâm dịch ở Mỹ, người làm chính “giờ G” không thể ra ngoài, chúng tôi phải huy động thêm 2 người Huế ở hai bang khác nhau bổ trợ thêm hình ảnh và thông tin cho kịp bản tin ngày mai.

Những kỷ niệm khó quên

Hai du học sinh Pháp đã rất khó khăn để ghi hình những cảnh đời sống sinh hoạt ở Toulouse. Thời điểm đó, chính phủ Pháp đã hạn chế việc đi lại. Hai bạn trẻ lên phương án mang đồ “bảo hộ” đến siêu thị mua thực phẩm và “tác nghiệp”. Trên hành trình di chuyển, hai bạn đã gặp phải sự kỳ thị do nhầm tưởng là người châu Á đến từ vùng dịch nên rất lo xảy ra sự cố trên đường đi. Mãi đến khi bước chân vào siêu thị, được lực lượng bảo vệ hỗ trợ, hai bạn trẻ mới thở phào nhẹ nhõm. Tác nghiệp xong, cả hai còn đứng ở ga tàu điện ngầm chụp một bức ảnh nhí nhố kèm theo lời nhắn rất dễ thương: “Tụi em ra trận như ri đây”!

Trong số những lời bình mà biên tập viên hỗ trợ xử lý giúp các cộng tác viên, ấn tượng nhất là nhật ký 73 trang giấy từ ngày 1/1/2020 đến cuối tháng 4/2020 của một dịch giả, nhà văn nổi tiếng ở Áo. Tất cả diễn biến trên chính trường, những gì chính phủ đã làm cho người dân, công tác đối ngoại, họp báo... được chị ghi chép tỉ mẩn. Qua trò chuyện, chúng tôi còn biết thêm về nỗ lực may khẩu trang tặng cộng đồng người Đức của một nhóm phụ nữ Việt, hay chuyện các bác sĩ Việt chống dịch ở xứ người. Rất tiếc vì bản tin kết thúc nên các chị không thể tiếp tục triển khai những câu chuyện hay ho tiếp theo.

Kỳ công nhất và tốn nhiều thời gian nhất có lẽ là kết nối với Vũ Hán (Trung Quốc), nơi khởi phát dịch COVID-19 và đang nằm trong thời điểm phong tỏa thành phố. Chúng tôi tìm được một du học sinh từng làm phiên dịch cho một số đoàn công tác của Việt Nam, nhưng rất tiếc bạn về nước sau khi dịch bùng phát. Tại Trường ĐH Vũ Hán vẫn còn sinh viên Việt đang ở nội trú, nhưng người này từ chối tất cả lời mời cộng tác của các tờ báo. Thông tin từ Vũ Hán trên các kênh truyền hình chủ yếu trích từ kênh truyền hình chính thống Trung Quốc nên nếu có được những hình ảnh từ “điểm nóng” Vũ Hán lúc bấy giờ sẽ rất quý.

Huy động tất cả các mối quan hệ, chúng tôi kết nối với Quân Lương, một sinh viên đang sống trong chung cư tại Vũ Hán và chú Khổng, cảnh sát Trưởng đồn cảnh sát Tình Xuyên (Vũ Hán) trao đổi một số nội dung. Vậy là Quân Lương hỗ trợ hình ảnh phong tỏa khu dân cư, tiếp lương thực, có khi Lương còn trèo lên tầng thượng khu nhà để quay cảnh Vũ Hán về đêm. Chú Khổng giúp chúng tôi có những hình ảnh trên đường và một số hoạt động hỗ trợ người dân bên ngoài. Không chỉ có clip đầu tiên về Vũ Hán giai đoạn “phong thành”, chúng tôi còn thực hiện thêm 1 clip lúc Vũ Hán dỡ bỏ lệnh phong tỏa với nhiều cung bậc cảm xúc của người dân, kịp thời chuyển tải thông tin đến cho bạn xem truyền hình.

... Thử sức với phương thức cập nhật bằng thể loại truyền hình trên báo điện tử là một trải nghiệm thú vị đối với chúng tôi – những người làm “Cập nhật COVID-19”. Ôn lại chuyện cũ nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam cũng là cách để chúng tôi có thêm động lực tìm tòi thực hiện những thể loại báo chí mới phục vụ bạn đọc, bạn xem truyền hình trong thời gian tới.

Bài, ảnh: Tuệ Ninh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa

Chiều 25/4, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội do ông Nguyễn Đắc Vinh, UVTW Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội làm trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh về việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa
Kết nối di sản

Sự kiện đoàn tàu chạy chuyên khu đoạn Huế - Đà Nẵng và ngược lại với tên gọi “Kết nối di sản miền Trung” được vận hành vừa qua hứa hẹn sẽ mở ra cơ hội lớn. Song, để duy trì và khẳng định được tính “kết nối di sản” thì cần nhiều yếu tố, bởi đây không phải là lần đầu tiên mô hình này được áp dụng.

Kết nối di sản

TIN MỚI

Return to top