ClockChủ Nhật, 15/05/2022 10:16

Khó tiếp cận chính sách hỗ trợ chi phí mặt bằng

TTH - Là một trong những nội dung hỗ trợ quan trọng trong Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), song chính sách hỗ trợ mặt bằng sản xuất, kinh doanh tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp (KCN, CCN) vẫn đang là bài toán khó cho DN. Khi sau 5 năm luật này có hiệu lực vẫn chưa có DN tiếp cận được chính sách này.

Chương trình cố vấn khởi nghiệp mang lại nhiều lợi íchNhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp

Nhiều doanh nghiệp cần mặt bằng để mở rộng sản xuất

Chưa có doanh nghiệp thụ hưởng

Theo đại diện Công ty TNHH MTV nhựa bao bì Việt Phát, DN hiện đang phát triển khá tốt khi có nhiều đơn hàng sản xuất được ký kết mới, nhưng vấn đề mở rộng quy mô nhà xưởng lại là một thách thức lớn. Hiện tại đơn vị vẫn chưa tìm được diện tích phù hợp để mở rộng nhà xưởng. Dù đã nhiều lần liên hệ với Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển hạ tầng KCN nhưng vẫn chưa có được mặt bằng phù hợp.

Đất ở những KCN có hạ tầng cơ bản đảm bảo, có nhà đầu tư hạ tầng trực tiếp quản lý hiện đang ngày càng khan hiếm. Với các CCN, Thừa Thiên Huế đã nỗ lực xây dựng các CCN phục vụ sắp xếp cơ sở sản xuất, làng nghề và xây dựng CCN chuyên ngành song mới chỉ được một vài cụm được đầu tư hạ tầng đồng bộ, trong khi trên địa bàn có tới hàng ngàn DNNVV đang hoạt động.

Để hỗ trợ phần nào những khó khăn cho DNNVV, DN khởi nghiệp, ngày 26/2/2021 HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 03 quy định một số chính sách hỗ trợ DNNVV. Trong đó, có 3 nội dung chính được cụ thể hóa như: Hỗ trợ mặt bằng sản xuất, kinh doanh tại các KCN, CCN đã có đơn vị kinh doanh hạ tầng; hỗ trợ nguồn nhân lực; hỗ trợ tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử.

Dù có thời gian thuê mặt bằng khu công nghiệp hơn 2 năm nhưng Yes Huế chưa từng nghe về chính sách hỗ trợ chi phí mặt bằng

Trong khi các chính sách hỗ trợ khác được DN đón nhận tích cực và mang lại hiệu quả khả quan thì chính sách hỗ trợ mặt bằng sản xuất, kinh doanh tại các KCN, CCN lại khá chật vật. Bởi nếu theo quy định triển khai chính sách hỗ trợ DNNVV theo Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ DNNVV (NĐ 39), đến nay chỉ có 1 DN đáp ứng đủ điều kiện và đang thực hiện các thủ tục tiếp cận hỗ trợ.

Điều chỉnh chính sách là cần thiết

Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Trưởng ban Ban Quản lý Khu Kinh tế, công nghiệp tỉnh, việc điều chỉnh phạm vi hỗ trợ bao gồm cả KCN, CCN đã có và chưa có nhà đầu tư hạ tầng khá phù hợp. Vì hiện nay, trên địa bàn có 6 KCN; 1 CN và khu phi thuế quan Sài Gòn - Chân Mây và khá nhiều CCN. Tuy nhiên, không phải KCN, CCN nào cũng có nhà đầu tư hạ tầng. Dựa vào những tiêu chí thực tế theo Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND hiện chỉ có 1 DN đáp ứng được tiêu chí thực hiện thụ hưởng từ chương trình. Chưa kể, đa phần DN đang hoạt động tại KCN, CCN đều có thời gian hoạt động trên 5 năm và không đáp ứng được tiêu chí DNNVV nên rất khó nhận hỗ trợ này.

Trước đây, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 03 quy định một số chính sách hỗ trợ DNNVV trên địa bàn. Nghị quyết được xây dựng trên cơ sở hướng dẫn của Luật Hỗ trợ DNNVV và NĐ 39. Tuy nhiên, đến nay, NĐ 39 đã được thay thế bởi Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ DNNVV với một số nội dung được điều chỉnh và bổ sung.

Bà Lê Thị Hồng Mai, Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh Sở Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ, để phù hợp với các quy định mới về hỗ trợ DNNVV, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tiến hành lấy ý kiến DN và các sở ngành liên quan nhằm điều chỉnh chính sách hỗ trợ bù giá thuê mặt bằng cho các DNNVV tại các KCN, CCN.

Theo đó, phạm vi đề xuất điều chỉnh hỗ trợ không chỉ có KCN, CCN có nhà đầu tư hạ tầng mà mở rộng ra cả KCN, CCN đã có và chưa có nhà đầu tư hạ tầng. Đối với các KCN, CCN đã có nhà đầu tư hạ tầng thì hình thức hỗ trợ được thực hiện thông qua việc bù giá cho nhà đầu tư hạ tầng để giảm giá cho thuê mặt bằng đối với DNNVV. Đối với các KCN, CCN chưa có nhà đầu tư hạ tầng thì hình thức hỗ trợ được thực hiện bằng việc hỗ trợ thêm tiền thuê đất sau thời gian được miễn tiền thuê đất theo quy định hiện hành của Nhà nước .

Ông Lê Văn Cường, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, nhu cầu của DN đối với mặt bằng rất cao, DN muốn thuê đất với diện tích từ 1.000-2.000m2 rất lớn. Trong khi hiện nay trên địa bàn có rất ít các nhà đầu tư hạ tầng. Đây cũng là vấn đề đáng lưu tâm. Thời gian tới, sở sẽ tập trung tham mưu UBND tỉnh đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư hạ tầng tham gia đầu tư, và có chính sách khuyến khích các nhà đầu tư hạ tầng mở rộng đầu tư tại các KCN, CCN nhằm tạo đà cho phát triển hạ tầng KCN nói chung và tạo thêm nhiều mặt bằng thuận lợi cho các DN hoạt động và phát triển.

“Một trong những điểm trọng tâm của các chính sách hỗ trợ DN chính là tăng khả năng hấp thụ của DN. Các chính sách hỗ trợ không chỉ bám sát vào những quy định của luật và còn bám sát vào nhu cầu thực tế của DN. Ngoài sự chủ động từ phía cơ quan quản lý Nhà nước, DN cũng cần chủ động tương tác với các sở, ngành làm nền tảng nắm bắt nhu cầu hỗ trợ, để chính quyền được đồng hành nhiều hơn với DN”, ông Cường nói.

Bài, ảnh: Hoàng Loan

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Điều phối toàn diện chính sách an sinh xã hội

Công tác an sinh xã hội trên địa bàn thời gian qua đã có nhiều khởi sắc. Từ những chính sách, các chương trình, dự án, hoạt động trợ giúp, nhiều hoàn cảnh được tiếp cận các nguồn hỗ trợ, các dịch vụ xã hội để cải thiện chất lượng cuộc sống, được nâng cao kỹ năng để giải quyết khó khăn về vật chất và tinh thần.

Điều phối toàn diện chính sách an sinh xã hội
Thoát nghèo nhờ nguồn vốn chính sách

Nhờ có nguồn vốn tín dụng chính sách, thời gian qua, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) huyện Nam Đông đã mạnh dạn phát triển kinh tế hộ gia đình, không ngừng vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Thoát nghèo nhờ nguồn vốn chính sách

TIN MỚI

Return to top