ClockThứ Năm, 02/10/2014 14:03

Khổ vì cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm trong khu dân cư

TTH - Người dân tại kiệt 33 An Dương Vương thuộc hai phường An Đông và An Cựu (TP Huế) phản ánh: Nhiều năm qua họ phải chịu đựng ô nhiễm môi trường (ÔNMT) nghiêm trọng bởi 3 cơ sở kinh doanh, tái chế phế liệu tập trung phía đầu kiệt.

Ám ảnh

Sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh, đến kiệt 33 An Dương Vương tìm gặp người dân, chúng tôi nhận được những cái lắc đầu ngao ngán hoặc sự bất bình, bức xúc vì phải sống trong tình trạng ô nhiễm kéo dài do các cơ sở kinh doanh, tái chế phế liệu gây ra nhiều năm qua. Tiếng ồn từ máy tán vỏ lon (bia, nước ngọt), mùi hôi và bụi bặm từ đủ thứ phế liệu cũ, nguy cơ từ vô số đinh rỉ, rác thải y tế, bao bì chai lọ đựng hóa chất độc hại… là vấn nạn mà người dân trong khu vực phải chung sống, chịu đựng nhiều năm qua.
Kiệt 33 An Dương Vương hiện có 3 cơ sở kinh doanh phế liệu gây nhếch nhác ô nhiễm môi trường trong khu dân cư
Dù không ở kiệt 33, nhưng chị N sống gần khu vực này cũng có cảm giác “điên đầu” vì âm thanh khó chịu mỗi khi máy tán vỏ lon của cơ sở bà Lệ hoạt động. “Ở trong nhà mình nghe đã nhức đầu. Đến gần các cơ sở kinh doanh phế liệu đó càng không chịu nổi. Âm thanh chát chúa. Mùi hôi rác thải… Thật là khiếp!” chị N nhận xét. Chồng chị N cho biết, thời gian trước, ô tô, xe máy lưu thông qua kiệt 33 An Dương Vương thường bị thủng lốp vì “dính” đinh phế liệu khiến người dân rất bức xúc. Nay mỗi ngày, người của các cơ sở nói trên thường xuyên dùng nam châm để rà, thu gom hàng nắm đinh rơi vãi trên đường nên tình trạng này mới giảm.
Một số người dân phường An Cựu, TP Huế phản ánh: Công ty cổ phần Cơ khí Phú Xuân là cơ sở sản xuất trong khu dân cư gây ÔNMT bởi tiếng ồn, mùi hôi, ô nhiễm do hóa chất qua nước thải, khí thải, bụi… khiến họ hoang mang. Người dân kiến nghị nhiều lần, báo chí cũng đã phản ánh, nhưng đến nay, công ty này vẫn chưa di dời ra khỏi khu dân cư và tình trạng ÔNMT vẫn không được cải thiện.
Ông Cao Ngọc Sâm, Tổ trưởng tổ 16 phường An Đông và nhiều người dân cho biết, họ sợ và lo nhất là đến mùa mưa. Con hẻm này vốn thấp trũng không có cống thoát nước nên thường xuyên bị ngập. Rác thải từ phế liệu theo nước ngập tràn vào nhà dân trở thành nỗi ám ảnh.
Sao lại cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh…?
Trước đây, ngoài 3 cơ sở đang tồn tại, còn có cơ sở kinh doanh tái chế phế liệu của bà Sáu nằm trong kiệt này. Khi cơ sở của bà Sáu chuyển ra khỏi khu dân cư, đến nơi khác kinh doanh, người dân mừng vì mức độ “đậm đặc” của ô nhiễm giảm bớt. Hay tin cơ sở bà Lệ (1 trong 3 cơ sở kinh doanh phế liệu hiện còn tồn tại tập trung đầu kiệt 33 An Dương Vương) hết hạn thuê đất, người dân hi vọng tiếp tục “giảm nhiệt” ô nhiễm. Vậy nhưng, lo vẫn hoàn lo khi bà Lệ thuê thửa đất mà trước đây bà Sáu thuê để làm cơ sở kinh doanh tái chế phế liệu trong 7 năm qua. Trên thửa đất này, người dân phát hiện nhiều đầu đạn. Ngày 11/6/2014, hộ kinh doanh bà Phạm Thị Lệ được Phòng Tài chính Kế hoạch UBND TP Huế cấp “Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hộ kinh doanh” tại tổ 16, phường An Đông.
Theo thông tin từ UBND phường An Đông, sau khi người dân có yêu cầu phải xác định rõ giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cấp cho bà Lệ là tại thửa đất cũ hay tại địa điểm mới, UBND phường đã làm việc với Phòng Tài chính Kế hoạch và xác định địa điểm kinh doanh mới của bà Lệ là tại thửa đất số 52, tờ bản đồ 26 tọa lạc tại phường An Đông (tức thửa đất trước đây bà Sáu thuê). Về việc người dân phát hiện đầu đạn, phường đã làm việc với Ban Chỉ huy Quân sự TP Huế, kết hợp với phường đội kiểm tra, tiến hành thu gom 7 ngòi đạn pháo 120.
Qua đường dây nóng, Báo Thừa Thiên Huế còn nhận được phản ánh của người dân tại làng Ngọc Anh (thuộc xã Phú Thượng, huyện Phú Vang) phản ánh xưởng mộc của gia đình ông Nguyễn Bảo ồn ào và bụi bặm gây ÔNMT. Gia đình ông Bảo cam kết sẽ che chắn để giảm thiểu tối đa tiếng ồn và bụi. Người dân sống trong kiệt đồng ý với phương án này.
Người dân cả hai phường An Đông và An Cựu (sống tại kiệt 33 An Dương Vương và khu vực gần Công ty cổ phần Cơ khí Phú Xuân) lo lắng, thậm chí bức xúc khi “kêu” thì cứ “kêu” nhưng vẫn phải chung sống với ÔNMT do các cơ sở sản xuất kinh doanh trên gây ra. “Không di dời mấy hộ kinh doanh phế liệu ra khỏi khu dân cư thì thôi, đằng này cơ quan chức năng lại tiếp tục cấp “Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh” cho bà Lệ vào sâu trong kiệt nữa là sao?”- nhiều người dân bức xúc.
Khi thực hiện bài viết này, chúng tôi gọi điện cho ông Nguyễn Việt Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường) đăng ký làm việc để tìm hiểu thông tin từ cơ quan chức năng về Công ty cổ phần Cơ khí Phú Xuân liên quan đến những phản ánh của người dân. Tuy nhiên ông Hùng trả lời hai ngày liền bận công tác. Sau đó, chúng tôi nhiều lần gọi vào máy di động của ông Hùng, nhưng ông không nghe máy.
 
Ông Lê Trung Long, Phó Chủ tịch UBND phường An Đông:
“Phản ánh của các hộ dân chỉ mang tính dự báo”
Khi bà Phạm Thị Lệ làm các thủ tục liên quan đến chuyển đổi địa điểm kinh doanh từ đầu kiệt 33 An Dương Vương, các hộ dân có phản ánh đến UBND phường, UBND TP Huế. Qua kiểm tra xác nhận, tại địa điểm mới trên, bà Lệ chưa sản xuất kinh doanh, chỉ mới khỏa lấp mặt bằng và tiếp tục làm các thủ tục liên quan đến vấn đề chuyển đổi địa điểm kinh doanh tại Phòng Tài chính Kế hoạch. Phản ánh của các hộ dân chỉ mang tính dự báo. Cơ sở mới của bà Lệ chưa đưa vào sản xuất kinh doanh, do đó chưa thể khẳng định gây ÔNMT.
Quá trình kiểm tra tại hiện trường thấy rằng, bà Lệ chưa đảm bảo các điều kiện để kinh doanh. Sau khi bà Lệ đã gửi đơn cam kết về bảo vệ môi trường, phường mời bà đến hướng dẫn các thủ tục liên quan đến điều kiện để kinh doanh mặt hàng phế liệu: Phương án phòng chống cháy nổ, cam kết bảo vệ môi trường được Phòng Tài nguyên & Môi trường thẩm định và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Phường đã mời các hộ dân (có đơn kêu cứu) đến để tuyên truyền phổ biến các quy định pháp luật. Nếu giấy chứng nhận của cơ sở bà Lệ được các cấp có thẩm quyền phê duyệt và cơ sở đã đi vào hoạt động thì các hộ có quyền phản ánh về vấn đề kinh doanh; nếu ảnh hưởng môi trường, phường sẽ đề nghị thu hồi giấy phép kinh doanh. 
Ông Ngô Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Huế:
“Giao trách nhiệm cho phường phải vận động”
Phòng Tài chính Kế hoạch cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, chứ không phải cấp giấy phép.
Tuy nhiên, tôi rất đồng tình với ý kiến của dân. Cơ sở kinh doanh phế liệu trong khu dân cư gây ÔNMT. Trách nhiệm của chính quyền địa phương là phải vận động các hộ kinh doanh ra khỏi khu dân cư hoặc chuyển đổi ngành nghề.
Thời gian qua, thành phố đã di dời hàng chục hộ kinh doanh hàng mỹ nghệ, thêu, sửa xe ô tô…ra khu công nghiệp ở phường Hương Sơ. Nhưng với mặt hàng phế liệu thì không thể đưa ra khu công nghiệp này, vì mùi hôi không ai chịu nổi. Ở phường An Cựu trước đây cũng có điểm bán phế liệu rất nhiều, qua vận động, người dân hầu hết bỏ ngành nghề này. Đây là nỗ lực lớn của thành phố. Bây giờ còn một vài cơ sở kinh doanh phế liệu trong khu dân cư. Tôi giao trách nhiệm cho phường phải vận động.
Bà Phan Thị Hoạt, Bí thư Chi bộ tổ 16 phường An Đông:
“Chính quyền các cấp phải xem xét thấu đáo”
Nếu nói, sau khi hộ kinh doanh của bà Lệ đầy đủ các thủ tục, đi vào gây ÔNMT thì các hộ có quyền phản ánh, gửi đơn để phường lập biên bản xử lý, đề nghị thu hồi giấy phép kinh doanh, tôi cho rằng đây là cách làm “luẩn quẩn”. Trên thực tế, việc kinh doanh tái chế phế liệu của các hộ đã gây ÔNMT, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân. Cơ quan chức năng thử đến đây ở một ngày xem có chịu nổi tiếng ồn, bụi bặm, mùi hôi, rác thải và đủ thứ nguy cơ hiểm họa không, trong lúc chúng tôi phải chịu đựng từ năm này qua năm khác?
Phó Chủ tịch UBND TP Huế cũng nhận định rằng, các cơ sở kinh doanh mặt hàng phế liệu gây hôi hám chịu không nổi, vậy tại sao lại bắt người dân chúng tôi phải chịu? Mặt hàng này không bị cấm kinh doanh, nhưng cần kinh doanh tại địa điểm nào để không gây ảnh hưởng cuộc sống, sức khỏe của người dân. Vấn đề này chính quyền các cấp phải xem xét thấu đáo, nên kiên quyết không cho phép kinh doanh tái chế mặt hàng phế liệu trong khu dân cư.
Phạm Thùy Chi (ghi)  
 
 
 
Quỳnh Anh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Để sông Hương mãi xanh

Không vui và lấy làm tiếc là cảm giác của không chỉ tôi mà cả nhiều người trên phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu và cầu gỗ lim vào mỗi sáng khi nhìn thấy cảnh tượng hoa đăng giấy nổi bập bềnh bên bờ sông Hương - dòng sông thơ mộng và đẹp nổi tiếng của Huế.

Để sông Hương mãi xanh
Chuyện tử tế bên cầu Ga Huế

Chiều muộn, một người đàn ông lớn tuổi, tóc hoa râm ngồi cặm cụi băng bó hai chiếc chân đế bằng sắt của tấm pano vừa được lắp trên cầu ga Huế. Ông bảo làm thế để tránh thương tích cho người nếu không may va phải, nhất là những ngày này Huế đón người dân, du khách nơi khác về rất đông.

Chuyện tử tế bên cầu Ga Huế
Nên tổ chức đua thuyền trước công viên Trịnh Công Sơn

Lâu nay lễ hội đua thuyền cuả tỉnh và TP.Huế trong các ngày lễ được tổ chức qui mô lớn trên sông Hương đoạn trước Phu Văn Lâu. Theo tôi tổ chức đua thuyền trên khúc sông trước công viên Trịnh Công Sơn thì hợp lí hơn.

Nên tổ chức đua thuyền trước công viên Trịnh Công Sơn
Đừng tạo mối nguy cho người tham gia giao thông

Tại một số tuyến đường, tình trạng cây xanh không được cắt tỉa mọc lấn ra đường che lấp đèn tín hiệu giao thông. Điều này không những gây mất mỹ quan, mà còn tiềm ẩn nhiều mối nguy đối với người tham gia giao thông.

Đừng tạo mối nguy cho người tham gia giao thông

TIN MỚI

Return to top