ClockThứ Ba, 22/07/2014 10:53

Khoảng trống trong quản lý chất thải nguy hại

TTH - Chưa có phương án quản lý, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại (CTNH). Năng lực, cơ sở hạ tầng đảm bảo phục vụ công tác này vẫn còn thiếu. Việc hàng tấn CTNH phát sinh mỗi ngày đang là mối đe dọa nghiêm trọng đến môi trường sống và sức khỏe của người dân.

Người lao động luôn phải tiếp xúc với CTNH là kim loại nặng tại cơ sở đúc đồng ở Phường Đúc-TP Huế

Những con số giật mình

Lượng CTNH phát sinh bình quân hiện nay khoảng 7,41 tấn/ngày. Trong khi đó, theo báo cáo của Công ty TNHHNNMTV Môi trường và Công trình đô thị Huế (MTĐT), khối lượng đơn vị đang thu gom và xử lý khoảng 1,8 tấn/tháng, tương đương 0,06 tấn/ngày, chiếm tỷ lệ chưa tới 1%. Một phần còn lại được đơn vị chuyên trách đóng tại Đà Nẵng thu gom xử lý theo hợp đồng của một số doanh nghiệp, còn lại đa phần đang được thải trực tiếp ra môi trường hoặc chôn lấp xen lẫn với chất thải sinh hoạt.

Như vậy, khối lượng thu gom, xử lý CTNH đảm bảo tiêu chuẩn theo thống kê ban đầu đang chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với tổng lượng phát sinh trên địa bàn. Tuy nhiên, theo một số ý kiến từ các ban, ngành hữu quan, tỷ lệ này vẫn chưa thuyết phục. Chưa có con số thống kê cụ thể hiện trạng và việc quản lý cơ sở phát sinh CTNH trên địa bàn vẫn còn bỏ ngỏ. Tính đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đã cấp 135 sổ đăng ký chủ nguồn thải CTNH cho 257 cơ sở, doanh nghiệp có phát sinh CTNH với tổng khối lượng hơn 431.245kg/năm. Trong khi đó, theo thống kê, trên địa bàn có 17 cụm tiểu thủ công nghiệp, 7 khu kinh tế, khu công nghiệp và 88 làng nghề đang hoạt động với hàng trăm cơ sở đang hoạt động hầu như đều có phát sinh CTNH. Với đà tăng trưởng như hiện nay và có thể vượt dự báo, nếu không có sự kiểm soát chặt CTNH ngay từ khâu lưu giữ, bảo quản đến khâu vận chuyển, xử lý thì nguy cơ gây nguy hại cho môi trường là rất lớn.

Đáng lo nhất của các ngành là việc xử lý CTNH thể lỏng và khí. Theo ông Lê Viết Bắc, Phó Giám đốc Sở Y tế, hiện trên địa bàn có 184 cơ sở y tế. Tại mỗi cơ sở y tế đều đang tự xử lý chất thải lỏng y tế tại chỗ, song đa phần vẫn chưa đạt tiêu chuẩn cho phép và còn nhiều lúng túng. Đối với chất thải lỏng nguy hại, chủ yếu là các hóa chất từ rửa phim chụp X-Quang hiện do trên địa bàn chưa có đơn vị nào xử lý được loại này nên các đơn vị phải hợp đồng với phía Đà Nẵng để xử lý. Về lâu dài, Sở Y tế có kế hoạch nghiên cứu đông khô loại này để xử lý. Chất thải y tế ở thể khí thì hầu như chưa có cơ sở nào xử lý được. 

Cần sớm đưa vào guồng

CTNH có tính đặc thù đa ngành, đa lĩnh vực, nên công tác quản lý lâu nay chưa được thực hiện đồng bộ, thiếu sự tập trung. Tại một số sở, ban, ngành cũng như nhiều địa phương, công tác quản lý CTNH còn buông lỏng, chưa có những giải pháp hợp lý để tăng cường hiệu quả quản lý CTNH trên địa bàn. Với mức độ nguy hại, ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe con người thì việc đưa CTNH vào guồng quản lý đang là vấn đề bức bách, không chỉ cơ quan quản lý, chủ nguồn phát thải, đơn vị chuyên trách thu gom, vận chuyển, xử lý mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội.

Ngoài một số DN ký hợp đồng thu gom, xử lý với đơn vị chuyên trách ngoại tỉnh, Công ty MTĐT Huế thời gian qua cũng đã tổ chức thu gom, xử lý một số loại CTNH tại một số bệnh viện lớn và cơ sở sản xuất kinh doanh. Khối lượng CTNH được công ty thu gom, vận chuyển và xử lý tại khu chôn lấp CTNH Bãi xử lý chất thải sinh hoạt Lộc Thủy (Phú Lộc) với công suất xử lý 15 tấn/ngày. Hiện nay, lò đốt CTNH tại xã Phú Sơn đã được xây dựng xong với công suất xử lý 500kg/giờ. Và đang được hoàn tất các thủ tục xin cấp phép để sớm đi vào hoạt động, đáp ứng nhu cầu xử lý bình quân mỗi ngày 2 đợt với khối lượng 1.000kg. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, lò đốt phải đảm bảo công nghệ hiện đại để trong quá trình xử lý, khói thải ra môi trường phải đạt quy chuẩn cho phép; đồng thời, công ty cần đầu tư phương tiện, trang thiết bị để mở rộng năng lực thu gom xử lý thêm nhiều mã CTNH đáp ứng phục vụ nhu cầu các chủ nguồn thải trên địa bàn.

Ông Nguyễn Việt Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường cho rằng, khó khăn lớn nhất hiện nay trong việc quản lý CTNH đó là ý thức của các doanh nghiệp thực hiện đăng ký chủ nguồn thải vẫn còn yếu. Cơ sở hạ tầng phục vụ xử lý CTNH còn thiếu; đơn vị được cấp giấy phép hành nghề quản lý CTNH trên địa bàn tỉnh vẫn chỉ giới hạn ở một số mã CTNH được thu gom, xử lý. Do đó, việc xây dựng các lò đốt CTNH đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật đang rất bức thiết và cần được đầu tư sớm. Đối với các dự án khu liên hợp xử lý chất thải rắn đang và sắp xây dựng cần thiết kế khu xử lý CTNH để đóng rắn bằng bê tông đối với các loại CTNH không đốt được.

Theo ông Phan Ngọc Thọ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, trong đề án tổng thể về quản lý, thu gom, vận chuyển và xử lý CTNH tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2015, định hướng đến 2020 đang được Sở Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện cần xác định rõ phạm vi và đối tượng các chủ nguồn thải. Cần phân loại cụ thể CTNH ở thể rắn, lỏng, khí và ngành chủ thể quản lý, đơn vị dịch vụ để nghiên cứu từng phương án xử lý tối ưu, dần đưa công tác quản lý, thu gom, vận chuyển, xử lý CTNH đi vào nề nếp, tránh chồng chéo và bỏ sót.

Bài, ảnh: Hoài Thương
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lan tỏa văn hóa tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ trong giáo dục

Ngày 26/4, Cục Sở hữu Trí tuệ (SHTT), Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp cùng Tập đoàn Giáo dục EQuest và Trường đại học Phú Xuân tổ chức lễ chào mừng Ngày SHTT thế giới với chủ đề “SHTT và các mục tiêu phát triển bền vững: Xây dựng tương lai chung bằng đổi mới và sáng tạo”. Tham dự sự kiện có ông Lưu Hoàng Long, Cục trưởng Cục SHTT. Về phía tỉnh có ông Nguyễn Thanh Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh. Sự kiện còn thu hút gần 60 đại biểu quốc tế.

Lan tỏa văn hóa tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ trong giáo dục
Ứng dụng công nghệ trong điều tra dân số và nhà ở

Cùng với cả nước, trong tháng 4 này, Thừa Thiên Huế đồng loạt ra quân và tăng tốc thực hiện điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024. Với sự trợ giúp từ phần mềm CAPI (một mô-đun phỏng vấn cá nhân và phỏng vấn thực địa chuyên dụng) trên thiết bị điện tử đã giúp các lực lượng điều tra viên “tăng tốc” trong quá trình thực hiện điều tra.

Ứng dụng công nghệ trong điều tra dân số và nhà ở

TIN MỚI

Return to top