ClockThứ Tư, 23/10/2019 13:43

Không nên để thông tin trái chiều, dư luận xấu kéo dài

TTH - Mấy ngày gần đây, báo chí thông tin một sự việc thật đau lòng khi Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Lê Hải An rơi từ tầng 8, tử vong ngay trong trụ sở Bộ Giáo dục - Đào tạo. Tin phát ra đã gây xôn xao về sự tiếc thương đối với một vị lãnh đạo trẻ tuổi, nhưng cũng xuất hiện nhiều thông tin, bình luận trái chiều trên cộng đồng mạng.

Chỉ hơn 1 giờ sau cái chết của Thứ trưởng An đã có những tin đưa lên Facebook. Ban đầu chỉ là đưa tin sự việc như một sự cố đau thương, nhưng tiếp theo là liên tục những thông tin phân tích, bình luận theo chiều hướng: “một cái chết bất thường”, “không thể vấp ngã”, “từ một thông báo kỷ luật”... Mặc dù không phải cơ quan điều tra, nhưng đã có những “nhận định ban đầu” gọi là sự trả thù, bịt đầu mối, thanh trừng đối thủ… của những “nhà báo”, “nhà bình luận”, “nhà phản biện” đứng sau “sân khấu” xuyên tạc.

Có thể thấy, hàng loạt những thông báo “vỉa hè” dày đặc trên mạng. Bắt đầu là nhận định hiện trường, đến nghe tiếng súng nổ, diễn biến bất thường trước cuộc họp của Bộ và làm việc với UBND tỉnh Sơn La của ông An (suy diễn về vụ án kỳ thi 2018 ở tỉnh này)… Tất cả được nêu ra như là người phát ngôn trong cuộc, dù chưa có thông tin chính thức của cơ quan có thẩm quyền.

Thâm sâu hơn, một số nickname, báo nước ngoài đã đăng tiểu sử, bình luận về trình độ năng lực và nhận định sẽ thay chức Bộ trưởng hiện tại như một cơ quan tổ chức, nhân sự. Nhưng nguy hiểm nhất là nêu về những cái chết mà họ cho là “bất thường” trong mấy năm qua của các vị lãnh đạo và người có tiếng tăm khác. Mục đích là để mọi người tự suy diễn, nhận định về “cái chết được báo trước” của Thứ trưởng Lê Hải An. Mục tiêu cuối cùng đi đến kết luận cho đây như là cách bịt đầu mối, thanh trừng nội bộ, thủ tiêu người tài…

Sự ra đi đột ngột của Thứ trưởng An là mất mát, đau thương lớn của gia đình, tổn thất cho đội ngũ lãnh đạo và người có tài trong ngành giáo dục. Những kẻ thiếu lương tâm, lý trí đã lợi dụng sự việc này để gây thêm nỗi đau cho gia đình, tạo nên dư luận không lành mạnh cho xã hội, cho ngành giáo dục. Cao hơn nữa là gây xáo động trong các tầng lớp Nhân dân, tạo nên mâu thuẫn trong nội bộ, phản ứng không bình thường của cộng đồng dư luận. Như vậy để thấy được tính chất thâm độc, nguy hiểm của những cái “vòi bạch tuộc” trong lợi dụng mạng xã hội.

Sự ra đi đột ngột của một con người có chức vụ, học hàm, học vị cao là điều đáng tiếc. Rồi đây, cơ quan điều tra sẽ công bố sự thật và bản chất khách quan về cái chết bất ngờ của vị Thứ trưởng. Chưa biết gì chính thức, nghe lại ở một góc độ, thông tin không chính thống, nhưng lại bình luận theo suy diễn là không thể chấp nhận.

Nghĩa tử là nghĩa tận. Người đã mất không thể thanh minh, người sống lại càng không nên đặt điều, thêu dệt gây tổn thương đến linh hồn người quá cố, đến người thân. Chỉ đáng tiếc là cơ quan có chức năng, trách nhiệm của cơ quan điều tra, của Bộ Giáo dục - Đào tạo đã quá chậm khi đưa ra thông tin chính thống, dù chỉ là thông tin bước đầu. Công bố chính thức và đưa lên cộng đồng mạng để dân chúng hiểu sự thật là trách nhiệm của ngành giáo dục, của cơ quan điều tra. Không nên để thông tin trái chiều, dư luận xấu nối dài hơn nữa.

PHƯỚC YÊN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giảm thiểu nguy cơ mất an toàn trong tiếp cận thông tin tài chính

Tăng hiểu biết cho người dân, nhất là đối tượng người yếu thế, người già, phụ nữ, các đối tượng chính sách, người dân vùng sâu, vùng xa… về tài chính không chỉ tăng khả năng tiếp cận tín dụng giúp họ độc lập trong phát triển kinh tế, mà còn giảm thiểu được những rủi ro tài chính, nguy cơ mất an toàn trong tiếp cận thông tin tài chính.

Giảm thiểu nguy cơ mất an toàn trong tiếp cận thông tin tài chính
Return to top