ClockThứ Bảy, 13/08/2016 05:56
ĐĂNG KÝ NHÃN HIỆU BÚN BÒ HUẾ:

Không phát sinh rào cản trong thương mại

TTH - Đó là khẳng định của ông Trần Duy Chiến, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ về việc UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nộp đơn đăng ký nhãn hiệu chứng nhận Bún Bò Huế tại Cục Sở hữu trí tuệ và ban hành Quy chế “Quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Bún bò Huế”.

Bún bò Huế mà ri a?Trao đổi thêm xung quanh việc đăng ký sở hữu bún bò Huế

Ông Trần Duy Chiến

Trước hết xin ông cho biết tình hình đăng ký bảo hộ các đặc sản địa phương?

Đặc sản địa phương là cách gọi chung dành cho những sản phẩm, mặt hàng mang tính chất đặc thù, có đặc trưng riêng do điều kiện tự nhiên, con người và truyền thống nơi xuất xứ đó. Các đặc sản địa phương thường được đăng bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý.

Tính đến hết tháng 12/2015, Việt Nam có 963 sản phẩm có tên gọi gắn liền với địa danh. Từ ngày 01/07/2005 đến tháng 12/2015, Cục Sở hữu trí tuệ nhận 827 đơn đăng ký nhãn hiệu tập thể chứa dấu hiệu chỉ dẫn nguồn gốc địa lý, 173 đơn đăng ký nhãn hiệu chứng nhận, 58 đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý. Đến hết tháng 12/2015, có 609 giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể và 113 giấy chứng nhận nhãn hiệu chứng nhận được cấp, 43 sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý (theo số liệu được công bố tại hội thảo khoa học quốc tế Khai thác tài sản trí tuệ địa phương trong phát triển du lịch, tổ chức tại Hà Nội vào tháng 6/2016). 

Việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với đặc sản địa phương là việc làm cần thiết và hầu như tất cả các địa phương trong cả nước đều thực hiện.

 Vậy, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận Bún bò Huế là việc phải làm của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phải không, thưa ông?

Đúng vậy, là cơ quan chuyên môn giúp UBND tỉnh Thừa Thiên Huế quản lý về sở hữu công nghiệp trên địa bàn, có thể khẳng định đây là một việc làm cần thiết nhằm xây dựng một thương hiệu đặc sản Bún bò Huế có uy tín, có chất lượng đặc thù, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và thúc đẩy phát triển trong điều kiện cạnh tranh bằng chất lượng, uy tín, chứ không phát sinh rào cản trong thương mại.

Ngày 14/7/2016, UBND tỉnh nộp đơn đăng ký nhãn hiệu chứng nhận Bún bò Huế tại Cục Sở hữu trí tuệ (Số đơn: 4-2016-21260) và đã được Cục Sở hữu trí tuệ chấp nhận đơn hợp lệ ngày 28/7/2016. Trước đó, ngày 13/7/2016, UBND tỉnh ra Quyết định số 1623/QĐ-UBND về việc ban hành Quy chế “Quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Bún bò Huế”.

Điều 1. Mục đích: Quy chế này nhằm tập hợp các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế cùng xây dựng nhãn hiệu chứng nhận “Bún bò Huế” thành một nhãn hiệu có uy tín trên thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng nhãn hiệu chứng nhận trong việc chế biến và cung cấp dịch vụ đối với sản phẩm bún bò Huế.

Điều 2. Phạm vi, đối tượng áp dụng: (1) Quy chế này quy định về việc quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Bún bò Huế” cho sản phẩm bún bò Huế và hoạt động cung cấp dịch vụ ăn uống đối với sản phẩm bún bò Huế có xuất xứ từ tỉnh Thừa Thiên Huế; (2) Quy chế này áp dụng đối với tổ chức quản lý nhãn hiệu chứng nhận và các tổ chức, cá nhân sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Bún bò Huế” cho sản phẩm bún bò Huế và hoạt động cung cấp dịch vụ ăn uống đối với sản phẩm bún bò Huế có xuất xứ từ tỉnh Thừa Thiên Huế. (Trích một số nội dung trong Quy chế “Quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Bún bò Huế”).

Có thể nói thêm rằng, thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân tại các tỉnh, thành khác hoặc ngay tại địa phương đã lợi dụng yếu tố xuất xứ “Huế” của đặc sản bún bò Huế để đưa vào dấu hiệu riêng của mình và thực hiện việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ. Sở Khoa học và Công nghệ đã tham mưu UBND tỉnh tiến hành phản đối hoặc trực tiếp thực hiện việc phản đối các đơn đăng ký nhãn hiệu có sử dụng địa danh “Huế” trong nhãn hiệu để đăng ký bảo hộ cho riêng mình đối với các sản phẩm tương tự hoặc với dịch vụ nhà hàng ăn uống. Có thể nêu một số nhãn hiệu đã nộp đơn đăng ký mà sở đã phản đối như sau: “Bún bò Huế Mệ Mui”, “Bún bò Huế Nhân Trí”, “Bún bò Huế Giáo Toàn”, “Bún bò Huế Thực phẩm Cầu Tre”, “Bún bò Huế Mạ Ơi”, “VIANCO Bún bò Huế”…

Việc đang nộp đơn (chưa được cấp giấy chứng nhận) mà UBND tỉnh đã ban hành Quy chế như vậy có phù hợp không thưa ông?

Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, tại khoản 1, Điều 100 về yêu cầu chung đối với đơn đăng ký sở hữu công nghiệp, như sau:

“1. Đơn đăng ký sở hữu công nghiệp bao gồm các tài liệu sau đây:

a) Tờ khai đăng ký theo mẫu quy định;

b) Tài liệu, mẫu vật, thông tin thể hiện đối tượng sở hữu công nghiệp đăng ký bảo hộ quy định tại các điều từ Điều 102 đến Điều 106 của Luật này;

c) Giấy ủy quyền, nếu đơn nộp thông qua đại diện;

d) Tài liệu chứng minh quyền đăng ký, nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền đó của người khác;

đ) Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên, nếu có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên;

e) Chứng từ nộp phí, lệ phí.”

Và khoản 1, Điều 105. Yêu cầu đối với đơn đăng ký nhãn hiệu

1. Tài liệu, mẫu vật, thông tin xác định nhãn hiệu cần bảo hộ trong đơn đăng ký nhãn hiệu bao gồm:

a) Mẫu nhãn hiệu và danh mục hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu;

b) Quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể, quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận.

Như vậy, có thể khẳng định việc UBND tỉnh ban quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận là phù hợp bởi vì đó là một trong những tài liệu kèm theo đơn đăng ký.

Nếu được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận thì việc quản lý và phát triển nhãn hiệu này như thế nào, thưa ông?

Nếu đơn đăng ký được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận, thì việc cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận sẽ được thực hiện cho tất cả các tổ chức, cá nhân hoạt động chế biến và cung cấp dịch vụ ăn uống đối với đặc sản bún bò Huế có nhu cầu gắn logo nhãn hiệu chứng nhận “Bún bò Huế” với điều kiện bảo đảm các tiêu chí chứng nhận theo quy định tại Quy chế. UBND tỉnh giao cho Hiệp hội Du lịch Thừa Thiên Huế quản lý nhãn hiệu này.

Về lâu dài, Sở Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục hỗ trợ Hiệp hội Du lịch Thừa Thiên Huế trong việc tổ chức quản lý nhãn hiệu cũng như xây dựng chiến lược phát triển cho nhãn hiệu chứng nhận “Bún bò Huế”. Đây là một việc làm dài hơi và nếu quá trình tổ chức quản lý nhãn hiệu tốt thì các cơ sở có gắn logo nhãn hiệu chứng nhận “Bún bò Huế” sẽ là điểm đến để khách du lịch thưởng thức món ăn đặc sản Huế đã được vinh danh là món ăn có giá trị ẩm thực châu Á.

Đức Phú (thực hiện)

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xây dựng thương hiệu thành phố sáng tạo từ cơ sở văn hóa ẩm thực Huế

Thừa Thiên Huế đang tập trung xây dựng để gia nhập vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO với tôn chỉ hướng tới là thúc đẩy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị bền vững. Có 7 lĩnh vực sáng tạo được xác định để UNESCO xét ghi danh, tham gia mạng lưới, gồm: thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian, thiết kế, điện ảnh, ẩm thực, văn học, nghệ thuật truyền thông đa phương tiện và âm nhạc. Trong những lĩnh vực đó, Thừa Thiên Huế chọn ưu thế về tiêu chí Ẩm thực để tiến hành điều nghiên, lập hồ sơ trình xét trong năm 2024.

Xây dựng thương hiệu thành phố sáng tạo từ cơ sở văn hóa ẩm thực Huế
Huế vào top các thành phố có món ăn ngon nhất thế giới

Trang web Taste Atlas (chuyên về ẩm thực nổi tiếng thế giới) vừa công bố danh sách “Những thành phố có đồ ăn ngon nhất thế giới 2023 - Best Food Cities in the World” nhằm vinh danh nền ẩm thực địa phương của các điểm đến. Trong danh sách này, Huế được đánh giá xếp hạng thứ 28 thành phố có món ăn ngon nhất thế giới.

Huế vào top các thành phố có món ăn ngon nhất thế giới
Nâng tầm văn hóa ẩm thực Huế

Cùng với sáu món ăn tiêu biểu của Huế được vinh danh, nhiều món ăn khác của các địa phương tại Thừa Thiên Huế có thể tiếp tục lọt top “1.000 món ẩm thực tiêu biểu Việt Nam” và để góp phần đưa thương hiệu Việt Nam ra thế giới thông qua văn hóa ẩm thực.

Nâng tầm văn hóa ẩm thực Huế
Giấc mơ “bếp ăn Việt Nam”

Thừa Thiên Huế là địa phương có nhiều món ăn được vinh danh nhất trong “Hành trình tìm kiếm giá trị văn hóa ẩm thực tiêu biểu Việt Nam” với các món: Bún bò Huế, chè bột lọc bọc heo quay, cơm hến, bánh lọc, vả trộn hoa màu chay, cơm hấp lá sen chay.

Giấc mơ “bếp ăn Việt Nam”
Sáu món ẩm thực tiêu biểu của Huế được vinh danh

Chiều 7/11, Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam tổ chức lễ công bố và trao chứng nhận món ẩm thực tiêu biểu tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn I - 2022; Phát động bình chọn đề cử giai đoạn II - 2023 trong “Hành trình tìm kiếm giá trị văn hóa ẩm thực tiêu biểu Việt Nam” và trao chứng nhận hội viên Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Thừa Thiên Huế. Đến dự chương trình có các ông: Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Thanh Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.

Sáu món ẩm thực tiêu biểu của Huế được vinh danh

TIN MỚI

Return to top