Thả rùa quý hiếm về rừng
Mới đây vào ngày 6/1, Tòa án Nhân dân huyện Nam Đông tuyên phạt hai bị cáo Phạm Thính và Đoàn Dũng cùng trú tại thôn Hưng An, xã Xuân Lộc (Phú Lộc), mỗi người 15 tháng tù treo do hành vi chặt phá ươi khai thác hạt.
Theo cáo trạng, vào ngày 26/6/2021, Phạm Thính chở Đoàn Dũng bằng xe máy, mang theo các dụng cụ vào khu rừng đặc dụng tại lô 2, khoảnh 1, tiểu khu 370 thuộc địa phận xã Hương Phú (Nam Đông) do Vườn QGBM quản lý. Tại đây, Thính và Dũng thấy một cây ươi cao hơn 30 mét và có nhiều hạt nên thay nhau đốn hạ cây để thu hái hạt.
Quá trình tuần tra, truy quét, lực lượng kiểm lâm thuộc Hạt Kiểm lâm Vườn QGBM phát hiện hành vi khai thác ươi trái phép của Thính và Dũng. Đồng thời, lập biên bản, thu giữ khối lượng gỗ tròn (gỗ ươi) thuộc nhóm VII với 5,060m3 và 14kg hạt ươi tươi.
Giám đốc Vườn QGBM ông Nguyễn Vũ Linh cho rằng, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến nhiều hoạt động bảo vệ rừng (BVR) của đơn vị. Thời tiết khô hạn trong năm qua kéo dài, mùa ươi nở rộ, trong khi nhiều người ở vùng đệm thiếu việc làm gây áp lực rất lớn đến hoạt động BVR nói chung và rừng ươi nói riêng.
Các tuyến đường dân sinh tiếp giáp rừng, tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan băng qua Vườn QGBM tạo điều kiện cho lâm tặc xâm nhập trái phép dễ dàng. Tuy nhiều khó khăn, thách thức nhưng Vườn QGBM tập trung mọi nguồn lực cho hoạt động BVR một cách hiệu quả. Thông qua các biện pháp ứng dụng công nghệ giám sát đa dạng sinh học (SMART Mobile), theo dõi diễn biến tài nguyên rừng (QGIS) đã ngăn chặn, xử lý kịp thời nhiều vụ phá rừng.
Gần 500 đợt tuần tra, kiểm soát, truy quét tại rừng với gần 2.000 ngày công, kết hợp chốt chặn, kiểm tra vận chuyển lâm sản bằng đường sông và đường bộ tại các địa bàn xã Thượng Lộ, Thượng Nhật, Hương Lộc (Nam Đông) và ATing, Sông Kôn thuộc huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam. Việc thực hiện đồng bộ giữa truy quét và chốt chặn đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm, không để xảy ra các điểm nóng về khai thác, vận chuyển lâm sản, săn bắt động vật hoang dã trái phép.
Cũng trong năm qua, Vườn QGMB tiếp tục triển khai các hoạt động phối hợp theo quy chế đã ký kết với UBND các xã vùng đệm, các hạt kiểm lâm, công an và ban chỉ huy quân sự huyện đóng trên địa bàn. Sự hỗ trợ của công an, kiểm lâm các huyện trong điều tra, xử lý các vụ vi phạm do Hạt Kiểm lâm Vườn QGBM chuyển giao mang lại hiệu quả, đảm bảo sức răn đe. Số vụ vi phạm về lâm nghiệp ngày càng giảm so với các năm trước, chất lượng hoạt động tuần tra, kiểm soát tại rừng, giám sát đa dạng sinh học, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng được nâng lên một cách rõ rệt.
Ngoài hoạt động tuần tra, BVR, Vườn QGBM tổ chức nghiên cứu khoa học trên cơ sở các nhiệm vụ thuộc chương trình bảo tàng tài nguyên rừng. Vườn đã và đang thực hiện đề tài tiềm năng cấp Bộ về “Nghiên cứu phát triển một số loài cây thuốc có giá trị tại Vườn QGBM theo hướng sản xuất hàng hóa”. Vườn hoàn thành việc thí nghiệm nhân giống bằng hom và bằng hạt của hai loài cây thuốc “Sâm xuyên đá”, “Sâm bồng bồng”, đang trồng thực nghiệm với 3.000 cá thể tại hai mô hình trồng dưới tán rừng và trồng trên đất trống.
Hoạt động cứu hộ và phát triển sinh vật được Vườn QGMB triển khai đáp ứng yêu cầu bảo tồn động - thực vật hoang dã. Trong năm qua, Vườn QGBM tiếp nhận, chăm sóc và tái thả 136 cá thể vào môi trường tự nhiên (tăng 30 cá thể so với năm trước) thuộc 10 loài. Đơn vị tiếp tục chăm sóc 63 loài lan được sưu tập với gần 650 cá thể phục vụ nghiên cứu, trưng bày; phát triển vườn ươm cây bản địa, cảnh quan góp phần trồng rừng, phát triển rừng với một số loài chủ yếu như lim xanh, chò, trám, lôi khoai, huỷnh, kim giao...
Vườn QGBM đang triển khai thực hiện một số đề xuất khoa học và công nghệ cơ sở như áp dụng Radio Tracking khảo sát vùng sống và vùng tái thả an toàn loài rùa hộp trán vàng miền Trung (Cuora bourreti); nghiên cứu sử dụng mã QR cung cấp thông tin du lịch, kết hợp thiết bị cảm biến âm thanh và SMART Connect phục vụ công tác BVR. Các đề xuất đang triển khai áp dụng, dự kiến đánh giá kết quả vào năm 2022.
Bài, ảnh: Triều Ninh