Nhiều khu nhà thương mại đã hoàn thiện ở phía đông nam TP. Huế. Ảnh: L.Q
Khát nguồn vốn
Dù thời điểm cuối năm 2022, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã quyết định nới room tín dụng thêm 1,5-2% để có dòng tiền khoảng 240 nghìn tỷ đồng cộng với khoảng 200 nghìn tỷ đồng còn lại của room tín dụng 14% (cũ) “bơm” vào nền kinh tế, nhưng đến đầu năm 2023, nhiều DN, nhất là DN hoạt động trong lĩnh vực BĐS và người dân có nhu cầu mua nhà, đất rất khó vay vốn. Theo các DN, nguyên nhân chủ yếu là do các ngân hàng thương mại chưa hạ "chuẩn" tín dụng.
Một thành viên Hiệp hội BĐS Thừa Thiên Huế chia sẻ, nhiều DA BĐS của DN phải tạm dừng triển khai vì thiếu nguồn vốn đầu tư. Điều này khiến thị trường BĐS đang khó lại càng chồng khó. Trong tình thế này, Chính phủ cần phải ban hành các giải pháp xử lý kịp thời và hiệu quả những khó khăn của thị trường BĐS.
Thành viên này cho rằng: "Nhà nước cần có cơ chế, chính sách bình ổn thị trường BĐS để bảo đảm lợi ích cho nhà đầu tư và khách hàng".
Hiện nay, nhiều DN xin vay khoản tín dụng mới mặc dù có tài sản bảo đảm, nhưng không được ngân hàng thương mại chấp thuận do rơi vào trường hợp có khoản vay đáo hạn chưa thanh toán, nên không đạt "chuẩn" tín dụng.
Lãnh đạo một DN BĐS tại TP. Huế cho biết, hiện DN ông đã và đang đầu tư một số DA BĐS tại TP. Huế, ngoài vướng mắc các thủ tục pháp lý cũng rất cần nguồn vốn để đẩy nhanh tiến độ DA. Nếu có được khoản vay mới thì DN có thể triển khai hoạt động đầu tư kinh doanh, tạo được dòng tiền và thanh khoản có thể hoàn trả khoản vay cũ và thanh toán khoản vay đáo hạn. Như vậy sẽ có lợi cho cả DN lẫn tổ chức tín dụng và có thể cùng nhau vượt qua khó khăn.
Hầu hết các DN BĐS khác trong cả nước đề nghị Chính phủ cho thế chấp trái phiếu của DN để vay vốn cho các DA đang triển khai. Thế nhưng, các ngân hàng thương mại không chấp thuận tài sản bảo đảm là trái phiếu do không đạt "chuẩn" tín dụng. Nếu có được khoản vay mới và được phép thế chấp bằng trái phiếu DN thì đây là nguồn vốn vay quý giá, có tính chất là "vốn mồi" để DN có thể triển khai hoạt động đầu tư kinh doanh, tạo được dòng tiền và thanh khoản.
Những khu nhà ở xã hội ở Thừa Thiên Huế đã hiện hữu
Nguồn vốn cho nhu cầu thực
Dõi theo thị trường BĐS không riêng ở Thừa Thiên Huế, người có nhu cầu mua BĐS khá lớn, nhất là các trường hợp vừa lập gia đình hoặc công nhân vừa xa quê trở về cần có những căn nhà, hay lô đất nền xây nhà giá tầm trung để ở.
Chị Trần Thị Ty (phường Phú Mậu, TP. Huế) chia sẻ, vợ chồng chị làm ăn vất vả mấy năm nay nhưng chưa tích lũy đủ tiền mua, xây nhà để ở riêng tiện sinh hoạt và công việc tại KCN Phú Bài. Thời điểm này nghe giá nhà, đất nền giảm, nhiều chủ đầu tư DA nhà, đất đang có chính sách giảm sâu, nhưng chị tìm đến ngân hàng nhờ "trợ giúp" thì không vay được. Chị Ty trải lòng, nếu người có nhu cầu về nhà ở thật sự có thể vay được tín dụng với lãi suất hợp lý để mua nhà, mua đất làm nhà để ở thì cả người mua và DN đều có lợi. Vì người dân sẽ có nhà để ở, còn DN BĐS bán được sản phẩm sẽ có dòng tiền tái đầu tư những DA mới.
Đại diện lãnh đạo Công ty CP Xây lắp Thừa Thiên Huế chia sẻ, hiện nay cả chủ đầu tư DA khu dân cư, khu đô thị và người mua nhà đều rất khó tiếp cận được nguồn tín dụng, khiến cho thị trường BĐS càng thêm trầm lắng. Bởi vì, DN thiếu tiền triển khai DA, trong khi người mua nhà sẽ không đủ khả năng mua nhà nếu không có sự hỗ trợ tín dụng từ các ngân hàng.
Khi khó khăn nguồn tín dụng không được tháo gỡ thì không riêng ở Thừa Thiên Huế rất khó thu hút được DN đầu tư vào lĩnh vực DA khu dân cư hay DA nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Không chỉ thế, nhiều DA khu dân cư, khu đô thị đã, đang triển khai sẽ "tiến thoái lưỡng nan", vì DN cạn nguồn tiền để đầu tư tiếp. Hiện nay có 3 nguồn có thể huy động vốn cho các DA BĐS nhưng đều bị "nghẽn" là vốn tín dụng, vốn huy động từ khách hàng và nguồn vốn từ trái phiếu. Vì thế nhiều DN BĐS lớn, nhỏ ở Việt Nam đang đứng bên bờ vực, phải cắt giảm nhiều nhân sự, tinh giảm lao động vì không đủ khả năng chi trả lương...
Ngày 8/2, tại Hà Nội, NHNN tổ chức hội nghị tín dụng BĐS với sự tham gia của bộ, ngành, đơn vị liên quan. Đại diện NHNN cho biết, thời gian tới sẽ điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả, tạo điều kiện cho các ngành, lĩnh vực kinh tế, trong đó có lĩnh vực BĐS tăng trưởng, phát triển ổn định, bền vững. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp luật tín dụng và hoạt động ngân hàng phù hợp với tình hình thực tiễn để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, DN tiếp cận tín dụng, trong đó có lĩnh vực BĐS.
Theo Sở Xây dựng, ngoài hàng trăm DA được quy hoạch khu dân cư, từ năm 2010 đến nay trên địa bàn tỉnh có 24 DA phát triển nhà ở xã hội, thương mại. Riêng DA nhà ở xã hội đã triển khai đầu tư 5 DA; trong đó có 3 DA đã, đang triển khai với diện tích 39.957m2 với 1.714 căn hộ; 2 DA còn lại được chấp thuận đầu tư giai đoạn 2020 - 2021, với tổng diện tích hơn 110.000m2, với 3.100 căn nhà nhưng chưa triển khai. Từ năm 2021 đến 2025 các sở, ban, ngành chức năng liên quan tập trung kêu gọi 48 DA nhà ở xã hội và thương mại. Trong đó có 7 DA nhà ở xã hội với diện tích khoảng 659.527m2 sàn; 41 DA nhà ở thương mại, khu đô thị với diện tích 3.269.000m2 sàn. Các DA này tập trung ở TP. Huế, thị xã Hương Thủy, Hương Trà và các huyện Phú Vang, Phú Lộc, Quảng Điền với nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước. Cụ thể, trong giai đoạn này các DA nhà ở xã hội cần 2.670 tỷ đồng và nhà ở thương mại, khu đô thị cần 26.527 tỷ đồng.
Bài, ảnh: MINH VĂN