ClockChủ Nhật, 12/02/2017 14:06

Đam mê cùng “sales”

TTH - Tiếp thị và bán hàng (gọi chung là sales) đang trở thành một trong những nghề hấp dẫn với nhiều bạn trẻ muốn thử sức với lĩnh vực kinh doanh. Tuy nhiên, với những người thành danh trong lĩnh vực này, để “tồn tại” được với nghề, họ phải đánh đổi bằng cả mồ hôi lẫn tâm sức.

Vui buồn với nghề

19 năm “trung thành” với 1 doanh nghiệp - điều hiếm có ở một salesman (người bán hàng) chuyên nghiệp, vì vậy, khi kể về nghề, anh Hồ Văn Diện - Quản lý bán hàng khu vực miền Trung của Cocacola vẫn còn nhớ như in những kỷ niệm “xương máu” thời mới vào nghề. “Năm đó (1997), mình được “nâng cấp” từ “chân” trưng bày hàng sang làm nhân viên sales nên rất háo hức. Thế nhưng, khi đến bán hàng, nhiều lần gặp phải những khách hàng cực kỳ khó tính. Dù chào hỏi thân thiện, cởi mở, nhưng vẫn không nghe khách hàng “ừ hử” gì, thậm chí còn bị họ lấy... chổi xua đi. Sau này mới biết, phải chọn đúng thời điểm để giao tiếp với khách. Nhất là với người Huế, phải để ý từng ly từng tí, tế nhị trong mọi hoàn cảnh. Dù không hài lòng, họ cũng không nói gì. Nhưng nhìn vào hiệu quả kinh doanh, bạn có thể hiểu rõ mình làm tốt hay chưa”, anh Diện chia sẻ.

Không chỉ nắm bắt tâm lý, thuyết phục khách hàng, các “sales” còn phải có kỹ năng mềm trong công việc

Năm 17 tuổi, Hoàng Trọng Vân Kiều - Giám đốc khu vực Bắc miền Trung của Cà phê Trung Nguyên phải mượn tên người khác để xin đi làm nhân viên thị trường cho một doanh nghiệp Đà Nẵng tại Huế. “Tủi thân” là cảm giác mà Kiều vẫn còn nhớ đến tận bây giờ khi bị mọi người nhìn với con mắt xem thường và gọi là “thằng tiếp thị”. Vân Kiều kể: “Có lần, mình đến giới thiệu sản phẩm nước suối cho một cửa hàng ở ga Đồng Hới. Ba lần đầu, mình bị đuổi. Với áp lực doanh số và độ phủ hàng của sản phẩm, lần quay lại thứ 4, chủ cửa hàng yêu cầu “nếu mày nhổ lông một con gà thì tao lấy 1 chai nước”. Vậy là trong vòng 30 phút, mình “giải quyết” xong 6 con gà”. Sau lần đó, Kiều được chủ cửa hàng rất tin tưởng, xem như con cháu nên hết lòng giúp đỡ. “Có lẽ, do họ thấy cái nhiệt tâm và lòng yêu nghề của mình nên “mở” cho mình cánh cửa”, Vân Kiều thừa nhận. Sau nhiều thử thách, Giám đốc khu vực Bắc miền Trung của Cà phê Trung Nguyên rút ra bài học “nghề này đòi hỏi phải có khả năng chịu áp lực cao và “tinh thần thép” để vượt qua những thách thức”.

Không trực tiếp bán hàng nhưng quản lý nhóm bán hàng mỹ phẩm từ những ngày đầu mới vào nghề (2003), chị Công Huyền Tôn Nữ Kiều Ái – Quản lý OHUI chi nhánh Huế cho rằng, người làm sales luôn phải linh hoạt để thích nghi với nhiều thay đổi và tìm ra giải pháp phù hợp cho từng vấn đề. Chị Ái kể, “Dù tiếp xúc với đủ loại khách hàng và có kinh nghiệm “đầy mình” nhưng nhiều lần bản thân vẫn rất “đau đầu” khi phải giải quyết những khiếu nại rất oái ăm của các “thượng đế”. Có khách vì tiếc tiền bèn lấy lý do sản phẩm có vấn đề thế này, thế kia để trả lại. Hay có người mua hàng về nhưng ... 6 tháng sau yêu cầu công ty trả lại tiền với lý do dùng hoài không thấy đẹp”.  

Trái ngọt

Thật không dễ khi trở thành một sales chuyên nghiệp, có chỗ đứng vững chắc tại doanh nghiệp nước ngoài trong gần 20 năm, Quản lý bán hàng khu vực miền Trung của Cocacola Hồ Văn Diện cho rằng, “bí quyết” có lẽ chính là sự chuyên nghiệp, tận tâm, hết lòng với khách hàng đã giúp anh đứng vững trong một nghề mà sự đào thải lớn như vậy. Với anh, một sales giỏi phải chứng tỏ được khả năng của mình thông qua kết quả kinh doanh đạt được, đồng thời, đảm bảo lợi ích của công ty mình và quyền lợi của khách hàng một cách tốt nhất.

Công việc thường trực của những salesman mới vào nghề

Là một trong những Sup (Supervisor - người quản lý) nữ hiếm hoi ở Huế, chị Kiều Ái hiện đang quản lý đội ngũ nhân viên với gần 100 người nên áp lực chu toàn giữa công việc và gia đình là thường trực. Đối với Kiều Ái, công việc bán hàng cũng là một nghệ thuật nên mỗi salesman cần phải có kiến thức sâu rộng về xã hội, có kỹ năng mềm, khả năng nghe nói, nắm bắt tâm lý của từng khách hàng và khả năng thuyết phục để tạo dựng một mối quan hệ tốt. Có như vậy mới đem lại kết quả mong muốn.

Chia sẻ bí quyết thành công, Hoàng Trọng Vân Kiều nói: “Đến với nghề từ “cái duyên” nhưng thành công nhờ vào quyết tâm và đam mê. Đến nay, dù trải qua nhiều vị trí quản lý của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, như: đại diện thương mại sau là Giám đốc Phát triển năng lực kinh doanh cho Tân Hiệp Phát; Giám sát kinh doanh rồi Giám đốc khu vực Bắc miền Trung của Vinamilk... vị giám đốc sinh năm 1982 đều chia sẻ những trải nghiệm của mình cho lứa đàn em ở những nơi mình từng làm việc với quan niệm “Khi làm việc phải cống hiến, khi đi để lại thành quả”. Chính vì vậy, điều mà Vân Kiều tự hào là có rất nhiều “lớp trẻ” được Kiều dìu dắt hiện đã trở thành giám đốc kinh doanh của các doanh nghiệp có tên tuổi trong cả nước.

Bài, ảnh: LIÊN MINH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nuôi dưỡng đam mê, cống hiến cho nghề

Lực lượng trẻ đóng vai trò quan trọng trong làm chủ kỹ thuật hiện đại, nâng cao chất lượng điều trị tại Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế. Họ còn là đội ngũ kế cận trên hành trình xây dựng, phát triển đơn vị hướng tới ngang tầm khu vực, thế giới…

Nuôi dưỡng đam mê, cống hiến cho nghề
Chống thất thu thuế trong lĩnh vực ăn uống

Việc các cửa hàng ăn uống dù niêm yết giá đã tính thuế, hoặc tính thêm thuế VAT khi thanh toán nhưng không chủ động xuất hóa đơn có mã của cơ quan thuế (hóa đơn) cho khách hàng cá nhân đang gây thất thu lớn cho ngân sách nhà nước.

Chống thất thu thuế trong lĩnh vực ăn uống
Cô học trò nhỏ đam mê robot

Trần Nguyễn Bảo Ngọc, học sinh lớp 5/1, Trường tiểu học Vĩnh Ninh cùng các đồng đội đã vượt qua các đối thủ khi tranh tài tại cuộc thi robot quốc tế - Global Robotics Games dành cho học sinh tiểu học tại Singapore.

Cô học trò nhỏ đam mê robot
Return to top