ClockThứ Sáu, 01/07/2016 13:06

Đến Huế, nhà đầu tư khỏi lo thủ tục

TTH - Trước thềm tọa đàm xúc tiến đầu tư nước ngoài vào Thừa Thiên Huế diễn ra ngày 2/7, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Phan Thiên Định, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư xung quanh những vấn đề liên quan. Ông Định cho biết:

Ngày 2/7, tỉnh tổ chức tọa đàm xúc tiến đầu tư nước ngoài. Từ ngày 3/8 đến ngày 6/8, tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư Thái Lan vào Thừa Thiên Huế tại thủ đô Bangkok. Ngày 7 đến 8/8 tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư và phát triển du lịch Thừa Thiên Huế năm 2016.

Điểm khác nhau giữa ba đợt xúc tiến đầu tư trên là gì ?

Tọa đàm xúc tiến đầu tư nước ngoài vào tỉnh được tổ chức với sự phối hợp của Bộ Ngoại giao, nhằm quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh cũng như các chính sách, chế độ ưu đãi, hỗ trợ đầu tư của tỉnh.

 Hội nghị xúc tiến đầu tư Thái Lan vào Thừa Thiên Huế tại Bangkok được thực hiện trên cơ sở phối hợp với Hiệp hội Công nghiệp và Tổng cục Du lịch Thái Lan, nhằm thu hút các nhà đầu tư Thái Lan, nhất là ở lĩnh vực sản xuất công nghiệp và kết nối chặt chẽ hơn giữa du lịch Bangkok với Thừa Thiên Huế.

Hội nghị xúc tiến đầu tư và phát triển du lịch Thừa Thiên Huế năm 2016 được tổ chức với sự phối hợp và tài trợ của BIDV, với mục tiêu có thêm nhiều dự án được ký kết và sử dụng nguồn vốn vay từ BIDV.

Những lĩnh vực, doanh nghiệp nào Thừa Thiên Huế ưu tiên kêu gọi đầu tư?

Tỉnh ưu tiên, hướng đến các doanh nghiệp có ngành nghề phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, doanh nghiệp đầu tư các dự án có giá trị gia tăng cao, nộp ngân sách lớn, nhưng ít ô nhiễm môi trường, doanh nghiệp đầu tư các dịch vụ phục vụ cho hoạt động du lịch...

Kỳ vọng của lãnh đạo tỉnh là sau hội nghị xúc tiến, có nhiều dự án được ký kết hợp tác và khởi công xây dựng
(Trong ảnh: Động thổ dự án Tổ hợp Thương mại Vincom và khách sạn 5 sao Hùng Vương)

Sẽ có sự ưu tiên hơn giữa các dự án đầu tư phát triển du lịch, dịch vụ so với các dự án phát triển công nghiệp?

Cả hai đều quan trọng như nhau.

Du lịch, dịch vụ là thế mạnh của Thừa Thiên Huế, là nền tảng để Thừa Thiên Huế phát triển xanh, sạch, bền vững. Tuy nhiên, để du lịch, dịch vụ thật sự trở ngành kinh tế mũi nhọn, chúng ta cần đầu tư nhiều trong thời gian dài, với nguồn lực lớn.

Thừa Thiên Huế có địa bàn khá dàn trải, không phải tất cả tài nguyên đất đai, lao động tất cả các vùng đều có thể làm du lịch, dịch vụ. Do đó, phát triển công nghiệp có vai trò khá quan trọng, trong việc giải quyết việc làm, tạo nguồn thu cho ngân sách, đảm bảo an sinh xã hội…

Liệu phát triển công nghiệp sẽ phá vỡ môi trường để phát triển du lịch?

Phần lớn những tác động xấu đến môi trường do các dự án sản xuất công nghiệp gây nên. Tuy nhiên, không vì thế mà đánh đồng phát triển công nghiệp với phá hoại môi trường. Những nước phát triển hàng đầu trên thế giới đều có nền công nghiệp phát triển. Vấn đề là chúng ta lựa chọn ngành nghề, công nghệ và giải pháp quản lý phù hợp.

Còn lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài thế nào?

Huế không có nhiều nhà đầu tư nước ngoài như một số tỉnh, TP khác trên cả nước. Một phần là do nguyên nhân khách quan, vì Huế thiếu những doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực công nghiệp phụ trợ. Các nhà đầu tư nước ngoài luôn chọn những địa phương có ngành công nghiệp phụ trợ phát triển mạnh để đầu tư.

Doanh nghiệp nào cũng muốn chọn môi trường đầu tư thuận lợi tất cả các mặt từ sản xuất, đến tiêu thụ. Ví dụ, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực may mặc, lắp ráp điện tử. Khi cần có thể mua nguyên liệu, phụ kiện nhanh chóng chứ không phải đặt hàng rồi đợi gửi từ tỉnh này, nước khác về mới có. Như thế, vừa tốn chi phí, vừa mất thời gian, làm giảm năng suất, hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Vì thế, lĩnh vực ưu tiên khác hiện nay mà tỉnh đang kêu gọi là phát triển các ngành hàng công nghiệp phụ trợ. Đề án phát triển lĩnh vực này đã được tỉnh chuẩn bị đang gửi Trung ương chờ xin ý kiến phê duyệt. Sau khi có chủ trương, các danh mục, cơ chế chính sách kêu gọi sẽ cụ thể, rõ ràng hơn.

Ngoài nguyên nhân khách quan, theo ông, còn nguyên nhân nào khiến lĩnh vực đầu tư nước ngoài chưa phải là thế mạnh của tỉnh?

Lực lượng lao động của chúng ta còn thiếu về cả trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề. Một số trường đại học, cao đẳng đào tạo chưa sát với thực tiễn, thiếu kiến thức thực tế, nên sau tuyển dụng, các doanh nghiệp phải mất kinh phí để đào tạo lại. Trở ngại này khiến một số doanh nghiệp chưa muốn tuyển dụng sinh viên các trường đại học trên địa bàn. Một số trường nghề đào tạo tay nghề khá tốt như Trường cao đẳng Công nghiệp Huế, Nghề du lịch Huế. Thế nhưng, khâu liên kết giữa nhà trường với doanh nghiệp chưa tốt nên nhiều sinh viên ra trường chưa có việc làm hoặc có việc làm nhưng không đúng chuyên môn, tay nghề đào tạo…

Chủ trương, cơ chế mới có cải thiện so với trước đây, khi mà Huế chưa được đánh giá cao về môi trường đầu tư? Còn nhiều thủ tục hành chính chưa được cải cách?

Tỉnh đang tập trung công tác cải cách hành chính để giảm tối đa các thủ tục không cần thiết, giúp doanh nghiệp tiếp cận nhanh, tốt hơn với các dự án.

Tỉnh cũng thành lập ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng, tổ công tác liên ngành để giúp doanh nghiệp thực hiện các thủ tục đầu tư nhanh chóng. Mô hình tổ công tác liên ngành hỗ trợ nhà đầu tư nghiên cứu, triển khai dự án đang được các doanh nghiệp, nhà đầu tư đánh giá rất cao. Lãnh đạo Tập đoàn Vingroup, Nguyễn Kim và nhiều nhà đầu tư lớn khác đánh giá, đây là mô hình hoạt động hiệu quả nhất trong tất cả các mô hình mà họ đã tiếp xúc trong cả nước.

Nghĩa là doanh nghiệp chỉ cần đến Huế, còn thủ tục đã có các cơ quan liên quan cùng lo?

Đúng vậy!

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

TÂM HUỆ (thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đầu tư cho huyện nghèo A Lưới và 7 xã đặc biệt khó khăn

Để thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, một trong các chỉ tiêu cần đạt được đến năm 2025 là tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều toàn tỉnh giảm còn 1,84%. Để đạt tỷ lệ này, tỉnh ưu tiên tập trung nguồn lực giảm nghèo cho huyện nghèo A Lưới và 7 xã đặc biệt khó khăn.

Đầu tư cho huyện nghèo A Lưới và 7 xã đặc biệt khó khăn
Diện mạo mới đô thị Huế

Đô thị Huế đang đổi thay trên một diện mạo mới - diện mạo của đô thị trong lòng thành phố trực thuộc Trung ương.

Diện mạo mới đô thị Huế
Đầu tư cho học sinh đi thi quốc tế

Để ươm mầm cho học sinh đi thi và đoạt giải quốc tế, Trường THPT chuyên Quốc Học – Huế xây dựng lộ trình bồi dưỡng bài bản. Đằng sau những tấm huy chương là không ít mồ hôi, công sức của thầy và trò.

Đầu tư cho học sinh đi thi quốc tế
Chủ nhà COP29 năm nay sẽ bảo vệ các khoản đầu tư vào dầu khí

Hãng tin Reuters dẫn lời Chính phủ Azerbaijan, chủ nhà của Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc 2024 (COP29) cho biết, nước này sẽ bảo vệ quyền của các quốc gia sản xuất dầu khí được đầu tư vào lĩnh vực này; đồng thời nhấn mạnh, bất chấp các mục tiêu về khí hậu, nhu cầu về nhiên liệu hóa thạch vẫn còn đang rất cao.

Chủ nhà COP29 năm nay sẽ bảo vệ các khoản đầu tư vào dầu khí

TIN MỚI

Return to top