|
Du khách tham quan gian làng lưu niệm tại phố đêm Hai Bà Trưng. Ảnh: Ngọc Hòa |
Chưa như kỳ vọng
Khai trương từ cuối tháng 3/2023, phố đi bộ Hai Bà Trưng là sự kết hợp các khu vực thương mại sẵn có và khai thác các dịch vụ thương mại của người dân để hình thành khu phố sầm uất, phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí về đêm cho người dân và du khách. Ngoài ra, đây là nơi tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật, âm nhạc đường phố..., kỳ vọng tạo nên một không gian mở, điểm đến mới và khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh giá trị văn hóa, ẩm thực Huế vào việc thu hút khách du lịch. Tuy nhiên, sau hơn 7 tháng đưa vào hoạt động, mặc dù cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, hoàn thiện với vật liệu cao cấp, có không gian thoáng đãng, song phố đi bộ Hai Bà Trưng vẫn chưa thu hút nhiều du khách đến tham quan, mà chủ yếu vẫn là người dân địa phương đến thưởng thức ẩm thực và các chương trình nghệ thuật truyền thống.
Bà Nguyễn Phương Mai, du khách lưu trú trên đường Hai Bà Trưng chia sẻ: “Mình thường xuyên lưu trú ở các khách sạn nằm trên đường Hai Bà Trưng vào thời điểm cuối tuần nên có dịp dạo quanh phố đi bộ tham quan, mua sắm. Tuy nhiên, ngoài các quán nhậu bình dân trải dài khắp vỉa hè, các xe đẩy bán thức ăn nhanh thì rất ít các hoạt động vui chơi, giải trí, cơ sở bán hàng lưu niệm, quà tặng nên chưa thể định hình một phố đi bộ xứng tầm với hạ tầng sẵn có”.
Nằm ở khu vực phố Tây, đa phần khách du lịch đến đây là người nước ngoài, với nhiều loại quán bar, nhà hàng Âu, Á và nhiều cửa hiệu đa dạng, phong phú, phố đi bộ Phạm Ngũ Lão - Chu Văn An - Võ Thị Sáu đã tạo thành một không gian như các phố Tây phổ biến ở các thành phố khác trên thế giới. Với lợi thế nằm ở trung tâm thành phố và gần các công viên, đường đi bộ, không gian vui chơi, giải trí, thời gian đầu khai trương khu phố này đã khẳng định được thương hiệu và đã trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc của Huế, là điểm đến không thể thiếu của du khách ngước ngoài. Tuy nhiên, qua thời gian cùng với sự phát triển ồ ạt của các nhà hàng, quán nhậu bình dân ở xung quanh khu phố cũng như vắng dần các hoạt động nghệ thuật, biểu diễn đường phố đã biến không gian phố đi bộ này trở thành “điểm ăn nhậu” của người dân nên du khách không còn mặn mà qua lại.
Cùng với 2 khu phố nói trên, phố đêm Hoàng Thành nằm ngay khu vực Hoàng thành Huế, bước đầu với nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật đường phố, nghệ thuật cung đình được tổ chức, không gian ẩm thực phong phú và nhiều trải nghiệm về nghề và làng nghề truyền thống Huế, đã thu hút một lượng lớn du khách đến với phố đêm Hoàng Thành. Tuy nhiên, do mới triển khai giai đoạn một nên còn nhiều mặt hạn chế, các hoạt động văn hóa nghệ thuật chưa diễn ra thường xuyên, chưa thật sự hấp dẫn để thu hút khách do hạn chế về mặt kinh phí, các hoạt động bán hàng chưa phong phú nên phố đêm Hoàng Thành đang trong cảnh “chợ chiều”, gây lãng phí và chưa đáp ứng kỳ vọng của người dân, du khách.
Định hình phong cách riêng có
Theo UBND TP. Huế, xét về mặt kinh tế các khu phố đêm trên địa bàn đã đóng góp đáng kể vào phát triển du lịch Huế trong thời gian qua. Nhờ vào những hoạt động vui chơi, ẩm thực và biểu diễn nghệ thuật, các khu phố đã thu hút một lượng lớn du khách tới Huế, tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp (DN) địa phương và đẩy mạnh hoạt động kinh tế đêm trên địa bàn. Mặt khác, các không gian này cũng tạo ra một không gian đi bộ, hưởng thụ văn hóa, vui chơi, giải trí về đêm cho người dân địa phương và du khách khi đến Huế.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Huế, ông Trần Song, qua đánh giá thực trạng lượng khách trên các tuyến phố đi bộ đều giảm sút vì nhiều lý do. Để nâng cao chất lượng và phát huy hiệu quả các tuyến phố đi bộ, thu hút khách du lịch cũng như đáp ứng kỳ vọng của người dân, sắp tới thành phố tăng cường các hoạt động giải trí, tổ chức thường xuyên các sự kiện nghệ thuật, âm nhạc và biểu diễn đường phố tại phố đêm Hoàng Thành và phố đi bộ Hai Bà Trưng nhằm tạo ra không khí nhộn nhịp và hấp dẫn. Đồng thời, xây dựng các khu vực công cộng dành cho các hoạt động như biểu diễn nghệ thuật, trang trí ánh sáng, trò chơi ngoài trời… nhằm tạo ra không gian mở cho mọi người tương tác và gắn kết với nhau, tạo sự sôi động và ấn tượng cho các khu phố.
Giải pháp quan trọng nữa mà thành phố đang triển khai đó là hợp tác với các DN, tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích các DN địa phương tham gia vào việc phát triển và quảng bá các tuyến phố đi bộ, bao gồm chính sách khuyến khích, hỗ trợ tài chính và xây dựng các quy định rõ ràng để tạo ra môi trường phát triển kinh doanh thuận lợi. Ông Trần Song nhấn mạnh, để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước vào dịp cuối năm 2023, đầu năm 2024, UBND TP. Huế chỉ đạo các đơn vị chuyên môn triển khai các chương trình, hoạt động quy mô lớn, như tổ chức các hoạt động truyền thống và phục dựng các nghi lễ truyền thống dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn tại các điểm điều hành du lịch ở thành phố; tổ chức các buổi biểu diễn nghệ thuật đường phố như múa rối, kịch nói, đường phố nghệ thuật và những màn biểu diễn đặc sắc khác nhằm tạo ra một không gian sống động và hấp dẫn cho du khách; tổ chức tuần lễ văn hóa và ẩm thực, trong đó khách du lịch có thể khám phá và tìm hiểu về văn hóa, lịch sử và ẩm thực đặc trưng của Huế…
Đối với hoạt động thường niên ở các phố đi bộ, phố đêm, thành phố tiếp tục tổ chức các dịch vụ du lịch đa dạng nhằm tăng cường và đa dạng hóa các dịch vụ du lịch có sẵn, bao gồm các tour tham quan, thuê xe đạp và xe máy, tham gia các hoạt động thể thao ngoài trời… Đồng thời, tăng cường quảng bá đối tác với các công ty du lịch, hãng hàng không, và các đơn vị tổ chức sự kiện quốc tế để tăng cường khả năng tiếp cận và thu hút du khách quốc tế đến Huế và dừng chân tại các khu phố đêm trên địa bàn.