Huế được bao bọc bởi cây xanh, sẽ là môi trường sống lý tưởng cho người dân và du khách. Ảnh: Thanh Toàn
Rừng trong phố, tại sao không?
Ba năm trước, Huế vinh dự được nhận danh hiệu “Thành phố Xanh quốc gia” do Quỹ Bảo tồn thiên nhiên Thế giới bầu chọn. Đây là thành phố đầu tiên của Việt Nam vinh dự được nhận danh hiệu này. Huế cam kết đến 2020 giảm 20% mức phát thải khí gây hiện tượng hiệu ứng nhà kính so với mức phát thải của năm 2011. Và, những hoạt động gần đây mang tên “Chủ nhật xanh” là động thái trong lời hứa mà Huế đã cam kết.
Giữ được danh hiệu, tăng thêm cây xanh, duy trì phong trào dọn rác, cải thiện môi trường, Huế sẽ là sự khác biệt trong hạ tầng đô thị Việt Nam. Hệ sinh thái rừng trong phố là một ý tưởng không tồi cho đô thị Huế.
Trong bức thư mà Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ gửi cho người dân có đoạn: "Có thể một thời gian nữa nền kinh tế của tỉnh nhà mới theo kịp các địa phương bạn, nhưng điều mà chúng ta có thể tự hào và sánh vai với bất cứ đô thị nào về những giá trị văn hóa, lịch sử, con người và SẠCH, tại sao không?". Đó như là một sự trải lòng, và cũng là một tham vọng thực sự về một đô thị xanh - sạch - văn minh của chính quyền nơi đây.
Với nền nhiệt độ luôn tăng cao, nắng gắt thì hệ sinh thái “rừng trong phố” sẽ là điểm nhấn đặc biệt cho đô thị Huế
Một đô thị phát triển với nhà cao tầng có thể là một điểm nhấn trong thời đại này và nó như là một thước đo cho sự văn minh, hiện đại của một địa phương. Nhưng, một đô thị xanh, sạch sẽ là một sự khác biệt, sự đặc biệt trong chuỗi hành trình phát triển. Lịch sử có thể không chọn Huế để cho vùng đất này phát triển theo hướng hiện đại. Nhà cao tầng, hiện đại chưa hẳn là một điểm nhấn đáng khích lệ cho đô thị Huế.
Nếu lựa chọn sự khác biệt, nếu biết thích ứng với môi trường, Huế sẽ để lại được di sản tốt cho mai sau: Di sản xanh.
Giấc mơ Huế của một giáo sư
“Con người khác với các sinh vật khác là ở khả năng mơ”- Giáo sư Trương Nguyện Thành mở đầu cuộc nói chuyện ở diễn đàn “Huế-sáng tạo để phát triển” bằng việc trích dẫn một câu nói. Giáo sư cho rằng, chính vì khả năng mơ đó đã làm cho con người phát triển.
Giáo sư Trương Nguyện Thành cũng đã chia sẻ về một hành trình khám phá Huế cách đây một năm. Hành trình đó đã giúp ông có một giấc mơ cho Huế.
Ông mơ rằng một ngày có cơ hội giới thiệu cho con về văn hóa của Việt Nam. Vậy, địa điểm nào sẽ được chọn để ông giới thiệu cho con mình.
“Tôi chọn Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh hay Huế. Nếu chọn Huế, vậy làm sao để tôi chọn địa điểm này mà giới thiệu đây? Tôi mới mơ rằng, khi đến Huế tôi thấy có những hàng cây xanh, có những đường đi xe đạp an toàn để tôi đi xe đạp thăm Cố đô; tôi đi ngang sông Hương thấy dọc sông có cây xanh rất đẹp…Mỗi sáng trước khi đi làm, tôi chạy thể dục dọc các con đường Huế, thấy không khí trong lành, mát mẽ như vậy là thoải mái”- Giáo sư Thành chia sẻ.
Trưa đi ăn, tối đi ăn. Vậy tôi được ăn ở đâu? Dĩ nhiên là các nhà hàng mang đặc sắc đậm nét Huế. Được ăn những món ăn của Huế, được nghe nhạc Huế. Tôi được giới thiệu văn hóa ẩm thực đó từ đâu đến, nghe được những dòng nhạc cổ điển mang đậm chất Huế.
“Những tháng này tôi làm việc cật lực quá, vậy tôi kiếm chỗ nào để thư giãn. Dĩ nhiên, những điểm tập yoga, thiền… sẽ là lý tưởng cho tôi để xả stress”- Giáo sư Trương Nguyện Thành bày tỏ.
Di sản sông Hương rất tuyệt vời, cái dòng chảy của con sông này rất ấn tượng. Cần làm cho sông Hương chẳng những sạch mà còn an toàn và phát triển du lịch thì quá tuyệt vời.
“Sau một tuần du lịch ở Huế, kiểm tra sức khỏe thấy tốt, nhịp tim, lượng máu ổn định thì tại sao không trở lại. Đấy, một giấc mơ Huế của tôi như vậy rất là đơn giản, nhưng tôi nghĩ Huế làm được”-Giáo sư Thành nói.
Huế sẽ khác, sẽ đặc biệt nếu đi theo hướng một đô thị xanh, cảnh quan, xanh-sạch. Và đó là một giấc mơ không chỉ của riêng người dân Huế.
Bài, ảnh: Nguyễn Đắc Thành