ClockThứ Năm, 06/11/2014 11:09

Không thể xem nhẹ

TTH - Tuy là ngành công nghiệp không khói, nhưng các cơ sở lưu trú du lịch là nơi tiêu thụ nhiều nguyên vật liệu tài nguyên, năng lượng như điện, nước, thực phẩm, hàng hóa và thải ra môi trường lượng lớn rác thải, nước thải, khí thải... Do đó, bảo vệ môi trường là nhiệm vụ thiết yếu để giữ gìn môi trường chung, tăng uy tín, thu hút khách du lịch và hiệu quả kinh doanh.
Dùng chiếu đan để lót, trang trí giúp Khách sạn Mondial Huế tiết kiệm thuốc giặt và sử dụng được nhiều lần

Chưa được chú trọng

Mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành kiểm tra công tác quản lý, bảo vệ môi trường tại 36 cơ sở có số phòng lưu trú từ 50 phòng trở lên trên địa bàn tỉnh. Hầu hết các cơ sở đã tiến hành lập thủ tục môi trường theo quy định. Tuy nhiên, liên quan đến việc thu gom, xử lý nước thải, chỉ có 11/36 cơ sở được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải theo công nghệ xử lý hoàn chỉnh. Những cơ sở này đa phần mới được đầu tư xây dựng từ khoảng 6, 7 năm trở lại đây như khách sạn: Indochine Place, Mondial Huế, Camellia... 25 cơ sở khác chưa đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải hoàn chỉnh như đã cam kết trong các thủ tục môi trường đã được phê duyệt. Nằm trong danh sách này thậm chí có những khách sạn có tên tuổi, kinh doanh dịch vụ lưu trú lâu năm. Các cơ sở này chỉ xây dựng các bể lắng để xử lý sơ bộ nước thải sau đó thải ra hệ thống thoát nước chung của khu vực hoặc cho tự thấm vào đất. Chính vì hệ thống xử lý nước thải chưa hoàn chỉnh, nước thải ra chưa đạt yêu cầu theo quy định nên có đến 28 cơ sở được kiểm tra không đủ điều kiện để đơn vị chức năng cấp phép xả nước thải vào nguồn nước.

Giặt ủi tại các khách sạn thải ra một lượng lớn nước thải có chứa nhiều hóa chất độc hại cho môi trường

Bình quân lượng nước thải tại mỗi cơ sở lưu trú du lịch có tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên thải ra môi trường trên 35m3 nước/ngày nước thải sinh hoạt và nước thải từ các dịch vụ khác như giặt là, ăn uống... Tuy những cơ sở có hệ thống xử lý nước thải được đầu tư công nghệ hoàn chỉnh có các thông số về hóa lý nằm trong giới hạn cho phép, nhưng do công đoạn khử trùng hoạt động chưa hiệu quả, tất cả các mẫu đều có hàm lượng coliform vượt quá giới hạn quy định. Đối với một số cơ sở có hệ thống xử lý nước thải bằng phương pháp tự hoại, tất cả các mẫu đều có hàm lượng ôxy hóa sinh và coliform vượt quá giới hạn cho phép. Theo nhận xét của đại diện Chi cục Bảo vệ môi trường, tồn tại trên là do các cơ sở chưa chú trọng công tác xây dựng hệ thống xử lý nước thải hoàn chỉnh ngay từ khi xây dựng để đến khi hoàn thành công trình đưa vào sử dụng khó bố trí được mặt bằng thi công nên công nghệ đầu tư chắp vá, xử lý không hiệu quả.

Quản lý chặt hơn

Theo ông Lê Ngọc Sanh, Trưởng phòng Nghiệp vụ du lịch - Sở Văn hóa Thể thao Du lịch (VH-TT-DL), định kỳ, cơ quan quản lý về du lịch tổ chức các đợt kiểm tra, nhắc nhở để nâng cao ý thức, trách nhiệm đối với từng cơ sở lưu trú trong công tác bảo vệ môi trường, nhằm tạo uy tín, sức hấp dẫn và thương hiệu phát triển du lịch trên địa bàn. Tuy nhiên, đơn vị chỉ quản lý về mặt vĩ mô, còn liên quan đến chuyên sâu thì nếu thuộc về ngành nào thì ngành đó kiểm tra, xử lý. Nhìn chung các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn đều tuân thủ các quy định của pháp luật và vẫn được các đoàn thanh tra của Bộ VH-TT-DL đánh giá cao qua các lần kiểm tra định kỳ hằng năm.

Không riêng nước thải, chất thải nguy hại (CTNH) vẫn chưa được các cơ sở quản lý và thực hiện đúng theo quy định. Chỉ có 22/36 cơ sở có sổ đăng ký chủ nguồn thải CTNH, 12 cơ sở có bố trí kho để lưu giữ CTNH và 4/36 cơ sở có phương án xử lý CTNH thích hợp, tức có hợp đồng với đơn vị có chức năng để vận chuyển, xử lý, số còn lại vẫn đang lưu giữ CTNH tại kho chứa do lượng CTNH phát sinh ít.

Ông Nguyễn Hữu Bình, Giám đốc điều hành Khách sạn Mondial Huế cho rằng, vấn đề môi trường không chỉ được các cơ quan chức năng quan tâm mà ngay cả khách lưu trú cũng rất chú ý đến. Việc gìn giữ tốt môi trường trong sạch không chỉ tạo hình ảnh đẹp cho khách sạn mà còn đem lại ấn tượng, thu hút khách du lịch. Do đó, đơn vị rất chú trọng đến vấn đề môi trường như đầu tư nâng cấp hệ thống thoát, xử lý nước thải, bố trí các điểm xả thải, bảo quản chất thải đúng quy định. Ngoài bố trí hệ thống cây xanh để tạo không gian xanh trong khách sạn, đơn vị còn ưu tiên sử dụng các sản phẩm có thể tái sử dụng nhiều lần, các vật dụng làm bằng giấy tự hoại, sản phẩm thân thiện với môi trường...

Bên cạnh những khó khăn về vốn để đầu tư hạ tầng xử lý chất thải, các cơ sở lưu trú vẫn còn hạn chế trong việc tiếp cận và thực hiện các thủ tục giấy tờ liên quan. Do đó, cơ quan kiểm tra bước đầu nhắc nhở, hướng dẫn và đôn đốc các cơ sở tuân thủ và thực hiện tốt các thủ tục liên quan đến bảo vệ môi trường cũng như có kế hoạch đầu tư hệ thống xử lý môi trường đảm bảo tiêu chuẩn. Nếu sau một thời hạn quy định, cơ sở nào không có biện pháp khắc phục, thực hiện nghiêm túc thì hồ sơ sẽ được chuyển cho ngành chức năng xử lý. Cũng theo đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường, thời gian tới, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường, Chi cục Bảo vệ môi trường tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường nhằm không ngừng nâng cao chất lượng môi trường, chất lượng dịch vụ du lịch, lưu trú của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Bài, ảnh: Hoài Thương
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tôn vinh 15 trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu năm 2024

Tối 17/5, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp Hội) long trọng tổ chức lễ tôn vinh trí thức khoa học và công nghệ (KH&CN) tiêu biểu lần thứ VIII, năm 2024. Đến dự buổi lễ có các ông: Phạm Ngọc Linh, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Thanh Bình, UVTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.

Tôn vinh 15 trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu năm 2024
Lần đầu ghi nhận loài chim Quắm đen tại vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai

Trong khuôn khổ thực hiện đề tài độc lập cấp quốc gia "Nghiên cứu, đánh giá hiện trạng khu hệ chim và đề xuất giải pháp quản lý, bảo tồn các loài chim ở vùng đầm phá ven biển miền Trung Việt Nam" do Bảo tàng Thiên nhiên Duyên hải miền Trung, Sở KH&CN chủ trì và TS. Hồ Thắng chủ nhiệm triển khai thực hiện, nhóm nghiên cứu lần đầu tiên ghi nhận được loài chim Quắm đen ở vùng cửa sông Ô Lâu, thuộc đầm phá Tam Giang - Cầu Hai.

Lần đầu ghi nhận loài chim Quắm đen tại vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai
Tâm thế của nhà khoa học trong thực hiện Nghị quyết 54

Chiều 10/5, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp Hội) tổ chức tọa đàm - hội thảo khoa học với chủ đề "Phát huy vai trò đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", chào mừng Ngày Khoa học Công nghệ Việt Nam (18/5).

Tâm thế của nhà khoa học trong thực hiện Nghị quyết 54
Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành Trung tâm Khoa học & Công nghệ của cả nước

Chiều 9/5, tại hội trường Tỉnh ủy, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ đã quán triệt, định hướng phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 và xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành Trung tâm khoa học và công nghệ (KH & CN) của cả nước đến toàn thế cán bộ, viên chức, người lao động ngành KH & CN của tỉnh.

Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành Trung tâm Khoa học  Công nghệ của cả nước
Return to top