ClockThứ Hai, 04/01/2016 14:06

Lão nông đi học

TTH.VN - Sinh ra và lớn lên từ đồng lúa, vậy mà, hơn nửa đời người nhiều lão nông vẫn muốn cắp sách đến trường, học kỹ thuật để làm… nông dân. Họ đã thay đổi tư duy, sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hoá từ những lớp học như thế.

Học kỹ thuật phòng bệnh cho gà

Học cách làm giàu

Những nông dân đã có cháu nội, cháu ngoại nay lại miệt mài ngày đêm đến lớp. Người trẻ thích học các nghề phi nông nghiệp, người lớn tuổi muốn học nghề nông để gắn bó với ruộng vườn khoa học hơn. Thế nên, trong vòng 5 năm trở lại đây, có hơn 4.000 nông dân được chuyển giao kỹ thuật nuôi tôm cá, trồng nấm, dưa leo, mướp đắng và nuôi ong lấy mật... Lão nông Trần Trọng Tín ở Phú Vang trải lòng: “Bây chừ, quá tuổi đi học (trên 62 tuổi) nhưng tôi lại thích mô hình trồng thanh long ruột đỏ nên xin vào học dự thính. Bao đời nay chúng tôi sản xuất theo kinh nghiệm và tâm lý “nhờ trời”, không đúng khuyến cáo khoa học, khiến giá thành sản xuất cao mà chất lượng không hiệu quả”.

Đã có người bỏ cuộc. Làm gì thì làm, học viên không được đi trễ, không được nghĩ học quá số tiết cho phép. Nghỉ học yêu cầu phải có đơn xin phép và sẽ được giáo viên bổ túc lại bài trong ngày hôm sau. Thế nên, nhiều lão nông đến lớp quần còn ống xăn, ống xả khi mới đi thăm đồng về là chạy một mạch đến lớp. Họ không học theo cách thầy giảng, trò viết. Những trang vở của các lão nông chi chít những hình vẽ cây, con, những chú thích như mật mã mà chỉ riêng họ hiểu. Giáo án dạy cho nông dân theo kiểu “bắt tay chỉ việc”, song thay đổi tập quán canh tác lạc hậu vốn nằm sâu trong tiềm thức của mỗi nông dân không phải ngày một, ngày hai. Nhiều giáo viên hướng dẫn học viên sử dụng Internet để cập nhật những kiến thức mới, để nhìn ra tỉnh bạn xem những mô hình làm hay của bà con mà học hỏi. Trong những lớp học ấy có những lão nông lập email, face book để “thăm ló bạn ngó đồng người” giao lưu học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt.

Học thực tế bao giờ cũng khiến các lão nông thích thú. Học ngay tại vườn nhà của các học viên nên nhiều khi quá giờ ăn trưa mà tiếng thầy, tiếng trò vẫn rộn ràng ngoài sân. Những học trò nông dân thừa nhận, “có học có hơn”, các lão nông vỡ ra nhiều điều. Lão nông Trần Đình Thuận (Phong Điền) chia sẻ: “Khi nghe thầy giáo dặn, bác phải “tắm cho cá” tôi ngạc nhiên lắm. Ai đời đi tắm cho cá? Từ thuở cha sinh mạ đẻ tới chừ tui chưa nghe chuyện ni. Mà tắm kiểu chi? Kì cọ cá à? Nghe thầy nói là tui ưa cãi! Thầy nhẫn nại giải thích: Khi mua cá giống về thả, tắm cho cá là thả cá vào trong một bồn nước với tỉ lệ 3% muối với thời gian 15 phút, trong quá trình nuôi, nước trong ao phải thay đổi liên tục. Phòng bệnh cho cá, phải cho ăn tỏi bằng cách trộn kèm với thức ăn để phòng bệnh”. Chính những buổi học lý thú ấy khiến nhiều lão nông không muốn bỏ lớp, thậm chí, làng trên, xóm dưới có kỵ, có giỗ cũng thoái thác để đi học cho bằng được.

Áp dụng khoa học vào đồng ruộng

Ông Nguyễn Thanh Kiếm, Giám đốc Sở Lao động TB&XH cho biết: Đề án Đào tạo nghềcho lao động nông thôn của Chính phủ đã mang tính đột phá nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Qua 5 năm thực hiện công tác đào tạo nghề giai đoạn 2010 – 2015, Thừa Thiên Huế đào tạo trên 20.000 lao động. Song song với việc hỗtrợ kiến thức cho nhà nông, vốn vay cũng đã được giải ngân kịp thời, giúp lao động nông thôn phát triển nhiều mô hình hiệu quả. Trên 85% nông dân ứng dụng khoa học - kỹthuật vào thực tiễn sản xuất, đặc biệt, gần 1.300 lao động thuộc hộ nghèo đã biết tiếp cận khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, thoát nghèo bền vững.

Từ các lớp học kỹ thuật trồng trọt, nhiều lão nông đã chuyển trồng cây lương thực sang trồng hoa, trồng nấm chuyên nghiệp cho năng suất và thu nhập cao hơn hẳn. Ở các xã miền núi bà con nông dân qua các lớp học nghề đã đầu tư chuồng trại, chống rét cho gia súc, gia cầm. Một số bác nông dân có thể “ chẩn bệnh, tiêm thuốc” các bệnh thông thường cho gà vịt, heo. Họ hoàn toàn chủ động trong phòng chống dịch bệnh, gia súc, gia cầm có tỷ lệsống cao, bảo đảm năng suất và thu nhập. Hàng trăm nông dân đã đầu tư tăng đàn, mở rộng sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế.

Sau khi học xong 3 lớp tập huấn, hơn 100 nông dân ở xã Vinh Giang (Phú Lộc) xây dựng mô hình nuôi gà gia trại bằng công nghệ đệm lót sinh học. Họ vẫn tiếp tục duy trì lớp học khi sáng nào cũng gặp nhau bên bàn trà, vừa bàn chuyện áp dụng công nghệ, vừa đánh giá rút kinh nghiệm để mọi người cùng nuôi thành công. Kiến thức ở lớp học được ứng dụng vào thực tiễn khi nông dân biết xây chuồng kiên cố, rào lưới xung quanh và ủ gà con bằng bóng đèn. Tiếp đến, họ dùng sản phẩm vi sinh Balasa NO1 để huỷ phân, giảm mùi hôi và khí độc chuồng nuôi nhằm giảm tỉ lệ mắc các loại dịch bệnh, đàn gà phát triển nhanh. Anh Nguyễn Duy Thắng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vinh Giang (Phú Lộc) cho hay: “Ngày trước, người dân nuôi theo hình thức tự phát, chưa có kỹ thuật nên có khi buổi sáng mở cửa ra là thấy gà chết la liệt, vốn liếng cũng trôi theo. Thế nên, khi được thầy giáo hướng dẫn và đồng hành với bà con trong xây dựng gia trại, có khoảng 70% người dân trong xã nuôi gà theo công nghệ mới. Họ nuôi theo hình thức xen gối, bình quân mỗi gia đình có khoảng 150 - 200 con gà; đặc biệt, nhiều gia đình có tổng đàn gà lên đến 400 - 500 con.

Trong số 28 mô hình được áp dụng để đào tạo nghề cho lao động nông thôn, mô hình đào tạo nghề gắn với vùng chuyên canh và nghề truyền thống được triển khai ở xã Quảng Thành (Quảng Điền) khá hiệu quả. Hàng trăm nông dân được chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch và chếbiến rau sạch. Toàn xã đã nhân rộng trên 70 ha rau xà lách, cải bẹ, ngò tây, mồng tơi, rau dền… Nhiều hộ nông dân thu lãi từ 100 đến 150 triệu đồng/năm. Ông Nguyễn Đình Toản, người trồng rau sạch ở làng Thành Trung (xã Quảng Thành), kể: “Đất đai ở đây phì nhiêu, tơi xốp, nguồn nước dồi dào, rất thuận lợi cho phát triển mô hình trồng rau sạch. Tuy nhiên, khi chưa đi học, chúng tôi chỉ dám canh tác manh mún, chủ yếu phục vụ cho nhu cầu gia đình. Sau khi có kiến thức về kỹ thuật, bà con mạnh dạn xây dựng vùng chuyên canh, rau an toàn ở Hoá Châu. Giờ đây, rau sạch quê tôi đã có thương hiệu khi xuất hiện ở các siêu thị, chợ lớn nhỏ trong và ngoài tỉnh”.

Những lớp dạy nghề cho lao động nông thôn đã mở ra một trang mới cho những người nông dân. Không dừng lại ở những kiến thức cơ bản đã được học, nhiều lão nông tích cóp tiền bạc, có những chuyến đi thực tế, tham quan các mô hình ở tỉnh bạn đểứng dụng thích hợp vào sản xuất của địa phương mình. Xa hơn, họấp ủ sẽ “xuất ngoại’’ một chuyến để học hỏi kinh nghiệm từ nước bạn, bởi với nhiều lão nông việc học thì sá chi tuổi tác.

Bài, ảnh: Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đào tạo nội soi cho bác sĩ 5 bệnh viện khu vực miền Trung

Từ ngày 16 đến 18/4, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế phối hợp với đoàn bác sĩ của Bệnh viện Kyoto Katsura (Nhật Bản) tổ chức đợt huấn luyện nâng cao về nội soi tiêu hóa can thiệp cho các bác sĩ tại các Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện 199 Đà Nẵng và Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi.

Đào tạo nội soi cho bác sĩ 5 bệnh viện khu vực miền Trung
Nông dân Phong Điền trước yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Ngày 6/4, đoàn công tác của Trung ương Hội Nông dân (HND) Việt Nam do ông Nguyễn Tiến Cường, Quyền Trưởng Ban Kinh tế-Trung ương Hội Nông dân Việt Nam làm Trưởng đoàn có buổi làm việc với HND huyện Phong Điền và kiểm tra một số mô hình nông nghiệp trên địa bàn huyện.

Nông dân Phong Điền trước yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa
Return to top