ClockThứ Ba, 01/08/2017 06:01

Thêm cơ hội cho làng nghề

TTH - Trên 20 ngàn lao động có việc làm ổn định tại các làng nghề truyền thống, trong đó nhiều làng nghề đã có sản phẩm xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, mang lại cơ hội cho các nghệ nhân và thợ thủ công.

DNTN Thường Trực ở làng nghề Mỹ Xuyên vận chuyển nhà rường ra cung ứng cho khách hàng ở Quảng Trị, Nghệ An

Vươn xa

Với trên 700 hộ dân gắn bó với nghề mộc và điêu khắc gỗ, làng nghề truyền thống Mỹ Xuyên, xã Phong Hòa (Phong Điền) được xem là làng nghề “ăn nên làm ra”. Không dừng lại với các sản phẩm dân dụng như bàn, ghế, tủ, giường, tượng…, những năm gần đây một số hộ dân đã đầu tư vốn dự trữ gỗ sản xuất nhà rường và các sản phẩm giá trị như trường kỷ, salon.

Giám đốc DNTN Thường Trực, ông Lê Văn Trực phấn khởi: “Nghề mộc đang phát triển theo hướng bền vững và ngày càng mở rộng quy mô khi lượng khách đặt hàng lớn, thu nhập của người lao động cao. Từ đầu năm đến nay, DN sản xuất 2 nhà rường cung cấp cho khách hàng ở Quảng Trị và Nghệ An, đồng thời tiêu thụ trên 30 bộ bàn ghế, doanh số bán hàng đạt gần 5 tỷ đồng. Do số lượng khách đặt sản xuất nhà rường nhiều nên nguyên liệu trên địa bàn không đủ sản xuất, phải nhập từ Lào, Campuchia và các tỉnh Tây Nguyên”.

Trong khi, hai cơ sở sản xuất hàng mây tre đan ở xã Quảng Phú và Quảng Lợi (Quảng Điền) không thiếu nguyên liệu, song lại thiếu nguồn lao động có tay nghề phục vụ sản xuất khi đơn đặt hàng liên tục tăng và sản phẩm xuất khẩu nên đòi hỏi độ tinh xảo, kỹ thuật cao. “Bên cạnh các sản phẩm dân dụng, hiện HTX nhận các đơn hàng trang trí nội, ngoại thất cho các khách sạn, resort và khu du lịch ở Huế, Đà Nẵng và Nha Trang. Những sản phẩm đơn giản và dễ làm như hộp đựng khăn, giấy, đèn ngủ, khay trà nhưng có giá trị cao”, Giám đốc HTX Thủy Lập, ông Trần Lợi nói.

Giám đốc HTX mây tre đan Bao La-Võ Văn Dinh thông tin: “Hai năm trở lại đây HTX liên tục nhận nhiều đơn hàng xuất sang các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản nên sản phẩm làm ra không đủ để cung ứng ra thị trường. Đầu tháng 7/2017, HTX vừa ký hợp đồng cung cấp 5 ngàn sản phẩm rổ, rá, lồng bàn cho DNTN Phan Hữu Thành ở TP. Hà Nội xuất khẩu sang Trung Quốc; đồng thời nhận đơn hàng của các cơ sở du lịch ở Đà Nẵng, Quảng Nam, Đà Lạt… Từ đầu năm đến nay, HTX đạt doanh thu trên 1 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2016 và đạt mức cao nhất từ trước tới nay”.

Giám đốc Siêu thị Tứ Sơn (An Giang) Tạ Minh Sơn khẳng định: “Qua khảo sát thực tế, sản phẩm làng nghề Huế khá phong phú, đa dạng, chất lượng tốt. DN đã ký hợp đồng với các cơ sở để đưa sản phẩm vào trưng bày tại siêu thị, đồng thời xuất sang thị trường Campuchia. Trước mắt, DN lựa chọn sản phẩm mè xửng Thiên Hương, mắm và ruốc Tâm Huế, trà Đức Phượng, mây tre đan Bao La và một số hàng thủ công mỹ nghệ, sau này sẽ phát triển thêm nhiều sản phẩm làng nghề khác”.

Nâng tầm nghề truyền thống

Toàn tỉnh hiện có 88 làng nghề, trong đó có 69 làng nghề truyền thống (LNTT), 8 làng nghề tiểu thủ công nghiệp và 11 làng nghề mới du nhập với trên 2.500 cơ sở sản xuất. Trong số đó, có 2 nghề truyền thống, 10 làng nghề và 16 LNTT được UBND tỉnh công nhận là nghề và LNTT. Để bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề và LNTT, tháng 6/2017, Bộ Nông nghiệp & PTNT có quyết định phê duyệt đề cương đề án “Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2017- 2020, định hướng đến năm 2030 và bộ công cụ điều tra, khảo sát. Đề án được triển khai tại 63 tỉnh, thành trong cả nước.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp & PTNT- Trần Dực cho rằng: “Từ quyết định trên, chi cục vừa tổ chức đoàn khảo sát, đánh giá tại các xã, thị trấn của 8 huyện, thị xã nhằm thống nhất sản phẩm tiêu biểu để đăng ký danh sách. Đoàn đã tiến hành khảo sát các sản phẩm đặc trưng tại các địa phương, như mây tre đan, đệm bàng, mộc mỹ nghệ, nón lá, hoa giấy… Hiện, chi cục đang lựa chọn danh sách các sản phẩm để lập đề cương gửi Bộ Nông nghiệp & PTNT phê duyệt để có hướng hỗ trợ nhằm tạo ra những sản phẩm đặc trưng, chất lượng mang bản sắc văn hóa riêng của mỗi địa phương”.

Theo Ban chỉ đạo thực hiện chiến lược phát triển thương hiệu các sản phẩm đặc trưng tỉnh, từ nay đến năm 2020, ưu tiên xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm làng nghề ruốc Huế, trà cung đình, dầu tràm, pháp lam Huế; đăng ký bảo hộ thương hiệu ra nước ngoài đối với nhãn hiệu tập thể mè xửng Huế. Đối với các nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý đã được xác lập, tỉnh tổ chức quản lý, khai thác và phát triển tốt thương hiệu các sản phẩm đặc trưng này. Ngoài ra, UBND tỉnh khuyến khích, tạo điều kiện phát triển các nhãn hiệu tập thể ở các địa phương như nhãn hiệu tập thể gạo đỏ Quảng Điền, rau má Quảng Thọ, rượu làng Chuồn, gạo thơm Thủy Thanh, dưa hấu Vinh Lộc…, góp phần hình thành thương hiệu cho nhiều sản phẩm đặc sản, sản phẩm làng nghề.

Giám đốc Sở Công thương-Nguyễn Thanh thông tin: “Giai đoạn 2016- 2020, với tổng mức đầu tư cho chương trình khuyến công gần 145 tỷ đồng, các cơ sở công nghiệp nông thôn, làng nghề truyền thống có cơ hội để phát triển nghề, đào tạo nguồn lao động và đầu tư thiết bị tiên tiến sản xuất sản phẩm mới. Hiện, sở đang xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho thế hệ trẻ để tiếp tục tôn vinh những người thợ thủ công trở thành nghệ nhân, đồng thời hỗ trợ cho các làng nghề, cơ sở sản xuất và đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại nhằm đưa các sản phẩm làng nghề đến với nhiều thị trường trong và ngoài nước”.

Bài, ảnh: Thanh Hương

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mở ra cơ hội giao lưu nghệ thuật cho người trẻ

Là hoạt động thường niên, triển lãm mỹ thuật trẻ vừa là sân chơi, vừa là cơ hội để các họa sĩ tuổi đời dưới 45 của Thừa Thiên Huế bộc lộ tài năng, chứng tỏ hoạt động nghệ thuật của bản thân với giới chuyên môn và những người yêu “nghệ thuật của cái đẹp” Cố đô.

Mở ra cơ hội giao lưu nghệ thuật cho người trẻ
Cơ hội thu hút đầu tư nhìn từ quy hoạch tỉnh

Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch tỉnh) là nền tảng, mở ra rất nhiều dư địa để thu hút đầu tư. Từ những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, cùng với chiến lược hoàn thiện hạ tầng trong từng giai đoạn, các doanh nghiệp sẽ tìm thấy “miền đất lành” để đầu tư, phát triển.

Cơ hội thu hút đầu tư nhìn từ quy hoạch tỉnh

TIN MỚI

Return to top