Người dân thu gom rác trên đồng ruộng
Thực trạng
Quá trình kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng, vẫn còn một bộ phận người dân còn thờ ơ, chưa ý thức tác hại của việc xả thải bừa bãi chai lọ, bao bì thuốc BVTV, phân bón trên đồng ruộng. Bình bơm thuốc BVTV sau khi sử dụng được người dân súc rửa ngay trên hệ thống sông, hói, kênh rạch ảnh hưởng đến nguồn nước cấp nuôi trồng thủy sản. Rác thải, chai bia sau khi sử dụng cũng xả thải bừa bãi trên bờ đê, bờ ruộng, dưới lòng kênh, hói.
Vẫn còn một bộ phận nông dân sử dụng thuốc BVTV chưa đảm bảo yêu cầu, không tuân thủ nguyên tắc “bốn đúng”, không theo khuyến cáo của cán bộ kỹ thuật. Khi có sâu bệnh xảy ra, người dân không kiểm tra mật độ sâu bệnh thực tế trên đồng ruộng để phun thuốc phòng trừ hợp lý, còn tình trạng lạm dụng trong sử dụng thuốc BVTV. Qua kiểm tra thực tế tại nhiều địa phương, điển hình như các xã Lộc Sơn, Lộc Điền (Phú Lộc)... việc thu gom bao bì, chai lọ thuốc BVTV sau sử dụng chưa được thực hiện theo đúng quy định, gây ảnh hưởng đến tâm lý chung của nhiều người dân và nguy cơ gây ô nhiễm môi trường (ÔNMT).
Từ xét nghiệm mẫu phân bón, mẫu thuốc BVTV, các ban, ngành phát hiện một số tổ chức, cá nhân vi phạm trong kinh doanh phân bón vô cơ, thuốc BVTV không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng. Điển hình như tại xã Quảng Thọ (Quảng Điền) trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022 tiến hành kiểm tra, thanh tra 4 cơ sở đã phát hiện và xử phạt 2 cơ sở vi phạm với số tiền 4 triệu đồng (do bán thuốc BVTV hết hạn sử dụng và không đảm bảo chất lượng). Tại xã Lộc Điền (Phú Lộc) trong 9 tháng đầu năm nay tiến hành 3 cuộc kiểm tra, phát hiện 2 cơ sở kinh doanh thuốc BVTV không có giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh - Phan Xuân Nam thông tin, qua kiểm tra của các ban, ngành chức năng, tình trạng cửa hàng kinh doanh buôn bán phân bón, thuốc BVTV nhỏ lẻ theo thời vụ, không có giấy phép kinh doanh vẫn còn xảy ra ở một số nơi. Trong khi đó, hầu hết các địa phương chưa thực hiện chức năng kiểm tra đúng theo Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật năm 2013. Cán bộ chuyên môn của các xã còn lúng túng trong tham mưu, phối hợp triển khai nhiệm vụ quản lý Nhà nước về phân bón, thuốc BVTV. Việc đề xuất kế hoạch, giải pháp xây dựng bể thu gom bao bì, chai lọ thuốc BVTV tại một số nơi còn hạn chế, dẫn đến tình trạng một số địa phương quá ít bể thu gom, chưa đáp ứng yêu cầu.
Cần nhân rộng các mô hình, cách làm hay
Nông dân Nguyễn Văn Hiếu ở xã Quảng Thành (Quảng Điền) mỗi khi bón phân, phun thuốc BVTV, ông Hiếu đều chú ý thu gom chai lọ, bao bì bỏ vào bể chứa đúng quy định.
Ông Hiếu cũng như người dân địa phương được tập huấn về sử dụng phân bón, thuốc BVTV, tuân thủ nguyên tắc “bốn đúng” và mô hình “ba giảm, ba tăng”; hướng dẫn nông dân hạn chế lạm dụng thuốc BVTV, phân bón vô cơ, kết hợp từng bước nhân rộng diện tích gieo trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và hữu cơ.
Chủ tịch UBND xã Quảng Thành, ông Nguyễn Văn Khoa cho hay, từ các nguồn hỗ trợ, tại các xứ đồng trên địa bàn xã Quảng Thành đã xây dựng 120 thùng đựng rác thải, chai lọ, bao bì thuốc BVTV, phân bón. Vào cuối vụ thu hoạch, địa phương phối hợp với các HTX, hội nông dân tổ chức phát động thu gom vỏ bao bì, chai lọ thuốc BVTV trên đồng ruộng nhằm giảm thiểu nguy cơ ÔNMT, đưa đến nơi xử lý theo quy định.
Ông Phan Xuân Nam đánh giá, việc đảm bảo an toàn lao động khi sử dụng phân bón và thuốc BVTV ngày càng được nông dân quan tâm nhằm bảo vệ sức khỏe. Nhiều người khi dùng thuốc BVTV đều mặc áo mưa, đeo khẩu trang, găng tay và việc pha chế thuốc được thực hiện tại các cánh đồng, vùng sản xuất. Qua triển khai các mô hình, buổi tập huấn về sử dụng phân bón, thuốc BVTV cho thấy, người dân có xu hướng giảm mạnh sử dụng phân đơn, tăng sử dụng dòng phân chất lượng cao như phân vô cơ NPK, Kali, Ure…
Phần lớn các cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc BVTV đều đặt ở vị trí phù hợp với quy định, cơ bản đảm bảo khoảng cách an toàn cho người, vật nuôi và môi trường, có kho thuốc và trang, thiết bị phù hợp. Các cơ sở kinh doanh thuốc BVTV và phân bón đều có giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán, có ý thức chấp hành quy định. Phần lớn lượng phân bón, thuốc BVTV đều nằm trong danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam, có hạn sử dụng, không phát hiện vi phạm về nhãn mác phân bón, thuốc BVTV.
Các địa phương, hợp tác xã phối hợp với hội nông dân, đoàn thể tổ chức vệ sinh môi trường, nạo vét hệ thống kênh mương, thu gom, tập kết bao bì đựng phân bón, vỏ chai thuốc BVTV trên đồng ruộng. Đồng thời, hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc BVTV, phân bón hợp lý, tránh tình trạng khuếch tán trong không khí, hòa tan vào nguồn nước làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.
Tính đến đầu tháng 9/2022, trên địa bàn toàn tỉnh có 275 cơ sở kinh doanh phân bón được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động và 288 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc BVTV, 5 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Hàng năm, Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, buôn bán vật tư nông nghiệp. Riêng đầu năm đến nay, chi cục lấy 29 mẫu thuốc BVTV, 6 mẫu phân bón; trong đó có 6/29 mẫu thuốc BVTV không đạt, 2/6 mẫu phân bón không đạt chỉ tiêu chất lượng.
Bài, ảnh: Triều Nga