ClockThứ Hai, 28/09/2020 14:57
Xây dựng nông thôn mới ở Nam Đông:

Đột phá từ nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị

TTH - Tại buổi làm việc với huyện Nam Đông về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh: Nam Đông phải đi lên từ nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, người dân có thu nhập ổn định và từng bước nâng cao.

Thẩm định, công nhận TX. Hương Thủy hoàn thành xây dựng nông thôn mớiHơn 400 cán bộ Mặt trận tham gia tập huấn xây dựng nông thôn mớiPhát huy các tiềm năng, lợi thế để phát triển nhanh, bền vững

Người dân Nam Đông thu hoạch lúa

Lấy nông nghiệp làm mũi nhọn

Ông Huỳnh Minh Tròn, Chủ tịch UBND xã Hương Hữu cho biết, theo lộ trình, đến năm 2023, địa phương sẽ cán đích nông thôn mới (NTM). Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra, Hương Hữu cần xác định lại các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm. Trong đó, tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất và nâng cao đời sống người dân.

Với đặc thù xã đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, Hương Hữu đã, đang vận động Nhân dân đẩy mạnh thâm canh trong sản xuất, tập trung cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn mẫu theo hướng lựa chọn những cây dễ chăm sóc, ít đòi hỏi kỹ thuật và mang lại giá trị kinh tế cao như: cam, dứa, chuối, tiêu… Đồng thời, tập trung nâng cao chất lượng vườn, thực hiện mô hình kết hợp vườn với chăn nuôi thâm canh.

Nhằm hỗ trợ tối đa cho bà con, xã dự định vận động thành lập các tổ hợp tác nuôi lợn rừng lai, cá nước ngọt, sản xuất men lá truyền thống Cơ Tu và hình thành các mô hình liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản chủ lực bền vững.

Ngoài Hương Hữu, xã Thượng Long cũng  đang “loay hoay” với việc nâng cao thu nhập, phát triển sản xuất cho người dân trên địa bàn; xã Thượng Nhật tập trung xóa tiêu chí nhà tạm và phấn đấu đạt chuẩn NTM vào cuối năm nay. Đây là 3/9 xã khó khăn còn lại của Nam Đông đang nỗ lực vượt khó để đạt chuẩn NTM trong thời gian tới.

Đến nay, Nam Đông đã đạt chuẩn 8/9 tiêu chí huyện NTM, tiêu chí còn lại chưa đạt cũng là sản xuất nâng cao thu nhập. Đây được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của Nam Đông trong thời gian tới; trong đó phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng là giải pháp đột phá.

Xây dựng NTM đi đôi với giảm nghèo

Với 4ha chuyên canh trồng các loại cam (Xã Đoài, Vân Du, Sài Gòn và V2), ông Phan Gia Năm (xã Hương Hữu) là một trong những hộ dân điển hình của phong trào làm vườn của huyện Nam Đông. Năm 2019, vườn cam của ông thu hoạch hơn 12 tấn, cho thu nhập khoảng 500 triệu đồng.

Không riêng ông Năm, nhiều hộ gia đình ở Nam Đông đã thành công với cây cam và được huyện xác định là một trong những loại cây chủ lực, liên tục được mở rộng diện tích trồng. Cuối năm 2019, UBND huyện cũng đã công bố nhãn hiệu tập thể "Cam Nam Đông". Việc công bố nhãn hiệu tập thể "Cam Nam Đông" sẽ giúp người dân trong vùng dự án tăng thu nhập bền vững từ sản phẩm địa phương theo hướng sản xuất hàng hóa.

Lãnh đạo huyện Nam Đông thông tin, năm 2020 được xác định là năm trọng điểm về chỉ đạo công tác lập, chăm sóc vườn. Đến nay đã có 10/10 đơn vị cấp xã, thị trấn thành lập và kiện toàn ban chỉ đạo làm vườn. Huyện huy động các nguồn lực để xây dựng NTM và tiếp tục nâng cao số lượng, chất lượng các tiêu chí NTM.

Theo ông Trần Quốc Phụng, Chủ tịch UBND huyện Nam Đông, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Nam Đông phải đoàn kết, trách nhiệm, quyết tâm, nỗ lực cao để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XVI của Đảng bộ huyện đề ra, xây dựng huyện phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội bền vững, tiến tới đạt chuẩn NTM và có 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, trong đó từ 1 - 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Nhiệm kỳ mới, Nam Đông xác định 3 chương trình trọng điểm, gồm: Chương trình xây dựng NTM gắn với giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; chương trình phát triển đô thị và chương trình phát triển văn hóa - du lịch.

Huyện tập trung đột phá đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp; phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ, khu gia trại, trang trại tập trung. Tập trung phát triển du lịch sinh thái gắn với du lịch cộng đồng và du lịch văn hóa…

Để đạt mục tiêu đề ra, Nam Đông tập trung thực hiện tốt các chính sách đầu tư, có cơ chế ưu đãi, đặc thù để khai thác tối đa các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh của huyện, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế, xã hội. Đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ đối với các lĩnh vực sản xuất và đời sống; tập trung nguồn lực đầu tư ứng dụng khoa học - công nghệ vào các chuỗi giá trị đối với sản phẩm chủ lực, nông đặc sản, các dự án chế biến, bảo quản nông sản.

Trong đó, thực hiện các đề tài sản xuất có tính thực tiễn cao như xây dựng vườn cam giống, trồng dứa Kaien, chuối đặc sản bằng giống nuôi cấy mô, mô hình trồng rau - hoa trong nhà lưới, nhà màng..., áp dụng rộng rãi ứng dụng các chế phẩm sinh học góp phần nâng cao chất lượng và giá trị nông sản, an toàn vệ sinh thực phẩm và đảm bảo vệ môi trường.

Năm 2020, giá trị sản xuất của Nam Đông ước đạt trên 1.519 tỷ đồng, số hộ nghèo còn 329 hộ (tỷ lệ dưới 5%) và thu nhập bình quân đầu người ước đạt gần 40 triệu đồng/ năm. Nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ huyện Nam Đông phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân 8- 8,4%/năm; thu nhập bình quân đầu người 60 - 65 triệu đồng/năm; giảm 1/2 số hộ nghèo trong vòng 5 năm theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều...

Bài, ảnh: Minh Nguyên

Bí thư huyện ủy Nam Đông - Lê Thị Thu Hương: Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc

Nhiệm kỳ 2020 – 2025, Nam Đông đặt quyết tâm cao độ đưa huyện cán đích nông thôn mới (NTM). Chủ đề của Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025 được chọn là: “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của đảng bộ; phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân, quyết tâm xây dựng huyện NTM”.

Ban Thường vụ Huyện ủy cũng đã thông qua một số đề án quan trọng để định hướng, đặt nền móng cho sự phát triển của Nam Đông trong 5 năm tới và hoàn thành chủ đề của đại hội đặt ra. Trong đó, tập trung phát triển nông nghiệp toàn diện với các cây trồng chủ lực (cam, dứa, chuối, rừng gỗ lớn); đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn; tận dụng tiềm năng để phát triển nhanh và đa dạng các ngành dịch vụ, du lịch, thương mại.

Trong đó, việc huy động cả hệ thống chính trị chung tay xây dựng NTM là vô cùng quan trọng; phải xác định người dân là chủ thể và có trách nhiệm chung tay cùng các cấp chính quyền xây dựng huyện ngày càng phát triển. Điều này đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền và tổ chức chính trị xã hội phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của người dân.

Đến năm 2023, Nam Đông đặt mục tiêu đạt chuẩn huyện NTM và xác định xây dựng 2 xã NTM kiểu mẫu là Hương Xuân và Hương Phú. Với những xã đang phấn đấu đạt chuẩn NTM, huyện tiếp tục đồng hành, theo sát chỉ đạo theo phương châm “cầm tay chỉ việc”, với sự vào cuộc của các phòng chuyên môn nhằm định hướng, xác định lại hướng phát triển.

Tăng cường cán bộ về cơ sở tiếp tục được quan tâm, tạo sự đổi mới trong bộ máy chính quyền xã. Từ đó, từng bước nâng cao chất lượng và phát triển nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có phẩm chất, năng lực, trách nhiệm và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hương Xuân Nguyễn Thị Bích Ngọc: Quan trọng nhất là nâng cao thu nhập

Hương Xuân là xã mới được thành lập trên cơ sở sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, gồm: xã Hương Giang và xã Hương Hòa theo Nghị quyết số 834/NQ-UBTVQH14 ngày 17/12/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phát huy truyền thống và lợi thế xã của kinh tế mới, Hương Xuân đang trong lộ trình xây dựng xã NTM nâng cao và được huyện lựa chọn là một trong hai xã xây dựng NTM kiểu mẫu. Năm 2020, Hương Xuân phấn đấu cán đích xã NTM nâng cao và xây dựng được từ 1 - 2 thôn NTM kiểu mẫu.

Trong xây dựng NTM nâng cao, quan trọng nhất vẫn là tiêu chí thu nhập bình quân đầu người, bởi nó thể hiện rõ điều kiện kinh tế và tình hình sản xuất của địa phương. Dự kiến đến cuối năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của xã là 46 triệu đồng, tuy đã đạt chuẩn NTM nâng cao nhưng vẫn phải phấn đấu để hướng đến xã NTM kiểu mẫu.

Thời gian tới, Hương Xuân tập trung phát triển kinh tế vườn theo hướng nâng cao giá trị, đặc biệt là xây dựng các vùng chuyên canh cam theo đề án của huyện, bởi đây là cây trồng mang lại thu nhập cao, có thể làm giàu. Năm 2020, Hương Xuân có 40ha diện tích trồng cam và đang xây dựng lộ trình phấn đấu đạt 120ha vào năm 2025. Hiện nay, cam và chuối được xác định là sản phẩm OCOP của xã.

Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất bước đầu triển khai đã thu được hiệu quả, với 3 mô hình nhà lưới công nghệ cao và đang trong quá trình triển khai thêm 2 mô hình. Xã đặt mục tiêu đến năm 2025 không còn chăn nuôi xen ghép trong khu dân cư mà chuyển sang chăn nuôi trang trại tập trung.

Một số diện tích trồng lúa không hiệu quả cũng được nghiên cứu để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chú trọng phát triển hoa màu để phù hợp với điều kiện thực tế, tận dụng tối đa diện tích sản xuất để phát triển kinh tế, tránh gây lãng phí.

Minh Trang (ghi)

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Mùa hè cho em” đến với học sinh vùng cao Nam Đông

Sáng 15/5, Quỹ Sen xanh, Chi đoàn Báo Thừa Thiên Huế phối hợp với Công ty CP May xuất khẩu Huế (Hudatex Hue) và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tổ chức Chương trình “Mùa hè cho em” tại Trường tiểu học Thượng Lộ (huyện Nam Đông).

“Mùa hè cho em” đến với học sinh vùng cao Nam Đông
Tạo bứt phá cho vùng dược liệu có giá trị kinh tế cao

Đó là mục tiêu đặt ra tại hội nghị sơ kết 3 năm triển khai đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (ĐBDTTSVMN), giai đoạn I (2021-2025). Hội nghị do Bộ Y tế tổ chức trong hai ngày 14 và 15/5 tại Huế, được kết nối trực tuyến đến 63 tỉnh, thành.

Tạo bứt phá cho vùng dược liệu có giá trị kinh tế cao
Nguồn nhân lực chất lượng cao: Gỡ điểm nghẽn để phát triển

Phát triển nguồn nhân lực (NNL) chất lượng cao gắn với xây dựng các kỹ năng nghề thuộc các lĩnh vực kinh tế trọng điểm là hướng đi cần thiết của Thừa Thiên Huế trong việc thực hiện hiệu quả các đề án, chương trình, kế hoạch trên hành trình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Nguồn nhân lực chất lượng cao Gỡ điểm nghẽn để phát triển
Phát triển kinh tế nhờ hướng đi phù hợp

Chọn hướng đi phù hợp, làm giàu trên chính quê hương của mình, đó là cách những hội viên phụ nữ xã Quảng Phú (Quảng Điền) kiên trì, khẳng định bản thân mình trên con đường khởi nghiệp, phát triển kinh tế.

Phát triển kinh tế nhờ hướng đi phù hợp
“Xanh hóa” ngành vật liệu xây dựng

Sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD) là ngành công nghiệp tiêu tốn nhiều năng lượng, sử dụng nhiều tài nguyên thiên nhiên. Do đó, thúc đẩy chuyển đổi ngành sản xuất vật liệu xây dựng theo hướng “xanh hóa” sẽ đóng góp tích cực vào chuyển đổi xanh nền kinh tế, hướng đến phát triển bền vững.

“Xanh hóa” ngành vật liệu xây dựng

TIN MỚI

Return to top