ClockChủ Nhật, 22/12/2019 17:26

Nông dân đối mặt với mùa vụ khó

TTH.VN - Biến đổi khí hậu khiến thời tiết diễn biến trái quy luật, theo hướng bất lợi cho nông dân. Đến thời điểm này, lũ vẫn chưa xuất hiện và các cơ quan chức năng cho rằng, tình trạng thiếu nước sẽ xảy ra ngay trong vụ đông xuân.

Ứng phó khô hạn cho sản xuất nông nghiệpChủ động phòng chống hạn mặnBảo đảm nguồn nước trong mùa khô 2013

Nông dân xã A Đớt, huyện A Lưới đắp đập, be bờ tích trữ nguồn nước

Hạn giữa mùa đông

Chưa năm nào ở thời điểm này, huyện vùng cao A Lưới lại rơi vào tình trạng thiếu nước nghiêm trọng. Từ trước đến nay, nguồn nước vốn đã khó khăn ở vùng đất phía Tây Thừa Thiên Huế thì nay càng diễn ra trầm trọng hơn. Giữa mùa mưa nhưng mực nước ở các con sông, khe suối thấp hơn so với thông thường, thậm chí một số con khe không có nước. Ngoài ra, tầng nước ngầm tại đây còn bị sụt giảm và đang trong quá trình nghiên cứu tìm nguyên nhân.

Trồng lúa có thể không phải là thế mạnh của dân vùng cao nhưng nguồn nước ngầm, giếng đào hay tự chảy từ khe suối vốn là nhu cầu sinh hoạt, chăn nuôi của nhiều người dân ở A Lưới. “Ngoài trồng lúa, tôi còn đào ao thả cá. Nhưng năm nay, nước không đủ để thả cá. Thời điểm này đang vào thời điểm làm đất, gieo sạ nhưng trời nắng chang chang, đất đai khô cằn”, ông Hồ Văn Lom (xã A Đớt, huyện A Lưới) chia sẻ.

Sản xuất nông nghiệp ở A Lưới khó chồng thêm khó khi lãnh đạo Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện này thừa nhận, hệ thống thủy lợi tưới tiêu ở nhiều địa phương ở A Lưới đã xuống cấp, chưa được nâng cấp sửa chữa, khó đáp ứng nhu cầu của nông dân. Vụ đông xuân này, huyện A Lưới đưa vào gieo trồng hơn 1.000 ha lúa.

Trong cuộc khảo sát về tình hình chuẩn bị cho vụ mùa mới ở A Lưới mới đây, ông Hồ Đắc Thọ, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh thông tin: “Năm 2020 sẽ là năm rất khó khăn đối với nông dân hai huyện vùng cao A Lưới và Nam Đông. Hai địa phương này chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của hạn hán. Tình trạng thiếu nước khiến những cây trồng ở vùng cao sẽ chậm phát triển trong mùa vụ sắp tới”.

Không chỉ vùng cao, tại các địa phương vùng đồng bằng, nông dân cũng đang thấp thỏm lo âu. Hiện, người trồng lúa đang trong giai đoạn làm đất, một số diện tích đã gieo sạ nhưng thiếu nước vẫn đang là vấn đề nan giải. Vụ đông xuân 2018-2019, tình trạng thiếu nước cũng đã diễn ra ở nhiều địa phương, khiến nhiều diện tích lúa bị cháy, năng suất giảm đáng kể. Vụ mùa này thời tiết còn khắc nghiệt hơn nên nông dân chuẩn bị tâm thế đối diện với khả năng mất mùa. “Với nông dân, không xuất hiện lũ nghĩa là vụ mùa năm sau khó khăn. Vụ này ngoài thiếu nước, nhiều khả năng sẽ xuất hiện sâu bệnh dẫn đến năng suất sẽ không bằng với những năm trước”, ông Nguyễn Văn Quang (xã Thủy Tân, thị xã Hương Thủy) chia sẻ.

Nông dân toàn tỉnh đang tất bật cho vụ mùa mới

Tiết kiệm nước, phòng ngừa sâu bệnh

Dự kiến, gần 29.000 ha lúa toàn tỉnh sẽ được đưa vào gieo trồng trong vụ đông xuân 2019 – 2020. Để chủ động ứng phó với hạn hán, chính quyền các địa phương đang tập trung tuyên truyền, áp dụng các biện pháp kỹ thuật để nông dân tích nước. Ông Nguyễn Văn Thông, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Lộc cho biết, ngoài thông tin rộng rãi về tình hình thời tiết trên các phương tiện truyền thông, địa phương này còn cắt cử các cán bộ kỹ thuật về cơ sở nắm tình hình, hướng dẫn các phương pháp ứng phó hạn hán. “Nông dân ở các địa phương đang chuẩn bị cho vụ đông xuân 2019-2020. Chúng tôi xác định vấn đề nước tưới là quan trọng trong vụ mùa này, do vậy đã chỉ đạo các địa phương hướng dẫn người dân các phương pháp tưới tiết kiệm, đắp đập, be bờ để tích nước. Đồng thời, áp dụng các biện pháp kỹ thuật vào sản xuất, ông Thông nói.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, với diễn biến thời tiết như hiện nay, ngoài hai huyện vùng cao A Lưới, Nam Đông, nông dân các địa phương vùng gò đồi như Hương Bình, Hương Thọ, Hồng Tiến (Hương Trà), Dương Hòa, Phú Sơn (Hương Thủy) sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. “Hiện nay vẫn chưa có giống lúa chịu hạn nên chúng tôi đã khuyến cáo người dân chuẩn bị tâm thế đối mặt với thiếu nước tưới trong vụ đông xuân và hè thu sắp tới. Trong quá trình làm đất cần tích trữ nguồn nước. Ngoài ra cần tận dụng tất cả các nguồn nước sẵn có”, ông Hồ Đắc Thọ, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh nói.

Ngoài thiếu nước, ông Thọ cho rằng, trong vụ mùa này nông dân phải đối mặt với nhiều loại sâu bệnh và sự phá hoại của chuột, ốc bưu vàng, cá rô phi. “Theo dự báo, đầu năm 2020 sẽ có một đợt rét, kèm theo mưa  và có thể xuất hiện lũ muộn. Mặc dù điều này giúp nông dân có thêm nguồn nước nhưng việc mưa xuất hiện trong giai đoạn lúa làm đòng sẽ gây ra ngập úng, thiệt hại cho nông dân. Đồng thời, ốc bưu vàng và cá rô phi sẽ tận dụng nguồn nước sinh sôi, gây hại lúa. Đối với những diện tích ở vùng ven biển, nguy cơ xâm nhập mặn sẽ rất cao”, ông Thọ cho biết.

Để bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn, UBND tỉnh đã có Chỉ thị yêu cầu các địa phương trong toàn tỉnh xây dựng kế hoạch phòng chống hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn với các kịch bản về nguồn nước có khả năng xảy ra để kịp thời triển khai các giải pháp phù hợp, giảm đến mức tối thiểu thiệt hại, ổn định sản xuất và đời sống của Nhân dân trên địa bàn.

Bài, ảnh: L.Thọ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Phải tự vươn lên”

“Tôi luôn dặn lòng mình phải nỗ lực để tự vươn lên, bởi chẳng ai có thể giúp đỡ mình mãi ngoài chính bản thân mình”, đó là điều ông Lê Quý (ngụ ở thôn Mong B, xã Phú Gia, huyện Phú Vang) luôn dặn bản thân khi đối mặt với những biến cố trong đời, để có cuộc sống tốt đẹp.

“Phải tự vươn lên”
“Sống khỏe” bằng nghề

Khi giới thiệu về Nguyễn Văn Minh Phồn cùng cơ sở sản xuất đồ nhựa nội thất của anh, chị Hà Thị Thanh Thủy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Mậu (TP. Huế) cho biết, đây là gương sáng trong sản xuất, kinh doanh giỏi, đào tạo nghề, tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều lao động trên địa bàn.

“Sống khỏe” bằng nghề
Anh Ngữ vượt khó thành công

Dù gặp khó do thị lực yếu, nhưng anh Nguyễn Văn Ngữ (xã Hương Phong, TP. Huế) vẫn tạo lập nên cơ ngơi khang trang nhờ hướng đi mới, đó là sản xuất các loại phân hữu cơ cung ứng cho thị trường.

Anh Ngữ vượt khó thành công
“Hậu phương” vững chắc của vị đại tướng nông dân

Ngoài mảnh đất Niêm Phò - nơi lưu giữ những những ký ức về tuổi thơ thì mảnh đất Nam Dương thuộc xã Quảng Vinh, huyện Quảng Điền là một phần không thể thiếu trong những năm tháng tuổi trẻ đầy nhiệt huyết của chàng thanh niên Nguyễn Vịnh. Và chính tại làng quê này, anh đã gặp và thầm cảm mến cô gái dịu hiền, thùy mị với đôi mắt đen thông minh có tên là Nguyễn Thị Cúc - người sau này đã trở thành người vợ thủy chung, “hậu phương” vững chắc cùng gắn bó bên nhau qua mọi gian khó, thăng trầm với người chồng của mình - Nguyễn Vịnh (sau này Đại tướng Nguyễn Chí Thanh).

“Hậu phương” vững chắc của vị đại tướng nông dân
Return to top