ClockThứ Năm, 01/03/2018 05:46

Rau xanh rớt giá

TTH - Sau Tết Nguyên đán, giá rau xanh giảm mạnh khiến người trồng rau khó khăn.

Sơn Thủy hướng đến vùng sản xuất rau sạchVinh Thanh sản xuất rau an toàn“Giải cứu” rau VietGAPMậu Tài nhân rộng mô hình trồng rauRau trái vụ Điền Lộc

 Người trồng rau tại xã Quảng Thành gặp khó khi giá rau rớt mạnh

Xã Quảng Thành (huyện Quảng Điền) là một trong những địa phương có vùng chuyên canh trồng rau an toàn quy mô lớn. Trồng rau mang lại thu nhập khoảng 350 triệu đồng/ha/năm. Trong dịp Tết Nguyên đán, khí hậu thuận lợi để rau sinh trưởng nên sản lượng khá cao. Song, khác với mọi năm, sau Tết Nguyên đán đến nay, giá rau bất ngờ giảm sâu khiến thu nhập của người trồng rau giảm sút nghiêm trọng.

Bà Nguyễn Thị Hoa (thôn Thành Trung, xã Quảng Thành) trồng 2 sào rau, thông thường mỗi sào mang lại thu nhập khoảng 15 triệu đồng/vụ. Bà Hoa cho biết: “Từ sau tết đến nay, giá rau rớt mạnh. Xà lách giá chỉ còn 2.000 đồng/kg, các loại rau khác có giá mấy chục nghìn/kg nhưng nay chỉ còn từ 5-7 nghìn đồng/kg. Dù giá rẻ nhưng thương lái vẫn chưa đến hỏi mua. Bán lẻ ở các chợ cũng ế ẩm”.

Xà lách là một trong những loại rau rớt giá mạnh

Tại một số vùng trồng rau khác như xã Điền Lộc, Điền Hòa (huyện Phong Điền), Hương Xuân (thị xã Hương Trà)… tình trạng rau xanh rớt giá cũng khiến người dân gặp khó. Bà Nguyễn Thị An (xã Điền Hòa) chia sẻ: “Dù trời thuận nhưng giá thấp khiến thu nhập vụ rau này giảm đến 2/3. Trong tết giá còn cao nhưng hiện nay giá giảm rất mạnh. Tiểu thương cũng không mặn mà lấy hàng vì khó bán”.

Cần nắm bắt nhu cầu của thị trường

Để tạo nguồn rau có khả năng cạnh tranh về giá, đạt hiệu quả cao, với các mô hình trồng rau an toàn tại các địa phương, cơ quan chức năng khuyến cáo nông dân cần tuân thủ đúng quy trình và thời vụ; tăng cường áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào sản xuất... Để sản xuất bền vững, người nông dân cần chủ động tuân thủ quy trình được các cơ quan chức năng hướng dẫn. Nông dân cần nắm bắt nhu cầu của thị trường để chủ động đầu ra cho sản phẩm.

Tại Thừa Thiên Huế, hàng năm, rau xanh được nhập từ các tỉnh phía Nam với số lượng khá lớn. Điều này, làm đa dạng hóa sản phẩm, nhưng kéo theo thị trường rau trong tỉnh cũng bị ảnh hưởng đáng kể. “Tui thường lấy rau xanh tại chợ đầu mối về bán lại. Ngoài lấy rau của người dân trong tỉnh trồng, tui còn chọn mua các loại rau của các tỉnh khác như Quảng Nam, Quảng Ngãi... Giá rau hiện nay ở mức thấp. Nếu trước và trong tết, xà lách 25.000 đồng/kg thì nay chỉ còn chưa tới 10.000 đồng/kg; mướp đắng cũng giảm xuống chỉ còn 25.000 đồng/kg thay vì 100.000 đồng/kg trong tết; giá cải mua tại xe cũng chỉ 7.000 đồng/kg”, một tiểu thương tại chợ Trường An (TP. Huế) cho biết.

Ông Hoàng Vọng, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền nhìn nhận, giá rau giảm sâu bởi nguồn cung dồi dào trong khi nhu cầu tiêu thụ sau tết không lớn. “Toàn huyện Quảng Điền trồng khoảng 80ha rau xanh các loại; tập trung ở xã Quảng Thành, Quảng Thọ… Thời gian gần đây, khí hậu thuận lợi nên sản lượng khá cao. Cùng chung với thị trường cả nước, giá rau xanh trên địa bàn tỉnh giảm đáng kể. Việc rau giảm giá sau tết là do cung vượt cầu và có sự cạnh tranh của rau được nhập từ các tỉnh, thành khác. Điều này cũng từng xảy ra vào năm 2015, khi đó, giá xà lách thậm chí giảm xuống chỉ còn 500 đồng/kg. Hiện nay, chi phí đầu tư để trồng rau là tương đối thấp nhưng đối với những hộ kinh tế phụ thuộc hoàn toàn vào rau xanh thì quả thực gặp nhiều khó khăn”, ông Vọng nói.

Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT), toàn tỉnh hiện có khoảng 1.000 ha rau các loại. Thời gian qua, có nhiều mô hình trồng rau hiệu quả với sự đầu tư và được tổ chức thực hiện bài bản, như trồng ném ở Điền Hương, Điền Môn (huyện Phong Điền), trồng hành lá ở Hương Chữ (thị xã Hương Trà), trồng rau an toàn ở xã Quảng Thành...

Ông Cái Văn Thám, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho rằng: “Giá rau có biến động là do nhu cầu của thị trường. Thông thường, khi thời tiết thuận lợi, sản lượng tăng thì giá lại thấp, điều này cũng khiến cho người trồng rau bị thiệt thòi”.

Bài, ảnh: Lê Thọ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tổ phụ nữ liên kết trồng rau an toàn

Từ phong trào nhỏ của chị em một chi hội phụ nữ tại xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc, mô hình liên kết trồng rau sạch đã tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều hội viên và góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn huyện.

Tổ phụ nữ liên kết trồng rau an toàn
Rau má rớt giá: “Bỏ thì thương, vương thì nặng"

Trồng rau má đã trở thành nguồn thu nhập chính cho hàng trăm hộ dân ở xã Quảng Thọ (huyện Quảng Điền). Thế nhưng gần đây rau má đang bị rớt giá nặng cộng với đầu ra không ổn định làm nhiều nông dân khó khăn.

Rau má rớt giá “Bỏ thì thương, vương thì nặng
Return to top