ClockThứ Năm, 01/06/2023 13:00

Quản lý rừng bằng flycam

TTH - Là cách mà Đồng Nai và một số địa phương đã làm và cho thấy hiệu quả. Thừa Thiên Huế cũng có thể áp dụng để quản lý và bảo vệ rừng tốt hơn.

Bảo vệ rừng thông mùa nắng nóngKhông chủ quan với bảo vệ rừng dịp lễThay đổi cách bảo vệ rừng

leftcenterrightdel
 Vườn Quốc gia Bạch Mã có hệ sinh thái đa dạng, phong phú cần được bảo vệ nghiêm ngặt

Nhờ thiết bị flycam trong theo dõi, quản lý rừng mà Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai đã phát hiện hơn 1.000 điểm cháy. Từ đó đã kịp thời có các biện pháp xử lý, khống chế. Ngoài ra, việc bảo vệ động vật hoang dã, sớm phát hiện các trường hợp săn bắt trái phép để có biện pháp bảo vệ, xử lý cũng hiệu quả hơn.

Ở huyện Đạ Tẻh (Lâm Đồng) cũng nhờ ứng dụng thiết bị flycam trong quản lý, bảo vệ rừng đã giúp hạn chế các vụ cháy rừng xảy ra hàng năm.

Một lợi ích khác nữa không thể không nhắc đến khi quản lý rừng bằng thiết bị bay flycam là giúp giải phóng sức lao động cho kiểm lâm, nhất là ở những khu vực hiểm trở đi lại khó khăn. Có một số địa bàn rừng núi nếu để đi đến nơi kiểm tra, nắm tình hình có khi cán bộ kiểm lâm mất cả ngày thì chỉ với thiết bị flycam sẽ rút chỉ cần vài chục phút quay, chụp ảnh lại. Hơn nữa, độ bao quát của thiết bị cũng rộng hơn nên giúp kiểm lâm viên nắm địa bàn, tình hình về rừng, động vật hoang dã tốt hơn.

Thừa Thiên Huế là địa phương có diện tích rừng khá lớn. Hiện, toàn tỉnh có hơn 305.560ha đất rừng. Trong đó, rừng tự nhiên hơn 205.602ha, rừng trồng đã thành rừng hơn 77.148ha, còn lại là diện tích đã trồng nhưng chưa thành rừng 22.809ha. Tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 57,15%. Ngoài ra, Thừa Thiên Huế cũng có hệ thực vật đa dạng phong phú cùng nhiều loại động vật hoang dã, quý hiếm nằm trong Sách đỏ cần được bảo vệ nghiêm ngặt; có Vườn Quốc gia Bạch Mã gần như giữ được nét nguyên sơ. Do vậy, yêu cầu đặt ra về việc bảo vệ, giữ rừng, giữ đất, giữ hệ sinh thái Bạch Mã… rất quan trọng.

Ngành kiểm lâm đã có nhiều nỗ lực trong việc quản lý, bảo vệ rừng. Tuy nhiên, vì diện tích rộng, lực lượng cán bộ kiểm lâm mỏng, thiết bị chuyên dụng chưa nhiều… nên nhiều năm qua vẫn còn xảy ra tình trạng săn bắt động vật hoang dã trái phép, chặt phá rừng, khai thác gỗ trái phép, đốt rừng, cháy rừng…

Chỉ riêng năm 2022, lực lượng kiểm lâm toàn tỉnh bắt giữ và xử lý 289 vụ khai thác, vận chuyển gỗ trái phép, tịch thu 127,695m3 gỗ các loại. Ngoài ra, lực lượng kiểm lâm phối hợp với các chủ rừng tổ chức nhiều đợt truy quét, phát hiện 148 vụ vi phạm, tịch thu hơn 20m3 gỗ, 8 máy cưa xăng, tháo dỡ 53 lán trại và 4.656 bẫy động vật rừng… Dù vậy, vẫn còn những vụ việc mà lực lượng kiểm lâm chưa phát hiện, chưa quán xuyến được.

Đơn cử như vụ khai thác gỗ rừng trái phép xảy ra tại xã Thượng Quảng (Nam Đông) gần đây, khi mà lán trại được dựng lên khá lâu, chứng tỏ “lâm tặc” đã ăn ở đó thời gian dài, rồi dùng cưa máy đốn, xẻ cây, dùng trâu chở ra khỏi rừng… nhưng vẫn không bị phát hiện cho đến khi báo chí, truyền thông vào cuộc mới bắt đầu điều tra, xử lý.

Do vậy, quản lý rừng bằng flycam là cần thiết để giám sát, bảo vệ rừng tốt hơn. Hơn nữa thiết bị này cũng không tốn quá nhiều kinh phí. Một bộ thiết bị flycam dao động từ vài triệu đến vài chục triệu đồng, tùy loại. Một đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng chỉ cần trang bị 1-2 thiết bị là có thể đáp ứng nhu cầu công việc.

Theo một cán bộ làm trong ngành kiểm lâm, nếu sử dụng flycam sẽ còn thuận tiện rất nhiều trong việc phát hiện và xử lý cháy rừng. Lâu nay, việc phát hiện cháy rừng chủ yếu từ khói, hướng gió và phải mất rất nhiều thời gian để xác định được địa điểm cháy cụ thể rồi mới định hướng được đường nào nhanh nhất để tiếp cận, dập tắt đám cháy. Với thiết bị bay flycam việc này sẽ dễ dàng, thuận tiện hơn rất nhiều, nhất là đang mùa cao điểm nắng nóng, dễ xảy ra cháy rừng như hiện nay. 

Bài, ảnh: Hồng Tâm
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lượng khí thải carbon từ cháy rừng toàn cầu tăng 60% trong 20 năm

Tờ Bloomberg ngày hôm nay (18/10) có bài viết cho hay, lượng khí thải carbon dioxide (CO2) từ các vụ cháy rừng đã tăng 60% trên toàn cầu kể từ năm 2001, trong bối cảnh ngày càng có nhiều đám cháy lớn hơn bùng phát ở những khu vực nóng lên nhanh chóng bên ngoài vùng nhiệt đới.

Lượng khí thải carbon từ cháy rừng toàn cầu tăng 60 trong 20 năm

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top