Lực lượng kiểm lâm bắt giữ gỗ rừng khai thác, vận chuyển trái phép
Ba vụ trong 5 ngày
Đêm 10/5, trong quá trình thực thi công vụ tại địa bàn đường Hồ Chí Minh, xã Hồng Kim, Hạt Kiểm lâm (HKL) huyện A Lưới đã kiểm tra xe ô tô mang biển kiểm soát số 53L 8876, do tài xế A Kiêm Hiêm (trú tại thôn Diên Mai, xã A Ngo) điều khiển chạy từ hướng xã Trung Sơn vào thị trấn A Lưới. Qua kiểm tra trên xe có 18 phách gỗ gáo, phò lái không có hồ sơ nguồn gốc lâm sản hợp pháp. HKL huyện A Lưới đã yêu cầu tài xế đưa phương tiện và tang vật về HKL tiếp tục điều tra, xử lý.
Trước đó, ngày 8/5, nhận được tin báo của người dân tại địa bàn đường Tam Thai, HKL TP. Huế tổ chức kiểm tra ô tô mang biển kiểm soát 75B 0049, do lái xe Hà Văn Thắng, trú tại thôn Tam Hiệp, xã Bình Thành (TX. Hương Trà) điều khiển. Qua kiểm tra, trên xe có 8 phách gỗ xẻ, gồm dầu, chủa với khối lượng 1,011m3 không có giấy tờ hợp pháp. HKL TP. Huế đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với lái xe, đưa phương tiện cùng tang vật về HKL tiếp tục xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật.
Trước đó, ngày 6/5, Phòng Thanh tra - Pháp chế phối hợp với Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng số 1 thuộc HKL huyện Nam Đông tổ chức kiểm tra khu vực xã Thượng Quảng. Quá trình tuần tra đã phát hiện và bắt giữ 11 phách gỗ kiền, dỗi với khối lượng 0,826m3 do ông Lê Công Mạnh, trú tại thôn 5, xã Thượng Quảng tàng trữ lâm sản trái phép. Sau khi điều tra, xác minh, HKL huyện Nam Đông đã quyết định xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng và tịch thu 11 phách gỗ nói trên nhập kho nhà nước…
Đây là lần đầu tiên trong nhiều năm, chỉ trong vòng 5 ngày, lực lượng kiểm lâm đã liên tục phát hiện và bắt giữ đến ba vụ vi phạm, cho thấy hoạt động khai thác, vận chuyển gỗ rừng trái phép đang diễn biến phức tạp. Điều đáng mừng, trong số các vụ được phát hiện có sự tham gia phối hợp, thông tin từ quần chúng Nhân dân. Điều này cho thấy, ý thức người dân có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR).
Phát huy trách nhiệm của chủ rừng
Các đội kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng thuộc các HKL phối hợp tổ chức nhiều đợt tuần tra, truy quét đột xuất tại rừng. Các đợt tuần tra, kiểm tra, trực gác trên các tuyến đường cũng được tăng cường hơn nhằm kịp thời ngăn chặn tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép... Tuy nhiên, các hoạt động khai thác, vận chuyển gỗ rừng trái phép ngày càng tinh vi, manh động, khiến công tác QLBVR gặp nhiều khó khăn, khó ngăn chặn triệt để.
Hạt trưởng HKL huyện A Lưới, ông Lê Nhân Đức thông tin, ngoài sự manh động, tinh vi của lâm tặc, lực lượng kiểm lâm mỏng, phần lớn hoạt động kiêm nhiệm, không đảm bảo bố trí kiểm lâm địa bàn chuyên trách là trở lực lớn trong công tác QLBVR. Vai trò quản lý nhà nước và trách nhiệm của các chủ rừng về QLBVR tại một số địa phương còn nhiều hạn chế. Đời sống một bộ phận người dân còn nhiều khó khăn, không có việc làm, nghề nghiệp ổn định nên chủ yếu sống dựa vào rừng. Trong khi các đối tượng vi phạm thường cố tình trốn tránh, chây ỳ, không hợp tác trong công tác điều tra, xử lý...
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, ông Nguyễn Đại Anh Tuấn cho rằng, trong điều kiện khó khăn như hiện nay, không có cách nào khác ngoài nâng cao vai trò, trách nhiệm của các chủ rừng trong QLBVR; lực lượng kiểm lâm, tích cực bám cơ sở, địa bàn, thường xuyên tuần tra, kiểm soát tại rừng và các điểm nóng nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời hành vi khai thác, vận chuyển gỗ rừng trái phép. Chính quyền cơ sở cần phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước về lâm nghiệp một cách bài bản, trách nhiệm; có cơ chế, chính sách hỗ trợ các hộ phát triển sinh kế, ổn định cuộc sống, hạn chế dựa vào rừng.
Quá trình thanh tra, kiểm tra công tác quản lý tài nguyên rừng của các chủ rừng cần xem xét trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện trách nhiệm nếu để xảy ra phá rừng do đơn vị quản lý. Ngành kiểm lâm phối hợp với công an tiến hành điều tra, xử lý nghiêm các vụ vi phạm về phá rừng, lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp phức tạp, kéo dài đảm bảo đủ sức răn đe, giáo dục, phòng ngừa vi phạm.
Đối với lực lượng kiểm lâm, tăng cường hơn nữa việc ứng dụng công nghệ thông tin trong QLBVR, đặc biệt công nghệ ảnh viễn thám, máy tính bảng, các phần mềm cảnh báo sớm về các vụ vi phạm cũng như cháy rừng...
Năm 2019, lực lượng kiểm lâm đã bắt giữ và xử lý 575 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, tịch thu 547,7m3 gỗ các loại (tăng 44 vụ, 17m3 gỗ so với năm trước). Từ đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn đã phát hiện, bắt giữ khoảng 150 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp.
Bài, ảnh: Hoàng Triều